221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1231460
Một cách-thế-sống và thế-thái-giọng Việt Phương
1
Article
null
Một cách-thế-sống và thế-thái-giọng Việt Phương
,

- Tôi đọc thơ Việt Phương thấy ra một cách-thế-sống, một thái độ đời, một giọng điệu thơ, mà để gọi tên ra thì chỉ có thể gọi là thế - thái - giọng Việt Phương - Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Mô tả ảnh.
Nhà thơ Việt Phương
Và để tóm gọn bản chất của thế - thái - giọng đó thì chỉ cần đọc lên câu thơ: “Thì là như vậy chứ còn sao”. Mà không phải bây giờ, ở tập thơ thứ ba của ông Bơ vơ đông đảo (BVĐĐ) khi tác giả đã ngoài bát thập xuân, mà ngay ở tập thơ đầu tiên Cửa mở ra vào độ tuổi “nhi bất hoặc”, ông đã xác định ngay cho mình thế - thái - giọng đó. Chỉ có với thời gian tuổi tác nhiều lên, dày lên, nặng lên, “gừng càng già càng cay”, Việt Phương càng sâu sắc và sâu nặng hơn chất hiệu riêng ấy của mình.


“Thì là như vậy chứ còn sao”. Nhưng mà như vậy là như vậy thế nào? Học theo cách ông đặt tên các bài thơ chỉ nhõn, chỉ độc một chữ, tôi thử phân chất thơ ông ở tập BVĐĐ cũng trong ba chữ: Sống, Yêu, Thơ.

SỐNG

Ta đau lắm những nỗi đau sinh nở
Cuộc đời thân như hơi thở ta ơi
Ta vui lắm những niềm vui cởi mở
Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi...

Đây là bốn câu kết của một bài thơ nổi tiếng nhất trong tập Cửa mở. Bốn mươi năm đã đi qua trên những dòng thơ này. Anh thanh niên Việt Phương bốn mươi tuổi ngày ấy đã sớm nhìn ra và nhìn thấy, đã dám nói ra và nói được, rằng: chỉ có cuộc đời là đáng sống, chỉ có sự sống là đáng quý, mọi tín điều có thể chao đảo, lung lay, đổ sụp, nhưng còn là người, còn sống đời con người thì còn những niềm vui nỗi khổ trần thế, và hạnh phúc thay được sinh ra là người và được sống làm người. Cố nhiên, bốn mươi năm trước, tác giả chỉ mới bắt đầu chiêm nghiệm điều này từ và dưới góc độ chính trị - xã hội. Năm tháng qua đi, ông trải nghiệm hơn mọi lẽ nhân sinh trên tuổi tác của mình.

Sáu mươi tuổi, ông thấy cuộc đời như vừa mở lại trước mắt mình, và dõng dạc ông ném ra câu tuyên bố: “Sự thật ơi ta đã tỏ mặt mình”. Sự thật nào đây? Đó là “Cái chất người hơn tất cả thần linh/Ngạo ngược lắm khi so mình với chó”. Đó là “Cái cuộc đời như chiếc lá thật mềm” nhưng cũng là “Cái cuộc đời như một gã giả điên”, “Như một miền ngộ nhận”, “Như một người lận đận”.

Nghĩa là “Cái cuộc đời đừng chỉ thấy một bề” vì cuộc đời là không hề phản trắc. Chỉ con người phản trắc với con người thôi. Ý này là của tôi nói ra, luận ra, không phải ý của nhà thơ. Nhà thơ đến tuổi này muốn “Hứng một dòng mưa”, chắc là để tẩy rửa bụi trần, xóa trôi những cặn ghét đời bám vào mình, thanh sạch lại mình, đặng sống tiếp đúng mình.

Mô tả ảnh.
Nhà viết kịch vĩ đại Nauy Henrik Ibsen (1828–1906) từng coi viết văn như là tắm rửa để tẩy bỏ những cặn lắng của bản chất con người. “Tắm xong tôi cảm thấy sạch sẽ hơn, khỏe khoắn hơn, sảng khoái hơn”, Ibsen nói vậy. Việt Phương ở tuổi lục thập thấy mình như đã tới cõi ngộ, “đã qua rồi yêu giận ghét khinh”, người như thế là tâm đã thoát tục, là mắt đã có cái nhìn đại giác. Đây là theo ý cụ Khổng “lục thập nhi nhĩ thuận” (tuổi sáu mươi thì cái tai nghe lọt mọi điều phải trái đúng sai). Nhưng với Việt Phương, có thật thế chăng?


Bảy mươi tuổi, ông lại có thêm độ lùi mười năm để thức ngộ về mình, về đời. Bài thơ làm năm này có tên gọi “Vậy” như một sự đúc kết khẳng định, như một thấu triệt lẽ đời, qua một cái nhếch môi cười.

