- Trong tác phẩm của Pakhmutova có tâm hồn Nga phóng khoáng, có lòng nhân hậu và tình yêu con người. Tim còn đập, Pakhmutova còn sáng tác. Chắc chắn là như vậy!
Những ai “hát và đang hát Pakhmutova”?
Ở tuổi 80, Pakhmutova vẫn dồi dào sức sáng tạo.
Không thể kể hết tên những ca sĩ đã hát Pakhmutova – những tên tuổi lớn của nền nhạc nhẹ Xô Viết. Nhiều người trong số họ đã thành danh nhờ ca khúc của bà. Xin dẫn một vài cảm nhận của một số người trong số họ, những người đã gắn bó với một số tác phẩm nhất định, trong đó có âm nhạc của Pakhmutova:
Lev Leshenko, người hát “Tạm biệt Matxcơva” (1980), bài hát trong Thế vận hội Olympic: Khi ghi âm bài hát ở “Mosfilm”, Aleksandra Nikolaevna đề nghị tôi trình diễn bài hát thật nhẹ nhàng, một cách mềm mại, và đôi chút buồn. Nhưng không ai ngờ được hiệu quả bài hát đã gây được cho người nghe như thế nào. Cùng ghi âm bài hát có cả ca sĩ Tania Antsiferova và nhóm “Samotsvety”.
Tất cả được giữ bí mật cho đến phút chót. Chính tôi cũng chỉ được nghe bài hát ấy một cách toàn vẹn tại buổi lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Matxcơva 1980… Những bài hát của Pakhmutova đã ghi lại những trang sáng chói nhất trong lịch sử cuộc sống đất nước Xô Viết, nhưng chúng không chỉ chứa đựng tinh thần ái quốc, mà còn rất tinh tế, mang tính nghệ thuật cao, chúng chứa đựng biết bao chân thành và tình cảm nồng nhiệt của con người
Valentina Tolkunova, người hát “Em không thể làm khác được” (1982): Có những ca khúc ngay lập tức nổi như cồn sau lần ra mắt khán thính giả. Một trong những ca khúc ấy chính là “Em không thể làm khác được”. Lần đầu bài hát đó đến với công chúng vào ngày 8/3/1982 trong chương trình “Ngọn lửa xanh”. Hàng ngàn bức thư đã gửi đến đề nghị phát lại bài hát. Từ bấy đến nay, bài hát luôn là tấm các visit của tôi.
Tôi rất yêu mến gia đình Pakhmutova và Dobronravov. Hai con người, hai nghệ sĩ, cùng bắt đầu cuộc sống sáng tác bên nhau và đến tận bây giờ vẫn tay trong tay. Họ luôn đi thu âm cùng nhau, không rời…
Iosif Kobzon, người hát “Ta nghiêng mình trước những tháng năm vĩ đại” (1985): Khi chúng tôi bắt đầu làm việc cùng nhau, Aleksandra còn là một cô bé. Tôi còn nhớ, người ta giới thiệu Aleksandra với tôi thế này: “Anh có nhớ bài hát “Những nhà địa chất” không?” “Nhớ!” “Đấy, cô này viết đấy!”. Khi ấy là một cô bé rất dễ thương, bé nhỏ…
Cả cuộc đời nghệ sĩ của mình, tôi đã hát hầu hết các nhạc phẩm của Pakhmutova, nhưng niệm khúc “Ta nghiêng mình trước những tháng năm vĩ đại” khiến tôi hát xúc động vô cùng, vì nó mang hồn thời đại. Trong tác phẩm của Pakhmutova có tâm hồn Nga phóng khoáng, có lòng nhân hậu và tình yêu con người. Tim còn đập, Pakhmutova còn sáng tác. Chắc chắn là như vậy!
Đương nhiên, những ca sĩ nói trên đang nói về quá khứ, những năm tháng tuổi trẻ Xô Viết đã xa. Còn bây giờ, bước vào thế kỷ XXI, công chúng Nga có còn nhớ gì đến âm nhạc của Pakhmotova hay không? Câu trả lời có thể tìm thấy ngay trong những show ca nhạc của những nghệ sĩ “hot” ở LB Nga những năm gần đây.
Đó là Vitas, người đã hát rất thành công ca khúc “Cánh chim hạnh phúc” với cách xử lý bài hát mới hơn, giản dị và trẻ trung hơn bằng chất giọng cao trong của mình. Đó là Dmitry Khvorostovsky với “Dịu dàng”, “Chúng ta từng trẻ trung làm sao!”. Đó là nhóm nhạc tuổi teen với những cậu bé của thời đại mới, người để đầu trọc, người để bờm xanh đỏ, đeo hoa tai lủng lẳng… với âm nhạc tha thiết buồn của “Rừng hoang Belovezhsky” và “Tạm biệt Matxcơva”…
Và một điều phải khẳng định, rằng “Hát Pakhmutova” không chỉ các ca sĩ, mà tất cả những người bình thường, đã và đang sống, lao động, yêu thương… Ở nước Nga. Ở Việt Nam. Và ở nhiều nước khác trên thế giới.
