Mười một giờ đêm, chuông điện thoại đột ngột kèm chứng yếu tim khiến tôi đổ mồ hôi hột mặc dù Hà thành đang cữ rét muộn thầm giận mình quên tắt di động... Chất giọng quen thuộc của Thư ký Tòa soạn như lạc đi "Này bác, nghe nói nhà thơ Hữu Loan mất rồi?"
Nhà thơ Hữu Loan |
Dứt hẳn khỏi cơn chập chờn, tôi ngồi đực ra... Có thể lắm?
Tháng trước vô Thanh ghé Nga Sơn, thi sĩ đã yếu tợn. Lại trái tiết nóng lạnh thất thường ni nô với ni na thế này căn bệnh tâm phế mãn kinh niên của tuổi cửu tuần chịu sao thấu? Nhưng biết đâu, lắm lắm sự đồn đại này khác về những ông này vị nọ nhưng ơn giời, hầu hết đều thất thiệt!
Nhưng cứ bấm cho ông Chủ tịch xứ Thanh Mai Văn Ninh cho chắc... Ông Ninh là người cùng quê Nga Sơn lại là người vốn mê thơ thi sĩ. Chất giọng không trầm rè mà tròn rõ giữa đêm của ông chủ tịch tỉnh khiến tôi giật thột, có chuyện rồi... Ông Ninh nói tưởng nhà báo biết rồi chứ. Thi sĩ đi lúc chập tối...
Một chặp sau, điện thoại lại đổ. Tướng Đồng Đại Lộc, GĐ Công an tỉnh Thanh (lại cũng là người mê thơ Hữu Loan) báo cụ thể hơn nhưng vẫn vắn tắt rằng thi sĩ đi lúc hơn 7 giờ tối (18/3/2010). Hiện gia đình chưa phát tang và cũng chưa có kế hoạch tang lễ cụ thể. Nếu có vô hãy đợi đấy sẽ tin sau!
Tôi bần thần ngó đám sách đậu chi chít trên giá rồi rút đại ra cuốn Tổng tập nhà văn Quân đội kỷ yếu và tác phẩm. Lần mở trang 649 của tập I. Trang ấy có những dòng về nhà thơ Hữu Loan:
Những người mến mộ bên thi sĩ khi ông đau yếu. Ảnh: X.B |
"Hữu Loan họ Nguyễn bút danh Hữu. Sinh ngày 2 tháng 4 năm 1916 tại thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Thuở nhỏ Hữu Loan học thành chung ở Thanh Hóa sau đó đi dạy học tư kiếm sống. Ông tham gia cách mạng từ năm 1936, hoạt động phong trào Mặt trận Bình dân tham gia Việt Minh ở thị xã Thanh Hóa.
Tang lễ nhà thơ Hữu Loan sẽ được tổ chức vào 15h ngày19/3/2010. Ông sẽ được đưa về an nghỉ tại nghĩa trang xã Nga Lĩnh, Nga Sơn, Thanh Hóa - nơi ông sinh ra và gần như gắn bó cả cuộc đời ở đó.
Năm 1943, Hữu Loan về Nga Sơn gây dựng phong trào Việt Minh ở quê, là Phó Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn. Sau đó ông được làm Ủy viên văn hóa trong Ủy ban lâm thời tỉnh Thanh Hóa phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính kháng chiến chống Pháp.
Hữu Loan phục vụ trong quân đội phụ trách báo Chiến sĩ của Sư đoàn 304 Liên khu IV. Sau 1954, ông công tác tại Báo Văn Nghệ một thời gian rồi trở về sống ở Nga Sơn, Thanh Hóa.
Tác phẩm đã xuất bản Màu tím hoa sim (thơ)"
Thường các nhà văn nhà thơ có những dòng tự bạch in kèm. Nhưng với Hữu Loan thì không có! Nhưng có mấy dòng Thay lời tự bạch của NXB Quân đội Nhân dân.
Màu tím hoa sim Hữu Loan (Theo bản đăng trên Thivien.net)
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê...
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa...
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu...
(1949, khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh)
Lời giới thiệu tập thơ Màu tím hoa sim NXB Hội Nhà văn năm 1990 có đoạn nói về nhà thơ Hữu Loan. Bài Đèo Cả là bài thơ đầu tay nổi tiếng của ông (Hữu Loan) viết năm 1946. Ông là người viết những bài thơ thời sự tuyên truyền cho từng giai đoạn, trong đó có những bài rất thành công như bài Quách Xuân Kỳ.
Thơ của ông không nhiều, nhưng có phong cách riêng, có một số bài được rất nhiều người lưu truyền trong cuộc kháng chiến chống Pháp như Đèo Cả, Màu tím hoa sim, Những làng đi qua, Hoa Lúa...
(Theo Xuân Ba, Tiền Phong)