- Cuốn tiểu thuyết “Lỡ tay chạm ngực con gái” do nhà văn Trang Hạ chuyển ngữ vừa mới in xong, nhưng từ trước đó nó đã gây xôn xao dư luận nhiều chiều. VietNamNet có cuộc trao đổi thú vị với nhà văn về công việc sáng tác, dịch thuật và những quan niệm sống.
Nhà văn Trang Hạ |
Hãy nói cảm ơn với sex
- Ngay từ khi “Lỡ tay chạm ngực con gái” xuất hiện trên một diễn đàn ở Đài Loan hồi năm 2006, Trang Hạ đã vừa đọc vừa dịch lại câu chuyện này và đẩy lên blog cá nhân của mình, thu hút tới 25 triệu clickviews, như thế tức là đã xác định chắc chắn số bạn đọc online lớn hơn rất nhiều lần số người mua cuốn sách này. Tại sao Trang Hạ vẫn quyết định in sách?
- Đúng là những ai quan tâm đến câu chuyện này thì đều đã đọc rồi. Nhưng, tôi nghĩ rằng người đọc mạng và người đọc ấn bản là hai lượng công chúng khác nhau. Hơn nữa, có những người đi mua sách chính vì đã đọc nó trên mạng, người khác mua chỉ vì muốn sở hữu ấn bản, hoặc tặng nó cho người mình yêu mến.
Thêm một khía cạnh nữa là văn học mạng được khai sinh bởi hình thức viết online, vừa viết vừa chia sẻ trực tuyến với người đọc. Nhà văn mạng ra đời bởi tác phẩm được công chúng công nhận và tôn vinh, ngay cả khi nhà văn đó không hề có ý định trở thành nhà văn, hoặc chỉ viết duy nhất một câu chuyện, hoặc viết nhiều nhưng chỉ nổi lên bởi một câu chuyện. Và vì thế, chỉ số clickviews là con số sinh tử.
Những nhà văn mạng không hy vọng tác phẩm của mình được in ấn và lưu hành rộng rãi. Cho nên chỉ tính riêng việc được in thành sách và bày nó trên quầy đàng hoàng như các cuốn sách khác, tôi đã mừng lắm rồi. Điều đó chứng tỏ xã hội đã công bằng và ghi nhận nỗ lực của nhà văn mạng. Khi tôi liên hệ mua bản quyền và xin phép công bố câu chuyện này tại Việt Nam, chính tác giả của nó còn ngạc nhiên.
- Câu chuyện mà Trang Hạ chuyển ngữ trong “Lỡ tay chạm ngực con gái” thật ra rất nhạy cảm. Nó là vấn đề về sex, về những điều thầm kín, khó nói.
- Đúng thế. “Lỡ tay chạm ngực con gái” là một câu chuyện thật 100%. Bạn có thể cảm nhận sự thật khi bạn đọc nó. Những ẩn dụ và ám thị về sex đậm đặc. Câu chuyện kể về lần đầu chạm ngực con gái, lại không phải người mình yêu mà là một người xa lạ.
Ai cũng phải trải qua thời hoa niên, phải học cách làm chủ chính mình, những suy nghĩ, hành vi và cả cơ thể của mình. Mối tình đầu nhiều khi trong trắng và thiêng liêng tới mức người ta không hề nghĩ đến tình dục. Và có thể tuổi hoa niên đi qua chỉ để lại dư âm của những vuốt ve đơn thuần là da thịt.
Nhưng khi bạn quá trẻ và quá yêu nồng nàn, giống như nhân vật chính trong “Lỡ tay chạm ngực con gái”, thì người chị trên cậu ấy một khóa đã dạy cho cậu cảm nhận sâu sắc những rung động từ trong sâu thẳm tâm hồn, lớn lao hơn nhiều lần một sự va chạm của thể xác.
