- Đúng 14h ngày 02/09/2010, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, chương trình định kỳ hàng năm Hòa nhạc VietNamNet “Điều còn mãi” mở màn. Để bạn đọc hiểu thêm về chương trình này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Dương Thụ, giám đốc nghệ thuật đồng thời là người biên tập Hòa nhạc VietNamNet-VTV “Điều còn mãi” 2010.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Một hồi ức âm nhạc về Hà Nội, với những giai điệu bi tráng, trữ tình của nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam sẽ giúp cho chúng ta sống lại những năm tháng hào hùng và gian khổ của Hà Nội và khám phá ra vẻ đẹp tâm hồn của người Hà Nội hôm nay. Một chút lịch sử Hà Nội bằng âm nhạc. Một tình yêu Hà Nội mãnh liệt và sâu sắc. Một tuyển chọn nhỏ những bản nhạc đàn và bài hát của những nhạc sĩ là người Hà Nội hoặc đã từng sống và gắn bó với Hà Nội. Để bạn đọc hiểu thêm về chương trình này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Dương Thụ, giám đốc nghệ thuật đồng thời là người biên tập Hòa nhạc VietNamNet-VTV “Điều còn mãi” 2010.
Nhạc sĩ Dương Thụ
Thưa ông, trong chương trình Hòa nhạc VietNamNet-VTV “Điều còn mãi” 2010 , với chủ đề 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, có một số tác phẩm có vẻ không dính dáng đến Hà Nội vì sao ông lại đưa vào?
- Hà Nội không chỉ của người Hà Nội. Và Hà Nội cũng không nhất thiết ở cái tên Hà Nội, ở những địa danh thân thuộc của Hà Nội mà nó còn nằm ở thần thái, cách cảm cách nghĩ và ở cả những sáng tác không phải về Hà Nội của nhạc sĩ Hà Nội cùng những người nơi khác về sống và làm nhạc ở Hà Nội.
Trong một đêm yên tĩnh Hà Nội, ở phố Nguyễn Quang Bích cổ kính bên nách chợ Hàng Da, người nhạc sĩ già Nguyễn Văn Quì, dân Hà Nội gốc, lặng lẽ viết bản sonate số 8 cho violon. Và có lẽ cũng một đêm kiểu như thế tại khu tập thể Nguyễn Công Trứ, một người khác, nhạc sĩ Đàm Linh, dân Hà Nội nhập cư, say sưa viết nhạc khúc tuyệt vời cũng cho violon “Bài ca chim ưng”. Chẳng có chữ Hà Nội nào ở đây, và cái thì nao nao buồn, cái thì đầy sức mạnh nhưng cả hai đều được viết ở Hà Nội và đều mang tâm hồn người Hà Nội.
Người-Hà-Nội-Nguyễn-Đình-Thi viết bài hát Người Hà Nội, những người Hà Nội hàng con cháu ông, Trần Mạnh Hùng viết giao hưởng thơ Hào khí Thăng long, Tuệ Nguyên với một tác phẩm có cái tên rất ấn tượng Thốt viết cho Piano, giọng vocal Tuồng, trống Tuồng và kèn bóp. Còn Ngô Hoàng Quân lại chuyển thể dân ca quan họ Bắc Ninh Hoa thơm bướm lượn.
Dân Nam Bộ chính gốc, nhạc sĩ Phan Nhân viết Hà Nội niềm tin và hy vọng, còn dân Hà Nội chính gốc, nhạc sĩ Hoàng Dương lại Hướng về Hà Nội. Tôi sinh ra ở làng Vân Đình thuộc phủ Ứng Hòa, một phủ cũ của Hà Nội thời Minh Mạng (nay là một huyện của Hà Nội mới) viết Mong về Hà Nội, người đàn anh của tôi, nhạc sĩ Hoàng Hiệp sinh ra ở tận An Giang lại Nhớ về Hà Nội.
