221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1255989
Món quà đặc biệt một nhà văn, CCB Mỹ tặng Việt Nam
1
Article
null
Món quà đặc biệt một nhà văn, CCB Mỹ tặng Việt Nam
,

- Hôm nay (5/1) sẽ diễn ra Hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài với sự có mặt của hơn 100 dịch giả và nhà văn ngoại quốc cùng hơn 200 nhà văn, dịch giả Việt Nam. Trong số họ có một tên tuổi lớn của thi ca nước Mỹ, Bruce Weigl, tác giả và dịch giả của những cuốn sách nổi tiếng như Song of Napalm (Bài hát bom Napan), The Circle of Hanh, Poems of captured documents (Những bài thơ từ tài liệu bị bắt giữ, dịch)

Người bán phở làm tôi tin...

Mô tả ảnh.

Bruce Weigl trong khách sạn Hòa Bình

Tôi hỏi Bruce Weigl: “Ông có thấy lạ không? Một người lính Mỹ cách đây hơn 40 năm tham chiến ở Việt Nam, bây giờ trở lại dự hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới và ở trong khách sạn Hòa Bình?” (Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Bruce nở nụ cười hồn hậu, nheo mắt nói: “Một liên tưởng thật thú vị!”

Ông kể, năm 1967, khi 18 tuổi, ông đã được gửi sang Việt Nam. Anh thanh niên Bruce không biết gì về đất nước được gọi là kẻ thù của nước Mỹ, nhưng là một người lính, anh phải chiến đấu. Khi đến Việt Nam, ngay lập tức anh thấy yêu mảnh đất kỳ lạ này. Trong suy nghĩ của mình, anh không cảm thấy đang ở trong một cuộc chiến tranh, mà dường như đang ở quê nhà vậy. Chính anh cũng không hiểu vì sao, nhưng anh chỉ cảm thấy sự dễ chịu và thân thiện. Ý nghĩ này anh chẳng dám chia sẻ với các bạn đồng ngũ vì chắc hẳn sự việc sẽ trở nên tồi tệ. Nhưng anh tự hứa với mình rồi sẽ có ngày quay trở lại mảnh đất này với một tư thế khác.

Chiến tranh chấm dứt, Bruce Weigl về Mỹ, và trong một thời gian dài ông luôn cảm thấy bất an khi nghĩ đến những gì nước Mỹ đã gây cho nhân dân Việt Nam. Có những lúc ông cảm thấy căm ghét bản thân mình. Là một nhà văn, ông không giàu, vậy ông có thể làm gì cho Việt Nam để chuộc lại lỗi lầm của đất nước ông?

Mô tả ảnh.

Và ngồi chơi trên vỉa hè Hà Nội

Năm 1985, lần đầu tiên ông quay lại Việt Nam, đến Hà Nội. Ông ngạc nhiên thấy những người dân miền Bắc vô cùng thân thiện. Ông cố tìm sự thù hận trong thái độ của họ khi biết ông từng là lính Mỹ, nhưng tuyệt nhiên không thấy. Ông đâm ra nghi ngờ và không hiểu người ta cư xử với mình như thế nhằm mục đích gì?

Ngay cả khi các đồng nghiệp Việt Nam khi ấy như Lê Lựu, Phạm Tiến Duật… bảo ông rằng chiến tranh đã chấm dứt, người Việt xếp lại quá khứ và hướng đến tương lai, thì ông vẫn không tin.

Cho đến một lần ông đi ăn phở. Mải trò chuyện, khi đứng lên ông đã đánh rơi chiếc ví trong đó có tất cả số tiền ông mang theo. Đi được một quãng, ông nghe tiếng gọi thất thanh phía sau. Người bán phở cầm chiếc ví giơ lên cao, vẫy gọi ông. Ông xúc động nhận lại ví tiền, rút ra tờ 1 trăm đô la để cảm ơn người bán hàng. Nhưng con người lam lũ đó nở một nụ cười thật tươi và xua tay từ chối, quay vào làm việc tiếp. “Đến lúc ấy thì tôi tin, tôi đã tuyệt đối tin” – Bruce thở phào khi kể xong cho tôi nghe câu chuyện.

Tôi muốn tặng đất nước Việt Nam một món quà 

Mô tả ảnh.

Bìa cuốn sách Vòng đời của Hạnh

Trong ông vẫn đau đáu ý nghĩ phải làm một điều gì, dù nhỏ bé thôi, cho đất nước này.

