221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1233330
"Điều còn mãi": Bữa tiệc âm nhạc lay động lòng người
0
Article
null
'Điều còn mãi': Bữa tiệc âm nhạc lay động lòng người
,

 

 - Chương trình hòa nhạc VietNamNet "Điều còn mãi" đã khép lại, nhưng với khán giả, vẫn còn đó những dư âm về một chương trình nghệ thuật hấp dẫn, lay động lòng người. Có được điều đó là do "Điều còn mãi" được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt là về nội dung.

Những vị khán giả đến sớm

14h, nửa tiếng trước khi buổi biểu diễn bắt đầu, khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội gần như kín chỗ. Ở hàng ghế khách mời có các vị lãnh đạo của Bộ Bưu chính viễn thông (cũ), lãnh đạo Bộ thông tin và truyền thông, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nhiều vị lão thành các mạng, nhân sĩ, trí thức...

Nhiều văn nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật cũng có mặt: nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhà thơ Việt Phương, nhạc sĩ Văn Ký, đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhạc sĩ Hoàng Dương, Á hậu Ngọc Oanh, ca sĩ Ngọc Anh, nghệ sĩ Quyền Văn Minh...

Nhưng trước đó, từ lúc 13h, Phòng Gương của Nhà hát Lớn Hà Nội đã đón các vị khán giả đến sớm để tham dự một cuộc tọa đàm ngắn trước giờ biểu diễn.
 

Mô tả ảnh.

Buổi tọa đàm trước giờ biểu diễn tại phòng khách của Nhà hát Lớn

Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn phát biểu, đánh giá cao sáng kiến có ý nghĩa này của VietNamNet: “Trong thời khắc có giá trị lịch sử này, mỗi năm chúng ta cùng nghe lại những bài hát, những bản nhạc của một thời kỳ hào hùng. Đúng như tên gọi "Điều còn mãi”.

Mô tả ảnh.

Ông Lê Trọng Nghĩa

Ông Lê Trọng Nghĩa, nguyên ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội, người trực tiếp tham gia cướp chính quyền tại Hà Nội ngày 19/8/1945 bồi hồi nhớ lại: “Thời khắc này gợi cho tôi nhiều cảm xúc mạnh mẽ. Tôi cảm nhận sâu sắc rằng, Cách mạng tháng Tám là một cuộc Thăng Long vĩ đại của thời hiện đại.”

Nhà thơ Việt Phương nói, mỗi khi nhớ đến Tổng khởi nghĩa tháng Tám thì không chỉ tai, mắt mà cả con người ông nghe thấy âm thanh, nhìn thấy hình ảnh toàn dân tộc Việt Nam cuồn cuộn dâng lên làm cuộc đổi đời, tạo nền móng, sự khởi đầu cho tất cả thành tựu, chiến công của dân tộc ta từ đó đến nay:

“Có ba nấc để thực hiện một đường lối: cộng thêm đường lối, nhân lên đường lối, giấc mơ đường lối. Và Tổng khởi nghĩa tháng Tám là giấc mơ của toàn dân tộc Việt Nam.

Dân tộc ta đang chờ đợi một giấc mơ mới, sẽ được kết thành bởi 4 yếu tố: dân tộc, dân chủ, vi mô là sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân, vĩ mô là sự hội nhập toàn diện, hiệu quả của Việt Nam cùng thế giới.”

Mô tả ảnh.

Nhà thơ Việt Phương

Nhà sử học Dương Trung Quốc một lần nữa nhắc lại, lịch sử là sự nối dài của ký ức, ký ức chứa đựng những giá trị làm nên lịch sử: “Tôi muốn nói thêm rằng, Cách mạng tháng Tám có giá trị cực kỳ to lớn là xác lập lại thủ đô của nước Việt Nam.

Bởi thế, 1000 năm Thăng Long không chỉ là thời khắc Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, mà là cả tiến trình dài, mà một trong những đỉnh cao là Cách mạng tháng Tám và sự trở lại vị thế của Hà Nội trong lịch sử.”

Nhạc sĩ Dương Thụ, giám đốc nghệ thuật của chương trình cho rằng, đây là dịp để các nghệ sĩ và người nghe cùng cảm nhận "Điều còn mãi" - những điều không bao giờ mất, không bao giờ quên, có lúc là ẩn số, có lúc sẽ bùng phát. Chúng ta sẽ cùng mơ giấc mơ như nhà thơ Việt Phương đã chia sẻ.” 

Hồi ức song hành cùng niềm hi vọng

Nếu như ca khúc Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi) từng được cố nghệ sĩ NSND Lê Dung ghi dấu ấn trong lòng người nghe thì phần trình diễn của ca sĩ Mỹ Linh hôm nay có sự tươi mới, lãng mạn và nét sáng tạo riêng.

Hay như bài Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý) - nghệ sĩ Vũ Dậu gây xúc động cho khán giả một thời mỗi khi cất tiếng hát nay được chính cô con gái của bà là ca sĩ Khánh Linh truyền một cảm xúc, hơi thở mới trong cách hát của mình. 

 

Mô tả ảnh.

Ca sĩ Khánh Linh với Mẹ yêu con. Ảnh: Phạm Hải

Ca sĩ Ngọc Anh: "Rất lâu rồi tôi mới được xem một chương trình nghệ thuật đặc sắc như Điều còn mãi. Có hai tiết mục khiến tôi ấn tượng mạnh đó là phần thể hiện của NSND Quang Thọ với bài Bình Trị Thiên khói lửa và tiết mục solo piano của Phó An My.  

