- Thay vì phải dọn dẹp rác trời, tại sao chúng ta không lên quy hoạch bảo tồn rác trời và lập hồ sơ di sản đệ trình lên UNESCO đề nghị phong Hà Nội là di sản đặc biệt của thế giới?
Di sản rác trời đón đại lễ 1000 năm Thăng Long?. Ảnh: Cao Minh. |
Sau khi đăng tải các bài viết về đủ loại dây cáp viễn thông lằng nhằng giăng mắc khắp Hà Nội làm xấu bẩn khoảng không gian được tiếng "Xanh, Sạch, Đẹp" của thủ đô ngàn năm văn vật; chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả.
100% ý kiến đều cho rằng cần phải dọn dẹp ngay các loại rác trời trả lại sự phong quang sạch sẽ cho Hà Nội, thậm chí có những độc giả tỏ ra xấu hổ về cái sự luộm thuộm này trước du khách quốc tế.
Xin dẫn câu chuyện của độc giả Nguyễn Minh Đức khi anh đến thăm khu ổ chuột tại Ấn Độ để thấy rõ vấn đề này hơn: "Năm ngoái, tôi đến New Delhi, Thủ đô Ấn Độ, được các bạn đưa đi thăm quan khu phố cũ Dehli. Người hướng dẫn viên nhiệt tình giới thiệu về những đường dây cáp điện, mạng viễn thông, điện thoại cũ chằng chịt, rối mắt len lỏi giữa những dãy phố cũ nhem nhuốc, bẩn thỉu,... và nói rằng người ta không muốn xóa đi những khu ổ chuột này vì muốn thu hút khách đến với đa dạng hóa của "Incredible India".
Người hướng dẫn khẳng định thế giới này duy chỉ có ở khu này của Ấn Độ ngày nay mới còn khu vực mà dây cáp điện, và các đường điện thoại,... chằng chịt len lỏi, rác rưởi và mạng nhện như thế.
Tôi thầm nghĩ, và chẳng dám nói ra... rằng ở Hà Nội của tôi có cả thành phố như thế chứ không phải một khu như bên này, nhiều đến nỗi mà người ta chẳng thèm để ý, chẳng thèm lấy đó để làm điểm thăm quan của du lịch, và mặc kệ."
Cáp giăng như mạng nhện. Ảnh: Cao Minh. |
Có lẽ anh Nguyễn Minh Đức không cần phải xấu hổ đến thế. Chúng ta hoàn toàn có thể đề xuất ý tưởng không cần dọn dẹp các loại dây nhợ lằng nhằng hiện nay làm gì vì vừa tốn công vừa tốn của và nhất là chẳng ai muốn đứng ra chịu trách nhiệm về việc này cả.
Ngay từ năm 2005, Thủ tướng đã chỉ đạo phải hạ ngầm tất cả tuyến cáp, đường dây điện ở Hà Nội trước 2010. Nghĩa là Hà Nội có 5 năm dọn dẹp rác trời, tạo bộ mặt phong quang sạch sẽ để đón đại lễ 1000 năm Thăng Long, để Hà Nội xứng đáng là thủ đô ngàn năm văn hiến mở cửa đón khách quốc tế trong niềm tự hào "Xanh, sạch, đẹp".
Nhưng dọn dẹp đủ loại dây nhợ lằng nhằng giăng mắc khắp Hà Nội đâu phải là chuyện dễ? Sau gần 5 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, đến thời điểm này, Hà Nội chỉ mới dọn dẹp được chừng 5 tuyến phố thì khoảng thời gian còn lại, dù có vắt chân lên cổ cũng không thể nào hoàn tất được! Cái mà Hà Nội thiếu, không phải là chuyện kinh phí mà chỉ là thiếu một đầu mối chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, trước người dân.
Thông thường, khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì sẽ nghĩ ra được rất nhiều lý do hợp lý để chứng minh cho một điều giản dị: Lỗi này không thuộc về ai, chỉ là do khách quan mà thôi. Thí dụ: Thay vì phải dọn dẹp rác trời, tại sao chúng ta không lên quy hoạch bảo tồn rác trời Hà Nội và lập hồ sơ di sản đệ trình lên UNESCO đề nghị phong là di sản đặc biệt của thế giới?
Thử nghĩ xem, New Dehli, thủ đô Ấn Độ chỉ có một khu phố cũ Dehli mà đã thu hút được khách quốc tế đến tham quan như vậy thì Hà Nội, thủ đô lớn thứ 3 trên thế giới mà vẫn còn nguyên vẹn tính chất lem nhem cổ sơ hơn khu Dehli nhiều thì chắc chắn sẽ thu hút một lượng khách quốc tế đông vô kể.
