Khúc khải hoàn cho dàn nhạc đầu tiên của ASEAN

Cập nhật lúc 07:48, 29/10/2010 (GMT+7)

 - Gần 100 nhạc công đến từ 10 quốc gia Châu Á đã chơi tốt hơn cả kì vọng, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Yoshikazu Fukumura

-- Việt Nam ghi dấu ấn lịch sử tại ASEAN 2010

Sau 2 giờ tổng duyệt ngay từ buổi chiều ngày 28/10, vào lúc 20h00 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, dàn nhạc ASEAN đầu tiên gồm 84 nghệ sĩ đến từ 10 quốc gia Châu Á đã có buổi hòa nhạc đầu tiên tại Thủ đô chào mừng ASEAN 2010, và cũng là buổi hòa nhạc chào đón sự thành lập của chính dàn nhạc giao hưởng này, để minh chứng cho sự thịnh vượng chung và sự hợp tác sâu rộng về âm nhạc tại khu vực Châu Á

IMG_2960.jpg
Dàn nhạc đầu tiên của 10 quốc gia - ASEAN Symphony Orchestra 2010

Academic Festival, bản Overture dài 10 phút của nhà soạn nhạc Johannes Brahms mở màn cho buổi hòa nhạc lịch sử là một sự lựa chọn gần như hoàn hảo. Nhạc trưởng người Nhật đã sử dụng một tác phẩm nổi tiếng nhưng không quá quen thuộc ở khu vực Châu Á, hơn nữa tác phẩm của Brahms thể hiện được tinh thần của chủ nghĩa lãng mạn nhưng lại xen lẫn tính triết học trữ tính rất đặc trưng.

Là sự dung hòa mềm mại giữa tính khúc triết của Bach và những hình tượng âm nhạc hoành tráng và bạo liệt theo tinh thần Beethoven, Academic Festival còn có những nốt nhạc tươi vui và rực rỡ với đoạn kết rất thăng hoa - có sự tham gia của đầy đủ toàn bộ nhạc cụ trên dàn nhạc, làm nên sự tỏa sáng cần thiết cho bất cứ một tác phẩm mở đầu nào.

IMG_2948.JPG
Bộ hơi của dàn nhạc

Cũng là một lựa chọn thông minh khác khi ông Yoshikazu Fukumura đưa vào chương trình khúc phóng túng Carmen (Carmen Fantasy) đã khá quen thuộc, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những người ít nghe nhạc cổ điển cảm thấy gần gũi hơn với chương trình. Violinist 18 tuổi đến từ Thái Lan Anna Sowanna đã phô diễn một nền tảng kĩ thuật chắc chắn và có nội lực - như nghệ sĩ Bùi Công Duy đã nhận xét "một cô gái rất có tố chất và tài năng"

IMG_2995.jpg
Anna Sowanna (18 tuổi) - với tác phẩm Carmen Fantasy. Đây là lần đầu tiên Anna chơi tác phẩm này

Nguyễn Tuấn Mạnh - piano solo của Việt Nam chơi tác phẩm Concerto cung Pha thứ của nhà soạn nhạc người Đức C. M. von Weber. Đây cũng là một tác phẩm quen thuộc đã từng được Mạnh chơi trong Chương trình hòa nhạc "The New Concert" dưới sự chỉ huy của chính ông Y. Fukumura cùng Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện TP.HCM hồi tháng 3/2010. Trong khuôn khổ đêm hòa nhạc đầu tiên của dàn nhạc ASEAN, Nguyễn Tuấn Mạnh đã chơi đầy xúc cảm sau một Anna Sowanna gây ấn tượng bởi sự tinh tế trong những nốt nhạc và vẻ trong sáng dịu dàng khi biểu diễn.

IMG_3095.jpg
Nguyễn Tuấn Mạnh đã tạo được ấn tượng tốt trong lần xuất hiện đầu tiên tại Nhà Hát Lớn

Sau giờ nghỉ, dàn nhạc tiếp tục được thể hiện sự thống nhất về kỹ thuật và toàn vẹn về tinh thần qua một tác phẩm lớn - Giao hưởng "Từ thế giới mới" của Dvorak. Đây từ lâu đã được xem như một bản giao hưởng đại diện cho tính đa dân tộc, sự giao lưu, dịch chuyển và đổi mới. Nhưng ở trong 4 chương của bản giao hưởng này cũng chứa đựng nỗi nhớ da điết về quê hương, về dân tộc và niềm hứng khởi trước nền văn hóa của một thế giới đang rộng mở.

Về mặt hình thức, tác phẩm hoàn toàn nằm trong truyền thống châu Âu với chương mở đầu ở hình thức sonata, một chương largo được xen vào những đoạn bùng nổ không ngừng, một chương scherzo với các phần trio điền viên và một chương kết sôi nổi hân hoan. Đây cũng là bản giao hưởng nổi tiếng nhất của nhà soạn nhạc trường phái ấn tượng thế kỉ  thứ 19 này. Dàn nhạc ASEAN chơi dày dặn, đều và nhịp nhàng như đã tập luyện cùng nhau nhiều năm. Đặc biệt chương 2 rất êm ái, giàu xúc cảm và sức tưởng tượng với dàn violon thể hiện hoàn toàn tốt những hình thái này. Với giai điệu chậm, bản nhạc không hề gây ’buồn ngủ’ như cảm giác thường thấy khi gặp các dàn nhạc chơi không tốt - mà lần này, toàn bộ khán giả đã chăm chú dõi theo từng nốt nhạc nhỏ, ngay cả khi chỉ duy nhất hai hoặc ba violin đang thể hiện trên sân khấu.

IMG_2946.jpg
Bừng sáng với "Từ thế giới mới" của Dvorak

Khán giả của đêm hòa nhạc ASEAN là những khán giả mà bất cứ nghệ sĩ cổ điển nào cũng đều khao khát. Họ trật tự, nghiêm túc và lắng nghe không một tiếng động, với cảm xúc đi theo giai điệu rất rõ nét.  Không khí ngày càng chăm chú hơn, sâu lắng hơn qua mỗi phần, mỗi chương. Chỉ một phút "quên" sau chương 2 của giao hưởng "Thế giới mới" khán giả mới vỗ tay do phần biểu diễn xuất sắc của cả dàn nhạc (Giữa các chương trong một tác phẩm cổ điển không nên vỗ tay - sẽ làm gián đoạn không khí, tinh thần của tác phẩm đó - PV).

Sự giao thoa của trường phái ấn tượng và trường phái lãng mạn trong phần mở đầu và kết thúc của buổi hòa nhạc đã khiến chuơng trình trở nên đa dạng và phong phú. Rõ ràng với triển vọng trong sự thành công  ngoài mong đợi của đêm diễn, ASEAN đã cho thấy khả năng tập hợp được một dàn nhạc chuyên nghiệp, có thể mang lại vẻ đẹp của âm nhạc, sự đồng điệu và hòa hợp, có sức mạnh thật sự khiến toàn bộ khán phòng im lặng và bị cuốn theo. Sự công nhận đến từ chính khán giả này sẽ là một dấu ấn quan trọng cho sự phát triển của "sức mạnh cổ điển" đến từ Châu Á trong một tương lai không xa.
  • Bài và ảnh: Hồ Hương Giang

Các tin khác