Điều còn mãi 2009 - Bữa tiệc âm nhạc lay động lòng người
Cho nên dù tác giả người Hà Nội cũ hay mới, Hà Nội gốc hay dân nhập cư, tác phẩm có hay không viết về Hà Nội thì tất cả vẫn là Hà Nội, tất cả vẫn là những điều còn mãi, những hồi ức về Hà Nội, vẫn khí phách, xúc cảm trong cách giãi bày Hà Nội.
Riêng ba tác phẩm: Quốc ca (Văn Cao), Ca ngợi Hồ Chủ tịch (Văn Cao), Du kích Sông Thao (Đỗ Nhuận) được xây dựng thành tiết mục truyền thống của chương trình, nó chính là thứ “nhạc hiệu” của Hòa nhạc VietNamNet-VTV. Nó không liên quan nhiều lắm đến chủ đề.
Thưa ông, có điều gì trong chương trình năm nay được gọi là đặc biệt?
- Ngoài cái đặc biệt về chủ đề (Ngàn năm Thăng Long-Hà Nội), chương trình muốn giới thiệu với công chúng ba tác giả mới của Hà Nội, một tuổi ngoài 80, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quì, một tuổi ngoài 30, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, một tuổi ngoài 20 là Tuệ Nguyên và một tài năng violon “ẩn dật” của Hà Nội trong dòng nhạc bác học, nghệ sĩ violon Xuân Huy.
Về ba tác giả Hà Nội, người trước có khuynh hướng cổ điển, hai người sau khuynh hướng đương đại. Hai thế hệ cách nhau nửa thế kỷ không có một cây cầu nối. Người quá nửa đời long đong lận đận vì những thăng trầm của lịch sử, hai người sau lớn lên sau chiến tranh, tuy được sống trong hòa bình, được đào tạo từ nhỏ nhưng với những điều kiện thiếu thốn ở trong nước nếu không có tài năng và sự say mê đặc biệt cũng chẳng thể trưởng thành.
Trần Mạnh Hùng mới được biết đến trong vòng hai, ba năm nay đã nhanh chóng trở thành một nhân vật mới của nền khí nhạc Việt Nam. Giao hưởng thơ “Hào khí Thăng Long” của tác giả trẻ này viết cho dàn nhạc giao hưởng 3 quản với số lượng bộ gõ tăng gấp nhiều lần, một tác phẩm khá đồ sộ sẽ được giới thiệu trong chương trình. Tuệ Nguyên, nhạc sĩ của thế hệ 8X, viết cho Piano, một cuộc đối thoại thú vị giữa cái hiện đại và cái cổ truyền bằng một thứ ngôn ngữ âm nhạc khá mới lạ lấy cảm hứng từ những chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam. Còn nhạc sĩ Nguyễn Văn Quì, người sống thầm lặng, ít được biết đến, với chương 2 của sonate số 8 cho violon của ông, chúng ta sẽ nghe thấy cái riêng tư vừa đằm thắm vừa đượm buồn của tâm hồn một người Hà Nội xưa.
Bùi Công Duy thì quá nổi tiếng, nhưng Xuân Huy một chàng trai Hà Nội xuất thân từ nhạc viện Tchaikovsky, người năm 13 tuổi đã được coi là “thần đồng violon”, đã từng được chơi trong dàn nhạc Thế kỷ của công nương Diana với những chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới nhưng hầu như không ai biết đến ngoài những người trong giới nhạc hàn lâm. Đã hơn 10 năm nay, từ khi về nước, vì những lý do cá nhân anh chỉ xuất hiện trong chương trình “Điều còn mãi”. Năm nay Xuân Huy sẽ đàn chương 2, sonate số 8 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quì.
Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy
Ông có thể nói gì về những khuôn mặt nghệ sĩ mới xuất hiện trong chương trình năm nay?
