- Đã hơn một lần tôi cố gắng lý giải điều gì đã khiến âm nhạc của Trịnh Công Sơn có sức lay động lòng người nghe ở đủ mọi lứa tuổi, giới tính và thành phần xã hội…một cách mạnh mẽ, sâu sắc và bền bỉ đến vậy.
LTS. Trong hai ngày 22 và 23/4/2010, tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội sẽ diễn ra buổi hòa nhạc "Hòa giải và Yêu thương" do Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Mỹ Charles Ansbacher. Vì lẽ đó, câu chuyện hòa giải và yêu thương thứ Bảy tuần này sẽ nói về chủ đề âm nhạc.
Cách đây đúng 35 năm, có một người lính giải phóng, một nhà thơ trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Vào ngày 30/4/1975 ấy, người lính đó đã ra chợ Bến Thành mua một máy cát xét và một băng nhạc. Trong cái đêm đầu tiên ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, người lính ấy đã nghe âm nhạc Trịnh Công Sơn qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly và một ấn tượng ghê gớm đã tràn ngập hồn anh, nó to lớn như một “ngày 30-4 của cảm xúc và nhận thức”, bổ sung cho anh thêm cái phần còn lại để tròn vẹn một phẩm chất người hoàn chỉnh và đúng nghĩa con người.
Mời các bạn nghe câu chuyện của nhà thơ Anh Ngọc và hãy chia sẻ câu chuyện hòa giải và yêu thương của bạn với chúng tôi qua địa chỉ hoagiaiyeuthuong@vietnamnet.vn.
Đã hơn một lần tôi cố gắng lý giải điều gì đã khiến âm nhạc của Trịnh Công Sơn có sức lay động lòng người nghe ở đủ mọi lứa tuổi, giới tính và thành phần xã hội…một cách mạnh mẽ, sâu sắc và bền bỉ đến vậy.
Lay động và hấp dẫn, sẻ chia và nâng đỡ, không chỉ với riêng tôi, mà còn với bao người khác, đó dường như là một tiếng nói bạn bè chí thiết luôn có mặt đúng lúc khi ta cô đơn hay buồn bã, ta chán chường hay tuyệt vọng…, nghĩa là khi ta cần tới nhất một tấm lòng tri âm, tri kỷ. Những lý giải ấy đều dựa trên trải nghiệm của chính tôi và rút ra từ những nghiền ngẫm dài lâu khi nghe và nhiều khi là tự hát lên những ca từ và giai điệu tuyệt vời của người nhạc sĩ. Không thể nói là những nhận xét ấy có gì không xác đáng.
Ấy thế mà sau bao nhiêu cố gắng, tôi vẫn thấy dường như chưa chạm được vào những giá trị cốt lõi của Nhạc Trịnh, cũng tựa hồ như đối với thế giới tinh thần của chính tôi mà tôi đã cất công khám phá và diễn đạt suốt đời mà rốt cuộc vẫn lắc đầu bất lực. Và tôi đành bằng lòng với một ít thu nhận nho nhỏ, nhìn từ những góc độ khác nhau, tùy vào mỗi thời gian và không gian và cả tâm trạng đôi lúc cũng rất thất thường của chính mình. Chẳng hạn như lúc này, trước chủ đề Ngày Hòa giải và Yêu thương, tôi sẽ nói những điều gì đây về nhạc Trịnh Công Sơn?
Điều đầu tiên ập đến lúc này là một tín hiệu tình cờ và ngộ nghĩnh thuộc về thời gian: Hôm nay là ngày 15 tháng 4, nhưng lúc này ngoài con số 15 ấy, còn có hai con số 15 cùng lúc hiện lên trước mắt tôi – 15 ngày trước là kỷ niệm 9 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn và còn 15 ngày nữa là kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Với riêng tôi, đó có lẽ là hai ngày đáng nhớ nhất trong tháng Tư, và thú vị hơn nữa, là hai cái ngày dường như chẳng ăn nhập gì với nhau đó lại gợi về những kỷ niệm và cả những tâm niệm rốt cuộc lại liên quan mật thiết đến nhau. Tôi xin được kể ngay:
Xe quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn
Số là, vào ngày 30-4 năm 1975, tôi may mắn được cùng bộ đội tiến vào Sài Gòn, và sống trong cái tâm trạng mà không nói thì ai cũng biết rồi - những cảm xúc sung sướng và tự hào mang phẩm chất công dân và màu sắc chính trị đang thăng hoa trên cả nước. Và người lính là tôi cũng hòa vào không khí bừng bừng ấy như một con chim chích hồn nhiên.
