- "Dù có ế ẩm hay không thì tôi nghĩ giải thưởng HNV VN cũng không việc gì, giải thưởng không bán nên không ế..." Nhà văn Nguyễn Trí Huân (Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam).
Công bố giải thưởng Bách Việt lần I
Nhà văn Nguyễn Trí Huân - Khi giải thưởng văn học của tư nhân đang nổ lép bép, Hội Nhà Văn Việt Nam (HNV VN) có sợ người viết "bỏ rơi" giải của Hội không?
NV Nguyễn Trí Huân: Không riêng gì các nhà sách tư nhân hay các công ty truyền thông tổ chức giải thưởng, mà ngay đến cá nhân như nhà văn Trần Nhương có đăng thông tin trên trang web của anh là sẽ trao tặng thưởng cho thơ mà trị giá của nó là 5 triệu.
Thật ra, giải thưởng nào cũng liên quan đến người chọn, còn với tổ chức không quan trọng. Giải thưởng có uy tín đến đâu cũng phụ thuộc vào sự thẩm định hay khuynh hướng trong khi văn học đa dạng, mỗi tổ chức đều có quyền có khuynh hướng riêng.
Việc giải thưởng HNV VN có ế hay không thì tôi nghĩ cũng không quá quan trọng. Giải thưởng không bán nên không ế, tất nhiên sau giải thưởng là bạn đọc tiếp nhận những cuốn sách được giải như thế nào. Cũng như năm nay, giải thưởng HNV VN vẫn được sự ủng hộ của các nhà văn, người viết bao giờ cũng muốn gửi gắm tác phẩm của họ vào giải HVN VN, dù sao đây cũng là Hội nghề nghiệp chính thống.
- Anh có theo dõi hai giải thưởng thơ Lá Trầu và Bách Việt trong năm qua?
Nguyễn Trí Huân: Vừa qua, giải thưởng Lá Trầu hay Bách Việt uy tín cũng chưa lớn, nói chung tôi ủng hộ tất cả các giải nếu như nó chuẩn xác, nhưng cũng phải nói cái chuẩn ở đây là chuẩn đến đâu thì lại liên quan đến tiêu chí và cách thẩm định của từng tổ chức, đơn vị cá thể. Nên ngay như giải thưởng HNV VN không phải là đại diện cho tất cả hội được. Và điều quan trọng nhất tôi nghĩ là: Trong thẩm định hay đánh giá một xu hướng văn học thì cố gắng khách quan.
Ở mình có một tình trạng không lành mạnh, đó là tình trang hơi áp đặt. Đó là khi anh không thích ăn một món nào đó, anh lại đi bài xích món đó. Cũng như cuốn sách vậy, anh nên tôn trọng sở thích của người khác. Khi anh muốn đánh giá tác phẩm thì anh phải đứng vào vị trí người thẩm định để đánh giá thì nó mới chuẩn xác được.
Thật ra, một giải thưởng văn học khi trao thì sẽ gây ra nhiều ý kiến khác nhau, nhưng một tổ chức cũng chỉ cố gắng làm thế nào đó để đạt được số đông người ủng hộ, đấy là cái quan trọng nhất.
Thật ra, giờ tôi thấy có rất nhiều giải thưởng khiến người này đề cao, người kia dè bỉu. Thế nên, khi giải thưởng HNV VN công bố có nhiều người chê bai chúng tôi cũng rất bình tĩnh. Thật ra giải thưởng cũng chỉ là cái thêm vào cho tác phẩm, chứ phần thưởng lớn nhất chính là công chúng.
Giải thưởng chỉ là cách lựa chọn của một tập thể nhỏ, như hội đồng giải thưởng của HNV VN thì đại diện cho Hội, nhưng đôi khi tập thể nhỏ kia cũng chưa đại diện hoàn toàn.
Tại vì trong Hội giờ có rất nhiều đánh giá thẩm định tiếp nhận khác nhau về văn chương. Thế nên, trao giải thì cứ trao nhưng dư luận thế nào thì sẽ điều chỉnh. Còn có những giải thưởng tung hô chán chê sách vẫn xẹp, nhưng có những cuốn sách không được giải lại đứng cùng với thời gian.
Thêm một đặc điểm của văn học Việt Nam trong những năm gần đây là các tác phẩm xuất hiện sau đó chìm đi rất nhanh. Những tác phẩm nếu được tìm đọc nhiều phải có nội dung gây hấn, nhưng khi thời sự qua đi rồi thì cuốn sách cũng chìm luôn. Tôi cũng chưa đọc tác phẩm nào của Trang Thanh hay Trần Tuấn. Tôi cũng chưa nghe về 2 tác giả này. Nhưng có nhiều tác giả tôi vẫn đang chờ đợi họ. Tôi nghĩ cái cuối cùng vẫn chỉ còn là văn chương, còn những gì bám vào tác phẩm nó trôi qua rất nhanh.
- Độc giả được lợi nhiều từ những giải thưởng này không?
Nguyễn Trí Huân: Uy tín của giải ở chỗ anh trao giải đúng năm sau người ta sẽ tin cậy. Giải thưởng chỉ hỗ trợ thêm cho độc giả chọn được cuốn sách. Có thể cuốn sách được giải thật đấy nhưng độc giả cũng không thích, vì bây giờ người đọc cũng phong phú và đa dạng. Văn chương có quá nhiều để người ta chọn, nó cũng như thời trang ấy!
