221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1244182
108 chân dung văn nghệ sĩ của họa sĩ "tay ngang"
1
Article
null
108 chân dung văn nghệ sĩ của họa sĩ 'tay ngang'
,

 - "Đối với tôi, mỗi nghệ sĩ là một viên kim cương và được làm bạn với họ là điều thật tuyệt vời trên đời. Đến nay, tôi vẫn chưa đủ sức vẽ hết, vì thế còn đang nợ nhiều người" - Đinh Quang Tỉnh tâm sự.

 

 Nghệ sĩ là kim cương

 

Theo lời kể của họa sĩ Thành Chương, những năm sau đổi mới là thời kỳ hoạt động sôi nổi của tranh biếm họa, lúc ấy anh họa sĩ tay ngang Đinh Quang Tỉnh là cộng tác viên thân thiết của báo Văn Nghệ. Khi dòng tranh này đi qua giai đoạn cao trào, đôi bạn Thành Chương - Quang Tỉnh không có nhiều cơ hội gặp nhau.

 

Mô tả ảnh.

Hoạ sĩ "tay ngang" Đinh Quang Tỉnh.

Bẵng đi một thời gian dài, họa sĩ Thành Chương được bạn gọi đến và cho xem một bức tranh chân dung. Ông giật mình khi thấy chính khuôn mặt mình trong đó, ngạc nhiên hơn, nó không phải là tranh biếm họa. Thành Chương là cảm hứng, cũng là người đầu tiên khuyến khích Quang Tỉnh đi theo con đường này. “Tôi không nghĩ ông lại vẽ được thế. Tranh chân dung cần nhiều yếu tố khác mà chỉ cái tài của người biếm họa thôi chưa đủ”.   

 

Nghe lời bạn, Quang Tỉnh lao vào vẽ. Không được đào tạo bài bản qua trường lớp, ông học qua bạn bè, sách vở, học chính trong quá trình lao động vất vả hơn người của mình. Sau hai năm, Quang Tỉnh đã cho ra lò một triển lãm khiêm tốn tại ngôi nhà số 51 Trần Hưng Đạo với 21 bức chân dung của các nghệ sĩ như Văn Cao, Nguyễn Sáng, Nguyễn Gia Trí… Ba Tỉnh (biệt danh của ông) tự coi đây là giai đoạn thử nghiệm, dấn thân vào những tìm tòi, khám phá của loại hình mỹ thuật tưởng dễ mà khó.

 

Dần dà, bằng sự khổ luyện, anh họa sĩ không chuyên đã chứng tỏ con đường đi của mình là đúng. Song, thực sự, để có thể làm chủ được màu sắc, nắm bắt được cái thần của con người, ngoài việc cần học hỏi ngày đêm, yếu tố đưa Quang Tỉnh đến với thành công ngày hôm nay là niềm kính trọng, tình yêu mến đến không thể diễn tả với các văn nghệ sĩ.

 

Khi biết Quang Tỉnh mở triển lãm mang tên Bản diện kim cương bất hoại tại Bảo tàng Mỹ thuật, có người hỏi, sao ông không thêm bức chân dung tự họa? Ba Tỉnh giãy nảy: "Chết, tôi có phải là nghệ sĩ đâu, tôi chỉ là người hầu, tôn thờ những gương mặt đại diện của nền văn học nghệ thuật mà thôi".

 

Ông giải thích, sở dĩ đặt tên Bản diện kim cương bất hoại, là vì câu này trích từ trong kinh Phật, ý nói những gương mặt này đẹp như kim cương, thời gian không thể phá hủy được. “Ai đó nghe, có thể bảo nó to tát quá nhưng đối với tôi, văn nghệ sĩ chính là kim cương”.

 

Mỗi bức vẽ là một tâm sự

 

Ông bảo, được làm bạn với văn nghệ sĩ là điều tuyệt vời. Có những người do duyên số mà được gặp, có những người ông chủ động tìm đến. Điều thú vị, mối duyên này thường gắn với các cuộc rượu. Những người nổi tiếng (mà theo ông là vĩ đại) khi say cũng rất thật và ông hiểu họ sâu hơn cũng từ chất men say.

