- Được xem buổi biểu diễn độc nhất vô nhị của 12 nghệ sĩ cello đến từ Dàn nhạc giao hưởng Berlin lừng danh thế giới tại Hà Nội là một cơ hội hiếm có trong đời.
Bữa tiệc thịnh soạn của New York Philharmonic tại Hà Nội
’Cháy vé’ VIP nghe Dàn nhạc giao hưởng New York
’Chạm tay’ vào những điểm nhấn Berlin
Không đi nghe thì... tiếc đứt ruột
Trong số 12 nghệ sĩ cello này, chỉ có duy nhất một nghệ sĩ nữ. |
Cơ hội được thưởng thức âm nhạc cũng như kỹ thuật trình diễn tuyệt vời của các nghệ sĩ lừng danh đến từ nước Đức được nhiều người ví như cơ hội vàng. Việc kiếm được một tấm vé vào xem (dù là vé phát miễn phí), ngay cả với những người Đức sống tại Hà Nội cũng không phải là chuyện đơn giản.
Không lời giới thiệu, khán giả và nghệ sĩ trò chuyện với nhau bằng âm nhạc.
Trong suốt đêm diễn, khán phòng im phăng phắc để nhường chỗ cho thứ âm thanh kỳ diệu lan toả. Nhà hát Lớn đã từng được đón nghệ sĩ cello số 1 thế giới Julian Lloyd Webber đến biểu diễn vào tháng 3/2009 nhưng được đón cùng lúc 12 nghệ sĩ cello tài năng thế này là chuyện hiếm.
Được nghe một nghệ sĩ lừng danh trong làng nhạc cổ điển độc tấu cello trên sân khấu cũng đủ để "đã" lắm rồi. Nhưng được mắt thấy tai nghe 12 cây cello hoà tấu với một âm vực rộng đến mức khó có thể tưởng tượng khiến ngay cả giới chuyên môn cũng... choáng váng.
"Được tham dự buổi hoà nhạc này là một cơ hội vàng và tôi nghĩ nếu ai bỏ qua cơ hội này thì phải nói là sẽ... tiếc đứt ruột. Vì ngay cả ở nước ngoài bạn cũng khó có cơ hội nghe những chương trình như thế này. Như bạn cũng biết là để mua một tấm vé vào xem những concert như vậy rất đắt, lên tới vài trăm euro. Thêm nữa không phải lúc nào họ cũng trình diễn riêng đâu vì thường phải biểu diễn chung với dàn nhạc.
Đây là một trong những chương trình hoà nhạc hay nhất mà tôi đã từng được xem. Các nghệ sĩ đều có tiếng, có thể nói là số 1 trên thế giới hiện nay. Tôi và có lẽ là tất cả mọi người đều rất ngưỡng mộ họ. Quá tuyệt vời! Trình độ của họ quá là cao siêu mà tôi nghĩ mình không đủ trình độ để đánh giá được họ", nghệ sĩ violin Bùi Công Duy nói sau đêm diễn.
Kinh ngạc vì kỹ thuật trình diễn siêu đẳng
Khán giả đứng hết lên để vỗ tay tán thưởng các nghệ sĩ.
Nhạc mục được các nghệ sĩ xây dựng hết sức công phu và khéo léo. Bên cạnh những bản nhạc cổ điển của hai nhà soạn nhạc lừng danh người Đức là Felix Mendelssohn (Terzett und Doppelquartett aus "Elias") và J.S.Bach (Contrapunctus 1+9 aus der "Kunst der Furge"), công chúng còn được thưởng thức nhạc phẩm "Pavane" của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp, Gabriel Fauré.
Khán giả có mặt tại Nhà Hát Lớn lần lượt được dắt qua nhiều miền đất trên thế giới, từ những cánh đồng hoa hồng đỏ tuyệt đẹp ở Đức qua tác phẩm "Fur mich soll’s rote Rosen regnen" của Hildegard Knef đến Paris hoa lệ với bản "Fleur de Paris" của Henri Bourtayre và vùng đất Nam Mỹ sôi nổi qua tác phẩm "South American Gateway" của nhà soạn nhạc người Mỹ Burt F. Bacharach.
