- "Muốn có một lễ trao giải đặc sắc thì các tác phẩm dự thi phải đặc sắc và phong phú. Đừng hy vọng có bất cứ hình thức gì khỏa lấp điều đó"- Đạo diễn Lê Hoàng.
> Cánh diều 2009: Ngạc nhiên, thất vọng từ A đến Z!
> Có nên hủy giải thưởng điện ảnh Cánh diều vàng?
> Phút nói thật của Lê Hoàng
Từ một mùa giải Cánh diều gây nhiều băn khoăn và thất vọng, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Lê Hoàng về giải thưởng này và về phim ảnh nước nhà.
Sau đêm trao giải Cánh diều 2009 tối 14/3, anh có suy nghĩ gì?
Đạo diễn Lê Hoàng: - Suy nghĩ của tôi là ra lệnh cho mình đừng suy nghĩ nhiều!
Một lễ trao giải nghiệp dư, MC liên tục nói hớ, nhiều giải thưởng trao không đúng địa chỉ..., người nhận giải và người tham gia được tôn vinh theo kiểu gì vậy, thưa anh?
- Kiểu gì không quan trọng. Quan trọng là nó có gây được cảm xúc hay không? Xin hỏi ngược lại: Anh cảm xúc chứ?
Đạo diễn Lê Hoàng. Ảnh: V.Tiến |
Giải Cánh diều 2009 lặp lại kịch bản Liên hoan phim Việt Nam 16 cách đây 3 tháng, với những giải quan trọng thuộc về phim Đừng đốt. Mong chờ của nhiều người là giải thưởng của hội nghề nghiệp sẽ khác biệt với giải thưởng của LHP, nhưng điều đó đã không xảy ra...
- Có một bí quyết của sáng tạo hôm nay: "Khác biệt hay là chết". Hình như rất nhiều người của chúng ta không thấy điều đó đúng!
Cánh diều vàng đã không bay vượt qua được Bông sen vàng, liệu có phải vì Hội hay Ban giám khảo không đủ bản lĩnh để thoát ra khỏi tính an toàn?
- Câu này bạn hãy hỏi Ban giám khảo chứ, sao lại hỏi tôi.
Nhưng trao giải thưởng giống nhau như thế, cánh diều bay trên trời hóa ra cũng giống như sen dưới hồ?
- Làm cho hồ bay lên, như một con chim thiên nga. Cùng với cá và tôm trong hồ.
Điện ảnh đã tách mình khỏi công chúng!
Nhiều ý kiến cho rằng phim dự giải Cánh diều cần được thẩm định với góc nhìn nghề nghiệp, tác phẩm được công chúng quan tâm?
- Quan điểm của tôi: Chúng ta đã tách nghề nghiệp mình ra khỏi công chúng từ lâu rồi.
Đúng như anh nói, giải thưởng ấy khán giả không mấy quan tâm, người làm nghề có nơi không muốn mang tác phẩm dự thi. Vậy nó dành cho ai, vì điều gì, thưa anh?
- Khi nào trên đời còn giải thưởng thì khi ấy nó còn dành cho ai đó. Đừng quá lo điều này mà hãy lo ai sẽ là ai.
Trước các lễ trao giải, và trước Cánh diều 2009 này cũng vậy, vẫn điệp khúc rằng chưa đưa ra danh sách giám khảo vội vì sợ... "chạy giải". Nghệ sĩ của chúng ta cần giải thưởng đến thế, hay giám khảo của chúng ta dễ bị tác động đến thế?
- Đã có phim "Chạy án" nhưng chưa từng có phim "Chạy giải". Như vậy có hai khả năng xảy ra: Một, giải không chạy được. Hai, sự chạy ấy không miêu tả được. Hãy tự rút ra kết luận cho mình.
Công tác chuẩn bị tổ chức các giải thưởng điện ảnh rất cập rập, khi diễn ra thì luộm thuộm, thiếu chuyên nghiệp. Nhưng chúng ta… hơn người ở chỗ, trong thời gian ngắn vẫn tổ chức được những lễ trao thưởng làm... hài lòng cả làng đấy chứ.
- Tôi không tin là hài lòng cả làng. Và tôi cũng không nghĩ điện ảnh là một làng. Nếu có làng như thế thì đạo diễn có nên gọi là lý trưởng không? Hay trưởng thôn?
Anh làm nghề đạo diễn, từng tham gia tổ chức nội dung cho một giải thưởng khá thành công, anh có ý tưởng nào dành tặng cho những người tổ chức các giải thưởng điện ảnh để chúng khởi sắc?
- Muốn có một lễ trao giải đặc sắc thì các tác phẩm dự thi phải đặc sắc và phong phú. Đừng hy vọng có bất cứ hình thức gì khỏa lấp điều đó.
Anh có thấy chúng ta đang loanh quanh trao những giải thưởng cho nhau, cũng mấy hãng phim, cũng một số gương mặt, một ít tác phẩm (phim truyện nhựa) chưa đếm hết đầu ngón tay... Chúng ta đang tự tung hô nhau?
- Câu hỏi cũng là vừa đã trả lời. Tôi không dám nói thêm gì vào ý này cả.
Làm sao tôi biết nghệ thuật ở đâu!
Một vấn đề cũ, nhiều người làm ra những bộ phim không có khán giả, đã biện minh là phim nghệ thuật, khán giả không hiểu, không cảm, thậm chí chẳng cần khán giả. Nhưng nghệ thuật ở đâu vậy, thưa anh?
- Làm sao tôi biết nghệ thuật ở đâu? Tôi chỉ tin chắc: nó không ở mồm.
Khán giả ta có thể xem trực tiếp giải thưởng điện ảnh Oscar diễn ra bên Mỹ, những bộ phim, đĩa phim mới gần như có mặt ở rạp chiếu, tiệm đĩa Việt Nam ngay tức thì, những thông tin về phim ảnh thế giới đầy rẫy trên các trang báo... "Khán giả ta" ở đây bao gồm cả nghệ sĩ, nhà quản lý, chúng ta mở cửa rất rộng, việc học hỏi không bổ đầu này chắc cũng bổ đầu kia, nhưng vì sao phim ảnh nước nhà vẫn chưa khá lên được bao nhiêu?
- Một nền điện ảnh đâu thể khá lên vì... ngồi nhà xem Oscar? Chắc phải làm gì hơn thế chứ!
Nhưng nền điện ảnh ấy cũng đã có khá nhiều sao nội, cũng tranh luận, hội thảo nhiều, các giải thưởng cũng có một hệ thống, vậy mà nó vẫn ì ạch. Người trong cuộc như anh có sốt ruột?
- Tôi không có ruột. Và nếu có, ruột của tôi cũng khó sốt. May ra đầu tôi thôi.
Lễ trao giải Cánh diều 2009 có phần tôn vinh nghệ sĩ thế hệ đầu có nhiều cống hiến cho điện ảnh nước nhà. Họ đã làm nên những thước phim, vai diễn để đời. Thế hệ hôm nay đã làm được những tác phẩm, vai diễn nào cho thế hệ sau nữa?
- Xin đừng quá vội. Thế hệ hôm nay còn đang tiếp tục mà!
-
Võ Tiến thực hiện