- Mới đây, khán giả Hà Nội đã gặp gỡ chùm ảnh Je t’ aime của nhiếp ảnh gia trẻ tuổi – tiến sĩ vật lý Nguyễn Hải Sơn. “Mình muốn trở thành một nhà khoa học đam mê chụp ảnh hơn là một nhiếp ảnh gia đam mê khoa học. Còn về mộng mơ?...”.
Nhiếp ảnh gia - tiến sĩ vật lý Nguyễn Hải Sơn. |
Chỉ chụp người mẫu trong những hoàn cảnh đặc biệt
- Hải Sơn sang Pháp học tập từ năm 18 tuổi, vậy khi đó bạn đã bắt đầu chụp ảnh ngay, hay đã chụp từ trước đó? Lần đầu đến với nghệ thuật nhiếp ảnh của Sơn như thế nào?
- Một cách không chính thức thì mình bắt đầu chụp ảnh từ năm 2002, thời cấp III, lúc làm tập san năm học cho khối Chuyên Lý Tổng Hợp của trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Hồi ấy mình vừa là tổng biên tập, vừa là người thiết kế ảnh cho trang bìa. Kỷ niệm không thể quên của thời học sinh: mấy đứa lôi nhau lên nóc nhà gửi xe chụp ảnh, mà mái nhà là mái tôn, chỉ sợ sập bất kì lúc nào. Bức ảnh một nữ sinh Hà Nội mặc áo dài trắng được chụp thời cấp III đó về sau lại được chọn trong triển lãm "Hà Nội hiền" tại Paris, mà không chỉ vì nó là một kỉ niệm đẹp, đó cũng thực sự là một bức ảnh đẹp.
Còn một cách chính thức hơn thì mình bắt đầu chụp ảnh từ năm 2006, chính thức là vì từ đó bắt đầu chụp rất nhiều, bắt đầu tìm hiểu và đọc tài liệu, bắt đầu mua máy ảnh "xịn", rồi máy ảnh "cơ"... Câu chuyện khởi nguồn từ lúc mình được xem ảnh chụp Paris của một người bạn học ở Thụy Điển qua Paris chơi Noel, bỗng nhận ra nhiếp ảnh là một cách ghi lại cảm xúc tuyệt vời; mà đối với một người trẻ tuổi ở Paris thì cảm xúc có lẽ là thứ tài sản giàu có nhất.
Hemingway có một câu thế này "Nếu bạn may mắn được sống ở Paris trong tuổi thanh xuân, thì dù cho bạn có đi đến đâu trong quãng đời còn lại, Paris sẽ mãi ở bên bạn. Vì Paris là một cuộc hội hè miên man". Chính vì lý do đó đã đưa đẩy mình đến với nhiếp ảnh, mà đặc biệt là thể loại "street life" để có thể ghi lại những khoảnh khắc và cảm xúc ở Paris. Và nó cũng là cách giúp mình có thể mang Hà Nội đi theo sang Pháp - một Hà Nội của riêng mình theo cách nhìn của chính bản thân mình.
- Nhiếp ảnh là môn nghệ thuật gắn bó mật thiết với cái đẹp của cuộc sống, và rất nhiều khi, cái đẹp đó được phản ánh qua những mái tóc, bờ vai, cặp mắt, đôi môi… của các thiếu nữ. Hải Sơn có chút “tình riêng” nào với nhiếp ảnh kiểu như thế không?
- Nhiếp ảnh cũng giống như âm nhạc, văn thơ, khi gặp một người con gái để lại cho mình nhiều cảm xúc, đương nhiên nhiếp ảnh gia sẽ muốn lưu lại. Mặc dù vậy, thể loại ảnh yêu thích của mình là ảnh cuộc sống "street life" nên mình ít khi chụp ảnh các bạn gái (mà mọi người hay gọi là chụp mẫu), trừ phi trong những hoàn cảnh thật "đặc biệt".
