- Hẳn không ít người trong chúng ta, nhất là những thanh niên Việt Nam của thập kỷ 60, 70, 80 thế kỷ trước, cảm thấy xúc động khi nghe ca khúc có ca từ sôi nổi này. Đối với họ, “Bài ca về thời thanh niên sôi nổi” được coi như hiện thân của ký ức tươi đẹp và vô giá của một thời tuổi trẻ.
Aleksandra Pakhmutova thời trẻ
Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ
Bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ
Để ngàn đời bền vững Tổ quốc ta
Trời cao muôn ngàn năm chói lòa
Dù sương gió tuyết rơi
Dù vắng ngôi sao giữa trời
Ngàn trái tim với tiếng ca
Thúc ta nhịp chân lên đường xa
Hẳn không ít người trong chúng ta, nhất là những thanh niên Việt Nam của thập kỷ 60, 70, 80 thế kỷ trước, cảm thấy xúc động khi nghe ca khúc có ca từ sôi nổi này. Đối với họ, “Bài ca về thời thanh niên sôi nổi” của nhà soạn nhạc Nga - Xô Viết Aleksandra Nikolaevna Pakhmutova, sáng tác trên nền lời thơ của nhà thơ Oshanin, đã từng được hát, được yêu thích, được coi như hiện thân của ký ức tươi đẹp và vô giá của một thời tuổi trẻ.
Ngay thời điểm này, khi bài hát đã hơn 40 năm tuổi, và những con người từng hát nó cũng không còn trẻ nữa, thì khi bài hát được cất lên, tất cả những gì tốt đẹp và trong sáng nhất lại sống dậy, dường như thời gian chưa từng qua đi… Trống, kèn, và nhịp hành khúc sôi động ngay từ những hợp âm đầu tiên, đã cho cảm giác về một cuộc sống không đơn điệu và con người không thể bình thản trước những gì đang xảy ra xung quanh. Bài ca là biểu tượng cho thế hệ trẻ Xô Viết với tình yêu Tổ quốc vô điều kiện, sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi của trái tim đầy nhiệt huyết.
Pakhmutova hát cùng các em đội viên (1973).
Và bây giờ, “Bài ca về thời thanh niên sôi nổi” ấy lại một lần nữa được vang lên trang trọng, cùng với nhiều ca khúc khác của Pakhmutova nhân kỷ niệm tròn 80 năm ngày sinh của bà (9/11/1929 – 9/11/2009) trong buổi hòa nhạc diễn ra tại nhà hát âm nhạc Matxcơva mang tên Stanislavski và Nemirovich-Danchenko ngày 23/10/2009 và trên một loạt kênh truyền hình Nga trong tuần tới. Đệ nhất phu nhân LB Nga, bà Svetlana Dmitrievna, đã đến dự buổi hòa nhạc và bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với “người đàn bà được nhiều người hát” nhất đất nước Xô Viết.
Lời hiệu triệu tinh tế
Pakhmutova đã từng tuyên bố: “Âm nhạc phải biết kêu gọi con người không thờ ơ với người khác, với cuộc sống. Âm nhạc phải có tính giáo dục!”
Pakhmutova cùng người bạn đời của mình.
Và thời gian đã chứng minh được sức sống của những ca khúc mang dấu ấn Pakhmutova. Thời gian chứng minh cả sức mạnh hiệu triệu, sức lôi cuốn và tính giáo dục mà âm nhạc của Pakhmutova để lại trong lòng người nghe. Bắt đầu từ những bản nhạc giản dị ngây thơ đầu tiên nữ soạn nhạc Xô Viết tương lai sáng tác năm lên ba tuổi, cho đến nay, bà đã tặng cho các khán thính giả Nga và thế giới gần 400 ca khúc, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng nhiều thập kỷ đã quen thuộc với mỗi gia đình Xô Viết: “Điều quan trọng, bạn ơi, là gìn giữ trái tim không già cỗi”, “Dịu dàng”, “Chòm sao Gagarin”, “Tuyết bỏng”, “Tạm biệt Matxcơva”, “Những nhà địa chất”, “Niềm hy vọng”, “Cánh chim hạnh phúc”… và tất nhiên, “Bài ca về thời thanh niên sôi nổi” đã được nhắc ở trên.
Những ca khúc ấy cho dù mang trong mình lời kêu gọi những người trẻ sẵn sàng lên đường cống hiến và lao động, cũng chưa bao giờ chỉ dừng lại ở việc hô khẩu hiệu. Trong đó, có cả những tình cảm tinh tế nhất của con người, tình yêu trong sáng của tuổi thanh xuân mà mỗi người trong đời đều trải qua ít nhất một lần. Người ta có thể nghe được cả nỗi buồn rất người, những nuối tiếc, hờn giận, thất vọng - những nỗi niềm mềm yếu không tránh khỏi, nhưng sáng và không bị lụy:
“Mặt đất trống tênh khi vắng anh
Em làm sao sống nổi dẫu vài giờ?