Mọi người thường nghĩ gì khi một người con gái khỏa thân trong phòng con trai, nằm trên giường con trai, mặc quần áo của người con trai ấy? Nếu bạn đọc đón đợi một câu chuyện về tình dục, thì họ đã nhầm. Cuốn sách này không kể chuyện đó.
Thời gian không bao giờ quay trở lại trả cho ta những gì ta yêu mến, cũng như mối tình đầu, nhưng thời gian dạy cho ta trưởng thành và biết yêu thương. Hãy nói cảm ơn với sex. Bởi vì điều quan trọng cuối cùng là tình yêu đích thực còn lại, chứ không phải chỉ là chuyện gối chăn.
Chọn sắc đẹp chứ không chọn trí thông minh
- Trang Hạ có biết một số liệu thống kê rằng số lần click vào những cụm từ “sex” trên các IP ở Việt Nam rất cao, tới mức khiến cho người ta buộc phải băn khoăn về “tình trạng ham muốn” kỳ lạ đó?
- Cá nhân tôi cho rằng số lần click đó chỉ có ý nghĩa tìm kiếm gói thông tin chứ không phải vì thèm khát. Người ta chỉ tìm kiếm những gì mình thiếu. Như tôi chẳng hạn, nếu tôi đứng trước một biển lựa chọn và ông trời cho tôi chọn giữa sắc đẹp với trí thông minh, tôi sẽ không ngần ngừ gì mà chọn ngay sắc đẹp. Tôi chọn thứ tôi thiếu.
Tương tự như thế, các bạn (chắc chắn đa phần là bạn trẻ) click vào cụm từ sex vì họ quá thiếu thông tin về nó. Xã hội mình xưa nay không quen đối thoại về sex. Cha mẹ ngại nói với con về sex. Thầy cô cũng không dạy học sinh về sex. Vậy, ai sẽ là người nói với các bạn trẻ những kiến thức đầy đủ? Thiếu kiến thức, người ta mới làm bừa, làm ẩu, gây hậu quả đau lòng.
Như những thông tin đăng tải hàng ngày trên các báo đấy, trẻ em thực hiện hành vi sex một cách thiếu hiểu biết, vợ chồng bỏ nhau vì không thể hòa hợp chuyện gối chăn. Thậm chí, có những người mẹ dắt con gái ruột của mình ra biên giới bán lấy tiền, hoặc tống vào nhà hàng bắt làm gái điếm. Vậy tại sao không tìm cách nói với mọi người về sex. Để xã hội hiểu rằng hành vi tình dục nếu không gắn với yêu thương thì chỉ là tình dục, nhưng khi có yêu thương, đó sẽ là đỉnh cao của sự cảm thông và kết nối rất con người.
Đừng “chết vì thiếu hiểu biết”
- Nghe nói Trang Hạ có những hoạt động ủng hộ việc giáo dục giới tính rất cụ thể?
- Đúng thế. Tôi từng có những lần phát bao cao su miễn phí cho các bạn trẻ trên mạng. Họ gửi địa chỉ về và tôi sẽ chuyển bao cao su cho họ. Các bạn trẻ đó có thể còn đang là học sinh hoặc sinh viên. Theo tôi thì trong hành vi có cấm kị - bởi nó tác động đến xã hội, và được quy định bởi luật pháp, nhưng trong nhận thức thì không có cấm kị. Ai cũng cần hiểu biết, các bạn trẻ càng cần biết rõ trước khi thực hành.
Tôi hy vọng sẽ có những cuốn sách của tôi được tặng kèm với bao cao su. Chỗ này, cần chú thích rõ là đó không phải hoạt động liên quan đến cuốn “Lỡ tay chạm ngực con gái”. Những dự án như thế, theo tôi là rất hữu ích cho giới trẻ. Nhiều bạn trẻ cho đến giờ đang giữ những vị trí đàng hoàng trong xã hội đều có những phản hồi rất tốt về các chương trình này.
