Ngô Mỹ Uyên: "Dư luận quá khắt khe, quá đáng..."
- "Khi anh Sâm đã quyết định thông dịch cho câu đầu tiên thì Uyên không thể "nhảy vô" để thông dịch tiếp", MC lễ trao giải VNIFF 2010 nói.
Ngô Ngạn Tổ và diễn viên Tăng Thanh Hà tại sân khấu lễ bế mạc VNIFF 2010 tại HN. Ảnh: Nguyễn Hoàng |
- Mấy ngày qua chị có theo dõi những phản hồi của dư luận xung quanh phần ngẫu hứng dịch sai của MC Lại Văn Sâm trong lễ bế mạc LHPQT VN 2010 (VNIFF)? Chị có thấy dư luận hơi quá đáng khi quay sang chỉ trích anh ấy quá nặng trong khi chưa tìm hiểu rõ sự việc?
- Đúng vậy, dư luận quá khắt khe, quá đáng khi chỉ trích anh Sâm như vậy. Anh Sâm đã làm đúng công việc của anh và cứu vãn tình thế cho chương trình. Không phải tất cả mọi người khi đánh giá sự việc đều có mặt tại buổi lễ hôm đó và sự nhìn nhận cũng không chính xác.
- Là người cùng đứng trên sân khấu với tư cách MC của lễ bế mạc VNIFF, chị đánh giá việc MC Lại Văn Sâm xử lý tình huống dịch "chữa cháy" cho diễn viên Ngô Ngạn Tổ thế nào?
- Trong lĩnh vực biểu diễn, khó có thể đánh giá công việc cụ thể của từng người. Uyên là người làm việc không nhiều trong lĩnh vực MC như anh Sâm nên càng không thể có lời đánh giá gì. Anh Sâm xử lý tình huống rất tốt và Uyên thì luôn học hỏi ở anh Sâm hay những bạn dẫn MC khác mà Uyên làm việc chung về việc xử lý tình huống sân khấu. Nhất là trong một tình huống là trực tiếp trên truyền hình thì xử lý nhanh như anh Sâm là điều cần thiết.
Đối với Uyên, trong tình huống này Uyên có thể sẽ có cách xử lý khác nhưng tiến độ sẽ chậm hơn. Đó là Uyên sẽ lên tiếng mời người thông dịch ra sân khấu để thông dịch. Nhưng Uyên tôn trọng quyết định của anh Sâm khi anh cố gắng làm tốt nhiệm vụ MC và anh đã làm đúng.
- Có khán giả cho rằng người đáng trách là chị vì chị là người thành thạo tiếng Anh, sống nhiều năm ở Mỹ, làm MC của không ít sự kiện lớn trong và ngoài nước trong đó có cả Oscar Party nhưng chị lại không hề có phản ứng gì khi phiên dịch cho diễn viên Ngô Ngạn Tổ gặp sự cố. Chị nói gì về điều này?
- Khi anh Sâm đã quyết định thông dịch cho câu đầu tiên thì Uyên không thể "nhảy vô" để thông dịch tiếp. Hai người sẽ dịch khác nhau và càng làm cho tình hình xấu hơn nữa, nhất là khi người kiêm thông dịch viên cho phần này cũng nhảy vô dịch nữa. Uyên từng làm việc trong nhiều môi trường khác nhau trên thế giới và nhận thấy MC phải quyết đoán và rõ ràng, như vậy sẽ không làm cho khán giả đang có mặt trong thời điểm đó cảm thấy phân vân.
- Nhiều người cho rằng đáng lẽ ra với tư cách là MC phụ trách phần tiếng Anh trong lễ trao giải VNIFF, chị phải đứng ra dịch toàn bộ nội dung tiếng Anh của sự kiện đó chứ không chỉ đọc văn bản nhưng chị đã không làm điều đó dù có khả năng tiếng Anh cực tốt. Lý do vì sao vậy?