Phải ra chào khán giả nhiều lần và biểu diễn thêm 3 nhạc phẩm, các nghệ sĩ mới được "tha". |
Đây là một trong những bản ballad nổi tiếng nhất của Edith Piaf được phát hành từ năm 1946. "La vie en rose" chính là nguồn cảm hứng để Pháp cho ra đời bộ phim cùng tên năm 2007 với 2 tượng vàng Oscar giành được một năm sau đó, trong đó có giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho nữ diễn viên Marion Cotillard với vai Edith Piaf.
Tất cả các cây đàn được sử dụng trong đêm diễn đều được làm tại Ý cách đây 300-400 năm,
Nhưng những khán giả "tham lam" vẫn không chịu buông tha cho các nghệ sĩ, tiếng vỗ tay dồn dập của họ buộc 12 cây cello phải bước ra sân khấu làm việc tiếp. Và lần này, với bản nhạc tặng kèm thứ hai và thứ 3, cả 12 nghệ sĩ không ai bảo ai, cùng ngồi vào vị trí để kéo đàn.
Dàn nhạc "độc nhất vô nhị"
Nhạc phẩm cuối cùng được họ chọn chơi để kết thúc đêm diễn khiến nhiều người bất ngờ bởi nó không phải là một tác phẩm cổ điển mà là bản nhạc chủ đề của bộ phim hoạt hình nổi tiếng "The Pink Panther" (Báo hồng) mà sau này được Hollywood chuyển thể thành hai tập phim điện ảnh cùng tên với diễn xuất của ngôi sao gạo cội Steve Martin. Khi công chúng phía dưới chưa hết thích thú khi được nghe một bản nhạc quen thuộc được "chế" dưới âm thanh của 12 chiếc đàn cello già cỗi được sản xuất từ thế kỷ... 17,18 thì đã phải tròn mắt ngạc nhiên vì lối biểu diễn vô cùng sáng tạo của các nghệ sĩ trên sân khấu. Chỉ có những cây đàn cello nhưng với khả năng trình diễn bậc thầy của các nghệ sĩ Đức, khán giả vẫn có thể cảm nhận được đầy đủ sự hiện diện của một dàn nhạc hùng hậu với đầy đủ các loại nhạc cụ trên sân khấu. Tiếng cello vốn da diết, u buồn bỗng vụt sáng tươi vui qua "bàn tay phù thuỷ" của 12 nghệ sĩ.
Các nghệ sĩ của nhóm "12" đóng một vai trò quan trọng trong đời sống nhạc cổ điển thế giới.
Ngày 11/7, 12 nghệ sĩ còn có buổi diễn thứ hai tại TP.HCM.
Âm nhạc và cách trình diễn của 12 nghệ sĩ cello đến từ Đức có thể gói gọn trong những từ "cách tân", "chói sáng", "hài hước" và "độc nhất vô nhị". Sẽ không có một dàn nhạc nào thứ hai trên thế giới làm được như họ và cũng sẽ không có một dàn nhạc nào được tới trên 100 nhà soạn nhạc đương đại trên thế giới sáng tác riêng cho họ như 12 nghệ sĩ cello này. Chính vì sự "độc đáo" trong lối chơi của họ mà nhiều tên tuổi nổi tiếng như: Boris Blacher, Jean Françaix, Iannis Xenakis, Wolfgang Rihm, Brett Dean, Wilhelm Kaiser-Lindemann, Frangis Ali-Sade, Christian Jost, Kaija Saariaho và Tan Dun...đều đã viết nhạc riêng cho "nhóm 12" .
Thành lập năm 1974, suốt 36 năm qua, với chương trình phong phú, họ đã làm nức lòng khán giả yêu nhạc cổ điển, jazz, tango và avant-garde trên thế giới với khả năng kết hợp đa dạng, không thể lầm lẫn về màu sắc âm nhạc.
Được trực tiếp nghe nhạc của họ tại Việt Nam có lẽ là trải nghiệm hiếm có trong đời.
-
Bích HạnhẢnh: Nguyễn Hoàng