Nhà thơ tự cười mình đã một đống tuổi “đè người”, tưởng oai vệ lắm, nhưng thực ra mình chỉ “đang sắm vai hề” thôi, mình chỉ “khờ khạo như bóng mây” thôi, mình chỉ là kẻ “nghĩ vay” thôi (nhưng không phải “thương vay”, may thay Việt Phương). Ngẫm lại, đời là nước chảy mây trôi. Và ông lại xác định quyết định "Sống cứ thật lòng mà sống đấy” để bật ra cái câu chính hiệu Việt Phương: “Thì là như vậy chứ còn sao”. Nhưng là như vậy đã được chưa, đến độ chưa?

Bảy mươi lăm tuổi, Việt Phương đi tiếp “con đường người” của mình về bến. Đây là bến nhân sinh. Ở chính hôm nay ông thấy “Cuộc đời bao giờ cũng cuối cùng cũng đầu tiên”, và ông tha thứ cho tất cả khi soi mình vào hồi quang tháng năm vụt qua loang loáng như một cuốn phim đời, để nhẹ nhõm sung sướng “Tôi là tôi đầy đủ đến dâng tràn”. Đây là bước dọn mình để con người nhập trời đất, nhập hư vô, thấy tất cả trong mình và mình trong tất cả. Vòng đời tuần hoàn trong tuần hoàn vũ trụ.

Năm năm nữa trôi qua, và nhà thơ của chúng ta thanh thản đến hồn nhiên: “Tám mươi tuổi tập ú tim/Cõi thiền gần lắm lặng yên vẫn chờ”. Xin hãy ngừng lại ở chỗ “ú tim” với cõi thiền của con người đã sống tám phần mười thế kỷ. Trò nghịch này là của tuổi nhỏ, tuổi đang vào đời, thế nghĩa là Việt Phương muốn mình là một ông - trẻ - tám - mươi, nghĩa là nhà thơ còn ham sống, vui sống, nghĩa là Việt Phương không muốn lánh đời. Ông vẫn còn căng buồm ra khơi (bài thơ về tuổi tám mươi tên gọi là “Buồm”), được như ông lão giữa biển của E. Hemingway thì mới đáng sống.

Bởi vì tuổi càng cao ông càng thấy:

Tranh cãi ồn ào quanh chiến lược
Bên hồ nườm nượp gái trai đi
Bấy nhiêu lý luận bao nhiêu nước
Chảy dưới cầu kia để lại gì
  (Vậy)

Bởi vì sống là để nói lời yêu, nhưng đôi khi cũng mệt mỏi vô cùng.

Người thủ trưởng mấy chục năm tuổi Đảng ấy
sao mà hèn hạ hống hách toan tính cưỡi đầu dân
Người lãnh đạo cao giọng thuyết lý công minh
        chính trực ấy sao mà ngập ngụa
            trong thủ đoạn gian hùng
Những chàng trai cười hề hề ca điệp khúc
            cả nước đi buôn lòng vòng
Những cô gái hãnh diện khoe
            bồ Úc bồ Thụy Sĩ

Ai anh hùng chuồng cọp bỗng sát phạt bon chen
Ai dày dạn hy sinh bỗng xoay tiền kiếm gái
Ta lại gặp trong ta con thú người thảm hại
Lồng lộn giành ăn và hưởng khoái
  (Lời)

Cho nên, đi hết con đường, lại thấy “làm người là khó”.

Sẽ đến thời khắp bốn phương tử tế
Cuối con đường có lẽ gặp con người
  (Đường)

Một con người sống đã hơn tám mươi năm trên đời mà còn viết một chữ “sẽ” thì quả là hành trình nhân loại từ NƠI GỪ (một cách bẻ chữ “Người” ghép lại của chính tác giả ở tập Cửa mở) đến nơi NGƯỜI còn dằng dặc lắm. Nhưng chính vì gian lao, khổ ải ấy mà mỗi người mỗi ngày sống càng phải gắng chắt chiu chất người cho mình.

Người ta sống qua tuổi năm mươi (chặng giữa của hành trình tại thế đời người thường được đo bằng trăm năm) là bắt đầu phân thân giữa hai chiều thời gian quá khứ và hiện tại. Sống với thời gian hai chiều (tên gọi một truyện của Vũ Tú Nam) là trạng thái ngày càng trở nên thường trực của con người kể từ đó. Việt Phương cũng trong vòng nhân sinh ấy. Nhưng ông không chịu đóng khung mình ở hai chiều đó, ông còn khát tương lai nữa “Và ngày mai cửa mở đón ta vào”.