- Phân công phần nói tiếng Anh là do bên đạo diễn và ban tổ chức giao cho Uyên. Và khi nhận việc, Uyên cũng đã làm việc hết mình, chuẩn bị tốt nhất trong khả năng của Uyên. Uyên được biết rằng phần tiếng Việt phải được kiểm duyệt thật kỹ và toàn bộ kịch bản được đưa qua Bộ ngoại giao để dịch ra tiếng Anh.
Nhiệm vụ của Uyên là đọc lại theo nội dung đã được duyệt trên sân khấu. Từ lúc đó Uyên hiểu rằng mình không thể muốn nói gì cũng được hay dịch tiếng Anh theo ý mình. Khi lên sóng trực tiếp, Uyên được dặn dò rất kỹ là dù chương trình có diễn ra theo kiểu gì đi nữa thì nhiệm vụ của MC phải chạy theo đúng kịch bản đã có.
Suốt 1 tuần qua, Ngô Mỹ Uyên và Lại Văn Sâm là hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất sau sự cố không đáng có trong lễ trao giải VNIFF 2010. Ảnh: Lương Trần |
- Trong cuộc sống, dù ở bất cứ ngành nghề nào, mọi người đều có quyền tự do nói lên ý kiến của họ. Uyên không trách cứ ai hay cảm thấy bị xúc phạm khi có nhiều ý kiến về mình. Ngược lại Uyên thấy càng có nhiều ý kiến góp ý, phê bình thì lại càng tốt. Từ đó Uyên có thể nhìn nhận sự việc, học hỏi, rút kinh nghiệm.
Chia sẻ một chút về khả năng ngoại ngữ. Uyên làm việc ở nước ngoài vài năm nhưng chưa bao giờ nhìn nhận khả năng ngoại ngữ của mình tốt như người bản xứ. Uyên biết điều đó khó khăn như thế nào trong ngành giải trí. Uyên còn nhớ những năm đầu khi làm việc ở Mỹ, Uyên đã bị từ chối nhiều show trên TV vì phát âm tiếng Anh không giống người bản xứ và không rõ. Vì thế Uyên phải đi học một khoá đặc biệt về phát âm chuẩn cho TV và Radio. Khi học, Uyên được biết rằng kể cả người Mỹ họ cũng phải học cách phát âm cho chuẩn khi nói trên TV và Radio.
Vì vậy khi đọc phần tiếng Anh cho hai đêm khai mạc và bế mạc LHP, Uyên phải tập đọc và cố gắng phát âm thật chuẩn, lưu loát và chính xác với cường độ tập trung nhất. Khi có kịch bản bằng tiếng Anh, Uyên đã phải điện thoại cho thầy của Uyên bên Mỹ để hỏi cách phát âm cho thật chuẩn những từ ngữ mà Uyên gặp khó khăn khi đọc.
- Với chị, việc dịch câu nói của diễn viên Ngô Ngạn Tổ hay bất cứ người nước ngoài nào trong đêm bế mạc LHP là điều quá đơn giản. Tuy nhiên chị không làm điều đó vì chị đã tuân thủ nguyên tắc làm việc bên Mỹ là chỉ làm việc mình được phân công? Khi được mời làm MC, chị được đạo diễn giao nhiệm vụ gì?
- Chính xác là Uyên cũng quen kiểu làm việc bên nước ngoài là khi đạo diễn phân công nhiệm vụ thế nào thì Uyên làm việc thế đó. Uyên được biết là trong đêm bế mạc LHP có bố trí những thông dịch viên tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa và tiếng Hàn Quốc để dịch cho phần phát biểu của những người trao giải nên đã không tập trung đến phần này.
Phần của Uyên là đọc toàn bộ chương trình bằng tiếng Anh theo kịch bản. Và kịch bản lúc nào cũng đưa đến giờ chót vì còn phải chỉnh sửa thứ tự, người lên phát biểu, người lên trao giải và từng giây từng phút cho khớp với thời gian quy định của sóng truyền hình. Làm việc với bất cứ đạo diễn nào Uyên cũng tuân thủ nguyên tắc nghe và truyền đạt hết mình theo chỉ đạo. Đây vừa là ưu, vừa là khuyết điểm của Uyên.
-
Hoàng Vy