- Trong khi nhiều bạn trẻ bị lôi cuốn bởi những thú vui như: hip hop, X-game, little cub,… thì các bạn lại dành thời gian tập hát “lý giao duyên”, “người ơi người ở đừng về”, “còn duyên”, tìm hiểu xem thế nào là “bọn quan họ”, sao lại gọi là “anh cả, anh hai”,... Có người bảo họ “cổ hủ”, nhưng có người bảo họ “cũng hay hay”…
Liền anh, liền chị... sinh viên
CLB quan họ Kinh Bắc được thành lập từ năm 2007 từ một nhóm các bạn sinh viên quê Bắc Ninh. Bạn Nguyễn Văn Tỉnh, người gắn bó với câu lạc bộ từ những ngày đầu thành lập, cho biết: “Ban đầu chúng mình lập ra CLB này chỉ với mục đích là các thành viên đến để chia sẻ vốn kiến thức về quan họ với nhau thôi. Nhưng càng ngày số lượng thành viên đến tham gia CLB càng đông nên chúng mình cũng đang có ý định mở rộng thêm”.
Tham gia CLB quan họ Kinh Bắc là các bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Các bạn cùng có chung sở thích hát quan họ và tìm hiểu văn hoá Kinh Bắc. Bạn Trịnh Thị Ngọc (sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Bách khoa) chia sẻ: “Em đến với CLB này từ khi là sinh viên năm thứ nhất. Em không có khả năng ca hát nhưng đến đây, được nghe các bạn hát và nghe thầy giảng về những nét văn hóa, phong tục của vùng quan họ cũng rất thú vị”.
Quan họ sinh viên
Người thầy mà bạn Ngọc nhắc đến ở đây là anh Hữu Duy (nghệ sĩ biểu diễn - Trung tâm Phát triển âm nhạc Việt Nam)... Anh Duy kể: “Trong một lần đưa người em đi thi đại học, Duy đã tìm trên mạng để nghe một làn điệu dân ca quan họ và thấy trang web quanhobacninh.vn nên đã thử tìm hiểu và phát hiện ra CLB đặc biệt này. Khi tham gia giảng dạy cho các thành viên, mình cảm thấy các bạn tuy còn trẻ nhưng thực sự có niềm đam mê dành cho quan họ. Đó quả là một điều đáng mừng…”
Bạn Thanh Biên, chủ nhiệm CLB cho biết: “Nhờ có những người tâm huyết như anh Duy mà CLB ngày càng phát triển và thu hút được nhiều thành viên. Anh Duy vừa là người tổng hợp tài liệu học hát, vừa là người trực tiếp giảng dạy tại đây. Mỗi lần đến anh đều phải đi một chặng đường rất xa từ Tiên Du tới, rồi nửa đêm, khi buổi học kết thúc lại đi xe máy về nhà…”.
Anh Ngọc Thêm vốn là cựu sinh viên ngành du lịch, tuy đã đi làm nhưng vẫn thường xuyên đến tham gia CLB quan họ. “Mỗi lần đến đây, mình như được sống lại thời sinh viên, được học hát quan họ và việc tìm hiểu thêm về văn hoá Kinh Bắc đã giúp ích rất nhiều cho công việc chuyên môn của mình”.
Bạn Tiến Đạt, sinh viên Đại học Mở Hà Nội có một giọng hát rất truyền cảm. Học tập mô hình CLB quan họ của Trường Đại học Bách Khoa, ĐH Mở cũng đã thành lập ra nhóm sinh viên hát quan họ của trường mình. Câu lạc bộ bên ĐH Mở cũng thường xuyên qua CLB trường Bách Khoa để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm.
Quan họ là một điệu dân ca dễ học, dễ thuộc, chỉ cần có chút tìm hiểu là sẽ có thể hát được dù không phải là anh Hai, chị Hai quan họ. Mỗi làn điệu lời ca như có lửa truyền, như một thứ mạch nguồn sâu lắng thấm sâu vào lòng người, khiến cho ai nghe nó rồi cũng phải say mê.
Trong khi nghệ thuật truyền thống còn chưa biết cách nào để tiếp cận được với giới trẻ thì việc các bạn sinh viên tự tìm đến với văn hoá cổ truyền dưới hình thức CLB quả là rất đáng hoan nghênh. Mong rằng các môn nghệ thuật truyền thống sẽ có những cách tiếp cận giống như loại hình nghệ thuật này, bắt đầu từ các bạn sinh viên, để chúng ta có thể bảo tồn và phát triển một vốn quý những nghệ thuật văn hóa dân gian.
- Trương Oanh