221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1250340
Quà tặng Giáng sinh "kén" khách
1
Article
null
Quà tặng Giáng sinh 'kén' khách
,

 - Sau mấy ngày trình diễn khá thành công tại TP.HCM, vở nhạc kịch Quà tặng Giáng sinh của nhà hát TNT, quốc gia Anh đã đến với khán giả Hà Nội trong không khí trầm lắng. Không biết có phải Lê Qu‎ý Dương muốn làm một phép thử với khán giả Bắc khi quyết định giá vé  từ 150.000 đến  450.000 đồng, con số mà chưa nhà hát nào ở đây dám nghĩ đến?

Món ăn lạ

Quà tặng Giáng sinh (A Christmas Carol) của nhà văn Anh Charles Dickens quả là một đặc sản hiếm hoi mà người yêu sân khấu có dịp thưởng thức. Chuyện kể về một nhà kinh doanh bất động sản giàu có nhưng bủn xỉn. Scrooge - tên ông - không muốn giúp đỡ ai dù chỉ phải mất một xu. Ông sống cô đơn giữa những con người nghèo khổ, tội nghiệp và bị chính người thân ghét bỏ. Cháu ruột Scrooge còn ví chú mình như một con thú tàn nhẫn đang sống trong thành phố.

Mô tả ảnh.
Quà tặng Giáng sinh được biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh: T.H

Nhưng rồi, trái tim băng giá của lão già tham tiền cũng dần thay đổi nhờ sự nỗ lực của “bóng ma” những người từng đi qua cuộc đời ông. Scrooge đã biết cảm động khi chứng kiến những mảnh đời nghèo khó do chính mình gây ra. Ông xúc động vô cùng khi thấy đứa trẻ bé bỏng đáng thương sắp phải chết vì bệnh tật trong khi bố mẹ lại quá nghèo. Scrooge còn nhìn thấy cái chết thảm hại của chính mình: bị bọn trộm giết sau khi móc hết tiền, những người thuê nhà thì vui mừng khôn tả khi ông chủ hay bóc lột, chèn ép đã chết. Tất cả đã khiến người đàn ông keo kiệt mở rộng túi tiền phân phát niềm vui cho mọi người.

Tài nghệ của đạo diễn Paul Stebbings khiến câu chuyện mang màu sắc cổ tích đậm chất phương Tây trở nên gần gũi hơn trong cuộc sống hiện đại và không hề xa lạ với mỹ cảm của người Á Đông. Những tình huống hài thú vị được đan cài trong diễn biến truyện khiến vở kịch thoát khỏi sự giảng giải của một bài học đạo đức vốn được thể hiện khá "lộ" trong tác phẩm văn học.

Đặc biệt, diễn xuất tuyệt vời của các nghệ sĩ khiến vở diễn mang màu sắc riêng biệt, khó lẫn. Sáu diễn viên chia nhau hóa thân vào hơn 20 nhân vật, có người đảm nhận đến 7 vai và mỗi lần bước ra sân khấu, dù chỉ là vai diễn nhỏ họ cũng để lại dấu ấn. Bài toán tiết kiệm nhân sự này khiến các diễn viên phải đa dạng hóa chính mình. Họ không chỉ biết hát mà còn phải biết chơi đàn, vừa xong cảnh của vai này, lập tức thay trang phục để diễn nhân vật khác. Tiết tấu của vở diễn vì thế cũng dồn dập hơn, hấp dẫn người xem hơn.

Trước đó, được hỏi về mối lo ngại khi bộ phim cùng tên được trình chiếu trong dịp này, ông Grantly Read Marshall, người chịu trách nhiệm sản xuất, đồng thời là trưởng đoàn cho biết, các nghệ sĩ biết tận dụng lợi thế diễn xuất trực tiếp, sống động của sân khấu để tạo cho vở kịch có một sức hút mà điện ảnh không thể làm được. Đúng vậy, các diễn viên rất chú trọng đến sự tương tác với người xem. Họ chạy xuống khán phòng đối thoại với khán giả, thậm chí đưa cả khán giả lên sân khấu làm một nhân vật.