- Năm nay, chúng tôi mời nhạc trưởng Lê Phi Phi, người đang làm việc tại Macedonia về chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, nhạc trưởng trẻ tuổi Trần Nhật Minh đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh về làm trợ lý và chỉ huy hợp xướng. Và một số nghệ sĩ mới là những ngôi sao của dòng nhạc thính phòng - ca sĩ Trọng Tấn và Đăng Dương, và của nhạc nhẹ - ca sĩ Hồng Nhung và Nguyên Thảo. Những người mới xuất hiện trong chương trình đều là những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực của họ.
“Điều còn mãi” đã bước sang năm thứ hai, chương trình sẽ được định hình như thế nào? Và về mặt nghệ thuật và học thuật “Điều con mãi” hướng đến cái gì?
- Hòa nhạc VietNamNet “Điều còn mãi” là một chương trình định kỳ mỗi năm một lần, vào đúng một giờ nhất định, một ngày nhất định. Nó không phải là một chương trình hòa nhạc “cúng cụ” như một số người lầm tưởng, cũng không phải là một chương trình để giới thiệu những giá trị kinh điển của nền âm nhạc hàn lâm như những chương trình hòa nhạc giao hưởng và thính phòng khác ở Việt Nam. Nó cũng không để thưởng thức hoặc giải trí đơn thuần.
Nếu chữ Concert (hòa nhạc) để chỉ những buổi biểu diễn nhạc giao hưởng thính phòng thì đây là một consert đúng nghĩa, một consert thuần túy Việt Nam. Tất cả các tiết mục trong chương trình, từ tác phẩm, tác giả đến người chỉ huy, nhạc công, nghệ sĩ độc tấu, ca sĩ đều là Việt Nam. Và chương trình được xây dựng trên tinh thần hướng đến người nghe nghiêm túc có học vấn, muốn được nghe âm nhạc Việt Nam ở trình độ cao chứ không chỉ nhắm đến lớp công chúng riêng của nhạc giao hưởng.
Chương trình Điều còn mãi 2009 đã được đề cử vào Giải thưởng âm nhạc cống hiến
Do đặc điểm của người Việt Nam là rất thích nghe hát, nên cấu tạo chương trình vẫn rất chú ý đến mảng thanh nhạc. Ngoài 2 tác phẩm có tính chất truyền thống của chương trình: Du kích Sông Thao và Ca ngợi Hồ Chủ tịch chúng tôi đưa 5 ca khúc nghệ thuật của những thời kỳ khác nhau viết về Hà Nội: Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp), Mong về Hà Nội (Dương Thụ) tất cả được hát với phần đệm của dàn nhạc giao hưởng.
Trong mọi lĩnh vực âm nhạc, muốn phát triển phải có công chúng. Nhạc Việt bác học chưa có công chúng thật sự bởi các tác phẩm chưa được giới thiệu đúng chỗ. Trong các chương trình hòa nhạc định kỳ như Toyota Classic, hoặc Giai điệu mùa thu, tác phẩm Việt Nam đưa vào thường bị lép vế bởi sự chênh lệch về đẳng cấp so với các tác phẩm kinh điển. Với công chúng của nhạc giao hưởng, họ nghe là để “chiếu cố”, họ chưa phải là công chúng của nhạc Việt bác học. Rốt cuộc nhạc Việt bác học chỉ là một hoạt động trong giới nghề, nó không có “đầu ra”, không có công chúng, nó chỉ được sử dụng trong những ngày lễ lạt và khi cần để “trang điểm” cho khẩu hiệu “phát triển âm nhạc theo đường lối dân tộc hiện đại”.
Hòa nhạc VietNamNet-VTV “Điều còn mãi” năm nay cố gắng là một “đầu ra”, một “đầu ra” khiêm tốn, và cố gắng góp phần xây dựng công chúng cho nhạc Việt bác học.
Xin cảm ơn nhạc sĩ. Chúc chương trình thành công tốt đẹp
- PV (thực hiện)