- “Á hậu” của cuộc thi người đẹp xứ Mường năm 1942 – bà Hoàng Thị Liên, là người đẹp duy nhất còn sống, năm nay đã bước sang tuổi 85. Bà vẫn còn minh mẫn mà nói đi nói lại, rằng: “Ngày nay, người ta thi người đẹp sao mà rắc rối. Thời của chúng tôi, thi hoa hậu nó khác bây giờ…”
Thi hoa hậu thời xưa đơn giản lắm...
Nhà văn Nguyễn Hữu Duyên, hội viên hội VHNT tỉnh Hòa Bình, một người lọ mọ và đắm đuối xứ Mường đã bỏ công lang thang khắp các bản làng nghiên cứu, tìm hiểu về xứ Mường, cho hay: người đẹp duy nhất của hai cuộc thi hoa hậu cách đây gần 70 năm, vẫn còn sống…
Bà là Hoàng Thị Liên, Á hậu của cuộc thi hoa hậu xứ Mường năm 1942, cùng với hoa hậu Đinh Thị Nụ.
Bà Liên năm nay bước sang tuổi 85, sống cùng với con trai cả là ông Nguyễn Quốc Chiến, tại xóm Rổng, xã Tân Vinh (huyện Lương Sơn). Nhắc lại chuyện cũ, người đẹp xứ Mường năm xưa bỗng nhiên linh hoạt hẳn. Bà cứ nhắc đi nhắc lại với tôi rằng tên mình là Hoàng Thị Liên, chứ không phải Nguyễn Thị Liên như người ta vẫn nhầm. Năm đoạt ngôi Á khôi, bà mới 17 tuổi…
“Thời bấy giờ khoảng đầu năm 1942, ở châu Lương Sơn người ta tổ chức hội thi Hoa hậu xứ Mường cùng với hội chợ Két – mét, có quan công sứ người Pháp, quan chánh sứ trên tỉnh… về dự. Khi ấy, châu Lương Sơn vẫn còn thưa người, chứ chưa nhiều như bây giờ. Cả thảy, chừng hơn chục cô gái xinh đẹp, tầm tuổi như nhau, từ 18 đến đôi mươi, cùng ghi tên tham dự. Người ta cho chúng tôi thi làm hai vòng. Vòng đầu có 16 cô, vòng hai còn 5 cô….”.
Hoa hậu xứ Mường năm 1932, người đẹp Mường Vang Quách Thị Tẻo. |
Á hậu xứ Mường cuộc thi Hoa hậu xứ Mường lần thứ 2, năm 1942, người đẹp Mường Bi Hoàng Thị Liên. |
Hồ Kiều Oanh, được tôn vinh trong cuộc thi Người đẹp xứ Mường năm 2007, sau đúng gần... 7 thập kỷ! |
Hỏi: “Các cụ phải trải qua những phần thi nào?”. Bà thủng thẳng: “Nào có phải đo vòng này vòng khác đâu. Các chị em mặc quần áo người Mường (tất nhiên là lễ phục đẹp nhất), thoa thêm ít son phấn (vì thực ra lúc ấy làm gì biết dùng son phấn, và cũng đẹp sẵn cả rồi!). Ban tổ chức bắc một cái cầu bán nguyệt, rồi chúng tôi đi đi lại lại trên đó 5 vòng, đến giữa cầu thì dừng lại, xoay một vòng để các quan chủ khảo ngắm rồi cho điểm. Cô nào đẹp nhất thì được quan công sứ trao phần thưởng. Chị Nụ (hoa hậu Đinh Thị Nụ) giành giải nhất, được trao một cái kiềng cổ. Tôi về nhì, được trao cái vòng bạc mạ vàng. Thi xong rồi, ai về nhà nấy, lại đi lao động bình thường, thấy vui nhiều hơn, người không được giải cũng chẳng lấy đó làm buồn…”.
Ngừng lại giây lát, bà cụ lại cười hóm hỉnh: “Gớm, bây giờ các cô, các chị ấy thi sắc đẹp, nó vất vả quá. Phải qua nhiều vòng thi, lại còn phải tập dượt cả tháng trời…”.