Một lần ông tới thăm trại trẻ mồ côi ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông nhìn thấy những đứa trẻ mồ côi xinh đẹp phải chịu cảnh không cha, không mẹ. Trong đầu ông chợt lóe lên ý nghĩ: ông sẽ nhận con nuôi Việt Nam, nuôi dưỡng và cho chúng đi học ở ngôi trường thật tốt. Con nuôi của ông không chỉ được hưởng nền giáo dục Mỹ mà ông sẽ tiếp tục dạy cho con về Việt Nam, về tổ quốc của nó. Khi con ông trưởng thành, ông sẽ cho nó trở về quê hương làm việc, thì đây sẽ là một món quà ý nghĩa ông có thể tặng lại đất nước Việt Nam.

Khi trở về nhà, ông bàn với vợ và bà rất ủng hộ. Ông bà nhận nuôi một bé gái tên Hạnh, lúc ấy lên 8. Ông cảm thấy thật tuyệt khi hàng ngày trở về, ông được thấy Việt Nam hiện diện trong ngôi nhà của mình. Ông sưu tầm các bài hát Việt, băng video..., tóm lại là tất cả những thứ gì có thể để một đứa trẻ lên 8 không quên đất nước của mình.

Ông còn tìm cho Hạnh một thầy giáo người Việt ở Mỹ vì không muốn con gái quên tiếng mẹ đẻ. “Nếu bạn đánh mất ngôn ngữ thì bạn sẽ mất tất cả. Tôi muốn cháu vừa là con gái tôi, nhưng lại phải vừa là một người Việt Nam nữa. Và tôi thật bất ngờ khi thấy họ làm việc với nhau vô cùng ăn ý. Chính họ tác động rất lớn suy nghĩ của tôi, đặc biệt là khi tôi viết cuốn sách The Circle of Hanh (tạm dịch: Vòng đời của Hạnh).

Đó là câu chuyện về tầng lớp lao động bình thường, về một người đã sinh ra trên nước Mỹ, đã phải tham gia vào cuộc chiến và trở thành nhà văn như thế nào, và nhận một bé gái làm con nuôi tên Hạnh. Như vậy là từ chiến tranh, cuộc sống, đến khi nhận Hạnh làm con nuôi, đã làm thành một circle (vòng đời) của tôi."

Thơ từ tài liệu bắt giữ được của những người lính "Việt Cộng"

Chúng tôi ngồi trò chuyện trong phòng ăn khách sạn Hòa Bình trên đường Lý Thường Kiệt khi ông đến Hà Nội với tư cách đại biểu chính thức Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới.

Thưa ông, tôi biết có một tập thơ của những người lính Việt Nam do ông tham gia dịch, đã rất được dư luận Mỹ chú ý?

Mô tả ảnh.

Bìa cuốn sách Những bài thơ từ tài liệu bị bắt giữ

Trong chiến tranh Việt Nam, khi bắt được tù binh hoặc khi thu dọn chiến trường, quân đội Mỹ giữ lại tất cả vật dụng, giấy tờ của người lính "Việt Cộng". Tất cả những tài liệu ấy được chụp lại thành micro phim để lưu trữ. Ở nước Mỹ có 2 bản micro phim ấy và một bản lưu giữ ở Trung tâm William Joiner (Boston).

Có lần tôi được xem một vài micro phim ấy cùng một người bạn Việt Nam. Nhìn thấy những ghi chép trong đó giống các bài thơ, tôi hỏi: Những người lính Việt đã hy sinh này làm thơ ư? Người bạn trả lời: Dĩ nhiên rồi. Tôi ngạc nhiên hỏi tiếp: Thật vậy không? Người bạn ấy mỉm cười: Tất cả người Việt Nam chúng tôi đều làm thơ.

Tôi và người bạn ấy đã dành ra 2 năm để cùng dịch những bài thơ ấy sang tiếng Mỹ. Lý do tôi thuyết phục các nhà xuất bản in tập thơ này vì nó là rất quan trọng. Từ trước đến nay, người Mỹ chỉ biết về chiến tranh Việt Nam qua những người lính Mỹ hoặc quân đội Cộng hòa. In cuốn sách này, chúng ta có thể làm thay đổi suy nghĩ của người Mỹ.

Tập thơ Poems from captured documents (tạm dịch: Những bài thơ từ tài liệu bị bắt giữ) ra đời vào khoảng năm 1995, đã gây một dư luận ở nước Mỹ. Đầu tiên người ta vô cùng ngạc nhiên, còn sau khi đọc xong thì thích thú. Nhiều bạn đọc đã viết thư cảm ơn tôi, bởi vì bây giờ họ mới được nhìn về chiến tranh Việt Nam đầy đủ hơn.

Nó được in bao nhiêu bản?

