- Sắp đến ngày khai mạc Hội diễn sân khấu chèo toàn quốc, nhiều đoàn vẫn chưa kịp hoàn tất tác phẩm do trước đó quá bí bách khâu chọn kịch bản. Sự ưu tiên của Ban tổ chức cho những đề tài hướng đến ngày đại lễ lại khiến sự lựa chọn của các đơn vị rơi vào trùng lặp.
“Liều” thử nghiệm kịch bản… cũ
Nhà hát chèo Hà Nội đang gấp rút hoàn thành vở Ngọc Hân công chúa của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ để kịp tổng duyệt trước khi lên đường dự Hội diễn sân khấu chèo toàn quốc. Thực ra, vở diễn này đã được nhà hát dàn dựng cách đây hơn hai chục năm dưới bàn tay của nghệ sĩ nhân dân Dương Ngọc Đức, một cây đa cây đề trong làng chèo và đã tạo được chút tiếng vang với sự tham gia của người đẹp Lâm Bằng. Nay, vở diễn được nghệ sĩ Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát phục hồi với tiêu chí vẫn giữ lại những tinh túy của người đi trước, đồng thời làm mới cho bắt kịp hơi thở cuộc sống hiện đại. Nếu trước đây, vở diễn dài hơn ba giờ đồng hồ thì nay được rút gọn còn chưa đầy hai giờ, tránh sự dài dòng, không hợp thị hiếu khán giả đương thời.
Theo nghệ sĩ Thúy Mùi, sở dĩ, nhà hát phải chọn phương án phục hồi vở cũ vì tìm được kịch bản mới đạt chất lượng để tham dự hội diễn trong tình hình khan hiếm kịch bản như hiện nay là rất khó. Hơn nữa, Ngọc Hân công chúa là tác phẩm nằm trong đề án Bảo tồn các vở chèo truyền thống mà nhà hát đã lên kế hoạch phối hợp thực hiện cùng thành phố Hà Nội. Đồng thời, vở diễn có ý nghĩa hướng đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, một chủ đề đang được các đơn vị nghệ thuật quan tâm khai thác. Vậy là một công... ba việc.
Vở Mảnh gương nhân sự, tác phẩm từng được dựng từ cách đây hơn nửa thế kỷ. Ảnh: T.H |
Tuy nhiên, để dựng lại một tác phẩm ăn khách của những năm 1980 không phải điều đơn giản, bởi từ lâu vở diễn đã là… kỷ niệm, các nghệ sĩ tham gia ngày trước nay đã về hưu hoặc chuyển ngành. “Bản thân tôi ngày đó không tham gia nên hoàn toàn không biết, tất cả chỉ còn lại trên kịch bản”, nghệ sĩ Thúy Mùi cho biết. Vì thế, chị phải tham khảo các diễn viên từng giữ vai chính.
Các đồng nghiệp của Thúy Mùi ở Nhà hát chèo Việt Nam cũng đang lên sàn gọt giũa vở Mảnh gương nhân sự, một câu chuyện của Nguyễn Đình Nghị, tác giả, nghệ nhân chèo tiêu biểu ở nửa đầu thế kỷ XX, người đề xướng phong trào chèo pha cải lương, tức chèo cách tân để phù hợp với nhịp sống sôi động của thành phố.
Vở này cũng từng được dàn dựng và biểu diễn khá nhiều hồi những năm trước 1930. “Khi biết tôi có ý định dựng lại Mảnh gương nhân sự, ai cũng bảo sao lại lấy tác phẩm cũ rích từ hơn nửa thế kỷ nay ra làm thế. Thậm chí còn có rất nhiều ý kiến tranh cãi nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn quyết định làm vì tìm mãi vẫn không thấy có kịch bản nào giàu chất chèo hơn kịch bản này”, đạo diễn Hà Quốc Minh, quyền Giám đốc nhà hát cho biết.
Theo đạo diễn Quốc Minh, đây là tác phẩm cũ nhưng vẫn ánh lên những vấn đề của thời đại hôm nay, lại có cốt truyện mạch lạc. Câu chuyện kể về một gia đình giàu có, trong lúc ông bố đi làm ăn xa, người chú ruột nghiện hút rủ các cháu thử, rồi đi vào con đường cờ bạc, sa đọa khiến gia cảnh tan hoang. Người bố thấy các con hư hỏng nên uất mà chết. Từ đó, ba chú cháu sống như những kẻ đầu đường xó chợ, phải làm phu kéo xe kiếm miếng ăn sống qua ngày.
Điều đặc biệt, dù Mảnh gương nhân sự được viết từ cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng lại chứa rất nhiều chất Tây và pha trộn nhiều làn điệu của cải lương, quan họ, ca Huế nhằm làm mới chèo để hút khách. Tác phẩm này của Nguyễn Đình Nghị có những cách tân mà theo quan niệm của người chuyên môn thì nó hơi xa chèo. Vì thế, khi dựng lại, đạo diễn phải đưa vở diễn về với lối ca hát truyền thống, sử dụng không gian ước lệ thay vì không gian tả thực như trước.