- Trang Hạ từng có lần nói rằng trước khi đi công tác đã bỏ bao cao su vào ví của chồng. Nhà văn định chuyển tải thông điệp gì trong đó? Hay đây là biểu hiện của sự đồng tình và cảm thông với những khoảnh khắc mà bản năng nổi lên che khuất lý trí?
- Ý của tôi không phải là ủng hộ xu hướng thoải mái trong tình dục ngoài hôn nhân. Mặc dù không phải tình dục ngoài hôn nhân nào cũng xấu nhưng cái này phải căn cứ trên từng trường hợp cụ thể để xem xét.
Cá nhân tôi thì có thể đảm bảo về sự chung thủy và tư cách của mình, nhưng làm sao tôi có thể đảm bảo được về những điều thuộc về người khác, nên tôi muốn gửi thông điệp đó đến anh ấy. Thực ra, nó mang tính “răn đe” nhiều hơn là “mở cửa”. Nó là kiểu nói “Đừng chết vì thiếu hiểu biết” ấy mà (cười).
- Trang Hạ có thể “bật mí” với độc giả về nghề nghiệp của chồng mình?
- Anh ấy là một người thợ in.
- Chuyện tình giữa một nhà văn và một người thợ in hẳn là có hậu, vì có những yếu tố để cảm thông và chia sẻ?
- Chúng tôi có hai con, một gái một trai. Tôi viết còn anh ấy in. Sách của tôi, chỗ nào in lậu, anh ấy biết hết, dù thủ đoạn của họ tinh vi đến đâu. Đúng là đã có chỗ cho những cảm thông đáng kể giữa hai vợ chồng. Ví dụ như khi tôi phải ngồi viết đến bốn, năm giờ sáng và hôm sau tôi cần ngủ tới 10h, thì anh ấy chấp nhận đưa đón con, đi chợ, nấu cơm. Nhưng tôi khuyên các nhà văn khác không nên lấy chồng làm thợ in. Vất vả lắm. Hai con người cùng phải làm đêm, cùng cần một chỗ dựa nơi người khác.
- Biết là không nên, vậy gia đình Trang Hạ tiếp tục tồn tại vì điều gì?
- Vì tình cảm. Vì tôi đã lựa chọn sự vất vả đó và thích nó. Cũng vì tôi biết là nếu nhà văn lấy chồng là nhà văn hoặc nhà báo lấy chồng là nhà báo thì còn kinh khủng hơn rất nhiều lần (cười).
- Trang Hạ suy nghĩ rất “thoáng” và từng nhiều lần bị phản hồi nóng từ độc giả về những quan niệm liên quan tới tình dục, hoặc về đàn ông theo kiểu “có ưu điểm là dám sa ngã”. Có bao giờ nhà văn nghĩ đến một ngày (không ai mong muốn) rằng sự “sa ngã” đó bị lộ tẩy ngay trong chính gia đình của mình?
- Nếu có ngày đó, tôi sẽ đồng ý chia tay để anh ấy đi theo con đường anh ấy mong muốn. Bởi vì nếu đã không còn lại tình yêu thì tốt nhất là nên tôn trọng nhau với sự lựa chọn của mỗi người.
Tôi đã thấy nhiều cặp vợ chồng hoặc tình nhân tạm biệt nhau trong “chiến tranh”, điều đó thật kinh khủng. Tôi nghĩ nếu giận dữ, đánh ghen, chửi bới, nhục mạ nhau mà làm thay đổi được tình hình và làm cho cuộc sống tốt lên thì xã hội này cả ngày chỉ có đánh chửi.
