- Một hành trình đi tìm những ông tổ của các nghề có trên đời được triển khai trên phạm vi 63 tỉnh thành Việt Nam đang gây sự chú ý và ủng hộ của nhiều người.
Hành trình ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ở một đất nước giàu truyền thống "uống nước nhớ nguồn", xem trọng kẻ trồng cây khi ăn quả, các địa phương trải dọc từ Bắc vào Nam có rất nhiều tổ nghề được thờ phụng ở các từ đường, đình làng, có nơi vị tổ nghề còn được tôn vinh là thành hoàng của làng nghề đó. Đây là những vị được người dân kính trọng, tôn thờ như một bậc thánh hiền. Bởi đó chính là những người mang đến cho người dân cái nghề để mưu sinh, lo cho gia đình, để sống chết với truyền thống, gìn giữ cho thế hệ sau.
Ông tổ của nghề làm lồng đèn Hội An là ông Xã Đường. Ảnh: V.Tiến |
Tổ nghề là người có công sáng lập, phát minh và truyền bá một nghề, hầu hết là người thật việc thật, gắn với câu chuyện có thật, nhưng cũng có khi là sự tích, huyền thoại. Tổ nghề không xuất phát từ con người cụ thể hoặc chưa xác định được, lại có nét hay riêng của nó, thể hiện đời sống tâm linh luôn hướng về đấng khai cơ lập nghiệp của con cháu.
Hành trình hiện đã thống kê được hơn 100 tổ nghề Việt Nam, như: Đào Tấn (tuồng), Phạm Thị Trân (hát chèo), Nguyễn Oanh (hát kết), Trần Quốc Đĩnh (hát xẩm), Vũ Đình Long (kịch nói), Đặng Huy Trứ (nhiếp ảnh), Hiếu trung hầu Nguyễn Đình Diễn (tục hát quan họ). Cao Đình Độ và Cao Đình Hương (kim hoàn), Lê Văn Lương (thám tử), Lê Công Hành (thêu), Lương Như Hộc (in), Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản (trống Đọi Tam), Lã Thị Nga (lụa Vạn Phúc), Nguyễn Sơn Hà (sơn dầu), v.v... |
Đại diện đơn vị thực hiện cuộc hành trình tìm kiếm tổ nghề cho biết, hiện cả nước có tới 427 hiệp hội làng nghề trung ương, còn tại cấp địa phương, số lượng các hội nghề lên đến cả nghìn làng nghề. Đây là những điểm đến thuận lợi bước đầu để thống kê, thu thập trong biển thông tin về những ông tổ nghề có từ hàng trăm năm qua.
Nhắc đến nghề trồng dâu nuôi tằm, người trong nghề ngưỡng vọng về bà chúa Quỳnh Hoa, còn nghề dệt, người dân tri ân Thụ La công chúa. Nghề ảnh có vị khai sáng Đặng Huy Trứ, ngành dược nước nhà tôn vinh người thầy thuốc tài danh Tuệ Tĩnh. Làng nghề đèn lồng Hội An nhớ ơn vị tổ Xã Đường đã truyền dạy con cháu một nghề độc đáo để sống, hay những làng nghề đúc đồng không thể quên vị tổ của mình là quốc sư danh tiếng thời nhà Lý, Nguyễn Minh Không...
Bên cạnh tổ nghề, còn có những nhà phát minh, sáng chế, nhà sáng nghiệp mà ảnh hưởng của họ sâu rộng mang tầm vóc toàn cầu, cũng là một đối tượng mà hành trình này tìm kiếm, tôn vinh. Những ai theo nghề y hẳn phải nhớ lời thề Hypocrate. Nghề in bằng chữ đúc kim loại không thể quên Johannes Gutenberg, cũng như nghề may hiện đại không thể quên người làm ra chiếc máy khâu Barthelemy Thimonnier. Thưởng thức hương vị bia, người ta cần nhớ đến Emil Hansen. Có những chiếc quần jeans hiện đại, đủ kiểu dáng để mặc là nhờ công lao của Levi Strauss...
Nhiều nghề chưa rõ tổ nghề
Còn có khá nhiều người, nhiều làng nghề không chỉ ở Việt Nam, không biết tổ nghề của mình là ai vì nhiều lý do như thông tin theo thời gian bị thất truyền, vì cuộc mưu sinh tất bật không có điều kiện tiếp cận và gìn giữ tư liệu... "Hành trình này đã gián tiếp khơi gợi, tạo niềm hứng khởi trong việc tìm kiếm ông tổ ngay trong nội bộ các ngành nghề mà lâu nay người ta không để ý người khai nghiệp là ai", đơn vị thực hiện cho biết.
Nghề thêu ngày xưa. |
Trong hơn 2.000 làng nghề trên cả nước hiện nay, mới chỉ có khoảng 60% trong số đó là có tổ nghề được xác định rõ ràng. Tài liệu về lĩnh vực này cũng khá hiếm hoi. Chưa kể còn có những tranh cãi rằng ai là tổ nghề thực sự của một làng nghề, hoặc cùng làm một nghề, nhưng các làng nghề lại thờ những vị tổ khác nhau.
Tìm kiếm tổ nghề trên phạm vi Việt Nam là giai đoạn đầu của hành trình, thu thập tổ nghề của thế giới là bước thứ hai, được khẳng định là có phần dễ hơn một chút nhờ thông tin trên internet và sự giúp đỡ từ các cơ quan ngoại giao, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam. Ngay khi đơn vị tìm kiếm đặt vấn đề trợ giúp thông tin về ông tổ nghề làm giày Ý, tùy viên văn hóa lãnh sự quán Italia đã nhiệt tình cung cấp tư liệu.
Đoạn cuối của hành trình là việc xây dựng một đình thờ tổ nghiệp, nơi hiện thực hóa những thông tin hình ảnh về các vị tổ nghề đã có được. Đình thờ này sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 20ha tại cả hai miền Nam và Bắc, trong đó một dự kiến đặt tại cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình... Đây được xem như là bảo tàng nghề nghiệp đầu tiên ở Việt Nam, thờ các vị tổ nghề trong nước và vinh danh những danh nhân đã khai sinh nhiều ngành nghề khác nhau trên thế giới, trưng bày các sản phẩm của làng nghề...
Đình thờ tổ nghề là ý tưởng không mới (Trung Quốc đã làm) nhưng mang nhiều ý nghĩa. Bởi ngôi đình trong tâm thức người Việt vừa là không gian linh thiêng thờ cúng người có công với làng, với nước, vừa là không gian văn hóa, tổ chức các sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng của người dân. Đình thờ tổ nghề sẽ là chốn về để tưởng nhớ công lao, để biết ơn những người khai sáng "nghệ tinh" để con cháu "thân vinh".
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh: Việt Nam có hàng nghìn năm lịch sử với những giá trị văn hóa vô cùng to lớn, do đó việc tìm kiếm tổ nghề và xây dựng đình thờ các tổ nghề Việt Nam do Công ty cổ phần sách - niên giám Việt Nam đề xuất có ý tưởng tốt, nhằm khơi dậy những yếu tố tiềm ẩn trong kho báu của lịch sử dân tộc và là việc làm nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bộ Nội vụ hoan nghênh ý tưởng tìm kiếm các tổ nghề và dự án xây dựng đình thờ các tổ nghề tại Việt Nam mang tính nhân văn và xã hội. Việc tổ chức hành trình tìm kiếm các tổ nghề và xây dựng đình thờ theo quy định của pháp luật. Chúc hành trình thành công tốt đẹp, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của nhân dân, phù hợp truyền thống và pháp luật Việt Nam. |
-
Thanh Thắm