- Những năm 90 của thế kỷ trước, Nguyễn Xuân Huy được coi là hiện tượng của làng nhạc giao hưởng khi là người Việt trẻ tuổi nhất, chơi lâu năm nhất cho dàn nhạc giao hưởng Thế kỷ của công nương Diana.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Anh đang chuẩn bị tích cực cho buổi hòa nhạc “Điều còn mãi” diễn ra vào 2/9 sắp tới do báo VietNamNet tổ chức. Bên bàn trà, Xuân Huy đốt thuốc liên tục, lim dim đôi mắt cận và kể những câu chuyện thú vị về cuộc đời học nhạc và đi biểu diễn violon.
Tài không đợi tuổi
Nguyễn Xuân Huy ngày còn tập vĩ cầm ở Việt Nam |
Xuân Huy học đàn violon từ năm 8 tuổi. 9 tuổi vào Nhạc viện Hà Nội. Huy được thừa hưởng truyền thống nhạc của gia đình khi cụ thân sinh Nguyễn Bảo Đoàn – người gốc Trung Quốc từng học nhạc tại Thượng Hải.
Năm 1985, khi 13 tuổi, Huy cùng các bạn là Đỗ Phượng Như, Dương Minh Chính dưới sự hướng dẫn của GS. Nguyễn Bích Ngọc - trưởng đoàn Việt Nam sang Ba Lan dự cuộc thi Tài năng vĩ cầm trẻ. Tại cuộc thi này, Huy vượt qua 2 vòng đầu và đứng thứ 16 trong tổng số hơn 100 thí sinh dự thi.
Tuy nhiên, vinh dự đến với đoàn Việt Nam khi Xuân Huy là thí sinh ngoài top 15 đoạt giải phụ: chơi Teleman (Tiền cổ điển) hay nhất.
Biết tin đoàn violon Việt Nam có thí sinh lọt sâu vào vòng trong và đạt giải phụ danh giá, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đó đang có chuyến công tác và chữa mắt tại Liên Xô đã mời 4 thầy trò sang Matxcơva chơi. Thủ tướng đã dành một ngày để trò chuyện với đoàn. Thủ tướng dặn: “Các cháu hãy phát huy tài năng để mang những danh hiệu khác về cho âm nhạc Việt Nam”.
Sau đó, vào năm 1986, tại Nhà Hát Lớn, Nguyễn Xuân Huy lại là người đầu tiên ở lứa tuổi nhỏ trình diễn xuất sắc concerto thể loại lớn nhất của đàn violon với dàn nhạc Nhạc viện Hà Nội do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chỉ huy.
Tiếp nối những thành công trên, năm 1988, Xuân Huy đỗ thủ khoa khoa Violinist của Nhạc viện Hà Nội và nhận được học bổng du học tại Liên Xô. Như vậy, ước mơ được học nhạc tại châu Âu mà Huy ấp ủ đã thành hiện thực.
Xuân Huy (ngoài cùng bên trái) tại Matxcơva năm 1985 |
Qua kỳ sát hạch đầu tiên, Huy được một thầy giáo từng là học trò cưng của David Oistrahk (một trong 5 người chơi violon hay nhất thế giới đầu thế kỷ 20) trực tiếp giảng dạy. Về lịch học, Huy vẫn phải tuân thủ chương trình tại trường Trung cấp âm nhạc Gnesiny nhưng anh được đặc cách học âm nhạc trình độ đại học. Cuối kỳ, anh không phải thi chuyên môn nhạc mà luôn được các thầy chấm sẵn điểm cao nhất là 5.