Giật gân câu khách là đương nhiên
- Trăn trở với những hiện tượng xã hội và luôn mong muốn hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn, nhưng Trang Hạ lại luôn bị mang tiếng bởi những câu chuyện “giật gân”, “câu khách” như: “Xin lỗi em chỉ là con đĩ” (2007), “Mẹ điên” (2008), “Lỡ tay chạm ngực con gái” (2009), “Nỗi sợ của đàn ông ba mươi”, “Người đàn ông quỳ cuối giường” (sắp xuất bản)…
- Đầu tiên là những cái tên đó gợi lên cho bạn đọc nhiều thông điệp hơn là một dòng chữ hạn hẹp ngoài bìa sách. Sau nữa, chuyện giật gân câu khách là đương nhiên, bởi vì giữa một thế giới mạng đầy rẫy những thứ phong phú để tham khảo thì một cái tít “ăn khách” là sự lựa chọn để độc giả click vào và đọc tiếp. Nếu không, họ sẽ lập tức bỏ qua câu chuyện của bạn ngay.
Ví dụ như khi “Nắm tay và làm tình” (tản văn của tác giả Nữ Vương – Đài Loan; Trang Hạ dịch) được đăng lên Tạp chí Đẹp thì đã bị đổi tên thành “Nắm tay và ái ân”, rõ ràng, số lượt đọc câu chuyện này trên tạp chí đó ít hơn rất nhiều lần so với số lượt đọc trên blog của tôi.
Mà quan trọng nhất đâu phải ở cái tít. Nội dung câu chuyện không hề bậy bạ, dung tục, xấu xa như những định kiến có sẵn trong đầu ai đó. Cách dịch của tôi là nói thẳng vào vấn đề, và thuần Việt. “Nắm tay và ái ân” là Hán Việt rồi, “Xin lỗi em chỉ là kỹ nữ” cũng Hán Việt nốt. Vậy tại sao không dùng cách nói tiếng Việt để người Việt dễ hiểu nhất, tới thẳng được với thông điệp nhanh nhất?
Bìa các cuốn sách "Lỡ tay chạm ngực con gái", "Mẹ điên" và "Xin lỗi em chỉ là con đĩ" do nhà văn Trang Hạ chọn dịch |
Hãy nhìn thế giới bằng yêu thương
- Dù sao thì với sự lựa chọn của mình, văn học mạng đã nghiệp dư lại rất cần “câu khách” và “giật gân”. Sự phát triển rầm rộ của nó liệu có kéo thấp chất lượng và sự sang trọng của văn học xuống như nhiều nhà phê bình lo ngại?
- Phụ nữ 15 tuổi được tặng bông hồng thì đã xúc động, hai mươi tuổi phải nhận cái ví da sang trọng mới phù hợp còn ba mươi thì phải mang đến cho cô ấy cả một căn nhà. Trang Hạ ba mươi rồi mà cứ chờ được tặng bông hồng mới chịu đi theo. Cuộc sống bi kịch và nghịch lý thế đấy. Nhưng làm sao tham lam được, cái gì cũng muốn thì khó lắm.
Ngôn ngữ của văn học mạng cũng thế thôi. Nó có những giá trị nhất định nhưng có phải là tất cả văn học đâu. Nó thỏa mãn sức viết và sức đọc của cư dân mạng và là cánh cửa để thế giới phẳng mở ra cả một thế giới bay bổng của trí tưởng tượng và ước mơ, thoát khỏi cuộc sống chật hẹp. Nói một cách đơn giản thì yêu thích và tìm đọc văn học trên mạng là tốt, là hướng thiện chứ, còn hơn họ chỉ chăm chú chơi game hoặc tìm kiếm nhiều trò nhảm nhí, xấu xa, bẩn thỉu hơn.
Hãy nhìn ra thế giới bằng con mắt của tình yêu. Mọi hình thức biểu hiện của văn học cũng như những loại hình nghệ thuật để nói lên cuộc độc thoại trước chính mình hoặc đối thoại với nhân loại đều quy lại bởi những giá trị nhân bản nhất, những yếu tố “người” nhất. Làm gì có sự trưởng thành nào mà không phải đau đớn, cũng tương tự như thế, sự phát triển nào cũng có cái giá của nó.
-
Hòa Bình (thực hiện) - Ảnh: Vied bi, CMV