Tiềm năng kinh tế du lịch như vậy là đã rõ, đội ngũ hướng dẫn viên am hiểu rác trời chúng ta cũng không lo thiếu vì bất cứ ai ở bất cứ đâu trên địa bàn Hà Nội cũng đã là một chuyên gia sành sỏi rồi. Việc cần làm duy nhất là cần phải phổ cập tiếng Anh cấp tốc cho toàn dân Hà Nội để họ có thể trực tiếp giới thiệu di sản rác trời với du khách quốc tế, đặc biệt là dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long.
Vậy chúng ta có nên coi rác trời là một vấn đề nan giải và cần phải hạ ngầm trước đại lễ 1000 năm như Thủ tướng đã chỉ đạo cách đây 4 năm không? Chỉ Hà Nội mới có thể đưa ra được câu trả lời thoả đáng.
-
Quang Hải
Mời các bạn gửi ý kiến đóng góp theo cách sau:
Ý kiến của độc giả được đăng tải dưới đây:
Ho ten: Hà Anh Tuấn
Dia chi: Hà Nội
E-mail: anhtuanhanoi@yahoo.com
Hiện nay, do khuyến mại và hàng loạt công ty viễn thông (điện thoại, internet, truyền hình...) nên người dân có rất nhiều quyền lựa chọn. Sự thuận lợi trong việc lắp đặt các dịch vụ viễn thông trên khiến cho khách hàng sẵn sàng lựa chọn dịch vụ mình thích, nếu không thích thì bỏ. Riêng tôi đã kéo vào nhà đến 7 cặp cáp (2 điện thoại đã bỏ số, 1 internet dự phòng), 1 cáp quang internet, 2 cáp điện thoại và 1 cáp truyền hình). Tới đây, hết khuyến mại, tôi chỉ sử dụng 2 cặp cáp điện thoại và cáp quang là đủ. Thiết nghĩ, tôi chỉ cần 1 cáp quang là đã có thể đáp ứng toàn bộ các dịch vụ ADSL, truyền hình iTV và điện thoại và hoặc chỉ cần một, hai cặp cáp đồng là có đủ cả với chất lượng chấp nhận và giá thành rẻ.
Nếu chỉ một công ty chuyên cung cấp dịch vụ truyền dẫn (TD cáp quang hoặc cáp đồng) rồi cho các công ty viễn thông khác thuê đường truyền này cung cấp dịch vụ lai dẫn trên chỉ một cặp cáp, nếu chỉ một cáp quang có thể truyền dẫn hàng chục kênh dịch vụ khác. Như vậy sẽ rất tiết kiệm công việc thi công kéo cáp. Tại hai đầu, các nhà cung cấp dịch vụ chỉ cần có hai cặp thiết bị tương ứng phát và giải mã tín hiệu đến khách hàng là được.
Như vậy, một gia đình, căn hộ thậm chí cả một cơ quan cũng chỉ cần 1 hoặc 2 cặp cáp là đủ. Thực tế cho thấy khoảng trên 30% "rác trên trời" là cáp vô chủ, không sử dụng. Với tốc độ phát triển dịch vụ viễn thông như hiện nay, mỗi nhà có tới vài cặp cáp thì tình hình rác trên trời khó tránh khỏi. Vậy mong các nhà quản lý, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nên phát triển theo cách trên sẽ tiết kiệm cho chính doanh nghiệp, khách hàng và làm đẹp cảnh quan đô thị.
Ho ten: Trịnh Quang Tân
Dia chi: 11 ngõ 37 Đông Tác, Kim Liên Đống Đa, Hà Nội
E-mail: quangtan54@viettel.vn
Hệ thống dây điện nhằng nhịt khắp Hà Nội tồn tại từ thời chiến tranh, thời bao cấp, và nay nó ngày càng nhiều thêm bởi các doanh nghiệp kinh doanh thông tin, tuyên truyền , internet... trong khi các công ty thu lợi nhuận thì họ thải loại "mạng nhện" này cho chúng ta. Cần phải mạnh mẽ hơn.