Tổng kết lại cuộc đời, ông nói “Có lẽ tôi đã làm xong việc sống hỏng đời mình”. Nhưng với ông tuổi đời thêm lên mỗi năm vẫn:

Sống
    nao nức bộn bề sao cuộc sống
Những đôi mắt trẻ thơ mở rộng biết bao trời
Cốm lại thơm và trái hồng lại mọng
Một rặng cúc tần ướt nắng đẫm ban mai

YÊU

Mô tả ảnh.
Người làm thơ nào cũng có thơ tình yêu. Thơ yêu của Việt Phương lúc này vẫn vừa dào dạt đắm say, nhưng lại vừa hồi ức và chiêm nghiệm. Người đàn ông trong con người này ở tuổi thanh niên đã từng giục giã “Yêu nữa người ơi, chẳng đủ đâu”, đã từng khao khát yêu đến mức “ta đi Yêu người ta yêu nhau/Người ta cũng là ta khác đâu”. Ở tuổi già, ông vẫn một nhiệt huyết yêu ấy “Anh yêu em không thể gì ngăn được”. Hơn thế, ông còn tự nguyện tự do và tự hào tuyên bố “Yêu em là NGUYÊN LÝ”, cho dù em có im hơi bặt tiếng.


Tuổi nào yêu thì cũng run rẩy, dại khờ cả. Có ở Việt Phương những cung bậc cảm xúc của tình yêu đôi lứa. Như em là mặt trời chiếu rọi mặt trăng anh sáng. Như anh đơn côi, còn em dễ đổi thay. Như anh là sóng, em là bãi bờ. Nhưng ở tuổi ông già mà thơ yêu bạo liệt đến thành tạo hóa ra em, người yêu đến thế này thì chỉ có một Việt Phương.

Xé nát em ra thành vũ trụ
Nghe những thiên hà hú thành đêm
Nhìn chim tha rác về thành tổ
Thu gom vũ trụ lại thành em

Việt Phương có những bài thơ yêu cho người yêu dấu của đời mình, cho người vợ của ông. Tình cảm của người đàn ông làm chồng ở đây là nỗi ân hận và lòng biết ơn đối với người đàn bà làm vợ. Có lẽ đó là thứ tình cảm chung trong tình nghĩa vợ chồng. Nhưng mà Việt Phương nói lên được một cách day dứt và thấm thía.

Cô gái đầy ước mơ khoa học
            từ chối ra nước ngoài nghiên cứu
Đi qua bao trận ốm của các con
Đi qua thời ngỗ nghịch của các con
Đi qua sự chì chiết bất công của các con
            khi các con đã lớn
Đi qua sự nhẫn tâm của người chồng
Đi qua sự lười nhác hèn hạ của những người đàn ông
Vừa thở đứt hơi vừa đổ rác lau nhà giã vừng
            nhặt rau sửa cái bếp dầu giặt chậu quần áo bẩn

Cô gái ấy bây giờ đã thành bà nội. Lời thơ như lời nói thường trĩu nặng một nỗi lòng. Đó là lòng thương xót và biết ơn như biển. Đi qua năm tháng cuộc đời, mùa xuân ở tuổi bạc tóc, cành lộc người chồng tặng vợ là “chút dại khờ” vẫn còn giữ lại được. Hạnh phúc ấy ông bà Việt Phương có được. Và chúng ta cũng có được qua thơ ông.

THƠ

Khi tập Cửa mở ra đời, tiếng thơ Việt Phương đã gây động làng thơ không chỉ vì những ý tưởng táo bạo mới mẻ được nói ra vào thời điểm đó, mà còn vì cái cách nói những điều ấy ra. Những câu thơ mang tính trí tuệ, cấu trúc duy lý, những hình ảnh bất ngờ, khác lạ, tạo sự va đập có dư chấn và vang âm đối với thi tính và thi cảm một thời. Bỗng tóe lên một bãi cười/Ở tầm cao một mét sáu mươi... Buổi sáng tháng tư sống tươi như cá quẫy... Có thể dẫn ra nhiều câu như vậy. Tiếc là cái chất Tây trong tư duy thơ Việt Phương hồi đó đã bị ngưng lại giữa chừng, nếu không nó sẽ còn có ích hơn cho thơ Việt đang rất nhiều duy cảm, ít duy lý. 

Tôi nói điều này có vẻ như ngược với sự “tự kiểm” của chính nhà thơ: Chia tay một thời Tây quá mức/Lang thang mộng du về phương Đông. Nhưng đó là hành trình tìm kiếm thơ. Việt Phương làm thơ và loay hoay tìm đi con đường thơ của mình. Ông viết hẳn những bài thơ, đoạn thơ để như tuyên ngôn nghệ thuật, xác quyết tín điều thơ cho bản thân. Bơ vơ đông đảo hiểu về mặt này là người không muốn lẫn vào đám đông vô sắc, vô cá tính. Thì thơ ngơ ngẩn là thơ/Thì người đông đảo bơ vơ là người.
 
