- Các đơn vị dây dưa được lúc nào hay lúc đó việc trả tiền bản quyền, bởi chưa có ai thực hiện thì mình dại gì đi làm kẻ mở đầu?
Không trả tiền còn trả lời thô tục
Tiền bản quyền âm nhạc năm 2009 thu được khá cao nhưng không phản ánh hết thực tế.
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết năm 2009 vừa qua, đơn vị này đã thu được 23,3 tỷ đồng tiền bản quyền về cho hơn 1.600 tác giả, trong đó riêng khu vực phía Nam chiếm 14,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh hết thực tế sử dụng tác phẩm âm nhạc vào nhiều hoạt động kinh doanh hiện nay.
Tác quyền tại các dịch vụ kinh doanh karaoke năm qua hầu như không thu được gì do chưa đạt được những thỏa thuận, quy định cụ thể. Dù đổ đồng phí tác quyền là 2,5 triệu đồng/ phòng/năm nhưng lại vướng chuyện không thống kê được các ca khúc dùng nhiều hay ít, các tác giả được trả tác quyền thế nào mới công bằng.
Vẫn còn hai đơn vị trong số các đài phát thanh truyền hình tại khu vực phía Nam chưa thực hiện việc trả bản quyền tác phẩm âm nhạc. Đó là Đài phát thanh truyền hình Ninh Thuận và Đài phát thành truyền hình Quảng Nam. Dù đã nhận được chỉ đạo của chính quyền tỉnh nhà nhưng hai đơn vị này vẫn dây dưa, chưa chịu thực thi quyền tác giả âm nhạc.
“Có nhiều đơn vị, chúng tôi đã gửi cả chục văn bản yêu cầu thực thi quyền tác giả âm nhạc nhưng họ không thực hiện, không phản hồi, thậm chí có nơi còn dùng từ ngữ thô tục”, ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc chi nhánh phía Nam của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam bức xúc. Theo ông Cẩn, ý thức thực hiện bản quyền tuy có biến chuyển nhưng vẫn chưa thể xóa hết các điểm trắng tác quyền.
Dây dưa được lúc nào hay lúc đó
Hệ thống luật bản quyền chưa đầy đủ, đang trong quá trình hoàn thiện, thiếu chuyên viên giỏi, là những nguyên nhân của tình trạng này. Đó còn là hiện tượng hiểu sai hoặc cố tình không hiểu, né tránh cho qua của các đối tượng sử dụng âm nhạc.
TP.HCM là điểm nóng bản quyền trong các hoạt động kinh doanh âm nhạc gián tiếp lẫn trực tiếp với số tiền thu được trong hai năm 2008 - 2009 chiếm 60% cả nước.
Nguyên nhân còn nằm từ phía chủ sở hữu tác phẩm - các nhạc sĩ. Dù đã ủy thác cho trung tâm bản quyền thu phí nhưng không ít tác giả vẫn cho phép người khác sử dụng tác phẩm gây hiểu nhầm và khó khăn cho việc thực thi tác quyền.
90% siêu thị tại TP.HCM và chi nhánh ở các tỉnh đã ký kết với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để trả bản quyền cho các tác giả. 85% khách sạn, nhà hàng tại TP.HCM đã ký thỏa thuận trả phí tác quyền.
Các tụ điểm, bar có những chuyển biến trong việc thực thi quyền tác giả âm nhạc so với năm 2008. Bản quyền tác giả âm nhạc trên internet, nhạc chuông, nhạc chờ, nhạc hiệu cũng đang trên tiến trình hoàn tất các quy chế.
Nhiều nhạc sĩ bán đứt bản quyền có khi chỉ 1 triệu đồng, thời gian sử dụng là... vô thời hạn. Nơi mua tác phẩm của nhạc sĩ theo đó đến trung tâm bản quyền thu tiền. Thay vì được hưởng, các tác giả phải nhượng quyền lại cho một đơn vị nào đó.
Đó là chưa kể, các tác giả hiểu nhầm nên tính phí bản quyền trong các live show với giá rất hời, chỉ vài trăm nghìn đồng. Trong khi đó, theo quy định về hoạt động tổ chức biểu diễn, phí bản quyền trong các live show, tác giả phải được hưởng khá cao theo công thức: 75% số ghế x giá vé bình quân x 5%.
Nhiều chương trình ca nhạc đội lốt từ thiện cũng đã góp phần làm vơi túi tiền của các tác giả. Thế nên, sắp tới Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết sẽ thu phí bình thường đối với tất cả các hoạt động có sử dụng âm nhạc để làm từ thiện. Đơn vị này sẽ thảo luận với tác giả sẵn sàng trích lại một phần cho chương trình nếu thực sự đó là chương trình giúp ích cho cộng đồng.
Hơn 23 tỷ đồng bản quyền thu được riêng trong năm 2009 dù sao cũng là con số "chuyển biến" so với 55 tỷ đồng của cả 8 năm hoạt động của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, ý thức thực hiện quyền tác giả của các doanh nghiệp, dịch vụ kinh doanh trực tiếp hoặc gián tiếp trong lĩnh vực âm nhạc vẫn còn hạn chế. Các đơn vị sử dụng âm nhạc dây dưa được lúc nào hay lúc đó trong việc trả bản quyền, bởi tâm lý chưa có ai thực hiện thì mình dại gì đi làm kẻ mở đầu.
-
Lê Tám