Cuộc đời Á hậu Hoàng Thị Liên ít biến động hơn so với những người giành ngôi vị cao nhất. Bà xây dựng hạnh phúc với người học trò của cha mình (vốn là ông đồ đất Kinh Bắc, lên châu Lương Sơn mở trường dạy học), sinh con đàn cháu đống. Sau này, chồng bà làm Phó chủ tịch huyện Lương Sơn, sống đầm ấm bên bầy con cháu.
Làm thế nào để “Hoa hậu xứ Mường” sống lại?
Xứ Mường của hai người đẹp, bây giờ đã nhiều thay đổi. Mường Bi bây giờ nằm trọn vẹn trong địa giới hành chính của huyện Tân Lạc. Núi xưa vẫn thế, tuy nhiên, không còn những con suối đầu nguồn đưa nước đầu nguồn để làm mịn những làn da thiếu nữ sơn cước…, khi rừng đã bị đuổi đi xa tít, và những thung lũng đẹp như tranh, đã biến thành những sân golf.
Nếu coi hai cuộc thi hoa hậu xứ Mường (năm 1932 và năm 1942) là những sự kiện văn hóa tôn vinh vẻ đẹp của những thiếu nữ bản địa, thì cuộc thi Người đẹp xứ Mường được tổ chức năm 2007 nhân sự kiện Ngày hội dân tộc Mường tại Hòa Bình, là cuộc thi thứ 3 sau… gần bảy thập kỷ gián đoạn!
Cuộc so tài của 32 thiếu nữ Mường sau 65 năm kể từ khi cuộc thi Hoa hậu xứ Mường diễn ra năm 1942. - Ảnh: Hà Việt Lâm. |
32 thí sinh là các thiếu nữ Mường xinh đẹp từ 8 tỉnh trên cả nước có người Mường cư trú đã tham dự cuộc thi.
BTC khi ấy hết sức bối rối, vì không biết xây dựng chương trình cuộc thi như thế nào để vừa tôn vinh được bản sắc dân tộc Mường, vừa biến nó trở thành một “cuộc chơi” văn hóa, chứ không phải là một cuộc thi sắc đẹp bị thương mại hóa. Chính vì thế, ngay cả phần “trình diễn trang phục áo tắm” của 32 thiếu nữ Mường, BTC cũng đắn đo cân nhắc mãi, và cuối cùng quyết định để các thí sinh kèm theo mỗi người là một chiếc khăn voan làm sóng nước, cũng để các em đỡ bối rối khi xuất hiện trước công chúng…
Kết thúc cuộc thi, cô gái Mường 19 tuổi Hồ Kiều Oanh đã giành vương miện. Thiếu nữ của mường Vang (nay là huyện Lạc Sơn), vẫn đằm thắm và mặn mà vẻ sơn cước, phảng phất sự khoáng đạt và hoang dại đồng rừng.
Bùi Phương Lan, thiếu nữ xứ Mường được vinh danh Người đẹp Mimoza tại xứ sở hoa Đà Lạt. |
Nếu như sắc đẹp mỹ nữ là một nguồn tài nguyên, thì chúng ta đang "bỏ quên" tài nguyên sơn cước của những người đẹp xứ Mường...
Nếu một năm nước ta có hàng chục cuộc thi sắc đẹp, thì dường như sắc nước hương trời của những thiếu nữ xứ Mường, của đồng rừng vẫn còn là một “mỏ tài nguyên” bị bỏ quên, thảng hoặc, người ta có nhắc đến, nhưng cũng chỉ thoáng qua như một cơn gió ngọt lạc giữa trưa hè. Danh hiệu "Hoa hậu xứ Mường" gần như đã chìm vào trong truyền thuyết.
Hòa Bình, thủ phủ của xứ Mường từ hàng ngàn năm luôn là cảm hứng của thi ca nhạc họa. Người ta từng sửng sốt về tầng tầng lớp lớp văn hóa trầm tích theo năm tháng, được cất giữ và bảo lưu nơi cửa ngõ Tây Bắc. Hiểu về nó, không chỉ bằng trí tuệ, bằng thời gian, mà còn cả bằng tình yêu đối với nền văn hóa này.
-
Kiên Trung