Năm 2006, tôi được tận mắt chứng kiến Phó An My băng tay để chơi Bồng bềnh (Tuệ Nguyên) và lần này tôi nhận thấy được chị thể hiện lại tác phẩm này xúc cảm và chuyên nghiệp hơn".

Những "hồi ức" và cả "niềm hy vọng" được giám đốc nghệ thuật Dương Thụ khéo léo sắp xếp song hành. Tác giả, tác phẩm của một thời đan xen cùng với tác giả, tác phẩm và người trình diễn của ngày hôm nay.

Tác phẩm viết cho piano, bản Fantasia Bồng bềnh của nhạc sĩ thế hệ 8x Tuệ Nguyên được Phó An My - thế hệ 7X chơi rất ấn tượng và đầy cá tính. Người nghe bị cuốn vào những giai điệu lúc lãng mạn, lúc chơi vơi, được Phó An My dồn cảm xúc, nội lực vào những phím đàn.  

Phần trình diễn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình nhất của khán giả dành cho hai nghệ sĩ thuộc hai thế hệ khác nhau, đó là NSND Quang Thọ với Bình Trị Thiên khói lửa và Đức Tuấn với Người về đem tới ngày vui. 

 

Mô tả ảnh.

Nghệ sĩ Đức Tuấn trình diễn Người về đem tới ngày vui.

Có thể nói chương trình đã giúp người xem có được cách tiếp cận "đời hơn" đối với nhạc thính phòng giao hưởng. Một số ca khúc viết trong kháng chiến và sau ngày hòa bình lập lại như: Du kích sông Thao, Bình Trị Thiên khói lửa, Người về đem tới ngày vui, Mẹ yêu con, Bài ca hy vọng, Xa khơi đã được "thính phòng hóa". Những ngôi sao ca nhạc: Mỹ Linh, Đức Tuấn, Khánh Linh đứng cạnh ca sĩ thính phòng: Quang Thọ, Lan Anh, Tân Nhàn dường như không có khoảng cách bởi mỗi người đều tạo được những dấu ấn riêng.

"Điều còn mãi" sẽ luôn ở trong lòng mọi người

Với quĩ thời gian quá eo hẹp cho một chương trình lớn (chỉ trong vòng một tháng) nhưng những người làm chương trình đã vượt qua nhiều khó khăn, áp lực, mang đến một bữa đại tiệc âm nhạc lay động lòng người, để lại những ấn tượng khó quên như những điều còn mãi về lòng yêu quê hương, đất nước, làm sống dậy những ký ức hào hùng của dân tộc ta trong một thời điểm lịch sử đặc biệt của đất nước. 

Mô tả ảnh.

Toàn cảnh Hòa nhạc VietNamNet "Điều còn mãi" (2/9/2009).

Á hậu Ngọc Oanh: Thi thoảng tôi cũng đi xem và dẫn các chương hòa nhạc nhưng "Điều còn mãi" quả thật để lại nhiều xúc cảm trong tôi.

Với VietNamNet, ngày nào tôi cũng xem báo, hôm nay lại được nghe nhạc do báo tổ chức, tôi rất vui, xúc động. Mong rằng hoạt động này trở thành truyền thống văn hóa để các bạn trẻ chúng tôi có nơi lui tới cho thêm yêu cuộc sống".

TS Nguyễn Thị Minh Thái có mặt trong buổi hòa nhạc chia sẻ: "Âm nhạc có sức mạnh ám ảnh kinh khủng. Tôi tin rằng các khán giả có mặt trong Nhà hát Lớn hôm nay hồi tưởng nhiều kỷ niệm, ký ức của một thời. Chương trình làm cho người nghe hi vọng sự trở lại của nền âm nhạc - nền âm nhạc của một quốc gia xứng với một đại lễ nghìn năm Thăng Long. Tôi mong sang năm, mỗi một quý, VietNamNet nên làm một buổi hòa nhạc như thế này".

Giám đốc nghệ thuật Dương Thụ sau buổi hòa nhạc xúc động nói: "Chút trục trặc về âm thanh hay kỹ thuật, tôi nghĩ là khán giả sẽ bỏ qua. Với một chương trình, điều quan trọng là gây xúc động cho người nghe. Tôi tin cả người diễn lẫn người nghe sau buổi biểu diễn này sẽ nhận ra được một điều: Chúng ta có thể thay đổi, có thể để mất nhiều thứ nhưng có một điều không bao giờ thay đổi, không thể mất đi, và sẽ còn mãi mãi đó là tình yêu đối với đất nước mình. "Điều còn mãi" luôn ở trong lòng mọi người và tôi nghĩ chương trình đã làm được điều đó".

Một số hình ảnh trong buổi diễn:

Mô tả ảnh.

Ca sĩ Tân Nhàn

Mô tả ảnh.

Nghệ sĩ Bùi Công Duy.

Mô tả ảnh.

NSND Quang Thọ

Mô tả ảnh.

Ca sĩ Mỹ Linh.

Mô tả ảnh.

Ca sĩ Lan Anh

Mô tả ảnh.

Nghệ sĩ Phó An My.

Mô tả ảnh.

Các vị trong BTC Hòa nhạc VietNamNet "Điều còn mãi" cổ vũ các nghệ sĩ.

  • Sơn Hà - Khánh Linh
    Ảnh: Lê Anh Dũng

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,