221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1207154
Sách cho thiếu nhi: Thiếu! Viết cho thiếu nhi: Khó!
1
Article
null
Sách cho thiếu nhi: Thiếu! Viết cho thiếu nhi: Khó!
,

- Với hơn 200 nhà văn nhưng mỗi năm chỉ cho ra đời khoảng 20 tác phẩm, có những năm hầu như không có tác phẩm nào “sủi tăm”. Văn học thiếu nhi vẫn là một “lối đi hẹp” với các nhà văn Việt Nam? Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với các “bà đỡ” cho sách thiếu nhi.

Bà Lê Phương Liên

Bà Lê Phương Liên (Trưởng ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam): Không thể nói chính xác được con số các nhà văn viết cho thiếu nhi bởi vì có những nhà văn chuyên viết, lại có những nhà văn đã nổi tiếng viết cho người lớn, đôi khi họ viết cho thiếu nhi. Chỉ ước chừng có khoảng trên 200 người viết cho thiếu nhi, số người ở tuổi cao là nhiều, số lượng trẻ hơi ít. 

Hơn 200 người – đó là một con số không hề nhỏ. Từ 200 tác giả đó, mỗi năm chúng ta có bao nhiêu đầu sách mới cho thiếu nhi được ra mắt ?

Bà Lê Phương Liên: Với hơn 200 người viết thì mỗi năm chỉ ra số sách bằng một phần mười số người viết, tức khoảng trên 20 tác phẩm.

Theo bà, để viết cho thiếu nhi thì cần có những yếu tố gì ? 

Bà Lê Phương Liên: Viết cho thiếu nhi thì trước hết cần phải yêu thiếu nhi, cần phải là một người biết chơi với trẻ con.

Nếu chỉ như thế thì khó có thể thành công trong việc chinh phục độc giả nhí ? 

Bà Lê Phương Liên: Viết thành công hay không thì cần phải như Nguyễn Nhật Ánh đã từng nói: Sống lại lần thứ hai tuổi thơ của mình. Tức là viết về trẻ em hôm nay nhưng mà phải viết với tâm trạng tuổi thơ của mình. Khi nhà văn cộng hưởng được hai tâm trạng đó thì họ sẽ thực hiện được thành công tác phẩm.

Bà Quách Thu Nguyệt

Bà Quách Thu Nguyệt (Giám đốc NXB Trẻ): Hiện nay, sách cho thiếu nhi thiếu rất nhiều. Những người viết cho thiếu nhi hiện nay quá hiếm hoi, đốt đuốc tìm hoài không thấy. 

Những năm trước, NXB Trẻ đều có những đầu sách “đinh” cho trẻ em và tuổi teen như sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Năm nay “Con gà đẻ trứng vàng” đẻ không kịp nên nhà xuất bản (NXB) phải đưa những tác phẩm khác xen giữa tác phẩm trong nước và nước ngoài. Trong khi nhu cầu thị trường thì rất lớn. Chính sự thiếu hụt sách trong nước nên các nhà làm sách phải tìm kiếm những tác phẩm dịch. 

Lớp tuổi tiểu học là thiếu sách nhất. Bạn bè của tôi lựa sách cho con tìm đỏ mắt mà không thấy. Bây giờ thực ra mình khai thác sách thiếu nhi nhiều vẫn là sách kiến thức chứ sách văn học thì quá hiếm hoi.

Những tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi như Bác sĩ Aibonit; Cuộc phiêu lưu của Mít đặc; Không gia đình … có tác dụng nuôi dưỡng tâm hồn của bé, chưa kể đến việc nâng cao thẩm mỹ về văn học. 

Tôi cho rằng những tác phẩm văn học thiếu nhi được chắt lọc, được giới thiệu và lôi cuốn các bé đọc thì nó sẽ làm phong phú đời sống tâm hồn của bé rất nhiều. Sách văn học vẫn là thứ không thể thiếu trong định hình và hoàn thiện nhân cách cho trẻ. (Quách Thu Nguyệt)

Tôi nghĩ một đầu sách đạt được tiêu chí về tính giáo dục và tính hấp dẫn đối với thiếu nhi thì cũng dễ thôi, nó không có độ chênh lớn lắm, vấn đề là do cách lựa chọn và cách thể hiện của NXB. 