Ho ten: Nguyễn Hùng
Dia chi: Vĩnh Phúc
E-mail: nguyenvanhungt@yahoo.com
Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, về mặt xây dựng sửa chữa theo tôi việc trước tiên phải làm là : - Dẹp các bụi "rác trời" - Dẹp các quán xá tùm lum, đảm bảo đường thông hè thoáng. - Chỉnh trang lại các hồ, vườn hoa, công viên. Như vậy cũng đẹp lắm rồi, sau dó mới đến các việc khác. Hà Nội là Thủ đô của cả nước, vì vậy nên có sự góp sức của cả nước, của toàn dân cho đại lễ 1000 năm Thăng Long.
Ho ten: H.Trinh
Dia chi: Hà Nội
E-mail: hoangvantrinh2001@yahoo.com
Quan khách nước ngoài đến các thành phố VN, họ thấy hệ thống "mạng nhện" của ta thì đó là một "lý thú" của họ vì từ bé đến bây giờ họ mới được "chiêm ngưỡng" một hệ thống khác lạ như thế, Ở nước họ không có, và điều dĩ nhiên là họ sẽ mang chuyện khác lạ đó về kể cho người thân nghe, biết bằng lời hoặc hình ảnh.
Nhưng nhìn kỹ ra thì ta có thể nói rằng nếu các vị lãnh đạo thành phố từ trước đến giờ mà có tâm với công việc chung thì đã không để lại cho hậu thế bây giờ một "di sản đồ sộ" như bây giờ được. Nếu tính về kinh tế thì càng thấy rõ hơn, bây giờ phải hạ ngầm tòan bộ hệ thống dây nổi mà trước mắt là hệ thống dây điện thoại, sự tốn kém không biết tính như thế nào cho thỏa, vì nhập cuộc mới biết được công việc đó như sông như bể.
Có lẽ tính sơ sơ chỉ riêng ở Thủ đô Hà nội, số dây điện thoại đi nổi tạo nên mạng nhện khổng lồ cũng đủ để quấn quanh đường xích đạo mấy lần ! Qua việc này, người dân rất mong các vị lãnh đạo thành phố, đặc biết là ở các thành phố lớn/ lâu năm Như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ v.v.. cần phải có một qui hoạch đầy đủ, tổng thể và công khai để tránh những sai lầm không đáng có như hệ thống "mạng nhện" để rồi hậu thế mai sau lại phải dành một khoản kinh phí lớn để giải quyết vấn đề do tiền bối để lại.
Ho ten: Nguyễn Minh Đức
Dia chi: Hoàng Mai - Hà Nội
E-mail: taigrips@hotmail.com
Một lần, năm ngoái, tôi đến New Delhi, Thủ đô Ấn Độ, được các bạn đưa đi thăm quan khu phố cũ Dehli. Người hướng dẫn viên nhiệt tình giới thiệu về những đường dây cáp điện, mạng viễn thông, điện thoại cũ chằng chịt, rối mắt len lỏi giữa những dãy phố cũ nhem nhuốc, bẩn thỉu,... và nói rằng người ta không muốn xóa đi những khu ổ chuột này vì muốn thu hút khách đến với đa dạng hóa của "Incredible India"; và người hướng dẫn khẳng định thế giới này duy chỉ có ở khu này của Ấn Độ ngày nay mới còn khu vực mà dây cáp điện, và các đường điện thoại,... chằng chịt len lỏi, rác rưởi và mạng nhện như thế. Tôi thầm nghĩ, và chẳng dám nói ra... rằng ở Hà Nội của tôi có cả thành phố như thế chứ không phải một khu như bên này, nhiều đến nỗi mà người ta chẳng thèm để ý, chẳng thèm lấy đó để làm điểm thăm quan của du lịch, và mặc kệ.
Ho ten: lê anh tuấn
Dia chi: học viện báo chí tuyên truyền
E-mail: leanhtuan_hocvienbaochi_hanoi@yahoo.com
Không chỉ có rác trời mà Hà Nội còn nhiều loại rác lắm. Bản thân tôi muốn làm một cái gì đó cho Hà Nội nhưng thật không dễ, bởi chỉ có tôi làm thì không đủ. Cần cả cộng đồng chung sức, muốn có được sự ủng hộ của cộng đồng thì cần phải đến tiếng nói có trọng lượng. Tôi tin có rất nhiều người muốn làm cho Hà Nội đẹp hơn như tôi nhưng không biết bám vào đâu và làm với ai nên đành bất lực.
Nếu VietNamNet có thể thì tại sao không phát động một chương trình nào đó vì Hà Nội của chúng ta? Tôi biết VietNamNet là một tờ báo điện tử lớn, sức thuyết phục cao nên nếu VietNamNet phát động thì sẽ thành công.