Tôi không nhớ chính xác bao nhiêu, nhưng nó được tái bản 2 lần. Ở Mỹ, những nhà thơ trẻ mỗi lần xuất bản khoảng 300-500 cuốn đã là hạnh phúc. Tôi thì không còn là nhà thơ trẻ nữa, nhưng mỗi lần xuất bản mà được dăm nghìn cuốn thì đã là rất thành công.

Thế hệ trẻ của Mỹ có còn quan tâm đến cuộc chiến này nữa không?

Có một điều tôi rất ngạc nhiên, đó là dường như giới trẻ Mỹ chẳng quan tâm đến cái gì, nhưng lại vẫn quan tâm đến chiến tranh Việt Nam. Nhiều lần các sinh viên của tôi rất thích nghe giảng về chủ đề này. Theo tôi, có lẽ vì tuy các em có cha, ông, chú bác từng tham chiến ở Việt Nam nhưng họ không muốn nhắc đến cuộc chiến này nữa. Còn tôi thì vẫn nói về nó. Tôi chia sẻ với sinh viên của mình về thi ca Việt Nam, về  truyện ngắn, âm nhạc,…

Giữa hai ngôn ngữ không phải là cuốn từ điển, mà là văn hóa

- Chúng ta quay trở lại với Hội nghị giới thiệu văn học VN ra nước ngoài nhé...

Mô tả ảnh.

Hạnh (thứ 2 từ phải sang) cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chuẩn bị cho buổi biểu diễn nhạc cụ dân tộc Việt Nam tại Boston (Mỹ). Ảnh: Bruce Weigl

Tôi ở một vị trí khá may mắn. Không chỉ là người giảng dạy về thơ Việt Nam trong trường đại học, tôi còn là một cựu chiến binh Mỹ. Tôi có thể nói lên cái nhìn, quan điểm của một người lính, vì tôi đã từng đến đây. Tôi muốn làm cho các sinh viên của tôi hiểu về văn học Việt Nam, dạy cho họ biết rằng Việt Nam không chỉ có nghĩa là chiến tranh, mà là đất nước có lịch sử lâu đời hơn chúng ta rất nhiều.

Một thời gian dài, ở Trung tâm William Joiner chúng tôi làm tất cả mọi việc hướng tới sự hòa giải, cho dù khi ấy nhà cầm quyền hai nước chưa muốn đối thoại. Kevin Bowen, người bạn rất thân thiết của tôi, đã cố gắng làm cho chính quyền Mỹ quên đi điều đó và mời các nhà văn VN sang Mỹ.

Trao đổi, chia sẻ các tác phẩm văn học của hai đất nước sẽ giúp người ta hiểu về con người. Khi bạn đọc một cuốn sách lịch sử, người ta sẽ hỏi bạn ai là người giữ vai trò lịch sử nào đó; còn khi bạn đọc thơ, sẽ không ai hỏi thế bởi thơ  được cảm nhận bằng trái tim, đặc biệt khi bạn đọc thơ của một nền văn hóa khác, bạn sẽ hiểu con người thông qua trái tim.

Và tôi nghĩ, chúng ta cần phải phát triển thêm nhiều các chương trình trao đổi giáo dục, mà cách làm là thông qua văn học. Nếu tôi chia sẻ thơ của các nhà thơ Việt Nam với các sinh viên của tôi, rất có thể trong tương lai họ sẽ tìm đến Việt Nam.

- Xin hỏi ông với tư cách dịch giả và nhà thơ, một câu hỏi đơn giản nhưng hiện nay đối với chúng tôi vô cùng hóc búa: Làm thế nào để đưa văn học VN đến được với thế giới?

Điều tôi thấy rõ là chúng ta không có những chương trình đào tạo dịch giả văn học. Ngay ở nước Mỹ cũng chỉ có một nơi duy nhất đó là đại học tổng hợp Arkansas làm việc này. Ở trung tâm William Joiner chúng tôi cố gắng hỗ trợ và phát triển dịch thuật bằng cách mời các nhà văn, dịch giả Việt Nam sang làm việc cùng các nhà văn Mỹ. Nhưng cho dù một nhà văn VN giỏi tiếng Mỹ hay nhà văn Mỹ biết tiếng Việt thì điều đó vẫn chưa đủ. Giữa hai ngôn ngữ không phải là cuốn tự điển, mà là văn hóa. Dịch là một công việc rất khó khăn cũng vì thế. Văn hóa chính là thách thức lớn nhất giữa hai đất nước.

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là chúng ta cần có những chương trình trao đổi dịch giả. Một bản dịch chính xác thôi, chưa đủ. Chúng ta cần có những tác phẩm được dịch bằng thứ tiếng Anh thật tốt, bởi nếu không thì bạn đọc Mỹ sẽ không mua sách.

