- Chị Võ Thị Hoàng Yến, người nhận bức thư gây xôn xao công chúng mạng thời gian qua từ thí sinh tật nguyền Sơn Lâm, đã gửi thư tới VietNamNet để chia sẻ góc nhìn của mình về vụ việc - góc nhìn từ một người khuyết tật và đang làm công tác xã hội chuyên nghiệp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chị Võ Thị Hoàng Yến hiện là Giám đốc Chương trình Khuyết tật và Phát triển (DRD) đồng thời là Giảng viên trường ĐH Mở TP.HCM. |
Làm thế nào để người khuyết tật không còn mặc cảm?
Trước hết tôi muốn chia sẻ những thông tin ban đầu với mọi người (xin nhớ rằng chia sẻ chứ không phải thanh minh) vì đã có những ý kiến phê phán quá vội vàng khi chưa nắm hết các thông tin.
Lúc đầu tôi nhận được email của Sơn Lâm viết rằng có một bức xúc muốn được chia sẻ. Tôi bảo Sơn Lâm cứ viết email là tiện cho tôi nhất vì tôi rất bận nên khó có thời gian trao đổi qua điện thoại. Sau đó tôi nhận được email chi tiết của Sơn Lâm (email giờ đây đã được nhiều người biết đến). Tôi nhận thấy trong đó có một vài điều cần phân tích, nhưng muốn nhận được ý kiến trao đổi của các bạn khuyết tật trước nên chuyển email cho bạn phụ trách diễn dàn người khuyết tật Việt Nam, các bạn ở Chương trình Khuyết tật và Phát triển (DRD) và một số ít bạn bè rất thân hữu của DRD, trong đó có một nhà báo (nhưng người bạn này lại đang nghỉ phép nên không cho ý kiến).
Dĩ nhiên diễn đàn là nơi để mọi người nêu ý kiến nên sẽ không tránh khỏi có các ý kiến từ nhiều góc độ khác nhau. Tôi muốn chia sẻ từ góc độ của một người khuyết tật và một người đang làm công tác xã hội chuyên nghiệp, và tôi sẽ không bênh vực hành vi của Sơn Lâm nếu như bạn ấy tỏ ra kiêu ngạo hay cư xử một cách ngạo mạn.
Khi các em sinh viên hỏi tôi rằng: “Cô ơi, có cách gì để tiếp cận người khuyết tật mà không làm họ bị tổn thương không, vì họ rất nhạy cảm?” Tôi trả lời rằng: “Cực kỳ đơn giản: các em hãy chú ý để hỗ trợ họ đúng lúc nhưng đừng đối xử với họ khác biệt, vì cách đối xử đó nhắc nhở họ rằng họ khác biệt hoặc thấp kém.”
Ở đây chúng tôi đang đề cập đến vấn đề làm việc với những người khuyết tật biết tự trọng và biết giá trị bản thân mình chứ không phải những người khuyết tật đang sử dụng sự khiếm khuyết của mình để kêu gọi lòng thương hại hay sự nương nhẹ của người khác. Còn khi nói đến những người hay lợi dụng dự khiếm khuyết của mình, tôi hay nhắc lại với các em câu nói của cố thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh: “Coi chừng thương mà thành hại đó!”.
Nếu đúng như miêu tả trong thư thì việc Sơn Lâm bức xúc là hợp lý
Chị đã nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành Phát Triển Con Người (Đại học Kansas, Mỹ - 2004) và đang tích cực tham gia các Công tác Xã hội với Người Khuyết tật. |
Công ước Quyền của Người Khuyết Tật và Luật Người Khuyết Tật Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua đang ủng hộ và tạo điều kiện cho người khuyết tật cùng tham gia các hoạt động xã hội. Thế giới đã và đang chứng minh rằng: nếu được tạo cơ hội bình đẳng thì người khuyết tật có thể phát huy được hết tài năng của mình trong mọi lĩnh vực...
Trong email của Sơn Lâm cũng nêu rất rõ ràng ý kiến của cô Siu Black: “Nhưng cuộc thi này không đơn thuần chỉ đánh giá về giọng hát mà còn bao gồm nhiều yếu tố khác. Chính vì thế chị rất tiếc là em phải dừng lại tại đây. Chị ấy nói nếu như em tham gia một cuộc thi dành riêng cho người khuyết tật thì em đã đỗ.” Nếu đúng như miêu tả thì việc Sơn Lâm bức xúc là hoàn toàn hợp lý.
Cách nhận xét đó không nêu rõ rằng giọng hát của Sơn Lâm không đạt để vào vòng trong mà lại ám chỉ rằng Sơn Lâm không đạt vì bạn khiếm khuyết! Trong khi Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lại mô tả chương trình rất rõ ràng rằng: “Chúng tôi có hai tiêu chí. Thứ nhất là những gương mặt xuất sắc, những giọng hát hay. Thứ hai là những gương mặt đặc biệt, những phong cách khác lạ.” – hoàn toàn không hề có sự phân biệt đối xử. Hoan hô chương trình “Việt Nam Idol”!
- Linh Phạm (giới thiệu)