Chết cười chuyện dịch tên phim

Cập nhật lúc 07:13, 20/11/2010 (GMT+7)

“Cánh đồng bất tận” dịch tiếng Anh là “Endless Fields”. Tên này theo tôi vừa sát nghĩa, vừa hay. Vừa Việt Nam, vừa giữ chất mênh mông của tác giả Nguyễn Ngọc Tư thể hiện. Vậy nên khi tôi xem poster phim với tên dịch tiếng Anh là “Floating Lives” tôi thấy lạ.

>> "Cánh đồng bất tận" xuất khẩu sang Mỹ

floating1.jpg
Tựa tiến Anh của "Cánh đồng bất tận" là “Floating Lives”.

“Floating Lives” nghe giống tên phim tài liệu kể về sự hình thành của con vịt. Tên nghe khoa học nhưng không văn chương, không sắc sảo. Theo tôi, đó chỉ là tên “cố gắng sắc sảo” mà sự cố gắng ấy bị lộ, câu chữ đẫm mồ hôi.

Các bạn thừa biết tính tôi hơi ông già, và ông già này không thích.

Tôi nghĩ vấn đề xuất phát từ cách dịch tên phim nước ngoài sang tiếng Việt. Dịch một thành một không được. Như thế người phiên dịch không có cơ hội để thể hiện. Mà cháu phiên dịch không “thể hiện” là ông sếp không gửi tiền. “Tôi không thuê anh mở laptop tra từ điển đâu, anh dịch lại đi!”

“Mà phải dịch kiểu.. kiểu đẹp chứ!”

Thế nên các nhà phiên dịch ít dịch tên phim theo ý nghĩa. “Cánh đồng bất tận” không thành “Endless Fields”, “Red” không thành “Sắc đỏ”.

Họ cũng ít dịch theo cảm giác. Cảm giác khi nghe khẩu ngữ “Whip it” trong tiếng Anh giống cảm giác khi nghe khẩu ngữ “Máu lên nào!” trong tiếng Việt (hoặc một cụm từ tiếng lóng nào đó tôi chưa biết). Nhưng ít ai đủ can đảm dịch theo cách đó.

Người ta chủ yếu viết lại theo nội dung phim. Phim “Whip it” kể về một cô gái tuổi teen nổi loạn. “Vậy chúng ta sẽ đặt tên phim là “Teen Girl nổi loạn!”, phim “Red” kể về chuyện CIA tái xuất, vậy là “…”, phim Happy Feet kể về vũ điệu chim cánh cụt, vậy là “…”, phim Ratatouille kể về một chú chuột đầu bếp, vậy là “…”, phim “The Collector” kể về một Sát nhân máu lạnh, vậy là “…”

Cách dịch đó có vấn đề. Tôi không đồng ý với những người nói: “Để tên phim ‘Sắc đỏ’ là không được bởi vì sẽ không có ai hiểu phim đó là phim gì. Khán giả phải biết họ đang mua vé xem phim kiểu gì chứ!”

Tóm lại, khán giả cần tên phim cầm tay họ, dẫn họ đi qua đường.

Khán giả Mỹ đọc tên phim “Red” đâu có hiểu gì về nội dung phim ấy đâu. Không có người Mỹ nào đọc tên “Red” đoán ngay đó là phim kể về chuyện “CIA tái xuất!” (tên phim trong tiếng Việt). Ở Mỹ “Red” là “Đỏ”, cũng như ở Việt Nam! Khán giả Mỹ phải nghiên cứu trước (hay xem phim xong) mới hiểu vì sao người ta đặt tên như vậy.

Vấn đề càng rõ nét hơn nếu lấy tên phim Việt Nam mang chút trừu tượng, chọn tên tiếng Anh dựa trên nội dung, rồi dịch lại sang tiếng Việt.

Ví dụ, tên phim “Cải ơi” sẽ trở thành “Old man looks for child”, rồi là “Ông già đi tìm con”. “Bao giờ cho đến tháng mười” sẽ thành “Giấu tin chồng mất”. “Đẹp từng Centimet” sẽ thành “Chàng trai chụp nuy!”. “Để Mai Tính” sẽ thành “Tôi có ông sếp là Gay!”

Tôi đoán rằng người Việt Nam không thích các tác phẩm điện ảnh của mình bị dịch một cách “abc” như vậy. Khán giả Việt Nam quá quen với cách đặt tên phim trừu tượng – không tóm tắt lại nội dung mà tạo cảm giác phù hợp với nội dung. Nghe tên “Bao giờ cho đến tháng mười” người Việt đâu có đoán được nội dung phim? (Phim tên gì? “Bao giờ cho đến tháng mười” hả? Ồ, chắc đó là phim về một ông chồng chết trong chiến tranh và một người chị cố gắng giấu tin để ông bố không đau lòng quá! Đoán ngay mà!)

Khán giả Việt Nam tỉnh táo không kém gì khán giả các nước khác. Không cần tên phim cầm tay.

Tôi thấy trước đây người ta dịch tên phim nước ngoài hay hơn, gần với ý nghĩa và cảm giác hơn. Ví dụ, phim “The Godfather” dịch thành “Bố già” tôi thấy khá chuẩn, hay. Đó là cách dịch vừa rất Việt Nam vừa giữ được tính chất của tên gốc. Tôi cảm giác nếu “The Godfather” mới ra rạp vào hôm qua người ta đã dịch tên “Trùm mafia sa lưới”.

Trước khi dịch “Cánh đồng bất tận” thành “Floating Lives” tôi không biết người ta đã hỏi ý kiến của chị Nguyễn Ngọc Tư hay không. Biết đâu chị ấy đồng ý và thấy hay – nhưng tôi hình dung cảnh một anh chàng mặc com-lê đen, tóc nhiều gel đến nhà của chị ấy ở Cà Mau, mở laptop cho chị ấy xem poster có tên tiếng Anh là “Floating Lives”.

“Ôi sao anh chọn tên đó vậy?”, chị Tư hỏi anh mặc com-lê đen.

“Đó là tên tiếng Anh rất hay chị ạ. Nó vừa cho khán giả nước ngoài biết rõ hơn về nội dung phim, vừa tạo cảm giác chới với như trong truyện chị viết ấy!”

Chị Tư vừa cau mày vừa cười lịch sự.

“Yên tâm”, anh com-lê nhẹ nhàng để tay lên vai chị Tư.

“Tôi có bằng Marketing”
  • Theo Joe

Các tin khác