Theo tôi nội dung sách vừa đáp ứng tâm sinh lý của lứa tuổi đó nhưng nó phải gần gũi với nhà trường. Ví dụ những đầu sách như: Em yêu sử Việt, Học sử bằng những câu chuyện hay… thì đó vừa là giải trí nhưng đồng thời vẫn giúp các em bồi dưỡng thêm kiến thức lịch sử. Hoặc những cuốn sách tìm hiểu về khoa học tự nhiên, giáo dục công dân với những đề tài về lễ giáo, về sống đẹp, về ý thức công dân được chuyển tải rất khéo léo để các em có thể tiếp nhận dễ dàng nhưng đồng thời qua đó giúp các em học tốt hơn. 

Ông Nguyễn Huy Thắng (Phó Giám đốc NXB Kim Đồng): Chỉ nói riêng những tác phẩm kinh điển thôi thì muốn nó sống được phải tăng thêm sức sống cho nó, nghĩa là phải đầu tư thêm chứ không phải là cuốn sách như tự nó đang tồn tại.

Ông Nguyễn Huy Thắng

Ví dụ như gần đây chúng tôi có ra những cuốn sách của tác giả có tên tuổi như: "Chuyện hoa chuyện quả" (Phạm Hổ); "Chuyện thần thoại" (Võ Quảng). Về nội dung thì có thể rất yên tâm nhưng khi làm lại thì chúng tôi phải chia tập cho hợp lý, vẽ thật đẹp để biến một cuốn sách trở thành một món quà tặng tuổi thơ thì cuốn sách đó trở nên rất đẹp, rất sinh động trong mắt các em để các em tìm đọc nhiều hơn.

Hay như là cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài) đã được rất nhiều nước dịch nhưng chúng tôi vẫn làm thành nhiều loại hình khác nhau như chuyển thể thành truyện tranh, làm sách văn học nhưng lại có nhiều minh họa. Như vậy những cuốn sách đó không những hay mà còn đẹp trong mắt các em nữa. 

Để có tác phẩm hay thì trước hết phải có tác giả tâm huyết, tài năng. Thế nhưng nhiều khi nếu không có những cú huých, những động lực thì những tài năng, những ý tưởng vẫn chỉ nằm trong đầu thôi.

Văn hóa đọc hiện nay đang bị xuống cấp, những người đọc sách nghiêm túc theo tôi không được như ngày xưa nữa.

Sách hiện nay nhiều nhưng tạp, số lượng người mua sách cũng có thể tăng vì bây giờ người ta có thu nhập tốt hơn. Nhưng mua sách và đọc sách như thế nào lại là một chuyện khác. (Nguyễn Huy Thắng)

Những bộ sách lớn của NXB Kim Đồng đều là do NXB đầu tư, song hành với tác giả mà có. “Kính vạn hoa” (Nguyễn Nhật Ánh) là thí dụ điển hình. NXB đầu tư rất nhiều công sức động viên, tạo điều kiện, hỗ trợ tác giả và đón nhận tác phẩm đó một cách trân trọng để tác giả có thêm nhiệt tình, tâm huyết viết cho các em.

Hay tủ sách “Tuổi mới lớn”. Hiện nay, chúng ta đang thiếu sách cho lứa tuổi này vì chưa có một NXB chuyên biệt hay một đội ngũ tác giả chuyên biệt để viết cho các em nên việc xây dựng tủ sách “Tuổi mới lớn” là để thu hút tác phẩm đến và khích lệ tác giả quan tâm viết cho lứa tuổi này. Để có một tủ sách như vậy, viết về lứa tuổi như vậy thì phải có sự đầu tư, đỡ đầu. 

Bài 2: Các nhà văn viết cho thiếu nhi nói gì?
 

  • Trang Ngọc - Tuấn Hải

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,