Mô tả ảnh.
Cái thơ ngơ ngẩn đó của Việt Phương là thơ có được sau khi “Vứt nốt cảm giác và suy tưởng/Tay trắng một mình với thơ”, là thơ chỉ một âm thanh mà hàm mọi chuyện như đứa trẻ bập bẹ vô thức chọn đúng “cái tiếng chủ mang ý nghĩa bao trùm” trong chuỗi lời nói của người lớn.


Cái thơ ngơ ngẩn đó đối lập hoàn toàn và quyết liệt với những thứ thơ tang thương mà cứ ngỡ chiều sâu, thứ thơ “đào năm tầng ý nghĩa sau mỗi câu/Những ẩn dụ oái ăm những thông minh vặn vẹo/Đảo không gian thời gian cho khó hiểu”. Sự chống đối và khước từ một loại thơ ở đây rất rõ ràng, dứt khoát. Nhưng một khi “đã mang lấy nghiệp vào thân”, tác giả vẫn loay hoay với câu hỏi của muôn đời thi sĩ cổ kim đông tây: Thơ là gì có thật thơ là thơ?

Sự loay hoay tìm kiếm vật vã đó hiển hiện trong tập thơ thứ ba này của Việt Phương. Ông nghiêng nhiều về Đông trong các thể loại thơ luật, thơ vần, thơ lục bát, thơ bốn câu, bên cạnh vẫn có thơ tự do, thơ văn xuôi. Câu thơ của ông nhiều khi vẫn nói thẳng băng, trực tiếp, vẫn lập ý luận lý theo logic. Đôi khi những cặp câu sóng đôi, đối sánh khô khan, ít thơ, kiểu như Đi hết... Gặp..., “Đi hết say mê giận dữ dằn vặt chán chường/Gặp tình thương và ánh sáng”, chung chung và sáo. Nhưng có những bài ông tạo được một giọng nói thơ truyền ý với một hơi thơ truyền cảm, đập ngay vào giác quan thơ của người đọc. À,

Cuối cùng cái đẹp là cái đẹp
Đẹp dịu dàng nồng nàn khủng khiếp
Cuối cùng cánh cửa khép mở ra
Trong hộp đen là một chút thì là

Người ta sẽ tò mò muốn biết chút thì là trong hộp đen này là gì vì câu thơ như dửng dưng mà khêu gợi.

Việt Phương vẫn bất ngờ có những hình ảnh thơ khác lạ, chuyên chở thông điệp thơ. Ở bài “Quê” nói về một Hà Nội xô bồ hôm nay, xô bồ cả trong cảnh sắc và tâm trí lòng người, nhà thơ tạo hình ảnh “cầm thìa múc trời”. Tuổi thơ “cầm thìa múc trời tưởng lấy được kem từ những tầng mây trắng xốp”. Nay “Hà Nội và ta nhìn nhau/Ta muốn cầm thìa múc trời lấy màu xanh Hà Nội”.

Hình ảnh thơ ở hai vị trí đăng đối đầu cuối bài thơ biểu hiện một nỗi chua xót ngậm ngùi cho quê hương của tác giả. Lại có câu thơ đặt chữ khác thường: Em bảo anh rằng anh rất em. Chữ “rất” trạng từ chỉ mức độ ở đây không đi cùng động từ được đặt trước từ “em”, thế nghĩa là gì “anh rất em”. Câu thơ gợi mở và để ngỏ cho người đọc thụ cảm.

Tuổi ngoài tám mươi, Việt Phương trình làng tập thơ thứ ba. Cửa mở, đấy là đẩy ra. Cửa đã mở, đấy là đẩy vào. Bơ vơ đông đảo, đấy là xoay trong. “Người thành đạt là người thực hiện được khoảng một phần ba những điều dự định”, nhà thơ nói, và theo đó có thể nghĩ ông là người thành đạt, ít nhất ở thơ. Ông ý thức được mình, “thơ thật sự bắt đầu khi bài thơ kết thúc”. Bây giờ thì ông không làm gì được nữa với những bài thơ của mình. Chúng đã được làm xong, đã được in ra, và chúng hiện lên trước mặt chúng ta. Khởi đầu thơ ông bây giờ là từ chúng ta. Thì là như vậy chứ còn sao!

Còn ông, Việt Phương, nhà thơ, ông nói với chúng ta rằng là ông vẫn còn giàu lắm. Giàu gì? Giàu tình.

Ta giàu tình như rừng ta giàu lá
Người lấy đi lấy nữa đang còn đây
Dâng hết rồi ta vẫn thừa tất cả
Cạn hồn ta hoa quả lại lên đầy...

Hà Nội 28/7/2009
  • Phạm Xuân Nguyên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,