- Giải thưởng phải tôn vinh một thi pháp mới, một giọng điệu mới, một hệ thẩm mỹ mới… Nếu không thì nó sẽ chẳng có ý nghĩa gì đối với sự sáng tạo của từng tác giả chứ chưa nói đến việc tôn vinh một tác phẩm - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
LTS: Hai nhà thơ có tên tuổi Thanh Thảo và Nguyễn Quang Thiều, đều là thành viên hội đồng xét giải, nói gì về giải thưởng của Hội nhà văn VN năm 2008?
- Tại sao đã hai năm qua Hội nhà văn VN không trao giải thưởng thơ? Có phải điều đó nói lên rằng, một lần nữa, thơ VN không có được tác phẩm nào xứng đáng được vinh danh bằng giải thưởng cao nhất?
Nhà thơ Thanh Thảo |
Nhà thơ Thanh Thảo: - Tôi phải nói lại cho rõ: Hai năm qua, mỗi năm Hội đồng thơ đều đọc kỹ và bỏ phiếu cho các tập thơ được sơ tuyển vào giải thưởng. Năm ngoái đưa được hai tập thơ vào chung khảo (đều của hai tác giả nữ) lên ban chung khảo (gồm ban chấp hành và chủ tịch các hội đồng chuyên ngành). Nghe nói khi ban chung khảo bỏ phiếu, hai tập thơ này đều bị… rớt.
Năm nay cũng bỏ phiếu rất kỹ và đưa được hai tập thơ (một của Nguyễn Khoa Điềm, một của Đinh Thị Như Thúy - một nhà thơ nữ trẻ dạy học ở Tây Nguyên). Nhưng cuối cùng, khi lên ban chung khảo thì nghe nói có bổ sung thêm tập thơ Lê Đạt, thành 3 tập và… bỏ phiếu. Kết quả là… “out”. Nghe nói (vẫn chỉ nghe nói) cả 3 tập thơ đều không đủ phiếu quá bán. Như thế, không phải Hội đồng thơ khó khăn hay tỏ vẻ… mẹ chồng với nàng dâu, mà do ban chung khảo có lẽ khá nghiêm khắc và quá am hiểu về thơ nên mới có những quyết định như thế chăng?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: - Đối với cá nhân tôi, việc không có Giải thưởng Hội nhà văn cho thơ năm 2008 là không phản ánh đúng với tình hình thơ ở Việt Nam. Theo tôi, hai tập thơ mà Hội đồng thơ bỏ phiếu đưa lên chung khảo đều để lại những dấu ấn riêng biệt của chính mỗi tác giả đó. Đó là tập Cõi Lặng của Nguyễn Khoa Điềm và Bên Kia Cây Cầu của Đinh Thị Như Thúy. Hai tập thơ đó xứng đáng được trao giải thưởng.
Nếu sự xuất hiện của Đinh Thị Như Thúy mang một giọng nói mới thì Nguyễn Khoa Điềm đã hiện ra rất khác với một Nguyễn Khoa Điềm trước đó. Cả hai đã xuyên qua nhiều hỗn loạn và diêm dúa để đến với vẻ đẹp chân thực của những hình ảnh, ngôn từ và ý tưởng.
Năm 2007, giải thưởng cho thơ của Hội nhà văn cũng không được trao. Có thể có nhiều ý kiến khác nhau về những tập thơ này. Nhưng giải thưởng không phải là một chân lý. Có thể chỉ cần tập thơ đó mang lại một vẻ đẹp tinh khiết cho dù mơ hồ trong một thế giới ngôn ngữ thơ đang sáo mòn và vô cảm. Nhưng nếu chỉ so sánh với những tập thơ được trao trong một vài năm gần đây thì việc không trao cho những tập thơ nói trên là một điều bất ổn.
TIN LIÊN QUAN
Đấy là tôi chưa kể đến những tập thơ không được giới thiệu cho Hội đồng thơ. Và một điều tôi muốn nói là chúng ta, cả những người xét giải và bạn đọc, vẫn còn lưỡng lự hoặc ngờ vực những giọng nói riêng biệt của thơ trong những năm gần đây của những nhà thơ trẻ.
Có lẽ vì một sự lúng túng, hạn chế và một lý do nào đó của các giải thưởng với tên gọi chính thống mà các giải thưởng tư nhân bắt đầu xuất hiện. Thêm vào đó, các nhà phê bình văn học hình như vẫn chưa muốn ra khỏi vùng “an toàn” của mình khi nhìn nhận những nhà thơ trẻ.
- Giải thưởng dành cho văn xuôi Việt Nam năm nay đã được trao dựa trên những tiêu chí gì?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. |
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: - Quả thực tôi chưa đọc những tác phẩm văn xuôi được giải năm nay. Nhưng giải thưởng không phải để trao cho một tác phẩm tốt. Bởi chủ nghĩa nhân văn phải là điều đương nhiên trong mọi tác phẩm nghệ thuật. Giải thưởng phải tôn vinh những điều như bạn nói: một thi pháp mới, một giọng điệu mới, một hệ thẩm mỹ mới…
Nếu không thì nó sẽ chẳng có ý nghĩa gì đối với sự sáng tạo của từng tác giả, chứ chưa nói đến việc tôn vinh một tác phẩm. Văn xuối Việt Nam trong khoảng mươi năm trở lại đây hình như không tiến thêm được một bước nào. Các nhà văn vẫn cắm cúi kể cho hết một câu chuyện. Các tác phẩm văn xuôi thế giới được dịch ở Việt Nam hình như vẫn không có tác động nào đến giấc ngủ đông dài dằng dặc của các nhà văn Việt Nam.
- Những tác phẩm (thơ và ngoài thơ) được trao giải sau đây mười năm có thể khác gì so với những tác phẩm được trao vào năm nay hoặc năm sau (nếu có)?
Nhà thơ Thanh Thảo: - Làm sao tôi biết được những tác phẩm được trao sau đây 10 năm sẽ như thế nào, khi hai năm nay không có tác phẩm thơ nào được trao giải. Phải nói thật, chẳng biết hội đồng chung khảo có đọc… mấy tập thơ họ bỏ phiếu không, chứ cá nhân tôi khi đọc tôi thấy những tác phẩm ấy đều có những đóng góp cho thơ Việt đương đại, những đóng góp có thể chưa “hoành tráng”, nhưng như thế cũng đã tốt lắm rồi! Bây giờ “siêu nhân” thì nhiều, nhưng thơ hay cũng không có nhiều đâu!
- Giải thưởng của Hội nhà văn nên có những đổi mới nào trong tương lai?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: - Nhiều người đã có ý kiến về cách xét giải. Mọi ý kiến đều có cơ sở khoa học của nó. Nhưng thay đổi cách xét giải chỉ là hình thức, còn cái cốt lõi là thay đổi cách nhìn đối với nghệ thuật. Giải thưởng nhằm phục vụ mục đích của sự sáng tạo. Mà sự sáng tạo là cái mới. Nó không nhằm phục vụ một nhà văn hay phục vụ bất cứ một ban giảm khảo nào. Và khi ban giám khảo thay đổi cách nhìn đối với nghệ thuật thì lập tức họ sẽ có một cách xét giải hợp lý.
-
Thụ Nhân thực hiện