Năm 1990, khi 18 tuổi, Xuân Huy được các giáo sư giới thiệu thi vào dàn nhạc giao hưởng Century do công nương Diana tài trợ để có cơ hội đi biểu diễn trên thế giới. Huy đã vượt qua hàng trăm thí sinh để lọt vào top 15 người cuối cùng của dàn nhạc. Từ ấy, sau nhiều năm học âm nhạc phương Tây, Huy đã đi diễn khắp châu Âu, châu Mỹ, châu Á…
Và một tài năng tỏa sáng
Năm 1991, biến cố xảy ra ở Đông Âu, Liên Xô tan rã, những lưu học sinh như Huy bị cắt học bổng và phải tự tìm việc làm thêm để trang trải chuyện học hành. Những năm trước, với khoản học bổng 90 rúp tiêu cũng tạm đủ trong một tháng, nhưng thời điểm sau năm 1991, 90 rúp chỉ mua nổi cây thuốc lá Marlboro.
Gia đình Xuân Huy đều làm nghệ thuật, em gái Xuân Huy là đại kiện tướng dancesport thế giới - Khánh Thi. Bố của Xuân Huy từng là cây violon nổi tiếng cùng mẹ Phạm Thị Đông – theo nghề thanh nhạc. |
Trong khi đó, sự đào thải của dàn nhạc Century cực kỳ khắc nghiệt. Mỗi năm, dàn nhạc có vài đợt tuyển người mới để thay thế người cũ chơi kém hoặc không còn tâm huyết với dàn nhạc. Đứng trước hai con đường, một là về nước, hai là ở lại dàn nhạc để đi biểu diễn kiếm sống, Huy đã tập luyện ngày đêm và vượt qua hơn 20 cuộc sát hạch trong 8 năm từ 1990 – 1997 của dàn nhạc Century để trụ lại thành công.
Sau khi học xong trung cấp violon vào năm 1992, Xuân Huy không đủ tiền đóng học phí để học tiếp đại học lúc đó là 7000 USD/năm nên đành gác lại ước mơ và đi dạy võ kiếm tiền.
Suốt năm 1993 không học hành, Huy chỉ đi biểu diễn với dàn nhạc Century và dạy võ Vịnh Xuân quyền tại kí túc xá của trường Đường sắt. Sau một năm, Huy kiếm được đủ số tiền đóng học phí và quyết định đi thi vào Nhạc viện Tchaikovsky. Huy đỗ với điểm ưu và tiếp tục cuộc hành trình chinh phục ước mơ.
Ngày 31/8/1997, trong chuyến bay từ Moscow sang Sydney Opera House – Australia để biểu diễn, dàn nhạc Century nhận được tin sốc, công nương Diana tử nạn. Dàn nhạc mất đi người tài trợ chính, đồng nghĩa với việc, những người nghệ sỹ không còn nguồn thu nhập. Cũng lúc ấy, Huy nhận được tin từ Việt Nam, cụ thân sinh của mình mắc bệnh hiểm nghèo.
Dàn nhạc đứng trước nguy cơ giải tán nhưng vẫn để một ghế trống chờ đợi Xuân Huy trở lại sau khi anh về nước. Huy tâm sự: “Đây có thể là một sự ưu ái lớn với riêng cá nhân tôi vì dàn nhạc nổi tiếng khắc nghiệt trong khâu tuyển chọn nhưng vẫn chờ đợi một cậu sinh viên từ Việt Nam”.
Huy về nước với bao bề bộn lo âu chuyện “cơm áo gạo tiền”. Anh quyết định ở lại Việt Nam, không sang Liên bang Nga nữa. Anh tìm cho mình hướng đi riêng, làm đàn. Vốn khéo tay và sẵn kiến thức về violon nên Huy đã sản xuất ra rất nhiều cây đàn có chất lượng, được các nghệ sĩ nổi tiếng ở châu Âu và Việt Nam đặt mua. Và hiện tại, anh đang say sưa dạy đàn cho gần 10 em nhỏ tại nhà.
13 năm đã trôi qua, Xuân Huy vẫn lặng lẽ đi trên con đường riêng của bản thân mình. Trên con đường ấy, người ta vẫn gọi anh là “nghệ sỹ vĩ cầm”. Nhưng mấy ai biết được, anh đã từng dùng “quả đấm” để nuôi âm nhạc.
- Đức Chính