- Chỉ còn 4 ngày nữa chương trình Hòa nhạc "Điều còn mãi" 2010 với chủ đề Ngàn năm Thăng Long sẽ bắt đầu tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội. Tuy mới bước vào năm thứ 2 nhưng "Điều còn mãi" đã để lại nhiều dấu ấn và được công chúng hào hứng chờ đợi. Những người làm chương trình xin giới thiệu lại diễn biến chương trình "Điều còn mãi" 2009 để bạn đọc tiện theo dõi.
Lời nhắn nhủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi trong phiến ngọc gửi những người tổ chức chương trình “Điều còn mãi” là mong “Tình yêu Tổ quốc vang vọng mãi trong lòng và cổ vũ hành động của mỗi người Việt Nam ta” đã kết tinh trong buổi hòa nhạc và để lại rất nhiều dấu ấn trong lòng khán giả.
Hợp xướng Du kích Sông Thao mở đầu chương trình. |
“Đã lâu lắm chúng tôi mới được nghe một chương trình hòa nhạc sạch và tuyệt vời” là chia sẻ của nhiều khán giả khi tấm màn nhung khép lại buổi hòa nhạc VietNamNet 2009 “Điều còn mãi”.
Trong lưu bút của mình, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan ghi: “Cảm ơn VietNamNet đã tổ chức buổi hòa nhạc tuyệt vời ngợi ca sự nghiệp cách mạng và hồn dân tộc Việt Nam”.
Nhà thơ Việt Phương, cố vấn của BTC viết: “Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 và Quốc khánh 2/9/1945 là sự mở đầu và đặt nền móng cho mọi chiến công và thành đạt của dân tộc Việt Nam ta". Sau chương trình này ông mong “những buổi hòa nhạc “Điều còn mãi” hàng năm sẽ luôn xứng đáng là những giai điệu tinh túy của tình yêu Tổ quốc Việt Nam”.
Khán giả và nghệ sĩ đã trở thành những người tri âm trong buổi hòa nhạc. |
Đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển kinh tế, nhạc giải trí được công chúng trẻ đón nhận như một nhu cầu tự thân, đã đôi lúc người ta lầm tưởng đó là dòng nhạc chủ lưu trong đời sống âm nhạc hiện nay. Nhưng qua buổi hòa nhạc này, có thể thấy dòng nhạc bác học, nghiêm túc, được tổ chức trang trọng và đẳng cấp đã cân bằng lại các giá trị, giành lại vị trí xứng đáng trong công chúng.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên để lại lưu bút: “Ngày nào tôi cũng xem VietNamNet, hôm nay lại được nghe nhạc do VietNamNet tổ chức, tôi rất vui. Chúc cho hoạt động này trở thành một truyền thống văn hóa, để các nhạc sĩ chúng tôi có nơi lui tới cho thêm yêu cuộc sống”.
Thành công của “Điều còn mãi” trước hết thuộc về các nghệ sĩ. Đánh giá cao những đóng góp này, TBT báo điện tử VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Tổ chức chương trình đã gọi các nghệ sĩ là “những người sáng tạo thứ hai của âm nhạc”.
Các nghệ sĩ Quang Thọ, Đức Tuấn, Khánh Linh, Mỹ Linh, Tân Nhàn, Phó An My, Bùi Công Duy… và nhiều nghệ sĩ khác đã có những màn biểu diễn xuất thần trong cảm hứng lịch sử và nghệ thuật hòa quyện.
Trong hành lang tầng hai của Nhà hát Lớn, nhà văn Đỗ Chu chia sẻ: “Nghe Đức Tuấn hát Người về đem tới ngày vui, tôi thấy vơi đi nỗi nhớ anh Trần Khánh; nghe Mỹ Linh hát Người Hà Nội tôi thấy bớt nhớ giọng hát của chị Lê Dung. Những buổi hòa nhạc sang trọng, chững chạc thế này sẽ làm cho lớp trẻ hôm nay thêm hiểu, thêm yêu lý tưởng cách mạng".
Ca sĩ Đức Tuấn thăng hoa với ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch |
Gặp lại ca sĩ Đức Tuấn sau buổi biểu diễn, anh xúc động cho biết: “Tôi không biết mô tả cảm xúc của mình như thế nào nhưng có một điều chắc chắn là nó rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ chưa bao giờ tôi tham gia một chương trình giống như vậy. Cũng chính vì chưa biểu diễn trong một chương trình nào như thế phục vụ khán giả Thủ đô nên cảm giác háo hức hơn bình thường.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi thể hiện ca khúc Người về đem tới ngày vui, nhưng tham gia chương trình hoà nhạc này là một kinh nghiệm đặc biệt với tôi, vì tôi chưa hát với dàn nhạc giao hưởng bao giờ. Tôi cảm thấy có một cái gì đó giống như thử thách vì tôi biết khán giả Hà Nội chưa quen với cách thể hiện các ca khúc của tôi. Nếu nói là phá cách thì không phải vì tôi có cách thể hiện của riêng mình nhưng vẫn hoàn toàn tôn trọng khán giả cũng như tinh thần của bài hát”.
