Bức tranh sơn dầu Hà Nội chiến lũy và hoa có chiều dài 7m, rộng 3m đã được họa sĩ trẻ Nguyễn Doãn Sơn hoàn thành sau ba năm miệt mài lao động. Anh đã tự mình thực hiện bức tranh này với mong muốn đóng góp một phần vào Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Hiện bức tranh lớn này đang được trưng bày tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. PV VietNamNet trò chuyện với tác giả bức tranh.
>> 108 chân dung văn nghệ sĩ của họa sĩ ’tay ngang’
>> Đào tạo mỹ thuật đa phương tiện: Mới và ’nóng’?
>> Mỹ thuật ứng dụng ’lên tiếng’
Điều gì đã thôi thúc anh vẽ bức tranh lịch sử về Hà Nội với diện tích lên tới 21m2?
- Đầu năm 2007, tôi mời họa sĩ Nguyễn Đỗ Bảo đến khai mạc triển lãm tranh cá nhân của mình, tình cờ chú khuyên, các họa sĩ trẻ nên đóng góp những bức tranh lịch sử cho 1000 năm Thăng Long. Rồi chú kể những câu chuyện rất hay về cuộc chiến của Hà Nội năm 1946, về mảnh đất kinh kỳ có bề dày văn hóa, nhiều đền đài, miếu mạo. Đó cũng chính là điều ám ảnh tôi bấy lâu khiến tôi bắt tay thực hiện Hà Nội chiến lũy và hoa. Tôi nghĩ, những câu chuyện của thủ đô cần được thể hiện trên diện tích lớn hơn, song sức có hạn nên chỉ có thể dừng lại ở 21 m2.
Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn bên bức tranh Hà Nội chiến lũy và hao. Ảnh: T.H |
Bức tranh có gần 300 nhân vật và nhiều chi tiết về lịch sử Hà Nội. Họ là những ai? Anh thể hiện như thế nào khi không sống cùng thời với họ?
- Trong lúc tôi vẽ, có sự kiện Hoàng thành Thăng Long phát lộ, đó là cơ may để tôi hiểu hơn về lịch sử. Tôi cũng được tặng rất nhiều sách, đặc biệt những tác phẩm của cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng như Sống mãi với thủ đô, chúng tạo nên hồn cốt cho bức tranh của tôi. Không sống trong thời chiến nên tôi mượn tình cảm, cốt chuyện, tình huống trong tác phẩm văn học. Hà Nội chiến lũy và hoa được xây dựng theo lối trường thiên trong một không gian rộng lớn chứa đựng nhiều câu chuyện.
Bức tranh gồm 296 nhân vật, hình tượng và biểu tượng, mỗi nhân vật, biểu tượng có câu chuyện riêng. Rất khó để nói câu chuyện, nhân vật nào là chính: chú bé giao liên, anh thanh niên đánh đàn, chính trị viên đọc thơ, một cái giếng cổ, con ngựa đá. Ví dụ, tôi vẽ anh vệ quốc quân và cô gái làng hoa Ngọc Hà đang ở độ tuổi đôi mươi, chưa đủ chín chắn để trao cho nhau tình yêu mà họ trao bó hoa thể hiện tình quân dân với tông màu sáng nhất. Người xem có thể hiểu, họ đang đứng cạnh một ngôi nhà đang cháy rừng rực, cũng khi là tình cảm trong họ bừng sáng.
Một cựu chiến binh nói rằng, những gương mặt quanh đám lửa rất giống người này, người kia trong lịch sử. Đó là sự vô tình song cũng là hữu tình của người sáng tác, nó rất thú vị. Đây là những câu chuyện riêng lẻ nhưng không đứng đơn lẻ mà nằm trong tổng quan thống nhất, gắn kết chặt chẽ, vì thế tôi sử dụng những vùng sáng, tối để dẫn dắt thị giác người xem, đưa chuyện này ra trước, chuyện kia ra sau tạo nên không gian thống nhất, uyển chuyển giữa các câu chuyện.
Với ngần ấy câu chuyện, theo anh đã đủ để nói về cuộc sống, con người Hà Nội trong lịch sử? Anh đã lựa chọn các nhân vật của mình theo tiêu chí nào?
- Gần 300 câu chuyện của tôi chỉ hé lộ phần nào đấy về thủ đô, còn rất nhiều điều thú vị khác đang chờ các họa sĩ khai thác. Dù số lượng nhân vật không ít song tôi cũng phải suy tính rất nhiều mới đi đến quyết định chọn thể hiện ai. Mỗi ngày, tôi đều có một nhân vật, sự việc để vẽ, nhiều khi phải trăn trở trắng đêm, ngay cả cây mai, cây đào cũng phải nghĩ xem chọn dáng dấp thế nào, có bao nhiêu bông.
Với nhân vật nữ chính là cô gái làng hoa, tôi đã phải đi qua 7 sự lựa chọn trên phác thảo, khi lên tác phẩm chính cũng phải vẽ đi vẽ lại bốn lần, mỗi lần là một hình tượng khác nhau. Cuối cùng, trong một lần xem lại bức tranh của hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Đông Dương vẽ người Việt Nam, tôi quyết định vẽ hết sức giản dị, mộc mạc với ngụ ý, những con người bình thường ấy đã trở thành bất tử vì chính họ làm nên lịch sử.
