Gần 400 tác phẩm tham gia Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc diễn ra từ 1 đến 7/12 tại Trung tâm triển lãm nghệ thuật Việt Nam đã cho thấy sự lớn mạnh vược bậc của môn nghệ thuật vốn bị coi là ít tính nghệ thuật.
Ban tổ chức đã nhận được 1257 tác phẩm của hơn 300 tác giả thuộc rất nhiều các lĩnh vực như thiết kế đồ họa, thời trang, tạo dáng công nghiệp, mây tre đan, sơn mài, gốm, chạm khắc bạc, đồng… tham dự triển lãm. Trong đó, nhiều nghệ nhân đến từ các làng nghề nổi tiếng như gốm Bát Tràng, Phù Lãng, Thổ Hà, Hương Canh, nhiều người đang làm việc tại các công ty, đơn vị kinh doanh và các hợp tác xã.
32 giải thưởng đã được trao gồm giải thiết kế sáng tạo dành cho các nghệ sĩ và sản phẩm có tay nghề thể hiện cao dành cho các nghệ nhân
Triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. |
Theo ông Trần Khánh Chương, chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, so với lần triển lãm đầu tiên cách đây 5 năm, mỹ thuật ứng dụng đã chứng tỏ được sự phát triển không ngừng cả về số lượng lẫn chất lượng và bắt nhịp nhanh với nhịp sống thời đại.
Những tác phẩm mang đầy tính thực tế Bộ nhãn rượu Viogin, Hộp quạt xuân hương hoa đậu bạc, bộ logo Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt nam, Poster quảng cáo Fillet cá Ba sa xuất khẩu…đã thuyết phục ban giám khảo bởi sự tinh tế và cá tính sáng tạo riêng.
“Các tác giả mỹ thuật ứng dụng đã biến những sản phẩm sử dụng trong cuộc sống thường nhật thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có dấu ấn rõ nét của sự sáng tạo khiến người xem bất ngờ”, ông Chương cho biết. Qua đây, những nghệ sĩ, nghệ nhân sẽ có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi để cho ra đời những mẫu mã mới, vừa giúp các đơn vị kinh doanh tạo được bản sắc riêng trong quá trình hội nhập phát triển, vừa chứng tỏ mỹ thuật ứng dụng có vị trí quan trọng trong cuộc sống hiện đại.
Tác phẩm đoạt giải vàng, bạc. |
Tác giả Ngô Anh Cơ, giảng viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp, người dành giải nhất với tác phẩm Bộ nhãn rượu Viogin cho biết, trước đây do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên người dân thường chỉ nghĩ đến giá trị sử dụng chứ chưa quan tâm đến giá trị nghệ thuật của một sản phẩm. Vì thế, nói mỹ thuật ứng dụng chỉ chú trọng đến tính thực tế mà ít sự sáng tạo nghệ thuật là một suy nghĩ hết sức sai lầm bởi riêng giá trị sử dụng đã đủ để sản phẩm trở thành một tác phẩm.
“Tuy nhiên, nhận thức về mỹ thuật ứng dụng của người dân ngày nay đã khác. Họ không chỉ muốn một sản phẩm tốt mà phải đẹp để có thể trưng bày trong nhà như một tác phẩm nghệ thuật. Ngày nay, mỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng đã đan cài một cách hài hòa chứ không bị phân biệt như trước đây”.
Các tác phẩm được chọn tham gia triển lãm:
-
Thu Huyền