- Quan niệm về tình yêu của Sơn?
- Tình yêu là một sự chia sẻ tuyệt đối. Không phải lúc nào cũng cần ở bên cạnh nhau, không phải lúc nào cũng cần dành cho nhau những lời có cánh, có những sự chia sẻ có thể đến qua ý nghĩ. Sự chia sẻ tuyệt đối đó sẽ là khởi đầu của mọi viễn cảnh.
Món quà ý nghĩa nhất là những nghiên cứu khoa học
- Tết này Sơn có về Việt Nam? Món quà ý nghĩa nhất mà bạn sẽ mang về cho người thân?
- Tết này mình không về được do công việc, mà cả thời còn đi học cũng hầu như không về được (chỉ có một lần ăn Tết duy nhất trong suốt 7 năm xa nhà), vì ngày Tết âm lịch không trùng với lịch nghỉ ở Pháp. Món quà ý nghĩa nhất mà mình muốn dành cho người thân sẽ là những kết quả nghiên cứu khoa học mới mà mình hi vọng sẽ có thể công bố. Có lẽ đó chính là điều kỳ vọng lớn nhất của gia đình dành cho mình.
- Cảm giác về những giao thừa xa nhà như thế nào? Một giao thừa ấn tượng nhất mà Sơn từng trải qua?
- Đây sẽ là giao thừa thứ 6 mình ở Pháp trong 7 năm xa nhà. Cảm giác về giao thừa trong suốt 7 năm qua đã khác nhau nhiều lắm, mấy năm đầu tiên, cứ đến giáp Tết, lên mạng đọc báo viết về việc mọi người tấp nập sắm Tết, lại thấy rất buồn, đêm về hồi ấy mình hay nằm nghe "Gửi người em gái" của Đoàn Chuẩn - Từ Linh hay đọc "Tết này có lẽ không về được" của Nguyễn Bính.
Mấy năm gần đây mọi thứ đã trở nên dễ dàng hơn nhiều, không phải vì bản thân đã chai sạn, mà là đã cứng cáp hơn, lúc giao thừa mình thường lên một ngôi chùa Việt Nam gần nhà để cầu chúc cho gia đình những điều an lành.
Giao thừa ấn tượng nhất mình từng trải qua ở Pháp là giao thừa năm ngoái, khi mình cùng một nhóm bạn nổi hứng thèm ăn bánh chưng, mà không phải là bánh chưng mua ngoài chợ Tàu, phải là bánh chưng tự gói tự luộc bằng củi như thời còn bé. Mà ở Paris thì người ta cấm đốt lửa trong vườn, kể cả công viên, thế là cả lũ kéo nhau xuống vùng Fontainebleau, trong một khu vườn nhà của một người bạn để gói và luộc bánh chưng.
Hình ảnh lũ xa nhà ngồi quây quần bên nồi bánh chưng to, vùi thêm vào dưới đống củi mấy củ khoai củ sắn sẽ mãi mãi là một trong những kỷ niệm đẹp nhất của thời du học sinh của mình. Cũng trong hôm ấy, mình đã chụp lại một "photo essay" rất đáng nhớ về cái cảnh gói và luộc bánh chưng nơi đất khách quê người.
Đêm Paris |
- Tết này, Sơn có dự định đi chụp ảnh ở một vùng miền nào?
- Tết này thì mình không được nghỉ nên chắc sẽ chỉ chụp ảnh quanh Paris, nhưng vào đợt tháng 4, dịp Phục Sinh, mình có dự định đi Hy Lạp. Những ngôi nhà quét vôi trắng, những cửa sổ màu xanh và biển bát ngát của những ngôi làng nhỏ nằm trên đảo giữa Địa Trung Hải sẽ hứa hẹn nhiều ấn tượng và hình ảnh đẹp.
