- Làn điệu chèo Tàu ở xã Tân Hội (Đan Phượng - Hà Nội) cứ 25 năm mới mở hội một lần từ ngày rằm đến 23 tháng Giêng âm lịch. Sau gần một thế kỷ bị lãng quên, năm hội gần nhất đã diễn ra cách nay 12 năm và sắp tới chèo Tàu vinh dự biểu diễn tại Đại lễ 1000 năm.
Đậm đà nét dân gian
Tên gốc của loại hình diễn xướng dân gian này là hát tàu tượng vì để biểu diễn người dân đóng những con voi và thuyền khổng lồ bằng gỗ. Người tham gia diễn xướng được phân vào các vai chúa tàu, cái tàu (người chỉ huy tàu), con tàu, quản tượng. Dân gian quen gọi là chèo Tàu tổng Gối.
Việc khôi phục hội hát chèo Tàu tổng Gối bắt đầu từ những năm 1960 do Viện Nghiên cứu âm nhạc (Bộ Văn hóa trước đây) tổ chức với hình thức sưu tầm điền dã.
Ông Đông Sinh Nhật – phó chủ nhiệm câu lạc bộ chèo Tàu Tân Hội có hơn 20 năm nghiên cứu, cho rằng: Chèo Tàu duy nhất hát được trong khuôn viên lăng Văn Sơn và đền Voi Phục – tương truyền là nền nhà ở của Thành hoàng làng Văn Dĩ Thành.
Mặt bằng lễ hội được định hình bởi những chức sắc trong làng. Các cụ cho xây một đại môn to phục vụ cho quan lại cấp phủ ra vào. Bên cạnh là có 4 tiểu môn dành cho chức sắc 4 thôn thuộc tổng Gối: Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ và Phan Long.
Ngoài khu lăng mộ biểu diễn chèo Tàu còn có nhà tiền tế, nhà đại bái, hậu cung và 4 ngọn đại kỳ ở 4 góc chỉ thị cho 4 thôn tọa liệt tại lễ hội. Theo ông Nhật thì sân khấu ngày xưa rất tráng lệ, công phu nên giờ đây không thể phục dựng nguyên bản.
Việc tuyển chọn người phục vụ cho hội hát hết sức công phu. Bốn làng phải chọn ra được một mẹ chiêu quân (chúa Tàu) có tuổi từ 50-60 và phải là người có uy tín, đức hạnh, sắc đẹp mặn mà. Ngoài ra, mỗi làng phải chọn ra hai cái tàu và mười con Tàu tuổi từ 13-16 có khuôn mặt thanh tú, trắng trong. Bốn làng còn có 50 cô gái xinh đẹp và 200 hàng đô (nam giới) để phục vụ việc khiêng kiệu, cầm cờ, rước lọng, đánh trống…
Suốt 7 ngày hội chính, ngày nào cũng thể hiện tuần tự những thủ tục dâng tế, diễn xướng, hát giao duyên. Trước tiên, sau 3 bài tuần rượu, 3 bài chúc Thánh, các ca nhi phường 4 thôn quỳ trước lăng tẩm hát lệ trình trong nhã nhạc trống chiêng, phách nhịp. Khi hát xong vào lăng dâng hương rồi mới được ra lên thuyền rồng để hát. Phần hai là hát trạo ca. Cuối cùng là hát giao duyên đến tận đêm thâu.
Tôn vinh người phụ nữ
Ông Nhật vẫn đang nghiên cứu một giả thuyết: Ngày xưa, khi việc giao thông trên sông nước nhiều thì những người Hát Dô bên Quốc Oai, bên kia sông Hồng là miền đất Tổ hát xoan, mạn sông Đuống là “thủ phủ” của quan họ hội tụ tại tổng Gối và sáng tạo nên làn điệu dân ca này.
“Chèo Tàu tiếp thu tinh hoa, cái hay của mỗi vùng để tạo nên được nét riêng. Nét riêng phảng phất nét chung các vùng miền. Chúng ta cảm thấy chèo Tàu giống làn điệu nào đó nhưng nghe kỹ không giống làn điệu nào” – ông Nhật phân tích.
Nhưng có một điều thú vị là làn điệu dân ca này chỉ có nữ hát, không có nam hát. Lần giở các câu chuyện truyền miệng, ông Nhật lý giải: Sở dĩ chèo Tàu “kén nữ” là vì muốn tôn vinh người phụ nữ vốn xưa nay đảm đang, tần tảo. Chồng đi đánh giặc xa thì ở nhà cáng đáng chuyện nhà cửa, nuôi con, chăm sóc bố mẹ chồng.
Dân Tân Hội vẫn tự hào một tích xưa cho rằng thời Hai Bà Trưng những năm chống quân xâm lược nhà Hán, kéo quân qua tổng Gối chiêu mộ binh lính, rèn mài binh đao, xây dựng chiến tuyến để đứng lên khởi nghĩa. Trong lúc nghỉ ngơi, quân tướng của Hai Bà thường múa hát. Sau này ngưỡng mộ công lao và để tưởng nhớ đến Hai Bà, nhân dân đã đặt ra lệ hát múa chèo Tàu.
Lễ hội chèo Tàu đã bước qua khỏi rào cản “trọng nam khinh nữ” để phản ánh ý thức hệ của người vùng Gối tôn vinh người phụ nữ. Dù không trực tiếp tham gia vào bộ máy của xã hội nhưng người phụ nữ đóng vai trên một sân khấu lớn để khẳng định phụ nữ có quyền tham dự chuyện đại sự quốc gia.
-
Đức Chính