- "Chúng ta làm những việc hôm nay, bởi chúng ta tin tưởng rằng, thơ ca có thể làm thay đổi được thế giới.” - John Deane, nguyên Chủ tịch Viện hàn lâm thơ châu Âu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kevin Bowen (đứng) bồi hồi nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu hợp tác giữa các nhà văn Việt - Mỹ. Từ trái qua: Nguyễn Bá Chung, Hữu Thỉnh, Vũ Tú Nam |
Với họ, lần gặp gỡ chính thức đầu tiên cách đây 20 năm giữa các nhà văn từng là kẻ thù trong chiến tranh giống như một giấc mơ. Những người đặt cây cầu hữu nghị ấy bây giờ người mất thì đã mất, người còn thì tóc cũng pha sương. Vậy mà câu nói họ nhắc đi nhắc lại tại cuộc gặp là khen nhau trẻ. Người ta nhận ra những gương mặt khá quen thuộc: Kevin Bowen, Bruce Weigl, Fred Marchant, Lady Borton, Nguyễn Bá Chung... bên cạnh những người lần đầu tiên tới Việt Nam: George Kovach, John Deane (nhà văn người Iceland)…
Kevin Bowen – Giám đốc trung tâm William Joiner, nhà văn cựu binh từng sang nước Việt Nam thống nhất rất sớm (1986) cảm động kể lại, mấy hôm nay làm việc với các sinh viên Việt Nam, ông đã đưa ra những bản thảo đầu tiên từ sự hợp tác giữa trung tâm và các nhà văn Việt Nam trong những ngày đầu khó khăn khi quan hệ Việt - Mỹ thời hậu chiến còn rất căng thẳng.
“Có một điều gì đó như là số phận, trưa nay, đúng 20 năm sau tôi đã quay lại ăn ở cái quán mà tôi đã bỏ quên chiếc cặp trong đó có 10.000 đô la Mỹ.” Câu chuyện về người chủ quán nghèo khổ ở Hà Nội đã trả lại ông số tiền rất lớn vào lúc bấy giờ mà ông bỏ quên trong quán đã được ông kể lại nhiều lần. Nhắc lại, ông cảm động gọi đó là sự rộng lượng và hào hiệp của người Việt Nam mà ông chẳng bao giờ quên.
Từ trái qua: Hoàng Ngọc Hiến, Bruce Weigl, John Deane, Nguyễn Bá Chung, Kevin Bowen, Đỗ Chu
Bruce Weigl, nhà thơ nổi tiếng của Mỹ đã nhiều lần sang Việt Nam và rất gắn bó với Việt Nam, nói một cách đơn giản: “Tôi yêu Việt Nam, và tôi sẽ còn sang Việt Nam khi nào còn sức khỏe.”
Các nhà văn Việt Nam cũng bồi hồi ôn lại kỷ niệm trong những lần đến Mỹ và làm việc với trung tâm William Joiner, sống với các nhà văn cựu chiến binh Mỹ như những người bạn gần gũi, thân tình.
Nhà văn Vũ Tú Nam (nguyên Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam) nhắc, hôm nay (28/5) là ngày Rằm. “Các bạn Mỹ hãy ngắm trăng Việt Nam đêm nay. Nhiều năm trước, tôi đến Mỹ cũng vào một ngày rằm và nói rằng chúng tôi mang vầng trăng phương Đông sang cho các bạn. Còn hôm nay, Việt Nam đón các bạn cũng bằng trăng với sự trong sáng và đẹp đẽ của thiên nhiên. Mong rằng tình cảm giữa chúng ta mãi trong sáng như thế để sự hợp tác mà chúng ta đặt những bước đi đầu tiên sẽ tiếp tục kéo dài trong những thập kỷ tới.”
Nhà thơ Hữu Thỉnh ví von: “Mỗi chuyến đi giống như việc hạ thủy một con tàu, bởi vì chúng ta biết có một bến cảng đang đợi con tàu đó. Nếu chưa nhìn thấy bến, có thể người ta chưa dám hạ thủy con tàu và con tàu William Joiner đã tìm thấy bến đỗ ở các nhà văn Việt Nam, mở đầu cho sự hợp tác 20 năm qua.” Ông cũng nhấn mạnh, việc quan trọng bây giờ là chúng ta rút ra những kinh nghiệm từ quá khứ để tiếp tục hợp tác với nhau trong tương lai.
Tặng quà cho nhà văn Lady Borton, người nhiều năm gắn bó và có công với văn học Việt Nam
Trong cuốn kỷ yếu của Hội thảo “Văn học Việt – Mỹ sau chiến tranh” sắp diễn ra có bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Sáng mang tựa đề “Một lần là kẻ thù, mãi mãi là bạn”. Đó là tình bạn vượt qua hận thù, hóa giải những nỗi đau quá khứ để mọi người trên thế gian được sống trong yêu thương, hòa giải và hòa hợp, miễn là cả hai bên đều có thiện chí.
Jonh Deane, nguyên Chủ tịch Viện hàn lâm thơ châu Âu, thành viên duy nhất trong đoàn không phải là người Mỹ, ông đến từ đất nước Iceland. “Tôi không phải là cựu chiến binh, nhưng trong cuộc gặp này tôi hoàn toàn chia sẻ với các bạn. Chúng ta làm những việc hôm nay, bởi chúng ta tin tưởng rằng, thơ ca có thể làm thay đổi được thế giới.” Ông cũng bày tỏ ước mơ tổ chức một chương trình làm việc giữa các nhà văn 3 nước Việt Nam, Mỹ và Iceland trên đất nước ông. Ông nói vui: “Người Iceland quan niệm rằng, để ước mơ sớm trở thành sự thật, thì phải uống thật nhiều bia. Và tôi sẽ uống bia thật nhiều từ bây giờ!”
- Hữu Việt