Còn NSND Quang Thọ đã thể hiện ca khúc Bình Trị Thiên khói lửa bằng nội lực 30 năm ca hát của mình. Mái tóc đã điểm bạc, nhưng khi ông cất lên tiếng hát, người nghe như được gặp lại một Quang Thọ trẻ trung, sâu lắng và hùng tráng.
NSND Quang Thọ đặc biệt xúc cảm với ca khúc Bình Trị Thiên khói lửa. |
Sau buổi hòa nhạc, ông nhớ lại: “Ca khúc Bình Trị Thiên khói lửa gợi lại tất cả những kỷ niệm tôi đã trải qua trong cuộc đời ca hát của mình. Mỗi lần thể hiện ca khúc này tôi lại nhớ đến những hình ảnh cũng như không khí sôi sục của chiến trường Bình Trị Thiên mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã mô tả lại trong lời bài hát. Tôi may mắn được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương nhận là con đỡ đầu. Ông đã nói với tôi rất nhiều về những điều ông suy nghĩ vào thời điểm năm 1948, khi ông viết nên ca khúc này và điều đó đã thấm sâu trong tôi.
Đứng trên sân khấu Nhà hát Lớn trong giờ phút thiêng liêng như chiều 2/9, khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập không chỉ riêng tôi mà rất nhiều nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong chương trình hoà nhạc VietNamNet đều cảm thấy xúc động. Khi hát ca khúc Bình Trị Thiên khói lửa vào thời khắc đặc biệt này, tôi cũng tự đặt mình vào trong không khí lịch sử của dân tộc".
Nếu ca sĩ Vũ Dậu đã để lại những dấu ấn da diết trong lòng khán giả một thời với bài hát Mẹ yêu con, thì hôm nay, con gái bà, ca sĩ Khánh Linh đã thể hiện ca khúc ấy đặc biệt xúc động, như một sự tiếp nối của thế hệ.
Ca sĩ Khánh Linh thể hiện rất thành công bài hát Mẹ yêu con mà trước kia mẹ chị - ca sĩ Vũ Dậu từng hát. |
“Khi thể hiện ca khúc Mẹ yêu con, tôi có cảm xúc rất giản dị vì đó là bài hát ru có rất nhiều ý nghĩa. Thường ngày tôi vẫn hát ru con mình bằng ca khúc này. Do vậy khi biểu diễn, tôi cảm thấy rất tự nhiên và gần gũi. Cảm giác đặc biệt hơn khi biểu diễn trong một khán phòng lớn vào đúng ngày lễ trọng đại của đất nước. Vì tôi cũng đã làm mẹ nên khi hát ca khúc này, tôi cũng cảm thấy xúc động.
Bản thân bài hát đã nói lên tất cả. Đó không chỉ là tình yêu của người mẹ dành cho con, mà còn là tình yêu dành cho đất nước. Giai điệu của bài hát hết sức dung dị, vì thế nó ăn sâu vào tâm trí của tất cả mọi người".
Vất vả chạy đôn chạy đáo với vai trò giám đốc nghệ thuật của chương trình, đến khi buổi biểu diễn khai màn, nhạc sĩ Dương Thụ mới có phút giây thư giãn trên hàng ghế khán giả. Ông rất xúc động khi chứng kiến nhiều khán giả vừa nghe các nghệ sĩ biểu diễn vừa khóc, và chính ông cũng rơi nước mắt. Ông đã nói ngắn gọn với ca sĩ Khánh Linh: “Cháu hát hay hơn mẹ rồi đó…”
Thật khó có thể liệt kê đầy đủ đóng góp của những người tổ chức chương trình. Thành công của buổi biểu diễn có sự tham gia nhiệt tâm, hết mình của các nhân sĩ, trí thức, các nhạc sĩ, nghệ sĩ Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, đài truyền hình hình kỹ thuật số VTC, tạp chí Xưa và Nay, các nhà tài trợ… và rất nhiều người khác.
Chúng ta đã có một chương trình hòa nhạc riêng, tổ chức hàng năm, một lần duy nhất vào lúc 2h chiều ngày Quốc khánh 2/9 tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội. Một đĩa DVD chương trình hòa nhạc và một tập sách kỷ yếu về sự kiện Hòa nhạc VietNamNet 2009 "Điều còn mãi" sẽ ra mắt khán giả trong thời gian tới. Sau lần tổ chức đầu tiên này, chương trình sang năm sẽ được khởi động từ tháng 11 năm nay.
-
Bích Hạnh - Việt Khôi
Ảnh: Lê Anh Dũng