- "Nuovo Cinema Paradiso" của Tornatore có một người mẹ không bao giờ hờn trách đứa con trai đã bỏ đi 30 năm biền biệt, không một lá thư, không một câu chuyện trò; và bà chỉ mong đứa con mình đang sống hạnh phúc, yên bình.
LTS. Tác giả bài viết là một sinh viên đang du học ở Houston (Mỹ). Tuy đây chỉ là một câu chuyện riêng tư, nhưng đọc lên thấy thấm đẫm tình người và thấy cay cay nơi sống mũi. Câu chuyện “Hòa giải và Yêu thương” thứ Bảy tuần này xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Xin hãy tiếp tục gửi câu chuyện của các bạn cho chúng tôi theo địa chỉ hoagiaiyeuthuong@vietnamnet.vn
Tuổi thơ tôi gắn liền với Hà Nội, với đường đê sồi sật mùi cỏ, bụi cát đá tổ ong, với cầu thang tập thể lở lác bê tông lòi cốt thép...
Bà và cháu. Ảnh chỉ mang tính minh họa
Tôi sinh năm 88 ở Hà Nội, đến sau tết năm 93 thì cả gia đình chuyển vào Sài Gòn vì ba tôi tìm được công việc ổn định, và theo ông cậu bên họ ngoại thì đất Sài Gòn dễ sống hơn.
Tôi vẫn nhớ như in buổi đêm cả nhà lên tàu Thống Nhất, gọi là nhớ như in là vì có tiếng khóc của mẹ tôi. Mẹ khi ấy chưa đầy 30 tuổi, sinh ra, lớn lên và sống tuổi trẻ miên man cũng trên đất thủ đô. Tiếng khóc không dứt từ ga Hàng Cỏ đến ga Thanh Hóa, Diêu Trì.. Tôi chỉ biết quàng tay ôm, áp má vào lưng mẹ, khi mẹ dõi mắt ra cửa sổ khoang tàu.
Cho đến giờ, bố và mẹ, nhờ một khoản tiền từ ông nội, xây được một căn nhà nhỏ khu Tân Bình, rồi cũng cắm cúi làm ăn gọi là có của để dành lo lắng cho anh em tôi. 17 năm trôi qua, hầu như chẳng còn ai nuối tiếc quá khứ.
...Thật ra vẫn có một người, và chỉ tôi biết, là bà ngọai.
Bà, cho đến giờ, vẫn luôn phản đối quyết định năm xưa của mẹ tôi, và vẫn "cay cú" khi nhắc đến lý do “vì chồng” của mẹ. Khiến bà phải xa con gái và xa tôi, cháu đầu, mà đến giờ khi bà đã có 4 cháu nội ngọai, vẫn yêu tôi nhất. Bà chọn tôi làm người duy nhất để tâm sự nỗi niềm đó, tuy rằng tôi hay cãi lý và bướng bỉnh, nhưng ít ra tôi cũng là thằng cháu đầu tiên líu lo với bà.
Thuở ấy ở Hà Nội, khi hàng tuần vào thứ Bảy mẹ đèo xe đạp chở tôi từ nhà ở gần chợ Bưởi sang khu tập thể nhà ông bà gần Đài Truyền hình Hà Nội, lòng tôi lẫn bà ngọai đều như trẩy hội. Ấy là khi xe mẹ trờ đến cổng khu tập thể, nhìn lên đã thấy bóng bà chờ sẵn (thời đó điện thoại là thứ hết sức xa xỉ, và nhà tôi không có điện thoại). 3 tầng lầu chỉ trong chớp mắt là tôi được bà ôm trọn vào lòng.
Thế rồi bà bày biện, nấu nướng, cơm Tây cơm Tàu. Sự thật đáng yêu rằng bà tôi không khéo tay, vì bà thuộc tầng lớp thượng lưu thời Pháp, nên rất "lật đật" chuyện bếp núc. Nhưng bà sưu tầm đầy đủ sổ tay nội trợ và kể chuyện nấu nướng nghe rất hấp dẫn, nên hồi bé tôi rất rất thích được cùng bà bày biện ăn uống.
Sáng ra là bà tính toán "chiến thuật" đầy đủ: đi xuống chợ sẽ ghé ăn phở, rồi mua tào phớ (đại loại là tàu hũ, nhưng ở Bắc dùng chung với nước đường hoa lài, chứ không dùng nước gừng và nước cốt dừa như ở miền Nam), và tất nhiên là một đống đồ tươi sống cho cơm trưa, cơm chiều.
Tôi được xem như vua của cả khu tập thể, nhà hàng xóm nào cũng rủ rê ăn uống, và mọi bà bán hàng rong ghé ngang nhà đều thò đầu vào hỏi tôi có thèm ăn gì không. Thế nên bà ngoại cho tôi quyền hành, và cũng vì vậy mà tôi là đứa cháu bướng và lì lợm nhất của bà.
Rồi chiều Chủ Nhật, dù có giận có lẫy, hai bà cháu lại ôm nhau chặt cứng, bịn rịn trước cửa nhà bà, tôi lại phóng một mạch xuống 4 tầng lầu leo lên xe mẹ, và ngẩng lên vẫy bà, cho đến khi bà và cháu không nhìn thấy nhau được nữa mới ngưng.
*
Tháng 12 năm vừa rồi, tôi về Việt Nam nghỉ phép, ra Hà Nội thăm bà. Bà bây giờ bị viêm khớp và loãng xương, đi đứng đau buốt, phải nằm một chỗ và ban ngày tập đi. Đến bữa cơm bà chỉ ngồi ăn lưng bát là đau, không ngồi nổi nữa. Nằm trong phòng, bà vẫn dặn tôi buổi sáng dắt các em (em trai tôi và 2 thằng em họ, đứa nào cũng còn bé) xuống ăn phở, mua tào phớ... Vẫn hỏi tôi thích ăn gì để nhờ cô cậu tôi nấu hoặc chạy xuống phố mua về.
Có hai lần tôi thấy bà đứng lâu nhất, là lúc tôi đến và đi.
"Nuovo Cinema Paradiso" của Tornatore có một người mẹ không bao giờ hờn trách đứa con trai đã bỏ đi 30 năm biền biệt, không một lá thư, không một câu chuyện trò; và bà chỉ mong đứa con mình đang sống hạnh phúc, yên bình.
Tôi, một lần nữa, lại quên ngày sinh nhật của bà.
Tháng 4 muộn, Houston (Mỹ).
- Duy Ido