Thế rồi, chiều ấy, tôi vào chợ Bến Thành mua một cái cát xét nhỏ để nghe nhạc. Cô bán hàng lắp cho tôi một cái băng cũ, dùng để thử máy. Đó là băng nhạc “Hát cho quê hương Việt Nam” cuốn số 5 của Khánh Ly và Trịnh Công Sơn. Tối ấy, tôi về tá túc trong một doanh trại bỏ không của quân đội Sài Gòn, bật quạt trần chạy vù vù, thích thú nằm thẳng cẳng trên bàn và bật cát xét lên nghe. Đặt mình vào hoàn cảnh và tâm trạng của tôi, bạn có thể dễ dàng hình dung điều gì đã diễn ra trong tôi lúc ấy.
35 năm đã trôi qua, và trời còn chứng sống cho bao nhiêu năm nữa tôi không biết, nhưng tôi biết một điều là từ giây phút ấy cho đến chừng nào trái tim tôi còn đập và trí não tôi còn hoạt động, tôi sẽ không bao giờ quên cái ấn tượng mà Trịnh Công Sơn (và cả Khánh Ly, dĩ nhiên) đã gieo vào lòng tôi và tâm trí tôi vào cái đêm hôm ấy ở Sài Gòn.
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly
Đó là ấn tượng gì mà ghê gớm vậy?
Ôi, giá như mà có thể trả lời được một cách chóng vánh thì còn gì bằng, thì còn phải “lăn tăn” làm gì nữa. Nhưng làm gì có chuyện dễ dàng đến thế trước một thứ ấn tượng, mà với riêng tôi, nó to lớn như một “ngày 30-4 của cảm xúc và nhận thức” trong tâm hồn mình, một cột mốc đủ sức chia đôi cuộc đời thành hai nửa - nửa của một cuộc sống bất bình thường, của những định kiến, những thành kiến, những chia rẽ, những tranh chấp và thù hận, đã khiến con người dường như chỉ sống bằng một nửa trái tim, một nửa khối óc, - với cái nửa thứ hai đã được bổ sung thêm cái phần còn lại để tròn vẹn một phẩm chất người hoàn chỉnh và đúng nghĩa con người.
Nói một cách giản dị thì: Trịnh Công Sơn và âm nhạc của anh đã đánh thức ở trong tôi cái phần từ lâu vẫn ngủ quên, đã giúp tôi mở cánh cửa để bước vào cái căn buồng bấy lâu vẫn đóng kín ở trong hồn tôi. Cùng với ngày 30-4, Nhạc Trịnh đã cho tôi cơ hội trở lại làm một con người bình thường và đó là một hạnh phúc đích thực và lớn lao.
Thông điệp đầu tiên mà Nhạc Trịnh gửi đến cho tôi là hãy biết lắng nghe tiếng nói của trái tim. Trái tim sinh ra để đập một cách hồn nhiên như buồng phổi sinh ra để thở hít khí trời. Trái tim cười mũi vào mọi thứ lý sự cao siêu vốn lắm lúc đầy chủ quan, tự mãn và cả điên rồ. Trái tim nói với ta rằng hãy nhìn đời bằng con mắt của chính ta, hãy nghe đời bằng cái tai của chính ta.
Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn ngẫu hứng cùng Trịnh Công Sơn (20.11.1993). Ảnh: Dương Minh Long
Chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em…
“Tôi đã thấy”, “tôi đã thấy” và ở một lần khác thì là: “Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm…” Điều đã thấy, đã gặp ấy đôi khi khủng khiếp và quá đau lòng mà những con người tự cho là khôn ngoan chúng ta đều tìm cách lảng tránh và quay mặt. Nhưng người nghệ sĩ này thì không. Tôi, tôi và tôi… Ở đâu người nghệ sĩ cũng thành thực đến cùng với cái “tôi” ấy, cũng đem trái tim trần trụi của mình trò chuyện với con người và cuộc đời. Trời Đất đã cho anh lòng tự tin ấy vì anh biết rằng yêu thương không bao giờ có lỗi. Và khi lắng nghe trái tim như thế, anh khám phá ra một chân lý tưởng như sáo mòn, cũ kỹ nhưng thực ra luôn mới mẻ và mãi bất tử: Ấy là con người ta chỉ có thể sống và làm một con người đúng nghĩa và trọn vẹn với một tấm lòng tử tế.
