221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1249887
Sân khấu kịch Bắc "ngủ đông"
1
Article
null
Sân khấu kịch Bắc 'ngủ đông'
,

Tiết trời chuyển từ nắng ấm sang rét mướt là lúc những người làm sân khấu miền Bắc bước vào một thử thách: đấu tranh với chiếc tivi tiện ích với rất nhiều chương trình hấp dẫn để kéo khán giả ra khỏi nhà đến với sàn diễn.

 Sợ lạnh và...bóng đá

Nghệ sĩ Hồ Liên, Nhà hát kịch Việt Nam thổ lộ: chúng tôi cũng đã ngồi phân tích lý do vì sao sân khấu kịch phía Nam luôn đông khách thì thấy, ngoài thói quen thích ra ngoài, đến rạp thưởng thức kịch của số đông người dân thì sân khấu phía Nam không phải chịu đựng một mùa đông rét mướt, ngồi trong nhà còn thấy lạnh, nói gì ngoài trời. Vì thế, mùa đông là mùa khó của sân khấu kịch, điều này không lấy gì làm khó hiểu.

Nhất là trong mùa lạnh này, khi các sân khấu kịch vừa dồn hết tâm huyết cho Hội diễn 5 năm mới có một lần thì nhu cầu xả hơi là có thật.

Mô tả ảnh.
Cảnh trong vở Mắt phố, Nhà hát kịch Hà Nội.

Nghệ sĩ Kiều Loan, Trưởng đoàn kịch Quân đội cho biết, sau hội diễn với 12 chiếc huy chương vàng, bạc cho tập thể và cá nhân nghệ sĩ cùng một chuyến biểu diễn phục vụ khán giả miền Nam, hiện tại các anh em nghệ sĩ trong đoàn đang tạm nghỉ.

Hơn nữa, theo Kiều Loan, trong năm 2009, đơn vị này đã làm việc vượt kế hoạch với hai tác phẩm mới được dàn dựng và gần 170 buổi diễn nên chưa có kế hoạch cụ thể cho những đợt biểu diễn tiếp theo ngoài việc dàn dựng chương trình văn nghệ nhân kỷ niệm 55 ngày thành lập Đoàn. “Chúng tôi đang chờ việc thẩm định kịch bản kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Hà Nội. Nếu được sẽ đưa lên sàn tập vào năm 2010”.

Nhà hát kịch Hà Nội cũng đang tạm thời im hơi lặng tiếng. Thực tế, kể từ khi rạp Công Nhân trên phố Tràng Tiền được đập đi để xây mới, các nghệ sĩ nơi đây đang sống trong cảnh chờ đợi một sân khấu đẹp đẽ, hoàng tráng hơn cái cũ. Thường các nghệ sĩ tập vở mới trên sàn diễn nhỏ bé tại phố Tạ Hiện và khi công diễn thì phải mượn rạp nơi khác. Bởi thế, gần hai năm nay, các hoạt động của Nhà hát kịch Hà Nội cũng kém phần sôi động hơn so với trước kia.

Theo tiết lộ của nghệ sĩ Hoàng Dũng, giám đốc Nhà hát thì hiện tại đơn vị này cũng chưa có lịch diễn cụ thể vì còn chờ xem có ký kết hợp đồng biểu diễn với cơ quan, đoàn thể nào không. Còn việc dàn dựng vở mới thì cũng phải chờ sang năm 2010 mới đưa lên sàn tập.

Bình thường, mỗi lần đưa vở mới ra rạp, người làm sân khấu đều phải “dòm trước ngó sau” xem rạp chiếu phim có siêu phẩm nào đình đám không, sân khấu ca nhạc có chương trình nào quy mô không để tránh sự cạnh tranh không đáng có. Mọi năm, mỗi lần vào mùa bóng đá, nhất là World Cup các Nhà hát kịch cũng giãn lịch làm việc, có đơn vị còn nghỉ hẳn. Năm nay, những cuộc tranh đấu hứa hẹn nhiều hấp dẫn tại Seagames 29 cũng  khiến không khí của các sàn diễn lắng xuống đôi chút.

