- Dù thăm Trường Sa chỉ vài ngày nhưng nhà nhiếp ảnh Duy Anh đã kịp ghi lại khá đầy đủ mọi mặt đời sống của những chiến sĩ đang ngày đêm canh gác biển đảo của Tổ quốc.
Lính đảo chăm sóc một khóm hoa. |
Tàu HQ 957 của đoàn UBND TP.HCM đã ra đến khu vực đảo Trường Sa nhưng để đặt chân lên đảo, người trên tàu phải nhờ các chiến sĩ dầm mình dưới nước đưa ca nô ra đón vì nước không đủ lớn để tàu vào. Những nụ cười sạm nắng gió của chiến sĩ hải quân khi được gặp người từ đất liền ra thăm được nhà nhiếp ảnh ghi lại sống động.
Không có đất liền, khoảng sân của các chiến sĩ chính là hành lang của ngôi nhà và pháo đài được xây dựng chênh vênh trên đảo ngầm. Để có rau cho bữa ăn, các chiến sĩ phải trồng rau trên những vạt đất được lấy cách đảo hàng trăm hải lý.
Mỗi chiến sĩ được tiêu chuẩn 5 lít nước/người/ngày vẫn cố gắng tiết kiệm để dành tưới cho những chậu hoa mười giờ hiếm hoi, chỉ để được nhìn ngắm, giữ một chút lãng mạn nơi đảo xa. Đó còn là chuyện kể về loài chó nổi tiếng của Phú Quốc chỉ có thể sống được khi ở trên đảo, nếu đột ngột đưa vào đất liền sẽ chết.
Để đỡ nhớ nhà, chiến sĩ Trường Sa còn mang theo cả những giống cây quen thuộc của quê mình ra trồng. Mỗi một mầm cây sống là một niềm vui lớn của lính thủy. Góc riêng của mỗi người luôn có những bức ảnh của gia đình. Họ nâng niu từng con gà, từng dây mồng tơi giữa biển đảo quanh năm chỉ có nước mặn và gió lớn.
Đó còn là câu chuyện về chiến sĩ Vương Viết Mão sinh năm 1975, quê Nghệ An, đã mãi mãi nằm xuống đảo vào ngày 17/1/2004 khi chỉ còn bốn ngày nữa là chạm thềm năm mới... Và còn nữa những nấm mộ nằm rải rác trên đảo của những người lính còn rất trẻ.
Bộ ảnh gồm 64 bức được nhà nhiếp ảnh Nguyễn Duy Anh thực hiện trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa cùng đoàn UBND TP.HCM. Triển lãm kéo dài đến ngày 30/12/2009 tại NVH Phụ nữ TP.HCM.
-
Lê Tám - Ảnh: Nguyễn Duy Anh