Anh, chị nghĩ thế nào về giải thưởng của tư nhân và giải thưởng HNV VN? Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh: Theo tôi biết thì giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam không được giới chuyên môn đánh giá cao về sự vô tư lẫn chất lượng bằng giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội. Riêng điều này đã thấy buồn cười nên tôi hầu như không theo dõi. Còn về cơ bản, gặp tác phẩm nào thấy hay thì đọc thôi. Ví dụ tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” hay “Mẫu thượng ngàn” của bác Nguyễn Xuân Khánh tôi đọc trước tiên vì tìm được thông tin là hay chứ không vì được giải của HNV VN hay của HNV HN. Về giải thưởng tư nhân, tôi mới biết đến giải Lá Trầu và giải Bách Việt. Tác phẩm đoạt giải Lá Trầu tôi có đọc qua nhưng dường như chưa đủ hấp dẫn để đọc tiếp ngay. 4 tác phẩm còn lại trong top 5 giải Bách Việt là của Đỗ Trí Vương, Đỗ Doãn Phương, Lê Vĩnh Tài, Trần Tuấn (người đoạt giải) tôi mới được đọc. Và rất muốn đọc kỹ hơn, đặc biệt là cuốn “Thức ăn của ngày hôm nay” của Đỗ Trí Vương. Đó là vài nhận xét rời rạc, khi có thêm nhiều tác phẩm đoạt giải tư nhân hơn và trực tiếp đọc các tác phẩm đó thì sẽ có thêm dữ kiện để so sánh. Nhà thơ Trang Thanh Trang Thanh: Đó là các giải thưởng văn chương nghiêm túc, được tổ chức cẩn thận, hội đồng thẩm định có uy tín, công tâm, khách quan và thiện chí..., đều có tác dụng tích cực đến người viết, người đọc, kích thích được văn chương phát triển theo hướng nào đó, lành mạnh ngày càng sâu sắc hơn. Tôi quan tâm đến các giải thưởng bởi suy nghĩ như vậy. Vì dẫu sao thì người đọc, dư luận xã hội nói chung vẫn coi giải thưởng phản ánh phần nào thực tế đời sống văn học của một thời điểm nào đó. Và với người viết, giải thưởng cũng góp phần khẳng định sức vóc của họ. Tôi nghĩ BGK các giải tư nhân, ít nhất như Lá Trầu và Bách Việt mà tôi được biết, là những người đáng tin cậy, họ đã có ảnh hưởng nhất định trong đời sống văn học. Tốt nhất là nên có nhiều giải khác nhau, miễn là nhằm tới mục đích kích thích sáng tạo lành mạnh, thi đua lành mạnh, nhờ vậy ai hợp và thích chơi sân nào thì càng có nhiều cơ hội được thẩm định hơn... - Khi giải thưởng tư nhân mở rộng, liệu chúng có khẳng định được phần nào giá trị nghệ thuật của tác phẩm như bạn đọc mong muốn? Nguyễn Thế Hoàng Linh: Đó là một tín hiệu lành mạnh của xã hội. Thơ, mạch ngầm tinh thần quan trọng của cuộc sống, được quan tâm hơn. Ngoài ra, nó đem lại lợi ích vật chất cho các tác giả được giải lẫn nhà sách, nhà tài trợ. Hiện nay, rất ít nhà sách bỏ vốn ra kinh doanh thơ. Nên khi có những tấm gương “anh dũng” như vậy, nó trở thành tin hot cho báo chí, truyền thông. Số tiền bỏ ra tương đương để thành công về mặt quảng bá thương hiệu rẻ hơn tiền làm giải rất nhiều. Cũng không nên quá lo lắng việc xuất bản hay dở tràn lan nếu có thêm nhiều giải tư nhân. Vì điều đó vốn dĩ đã xảy ra từ lâu và không thể tránh khỏi. Bạn tìm được bao nhiêu % sách hay trong một nhà sách? Rộng hơn, hãy quan sát hàng núi hay, dở ngồn ngộn trên internet. Rồi thì các nhà sách và internet về cơ bản vẫn ngày càng làm cho cuộc sống cởi mở, trí tuệ, tốt đẹp hơn. Cho nên, cần nhìn vào khía cạnh tích cực của mở rộng xuất bản: cái dở tăng nhưng cái hay, cơ hội cho người làm ra cái hay và cơ hội lựa chọn của độc giả cũng tăng. Chỉ sợ không có cái hay để chọn. Còn khi đang có nhiều tác phẩm hay rồi, bản thân độc giả muốn thưởng thức được buộc phải có nhu cầu tìm kiếm và năng lực đánh giá cái hay như phẩm chất của một người trưởng thành về tư duy. Đó mới là thiếu hụt đang cần lo lắng nhất. Thành công lớn nhất của các giải thưởng là tạo cơ hội cho thêm nhiều tác phẩm hay xuất hiện và kích thích độc giả đọc nhiều hơn; chứ không thể gom tất cả những cái tốt nhất và đánh giá thay cho độc giả. Trang Thanh: Riêng tôi thấy thiện chí của người sáng lập giải thưởng đối với văn chương. Đây là những giải thưởng độc lập hoàn toàn với các giải thưởng mang tính nhà nước, đoàn hội, cơ hội của nó mở ra cho tất cả mọi người, và tính độc lập của nó khẳng định ít nhất một điều, mọi người nếu có thiện chí đều có thể, có quyền tham dự hay không; lựa chọn tôn vinh hay không đối với các tác phẩm tham dự của một giải thưởng cụ thể. Giá trị nghệ thuật của các tác phẩm được vào chung khảo, trao giải trước hết vượt qua sự thẩm định của các Ban giám khảo, nhưng sẽ còn phải được sàng lọc qua thời gian, bởi độc giả và tất cả những ai quan tâm. Điều này theo thời gian cũng sẽ khẳng định thêm về thực chất và mục đích của các giải thưởng.
Mai Sen