Nhà viết kịch Phạm Văn Qúy lấy ví dụ vì sao bóng đá lại là “kẻ thù” không đợi trời chung của sân khấu: một người hết lòng vì nghề như ông Giang (đạo diễn Doãn Hoàng Giang) mà còn mê bóng đá hơn sân khấu thì người bình thường, mấy ai bỏ một trận đấu bóng để đi xem kịch? Vì thế, từ lâu, khi nào các cầu thủ tỏa sáng trên sân cỏ thì diễn viên kịch thường nép mình, chờ cơ hội.

 Yếu từ gốc

Thời gian này Nhà hát Tuổi trẻ, đơn vị năng động nhất làng kịch phía bắc cũng đang dành sân khấu cho Liên hoan âm nhạc Châu Âu. Trước đó, Nhà hát trình làng vở hài kịch mới Người hùng chạy trốn của đạo diễn Chí Trung và một số tác phẩm trong seri Đời cười của đạo diễn Lê Hùng. Vào thời điểm khó khăn, hài kịch vẫn là con bài giúp Nhà hát tuổi trẻ “ăn nên làm ra hơn cả” dù đây là một trong những đơn vị dựng nhiều tác phẩm mới, đủ mọi thể loại như chính kịch, kinh điển, thể nghiệm.

Vở Người hùng chạy trốn

Vở kịch hình thể Stereo man và Nơi đến của những mảnh đời, mặc dù rất có duyên trong các buổi diễn giao lưu hưởng ứng các vấn đề xã hội song không thể phủ nhận đây là tác phẩm kén khách trên sân khấu bán vé. May mắn, Stereo man và Nơi đến của những mảnh đời được dịp trở lại miễn phí trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ nhân dịp Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam.

Các nghệ sĩ tham gia vở kịch hình thể này cũng đang chuẩn bị cho chuyến du Nam sắp tới. Được diễn nhiều hẳn là niềm vui khôn tả, nhất là khi ngôn ngữ kịch được thể hiện chủ yếu bằng cơ thể, điệu múa song cũng phải thừa nhận, nếu không có sự tài trợ từ phía Đại sứ quán Hoa Kỳ trong dự án Đưa nghệ thuật vào phát triển cuộc sống tại Việt Nam theo chủ đề Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2009 của Liên Hiệp Quốc thì vở diễn khó có cơ hội tái xuất trên các sàn diễn.

Mấy ngày này, sàn diễn của Nhà hát Anh cả đỏ cũng đang "lạnh lẽo" bởi các nghệ sĩ đang có chuyến công tác dài ngày tại Tây Nguyên. Khi nào về mới bắt đầu bàn tính kế hoạch tiếp theo.

 Giám đốc Lê Hùng cho biết, nếu có điều kiện, Nhà hát có thể cho ra mắt mỗi tháng một vở mới để khán giả luôn được tiếp nhận sản phẩm “tươi”, chứ không phải một năm lèo tèo một, hai vở như hiện nay. Song, mức kinh phí hạn hẹp khiến ước mơ chỉ là mơ ước.

Tuy nhiên, theo ông cái khó nữa là nguồn kịch bản hay đang vô cùng khan hiếm. “Đạo diễn giỏi, diễn viên tài mà không có kịch bản hay thì cũng… vứt”, Lê Hùng phát biểu. Mặc dù, một đạo diễn cao tay có thể biến kịch bản cỡ trung bình thành tác phẩm khá song như vậy rất vất vả. Và theo đạo diễn họ Lê, cái gốc có chắc thì cây mới khỏe mà bây giờ cái gốc của các vở diễn là kịch bản thì lại quá yếu.

  • Thu Huyền
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,