- "Nhà sản xuất Việt Nam than phiền tiến độ mỗi tuần làm hai tập phim của tôi" - đạo diễn Hàn Quốc Yang Sun Uk đang làm phim tại TP.HCM "tố".
TIN LIÊN QUAN |
---|
ĐD Yang Sun Uk |
Áp dụng phương thức làm phim kiểu Hàn Quốc để làm phim truyền hình nhiều tập tại Việt Nam, ông có hài lòng với điều kiện kỹ thuật, phương tiện và ê kíp làm việc của người Việt?
Đạo diễn Yang Sun Uk: - Lòng tham con người là vô đáy, nên nếu yêu cầu mọi thứ phải đáp ứng được ngay các yêu cầu của mình thì hơi khó. Ngay cả ở Hàn Quốc, cũng rất ít khi các ý đồ nghệ thuật của tôi đạt được như mong muốn.
Nhiều đạo diễn phim truyền hình Việt Nam có thể làm phim với tốc độ ghi hình mỗi ngày một tập phim. Bộ phim ông đang làm có đạt được tốc độ này không?
- Hiện tôi đang làm mỗi tuần 2 tập, nhưng phải có một đội B cùng thực hiện thì mới đạt được tiến độ này, tức cả hai đội cùng chia ra thu hình các phân cảnh. Lúc nhanh nhất cũng chỉ có thể đạt 3 ngày 1 tập.
Nhà sản xuất có than phiền về tiến độ này không?
- Dĩ nhiên, nhà sản xuất than phiền nhiều với cách làm của tôi.
Theo ông, việc làm nhanh có ảnh hưởng đến chất lượng phim không?
- Cũng có thể hai yếu tố này có liên quan, nhưng chắc chắn phim làm nhanh hay chậm dẫn tới chuyện khán giả sẽ thích hay không thích. Ở đây, có thể do cách thức sản xuất phim truyền hình ở Việt Nam và Hàn Quốc khác nhau, tùy thuộc vào sự lựa chọn, quan điểm, sở trường của đạo diễn. Dù sao đi nữa, nếu đạo diễn bỏ nhiều thời gian cho phim thì sẽ chăm chút được nhiều chi tiết trong phim hơn.
Nhưng ở đây, tôi quay mỗi tuần 2 tập không có nghĩa là chất lượng vượt trội hơn đâu, chỉ là tốt hơn chút ít về âm thanh, diễn xuất, hình ảnh... Với tôi, cái chút ít này rất quan trọng. Nếu thành công, phim sẽ có nhiều nhà đầu tư. Còn nếu thất bại, tôi sẽ dừng lại. Vì vậy, tôi rất cẩn trọng.
Đạo diễn Hàn Quốc Yang Sun Uk trên trường quay bộ phim Hai gia đình tại TP.HCM. Ảnh: Minh Chánh |
Qua thực tế làm phim, ông thấy công nghệ sản xuất phim truyền hình ở Việt Nam đã lộ ra những điểm yếu nào?
- Theo tôi, một trong những điểm yếu nhất là Việt Nam thiếu các đạo diễn giỏi và các chuyên gia kỹ thuật ở trường quay. Ở Hàn Quốc, muốn làm đạo diễn, bạn phải mất 4 năm học ở trường, sau đó mất trung bình từ 7 đến 10 năm làm phó đạo diễn trên các phim trường. Chưa kể, áp lực cạnh tranh rất lớn vì trường dạy làm đạo diễn rất nhiều, người học rất đông nhưng ra trường và bám trụ trở thành đạo diễn thì rất ít.
Muốn thành công, bạn phải thực sự nhẫn nại, vừa làm vừa học hỏi. Điều này giúp các đạo diễn có quá trình tích lũy, để khi làm đạo diễn chính thức, sẽ cho ra những tác phẩm hay. Ở Việt Nam, người ta có thể trở thành đạo diễn rất nhanh chóng, thời gian huấn luyện không dài. Có lẽ do nhân lực cho ngành truyền hình của Việt Nam còn thiếu.
Nhưng ông lại quyết định đến Việt Nam làm phim?
- Ở Hàn Quốc, có rất nhiều công ty sản xuất phim truyền hình để bán cho các đài truyền hình. Tôi là giám đốc một công ty như vậy. Các phim tôi làm bán nhiều nhất là cho đài truyền hình KBS, kế đến là SBS và MBC. Tôi muốn trải qua nhiều thử thách, vì vậy quyết định sang Việt Nam. Hơn nữa, tôi đã từng quay phim ở đây hồi năm 2002.
Mặc dù thị trường phim ở Việt Nam quy mô còn nhỏ, nhưng tôi tin nó sẽ phát triển mạnh. Điều cần nhất hiện nay là các bạn phải sản xuất được nhiều bộ phim hay để cạnh tranh được với phim ngoại nhập đang chiếm phần lớn trên truyền hình.
-
Minh Chánh thực hiện
Bài cuối: Luật chơi của người quản sóng và kẻ lắm tiền!