Chữ “tử tế” nghe giản dị và nôm na đã thay ta nói hộ hết lòng yêu thương, sự tôn trọng tối thượng mà mỗi con người chúng ta phải đem ra đối đãi với nhau. Có phải vì mang trong mình phẩm chất “tử tế” thiên phú ấy từ thuở bắt đầu biết làm người, mà giữa lúc khói lửa ngút trời, ngay trong những ngày tháng đất nước chìm trong chia rẽ và bạo lực, mà Trịnh Công Sơn lại cất cao những tiếng hát ngỡ như bay lượn trên chín tầng mây, những tâm thế sinh ra cùng lúc với Chúa Trời và Đức Phật:
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không
Để gió cuốn đi…
Những lời kêu gọi cao quý và khẩn thiết đến không thể hình dung nổi! “Để gió cuốn đi…” - tại sao lại để gió cuốn đi, và gió cuốn đi đâu… Những câu hỏi không cần trả lời vì những ai có chút thiên lương đều đã, đang và sẽ sống như thế. Không có gì phải phân tích hay tìm hiểu gì ở đây. Vì tất cả đều sáng rõ. Ngôn ngữ của trái tim vốn luôn vang lên từ trực cảm, đem lý lẽ ra để phân tích cũng nực cười như giảng giải thiệt hơn cho một trái tim đang yêu.
Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ Văn Cao tại nhà riêng (1994). Ảnh Dương Minh Long
Thứ âm nhạc đã vượt qua âm nhạc này đủ sức làm cho những cái đầu tỉnh táo và sáng bảnh phải giật mình. Nhưng với những người bình thường, sống với trái tim giản dị và luôn chân thành với chính mình và cuộc đời thì ngay lập tức mở lòng ra đón nhận mà chẳng cần phải hiểu tại sao.
Có ai đó đã nói rất đúng rằng việc phân chia Nhạc Trịnh thành ba chủ đề - nhạc phản chiến, nhạc tình và nhạc về thân phận - chỉ là một cách nói, tất cả thế giới âm nhạc của Trịnh Công Sơn chỉ gồm trong một chữ “tình”. Vì chữ tình này mà sinh ra tất cả: sinh ra tình yêu quê hương, yêu con người, yêu cuộc đời, yêu đất nước và nhân dân, yêu bạn bè người thân và yêu tình yêu đắm đuối… Và cũng vì yêu mà phải căm ghét những gì ngược lại: căm ghét chiến tranh, căm ghét sự hận thù, căm ghét những thành kiến và định kiến chia rẽ con người, căm ghét sự vô cảm và hững hờ, căm ghét sự vụ lợi tầm thường và những dục vọng mù lòa vô lối, căm ghét sự lừa mị và giả dối…
Có ai như người nhạc sĩ này, theo dõi và nâng giấc con người từ thuở còn trong bụng mẹ để nghe thấy “tiếng khóc cười của bào thai”, cho đến khi con người giã từ cõi thế, về với Đất Mẹ vĩnh hằng để “hát ru người nằm xuống”, để thấy rằng “chìm dưới cơn mưa một người chết đêm qua, chìm dưới cơn mưa một người sống thiên thu”, để ngợi ca con người đến tận lúc chết đi “chìm dưới cơn mưa là một đóa thơm tho”, đẹp và thân thương đến nỗi khi em nằm xuống nơi đâu thì nơi ấy “đất đá hân hoan một miền”!
Cũng có ai đó đã gọi âm nhạc của Trịnh Công Sơn là một thứ Đạo - Đạo Người. Nói chính xác hơn: Đạo Yêu Người.
Trịnh Công Sơn (11.1998). Ảnh: Dương Minh Long
Người luôn chép miệng nói hai tiếng “thôi kệ” mỗi khi có ai nói gì đó hay làm gì đó ác ý với mình cũng chính là người mang một trái tim chân thành đến trọn đời khi luôn nhận về mình mọi sự khiếm khuyết “đời tôi ngốc dại tự làm khô héo tôi đây” - một lời tự thú có thể làm ta rơi nước mắt - và dành cho người khác mọi sự độ lượng và bao dung khiến ta kinh ngạc “yêu em yêu luôn tình phụ, yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ” và:
Dù đến rồi đi
Tôi cũng xin tạ ơn người
Tạ ơn đời
Tạ ơn ai
Đã cho tôi tình sáng ngời
Như sao xuống từ trời.
Vâng, đó là “Tạ Ơn” - một ca khúc của Trịnh không hẳn đã thuộc loại tiêu biểu, nhưng lại mang đủ hồn vía của con người này – con người của yêu thương và dâng hiến, con ngươi vị-tha-đến-tận-mỗi-sợi-tóc.
Như một anh xẩm sờ voi đích thực, tôi đã tùy hứng và sa đà, đã tiện đâu nói đấy về một thế giới tinh thần bát ngát như biển – cái nửa thứ hai của hồn tôi mà tôi đã tìm lại được từ lần đầu gặp gỡ trong cái đêm 30-4-1975 không thể quên. Yêu thương và dâng hiến, bao dung và độ lượng, âm nhạc ấy và con người ấy đã mang lại cho tôi điều mà tôi khao khát nhất: Sự thanh thản của tâm hồn.
Và tôi gọi đó là “âm nhạc cứu rỗi”.
15-4-2010
- Nhà thơ Anh Ngọc