Tiểu hành tinh “Pakhmutova”
Tổng thống CH Belarus, Lukashenko và Pakhmutova trong hội chợ Slavơ.
Còn nhớ, trong chương trình cầu truyền hình đầu tiên diễn ra giữa hai thủ đô Hà Nội – Matxcơva những năm 80, Aleksandra Pakhmutova là khách mời danh dự. Những khán thính giả Việt Nam hâm mộ bà đã đón nhận hình ảnh một phụ nữ bé nhỏ, thậm chí có thể nói, rất bé nhỏ so với vóc dáng của những người xung quanh.
Một người phụ nữ luôn tươi cười. Là một “mặt trời nhỏ” đối với mọi người, truyền cho họ những xúc cảm tích cực nhất bằng âm nhạc và nụ cười của mình. Là người biết kêu gọi. Là người biết dẫn dắt. Là người của cảm thức công dân mạnh mẽ, luôn bám sát cuộc sống lao động sôi nổi của đất nước. Là người có trách nhiệm với những gì mình viết, với thế hệ của mình…
Quả vậy. Pakhmutova là người nghiêm khắc với bản thân trong công việc, luôn tự tay viết phối khí cho các tác phẩm của mình. Bà cho rằng, tác phẩm âm nhạc có được sự hoàn hảo không chỉ qua đề tài, ý tưởng nghệ thuật hay giai điệu bài hát mà ngay cả phần viết phối khí, phần việc thu âm trong studio ra sao cũng giữ vai trò quan trọng không được coi nhẹ trong thành công của ca khúc. Một điều bà đặc biệt gay gắt lên án, là việc lặp lại bản thân trong sáng tác và… đạo nhạc.
Rất khe khắt với chính mình, bà nói: “Khi viết ra một giai điệu, ta say mê với nó, hào hứng với nó, yêu quý nó… nhưng bỗng phát hiện ra, rằng ta đã từng viết điều gì giông giống như thế trước đây, hoặc rõ ràng có ai đó từng viết những nốt nhạc như vậy, thấy quen quen… thì ngay lập tức phải chối bỏ giai điệu ấy. Phải dũng cảm để làm có thể làm như vậy nếu muốn trở thành một nghệ sĩ thực thụ chứ không phải là một ngôi sao nhất thời trong làng ca nhạc. Hãy nghĩ, những tác phẩm như thế, giống như “con thầy, vợ bạn” – anh không thể cho phép mình chiếm đoạt”.
Ở tuổi 80, bà vẫn làm việc tích cực, và tham gia vào nhiều hoạt động âm nhạc của LB Nga và các nước LX cũ. Chẳng hạn, bà là chủ tịch hội đồng giám khảo của festival ca nhạc thường niên “Hội chợ Slavơ” tại Vitebsk (Belorussia). Những năm vừa qua, bà viết nhạc phim cho bộ phim tài liệu nhiều tập “Chiến thắng vĩ đại” của các đạo diễn Viktor Lisakovich và Boris Golovny, trong đó có hai bài hát mà phần lời vẫn do người bạn đời của bà, nhà thơ Dobronravov, đảm nhiệm: “Không ai bị quên lãng” và “Bài hát này hát về chiến tranh”.
Năm 1976, một ngôi sao được mang tên bà, tiểu hành tinh số 1889 trong vũ trụ. Thế nhưng, chính bà, trong thế giới rộng lớn này, cũng đã là một hành tinh, với những sáng tác truyền cảm, bất hủ của mình, không chỉ ở thể loại ca khúc, mà còn ở thể loại giao hưởng, nhạc phim, nhạc kịch và nhạc dành cho balet.
Tôi không ngại dùng những tính từ “kêu” nhất, “hoa mỹ” nhất để nói về nữ nhạc sĩ Xô Viết Aleksandra Pakhmutova, bởi những nhạc phẩm của bà đã sống và tiếp tục sống trong lòng công chúng nhiều thế hệ, xứng đáng với những tính từ đẹp đẽ hơn thế! Không phải ngẫu nhiên mà năm 2002, trong khuôn khổ giải thưởng âm nhạc quốc gia Nga “Ovatsia”, Aleksandra Pakhmutova được công nhận là “huyền thoại sống”.
- Thụy Anh