Vẫn theo đuổi cô nàng đỏng đảnh nhiếp ảnh
- Nhiếp ảnh đối với Sơn là một cuộc chơi của màu sắc, góc độ, ý tưởng… để xả stress, cân bằng sau sự căng thẳng của công việc nghiên cứu khoa học hay là một phần không thể thiếu của cuộc sống? Nếu không thể thiếu thì nó chiếm bao nhiêu phần so với những sự quan tâm khác?
- Nhiếp ảnh là một cách ghi lại cuộc sống - qua đó bạn lại nhận ra chính bản thân mình. Bởi vì cuộc sống đó được ghi lại bằng cảm xúc của bạn.
Công việc chính của mình vẫn là nghiên cứu khoa học, và mình đầu tư vào đó phần lớn thời gian, còn nhiếp ảnh là một thú chơi. Tuy nhiên đó là một thú chơi nghiêm túc, đòi hỏi tìm tòi và tiến bộ - như các cụ nói "Nghề chơi cũng lắm công phu". Mình dành khá nhiều thời gian xem ảnh và đọc sách ảnh, bản thân cũng có một bộ sưu tầm những quyển sách ảnh kinh điển; rồi bắt đầu bằng máy ảnh số, nhưng dần dần quay lại chụp ảnh bằng máy ảnh cơ, tự tay tráng phim, tự chui vào phòng tối phóng ảnh. Tuy nhiên đa phần thời gian đó là những ngày cuối tuần, vì bình thường cả tuần liền mình đến phòng thí nghiệm từ sáng, đến 1 - 2 giờ đêm mới về nhà nên chẳng thể nào dành chút nào thời gian cho nhiếp ảnh.
- Sự khác nhau giữa môn nghệ thuật nhiếp ảnh và môn khoa học Vật lý mà Sơn đang theo đuổi ở trường Ecole Normanle Supérieure de Paris?
- Có lẽ nên nói về sự giống nhau trước: Nghề của mình là nghề thực nghiệm của ngành "Quang học lượng tử", luôn luôn làm việc với các thiết bị quang học, đôi khi những kĩ sư chỗ mình còn chế tạo cả một "máy ảnh" đặc biệt dùng cho nghiên cứu để "chụp" những ánh sáng cực yếu mà một máy ảnh thị trường không thể nào đạt được. Nhờ được làm việc nhiều như vậy nên mình hiểu rất rõ nguyên tắc vật lý và những hiện tượng vật lý xung quanh nhiếp ảnh. Điều này rất có ích về mặt kỹ thuật chụp ảnh.
Về sự khác nhau, nhiếp ảnh là trò chơi về "feeling", trong đó nghệ sĩ nhiếp ảnh chạy theo cảm hứng và cảm xúc; còn ngược lại, vật lý lại là một ngành khoa học được giải quyết bằng "logic", trong đó nhà vật lý học đang tiệm cận dần đến chân lý của tự nhiên.
Sáng sớm ở phố Hàng Lược |
- Nghệ thuật nhiếp ảnh luôn khó tính và đỏng đảnh như cô gái xuân thì, dễ dỗi giận, dễ làm cao… Đam mê cô ấy thì rõ rồi nhưng để sống hết mình với cô ấy không dễ. Liệu Hải Sơn sẽ theo đuổi cô ấy đến chừng nào nếu như sau khi ra trường, bạn sẽ trở thành một tiến sĩ vật lý thực sự và túi bụi với công việc làm khoa học, chấm dứt chuỗi ngày mộng mơ?
- Ước mơ từ thời thơ ấu của mình là trở thành một nhà vật lý, và mình đang dần thực hiện ước mơ đó, mình muốn trở thành một nhà khoa học đam mê chụp ảnh hơn là một nhiếp ảnh gia đam mê khoa học. Còn về mộng mơ? Có lẽ mình sẽ không bao giờ hết mộng mơ một khi mình còn rất trẻ.
- Hòa Bình (thực hiện)