Nghệ sĩ Quốc Anh, vai Nguyễn Trãi trong vở Oan khuất một thời. |
Đây thực sự là thách thức đối với Hà Quốc Minh, làm sao để dựng vở diễn xứng đáng với một tên tuổi lớn đã rất quen thuộc trong làng chèo, đồng thời đưa những cách tân của thế kỷ trước về với truyền thống song cũng không được cũ. Đã có những bất đồng xảy ra giữa đạo diễn và nhạc sĩ, thậm chí nhà hát còn mời cả các nghệ sĩ lão thành làm cố vấn, mỗi lần ngồi với nhau là tranh luận đến quên thời gian.
Tuy nhiên, “đây là vở kịch có tính trào lộng, bi hài với lối diễn đậm chất chèo, nhiều đất diễn cho diễn viên thể hiện tài năng”, Quốc Minh cho biết. Vì thế, anh hy vọng, khi thi thố, ít nhất vở diễn cũng đem lại huy chương cho anh chị em diễn viên làm tiền đề cho việc phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân sau đó.
Cuộc "hội ngộ của các danh nhân"
Sàn diễn của đoàn chèo Tổng cục Hậu cần cũng đang nóng lên từng ngày cho những cảnh cuối của vở Hùng ca Bạch Đằng do nghệ sĩ nhân dân Doãn Hoàng Giang dàn dựng, dựa trên kịch bản của nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Đây là tác phẩm mới toanh do đơn vị này đặt hàng các tác giả và cũng mới được lên sàn tập được khoảng hơn một tháng.
Theo nghệ sĩ Đào Lê, Trưởng đoàn, các nghệ sĩ thường dựng vở mới vào tháng 8, tuy nhiên do không tìm được kịch bản ưng ý để vừa đảm bảo kế hoạch ra vở mới hằng năm, vừa đủ tiêu chuẩn đi dự hội nên vở diễn phải lùi thời gian đến gần cuối năm, cận kề ngày thi thố với bạn bè.
Có lẽ, không chỉ đoàn Tổng cục Hậu cần đang chạy nước rút, “tôi biết, nhiều đoàn đang trong tình trạng dở dang do trước đó quá bí bách khâu chọn kịch bản”, nghệ sĩ Bùi Đắc Sừ, nguyên Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam tiết lộ.
Không những thế, 5 năm mới có một lần thử sức, những tấm huy chương đóng vai trò quan trọng không chỉ của bản thân đơn vị mà còn của mỗi cá nhân nghệ sĩ nên đoàn nào cũng muốn mời đạo diễn giỏi về dựng vở.
Sự ưu tiên của Ban tổ chức cho những đề tài lịch sử hướng đến Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội đã “làm khó” cho các đơn vị trong vấn đề chọn nhân vật, tác phẩm để dàn dựng và dễ dẫn đến sự trùng lặp. Bởi lẽ, các vở diễn đang nóng hôi hổi trên các sàn tập đều có chung một đề tài là khai thác hình tượng các danh nhân đất Việt.
Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Mệnh lệnh thần kỳ. |
Nhà hát chèo Việt Nam có Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Mệnh lệnh thần kỳ. Ngoài Ngọc Hân và vua Quang Trung trong Ngọc Hân công chúa, Nhà hát chèo Hà Nội có thêm danh nhân Nguyễn Trãi trong Oan khuất một thời. Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần chọn tái hiện hình ảnh vua Ngô Quyền với chiến thắng huyền thoại trên sông Bạch Đằng. Các nghệ sĩ đoàn chèo Vĩnh Phúc thì đang miệt mài với câu chuyện về Trần Nguyên Hãn trong tác phẩm Trang chủ sơn đông. Đoàn Bắc Giang dựng Danh chiếm bảng vàng với nhân vật chính là Thân Nhân Trung, trong khi các đồng nghiệp ở vùng than Quảng Ninh khai thác chuyện vua Trần Nhân Tông.
Không ít người trăn trở: những vở được đầu tư công phu, tốn kém sẽ rất ít cơ hội công diễn trên những sân khấu khiêm tốn ngoài trời tại thôn quê, đất sống của nghệ thuật truyền thống hiện nay. Tuy nhiên, nếu không có hội diễn, nhiều đoàn địa phương có thể sẽ lãng quên việc dựng một vở tử tế ra “chất” chèo mà để chiều thị hiếu, họ không ngại biến đoàn chèo thành đoàn hát dân ca hay chỉ dựng những trích đoạn vụn vặt mua vui cho người xem.
- Thu Huyền