Lá vẫn trút trong vườn
Và những chiếc taxi vẫn vội vàng lao về đâu đó..
Chỉ có mặt đất trống tênh
Khi mình em ở lại, không anh
Còn anh… anh bay trên trời cao
Và những vì sao
Tặng cho anh
Dịu dàng của mình”
(Dịu dàng – lời Grebennikov và Dobrronravov)
Đó là tình yêu dịu dàng mà quyết liệt: Chẳng bao giờ hết được lo âu/ Cả ban ngày và trong giấc ngủ/ Một nơi xa tiếng tù và than thở/ Xin tha thứ cho em vì đã yêu anh/ Chỉ cần anh nói một lời – em bay đến cùng anh/ Qua bão tuyết và lửa rừng bỏng rát/ Chỉ không tha thứ cho dối lừa lạnh nhạt/ Trái tim này có phải đá đâu anh (Em không làm khác được)
Đó là niềm hy vọng mà những người yêu nhau có được trong xa cách – hy vọng về những điều tốt lành hạnh phúc cho cuộc sống họ đang chung sức dựng xây:
"Pakhmutova, người có những bài ca bạn đang hát".
Giữa hai ta lại là những thành phố xa
Số phận lại chia cắt ta như trước
Trên bầu trời sáng lên ngôi sao lạ
Như tượng đài của niềm hy vọng xa xưa
(Niềm hy vọng)
Vì lẽ ấy, không ai ngạc nhiên khi một lần, nhà thơ Nga Mikhail Matusovsky (tác giả lời thơ của bài hát Chiều ngoại ô Matxcơva) kể chuyện, ông đã hỏi những thanh niên nam nữ trên nhiều công trường ở Siberia, điều gì đã đưa họ đến nơi khắc nghiệt này để lao động và cống hiến, thì nhiều người trong số họ nói rằng, một trong những nguyên do khiến họ không ngại khó ngại khổ là những ca khúc của Pakhmutova!
Có thể nhận thấy, ca từ chiếm vị trí quan trọng trong các nhạc phẩm của Aleksandra Pakhmutova. Bài hát đầu tiên dành cho thiếu nhi của Pakhmutova được viết năm 1956. Người ta đề nghị nhạc sĩ phổ nhạc tác phẩm của hai nhà thơ Sergei Grebennikov và Nikolai Dobronravov. Bắt đầu từ đó, bà gắn bó với hai nhà thơ này trong các sáng tác của mình, mà đặc biệt là Nikolai Dobronravov, sau này trở thành người bạn đời, người đồng hành của bà trong những chuyến đi bất tận qua mọi miền đất nước.
Có thể nói, họ đã hình thành một "nhóm sáng tác". Những người bạn cùng nhau đi sâu sát thực tế cuộc sống, đến những nơi gian khổ nhất, tới tận Siberia, rừng tai-ga, để lấy chất liệu cho những ca khúc sôi nổi của mình. Họ không chỉ tìm hiểu cuộc sống, mà cùng lao vào nó, với sức trẻ và niềm tin. Chính vì thế, tác phẩm của họ mới thật và đáng tin như vậy. Pakhmutova từng nói: "Qua mỗi chuyến đi, điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là những con người. Ý chí, sự nỗ lực của họ, niềm vui sống của họ… Họ trẻ, trẻ như những thành phố, những nhà máy, những công trường thủy điện… đã được họ xây dựng nên bằng nhiệt tâm của mình".
Chính quá trình sáng tác như thế đã đem đến cho tác phẩm một sự thống nhất tuyệt đối về cảm hứng – những tác giả bắt nhịp được với nhau về ý tưởng và tinh thần. Nhạc và lời cân xứng, hài hòa, chạm đến tận cùng những cảm xúc sâu xa trong tâm hồn người nghe.
Trong cuốn sách - tiểu sử của Pakhmutova "Pakhmutova, người có những bài ca bạn đang hát" (1965), tác giả Elizaveta Loiter đã kể về một bài luận của cậu bé học sinh viết về nhạc phẩm Pakhmutova. Cậu viết: “Chúng em yêu thích những buổi cắm trại. Lúc ấy, chúng em thường hát bài hát yêu thích “Điều quan trọng, bạn ơi, là giữ gìn trái tim không già cỗi”. Chúng em bước vui vẻ sảng khoái theo nhịp điệu bài hát. Nhưng khi chuyển bài, hát về “biển rừng xanh ngắt tai-ga đang khẽ hát điều gì dưới cánh máy bay” thì tâm trạng thay đổi…”
Những cảm nhận tinh tế như thế của người hát hẳn đã là một phần thưởng lớn cho nhóm sáng tác - nữ nhạc sĩ Pakhmutova và những nhà thơ.
Kỳ II: Tiểu hành tinh "Pakhmutova"
- Thụy Anh