Những nhân vật này đều do anh tưởng tượng, lấy từ sách lịch sử hay từ hình ảnh của nguyên mẫu ngoài đời?
- Tất cả đều có thật. Ví như để vẽ nhân vật bà mẹ, tôi đã tìm và chụp ảnh rất nhiều gương mặt mà chưa ưng, song trong một lần đi chơi ở Hà Đông, nhìn sang nhà đối diện thấy một bà cụ đang dọn vườn, qua dáng đi, cách cài tóc tôi thấy rất giống với nhân vật mình muốn thể hiện. Khi vẽ tôi chỉ thay đổi một chút về đôi chân, dáng tay cầm đèn, còn lại gần như thể hiện y như nguyên mẫu mà cơ duyên đã cho mình “bắt” được. Tôi chỉ biết nhà bà, không biết tên.
Còn nhân vật bác công nhân thì do chính thầy của tôi- giáo sư Tôn Đại làm mẫu. Nhân vật người cầm loa xuất phát từ bức ảnh trong lịch sử chụp một trí thức đang kêu gọi lính Pháp trở về quê hương họ. Đôi trai gái thì chính là đôi vợ chồng người bạn thân của tôi. Tuy nhiên, tôi vẽ theo cảm xúc chứ không hoàn toàn mô tả giống thật.
Vào nghề chưa lâu, kinh nghiệm vẽ tranh lịch sử không nhiều, anh làm thế nào để đủ tự tin sáng tác bức tranh lớn cả về kích cỡ lẫn nội dung thành công?
- Đây là lần thứ ba, tôi vẽ đề tài lịch sử. Lần đầu vẽ bức tranh hồ Hoàn Kiếm tả cảnh Lê Lợi, Nguyễn Trãi đứng trên thuyền, trả gươm cho rùa thần. Bức này được tặng cho thành ủy Hà Nội. Bức thứ hai tôi vẽ 100 đứa trẻ bên mẹ Âu Cơ với vóc dáng khác nhau và hướng về tương lai khác nhau. Tuy nhiên, để hoàn thành Hà Nội chiến lũy và hoa, tôi phải vẽ hai lần phác thảo, năm lần làm trích đoạn, hai lần họp bàn góp ý về chuyên môn. Khi bắt đầu, tôi vẽ từ thô đến tinh, đầu tiên là chia mảng lớn, sau đó vẽ phác thảo từ đơn giản đến chi tiết, qua tất cả bốn bước, bước kết thúc kéo dài một năm, bước nào cũng khó vì nếu tổng quát không tốt thì chi tiết cũng dễ hỏng.
Ngay từ khi thiết kế, tôi đã đưa ra rất nhiều phương án về kết cấu vì đây là bức tranh sơn dầu đặc biệt. Nếu bức bình thường là vải chịu lực (vải được căng ra) thì bức của mình là tôn chịu lực (treo vải lên tấm tôn). Bức tranh này nặng khoảng 600 kg vì có nhiều phụ kiện.
Lúc vẽ, tôi phải thuê xưởng trong vòng 18 tháng, cũng chỉ nhỉnh hơn bức tranh một chút. Tranh khổ lớn nên di chuyển hơi khó, tôi phải cuộn vào một cái ống có đường kính 30 cm. Để bảo quản tranh, tốt nhất là phải cho nó một địa chỉ để có thể “đứng” ở đó vĩnh viễn. Trước mắt, tôi sẽ bán ngôi nhà ở phố đi để mua một xưởng vẽ bên Bát Tràng đủ rộng để treo tranh và mở lớp học vẽ cho con em làng nghề. Như thế, những người yêu tranh có thể đến thưởng thức tác phẩm này.
Anh có ý định tặng bức tranh cho bảo tàng hay một đơn vị nào đó?
- Nếu được hiến là vinh dự nhưng cái này mình không quyết định được.
Đến ngày Đại lễ 10-10, tranh của anh sẽ được trưng bày ở đâu?
- Tôi rất mong tác phẩm của mình được treo ở một nơi trang trọng, nếu có thể, tôi muốn triển lãm tại TPHCM để đông đảo công chúng được chiêm ngưỡng.
Xin giới thiệu một số hình ảnh bức tranh kỷ lục này với bạn đọc:
Toàn cảnh bức Hà Nội chiến lũy và hoa. |
Hà Nội chiến lũy và hoa trước nhà Thái học Văn Miếu-Quốc Tử Giám. |
Anh giải phóng quân và cô gái làng hoa Ngọc Hà. |
Bà mẹ Việt Nam với nguyên mẫu tìm thấy một cách tình cờ. |
Chú bé giao liên. |
Đôi vợ chồng lấy cảm hứng từ gia đình người bạn, anh công nhân do chính thầy giáo của Doãn Sơn làm mẫu. |
Thời khắc trong chiến tranh. |
- Thu Huyền (thực hiện)