Sự lựa chọn khó khăn

Hầu hết, khán giả đến xem tại Nhà hát lớn đều thích thú với Quà tặng Giáng sinh đến từ nước Anh bởi thực sự cơ hội được thưởng thức một tác phẩm sân khấu đỉnh cao tại đây là rất hiếm. Trừ buổi biểu diễn trưa ngày 4/12 dành cho các em học sinh trường quốc tế, còn lại, người xem đa số là người nước ngoài, thi thoảng mới thấy người Việt Nam.

Mô tả ảnh.

Buổi biểu diễn hôm 3/12, những khán giả mua vé bạc trên tầng 2, 3 được mời xuống tầng 1 vì quá ít khách. Cuối buổi, diễn viên Eric Tessier Lavigne nhắn nhủ: khán giả tuy vắng nhưng chúng ta đã có đêm diễn hoàn hảo. Nếu các bạn thích vở kịch, xin hãy nói giúp với bạn bè và nếu ghét, hãy nói điều đó với kẻ thù.

Một trong những lý do để Quà tặng Giáng sinh kén khách có lẽ là do giá vé. Theo niêm yết, giá kim cương là 450.000 đồng, vàng là 300.000 đồng và bạc là 150.000 đồng,  đây là con số kỷ lục mà chưa có nhà hát kịch nào ở Hà Nội dám đưa ra chào hàng khán giả. Ở Hà Nội có một nghịch lý, các vở diễn kinh điển thì hay được diễn miễn phí nhân dịp lễ hay ngày kỷ niệm nào đó. Dễ bán vé nhất lại là hài kịch, thể loại vốn không được xếp vào hàng những tác phẩm sân khấu đỉnh cao. Tuy nhiên, mức giá cũng chỉ dao động ở khoảng 100.000 đồng. Không hiểu, khán giả Việt không thích thể loại nhạc kịch hay tiếc tiền nên không mua vé vào xem khiến những buổi diễn khá thưa thớt?

Theo đạo diễn Quý Dương, giá vé cao như vậy mới xứng đáng với tâm huyết và công sức của các nghệ sĩ dành cho tác phẩm. Rằng, không phải vở diễn nào cũng có thể bán với giá 60.000–80.000 đồng dù anh biết, với 500 ghế ngồi tại Nhà hát Lớn, nếu giảm giá đi chút ít, khách sẽ nhiều hơn, tiền thu được chắc cũng không ít.  Anh muốn khán giả biết lựa chọn theo kiểu "tiền nào của ấy".

“Tôi muốn chia sẻ với người xem Việt Nam một tác phẩm hay của đồng nghiệp thế giới. Thông tin đã được đăng tải khá nhiều trên báo chí và các phương tiện truyền thông song mọi người có đến hay không là do sự lựa chọn của họ. Tôi nghĩ, 150.000 hay 200.000 không phải quá đắt cho một vở kịch thế này, trong khi không ít người tiêu xài những thứ khác nhiều hơn thế”.

Bình thường, các nhà hát tại Hà Nội phải đi tìm khán giả trước, sau đó mới sắp xếp lịch diễn để tránh tình trạng diễn viên đông hơn khán giả. Tuy nhiên, theo tiết lộ của Lê Quý Dương, ba buổi tối: mồng 3, 4 và 5/12 chủ yếu là bán vé ngay tại Nhà hát Lớn.

“Chúng tôi có thể gửi giấy mời để khách đến đông hơn nhưng vì muốn tôn trọng những khán giả đã bỏ tiền mua vé nên quyết định thôi”, đối tác của TNT thổ lộ khi thấy số vé bán ra không nhiều. Anh cũng từ chối tiết lộ việc mời các nghệ sĩ Anh sang diễn xuyên Việt với mức giá "đỉnh" (tại sân khấu Việt Nam) là lãi hay lỗ mà đó là điều cần thiết phải làm.

  • Thu Huyền
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,