 

Ví như, khi muốn vẽ chân dung nhà thơ Bằng Việt, ông đã phải trăn trở rất nhiều bởi đây là người rất khó thể hiện bằng nét cọ. Thể hiện chân dung ông chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Hà Nội với gam màu tươi sáng cũng không giống, trong trang phục complet cũng không ổn. Nhưng, tình cờ một hôm cùng ngồi uống rượu, Quang Tỉnh bỗng thấy tóc tai của thi sĩ Bếp lửa trở nên bơ phờ và ông bắt luôn cái thần ấy, vậy là có bức tranh ưng ý.

 

Cuộc rượu mà ông nhớ nhất là với họa sĩ Nguyễn Sáng. Khi ấy, cũng tại Bảo tàng Mỹ thuật, Nguyễn Sáng, một trong những họa sĩ tiêu biểu của hội họa Việt Nam mở triển lãm tranh và nhận được rất nhiều lời ca ngợi, tán tụng. Có người còn hứa mời họa sĩ đi ăn gà rán. Nhưng cuối cùng, ông và Ba Tỉnh phải đi ra ăn cháo tại một quán gần đó. Ăn xong, Nguyễn Sáng nói, mọi người đâu biết ông đang lần từng hào để trả tiền cháo. “Đấy là kiểu đau khổ của những con người vĩ đại”, Ba Tỉnh kể lại.

 

Triển lãm “Bản diện kim cương bất hoại” của họa sỹ Đinh Quang Tỉnh diễn ra từ ngày 02/11 đến hết ngày 08/11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học - Hà Nội). Triển lãm trưng bày  70 trong số 108 tranh chân dung ông vẽ trong vòng 10 năm trở lại đây  và 2 trong 40 tranh vui, tranh châm biếm đã đăng báo cùng một số ký họa.

Trong cuộc triển lãm lần này, Ba Tỉnh đặt ba bình rượu có nút lá chuối khô dưới chân ba bức chân dung: nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân mà theo lý giải của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì có ba người này, cuộc rượu thêm sang.

 

Không ít văn nghệ sĩ Ba Tỉnh phải vẽ đến gần chục lần mới thấy hài lòng. Chẳng hạn, sau khi hoàn thành chân dung nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đem tặng thì khổ chủ chỉ nhìn và nói “nền và khung rất đẹp đấy”. Vậy là ông tiếp tục cuộc thử thách.

 

Có lần, đang đêm, ông chợt tỉnh giấc và cầm cọ vẽ Thái Bá Vân. Khi thấy đôi mắt của Thái Bá Vân lồi ra, ông còn sợ, nhảy cả lên, và vội vàng thắng hương cầu mong hương hồn người đã khuất phù hộ mình. 

 

Đối với ông, mỗi bức vẽ là một kỷ niệm và đều có nguyên nhân. Khi vẽ Nguyên Tuân, ông muốn vẽ nhà văn với cái áo len do cụ bà đan cho, nhà văn Kim Lân  thì phải mặc cái áo len dệt được tặng, còn Doãn Hoàng Giang thì đội chiếc mũ chữ A mà vị đạo diễn rất thích nhưng đã bị mất. Trong số hơn 108 văn nghệ sĩ đã vẽ (mà Thành Chương ví là 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc) chỉ có hai người Ba Tỉnh chưa được diện kiến là cố nhà văn Sơn Nam và cây bút trẻ Nguyễn Ngọc Tư.

 

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thừa nhận, Ba Tỉnh quá say mê các văn nghệ sĩ, đến nỗi đi với ai cũng phải trả tiền. Có người còn tưởng, Ba Tỉnh đi cùng chỉ để thanh toán sau mỗi cuộc vui. Nhưng đó chứng tỏ, tình yêu dành cho văn nghệ sĩ của ông rất nhiều.

 

Ba Tỉnh tâm sự, ông coi việc vẽ tranh những con người mà mình yêu quý là một cuộc chơi, vì thế chuyện tiền bạc không khiến ông phải suy nghĩ bao giờ.

 

Chân dung một số văn nghệ sĩ qua nét vẽ Đinh Quang Tỉnh:

 

Mô tả ảnh.
Giáo sư Trần Văn Khê.

 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

 

Mô tả ảnh.
Thi sĩ Bùi Giáng.
Danh hoạ Bùi Xuân Phái.

 

Mô tả ảnh.
Nhạc sỹ Nguyễn Cường.

 

Mô tả ảnh.
Nhạc sỹ Văn Cao.
  • Thu Huyền
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,