Khi chúng tôi gặp tướng Giáp để tặng bản dịch cuốn Poems from captured documents, ông đã rất thích. Có thể vì ông tự hào về những người lính của mình. Cuộc gặp hôm đó còn có một vài nhà văn Việt Nam cùng dự. Và họ đã đưa ra những nhận xét khác nhau về ý nghĩa của các câu thơ. Tôi hiểu công việc dịch văn học thật là khó khăn. Với tôi đây còn là một kinh nghiệm ngạc nhiên và thú vị, bởi vì người Mỹ thường không chập nhận sự đa nghĩa trong bản dịch. Nghĩa chỉ có một. Nhưng tôi phát hiện ra rằng, thơ Việt Nam luôn đa nghĩa. Điều này đã ảnh hưởng đến phong cách sáng tác của tôi.

Kế hoạch sắp tới của ông là gì?

Tôi đang dịch thơ của nhà thơ Nguyễn Quyến sang tiếng Anh và viết một cuốn sách mới, tiếp theo The Circle of Hanh. Nhưng đây không phải là cuốn sách về cuộc đời Hạnh mà là tập hợp những chuyến đi của tôi tới Hà Nội, về thành phố này đã thay đổi thế nào kể từ sau khi tôi viết cuốn sách đó

Bao giờ thì ông viết xong? Trong năm tới?

Hy vọng là vậy. Bây giờ tôi cũng lười viết lắm rồi (Cười)

Ta nói một chút về thế hệ nhà văn trẻ của Mỹ hiện nay…Họ có quan tâm đến thể loại văn chương giải trí vốn khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới?

Tôi nghĩ là có. Chắc ở Việt Nam cũng vậy?

Theo ông, nguyên nhân vì sao? Nó có làm ông lo lắng về một thế hệ nhà văn mới đang xa rời văn chương đích thực?

Tôi nghĩ vấn đề là ở chỗ, hiện nay có khá nhiều người Mỹ chúng tôi đã tiêu tốn quá nhiều thời gian vào việc xem TV. Những sinh viên của tôi có thể nói cho tôi nghe tất cả mọi thứ từ TV, nhưng khi tôi hỏi về Dostoyevsky, thì họ chẳng ai ông ấy là ai.

Nhưng chúng ta không thể ném hết TV qua cửa sổ và bảo các bạn trẻ: Hãy đọc sách!

Đúng là như vậy. Tôi nghĩ là chúng ta đành phải chờ một thế hệ mới xuất hiện thôi! (Cười) Câu hỏi thật hay, nhưng tôi chẳng biết trả lời thế nào.

Bây giờ bé Hạnh ngày nào đã lớn, đã học xong đại học và trở về Việt Nam làm việc, hoàn thành tâm nguyện của người bố Mỹ. Cô chính là món quà đặc biệt mà một cựu chiến binh, một là văn và một tên tuổi quan trọng của thi ca nước Mỹ tặng lại đất nước mà ông đã từng đến trong tư thế một người lính xâm lược. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tiết lộ: Hiện nay, Hạnh đang bắt tay dịch cuốn The Circle of Hanh sang tiếng Việt. Người giúp cô hiệu đính, nhuận sắc bản dịch này là Nguyễn Quang Thiều. Và họ vẫn chưa biết sẽ đặt tên tiếng Việt cho cuốn sách thế nào, dù nghĩa tiếng Anh, hầu như những người biết ngoại ngữ này đều hiểu.

  • Hữu Việt 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
Những trang phục Halloween ấn tượng của các ngôi sao
Những trang phục Halloween ấn tượng của các ngôi sao

Siêu mẫu Heidi Klum làm Người Sắt, Meredith Vieira mặc giống Lady Gaga còn vợ chồng nhà Mariah Carey thì thành lính cứu hoả...

Chiêm ngưỡng căn phòng triệu đô của các ngôi sao
Chiêm ngưỡng căn phòng triệu đô của các ngôi sao

Cùng People ghé thăm chốn riêng tư nhất của các ngôi sao nổi tiếng thế giới.

Triệu Vy lấy lại phong độ

"Én nhỏ" hào hứng tham gia buổi chụp hình bìa cho tạp chí ELLE số tháng 10.

Phạm Băng Băng gợi cảm từng centimet

Nữ diễn viên nổi tiếng của màn ảnh hoa ngữ khoe thân hình gợi cảm trong bộ đầm vai trần với những hoạ tiết y chang trên những bình gốm cổ Trung Hoa.

,
,
,