- Cho đến sáng 27/10, đã có 100 thí sinh đại diện cho các nước, vùng lãnh thổ đăng ký tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2008 do Nam Phi đăng cai tổ chức. Trong bản danh sách, khung hình thí sinh Việt Nam vẫn trống. Liệu đại diện của Việt Nam có xuất hiện vào giờ chót?
Dương Trương Thiên Lý (trái) và Võ Hoàng Yến (phải) - một trong số họ sẽ đại diện dự HHTG 2008 hay VN sẽ lỗi hẹn? |
Chuyện muôn thủa: Đến trễ, gặp xui
Việt Nam có đại diện đầu tiên tham dự Hoa hậu Thế giới kể từ năm 2002 và tính đến nay đã có tổng cộng 6 người đẹp đi so tài. Tuy nhiên đáng buồn ở chỗ đa số các người đẹp ấy đều đến trễ (cả chủ quan và khách quan) hoặc gặp ’’sự cố’’ mất đồ trong quá trình di chuyển để đến với cuộc thi. Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền (2004) trước khi lên đường một tuần mới biết chắc là mình được đi thi và đến muộn gần 10 ngày. Vũ Hương Giang (2005) cũng rơi vào tình cảnh tương tự nhưng với lý do khác là gặp khó khăn ở khâu làm thủ tục visa.
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2006 đã tổ chức sớm lên hai tháng để đại diện Việt Nam không bị chậm trễ như thông lệ, nhưng cuối cùng Mai Phương Thuý vẫn đến muộn và không tham gia được vài phần thi phụ vì sự cố mất đồ. Đặng Minh Thu (2007) cũng ’’bỏ trống’’ phần thi tài năng tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2007 vì không có thời gian chuẩn bị. Và năm nay, giả sử Việt Nam có đại diện (Hoàng Yến hay Thiên Lý - hai đề cử đã được gửi sang BTC HHTG) được ’’duyệt’’ đi so tài thì khả năng đến muộn hoặc bỏ lỡ các màn thi phụ cũng là điều có thể xảy ra!
Các khán giả Việt Nam vì quá mong cho nhan sắc Việt đoạt giải cao nên những người đẹp Việt Nam luôn bị săm soi khi dự thi quốc tế. Tất nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi một cô gái tuổi đôi mươi ứng xử thông tuệ và nhạy bén về mọi mặt bởi đưa một người đẹp đi thi quốc tế đâu chỉ là chuyện lo ăn, ở, mặc mà còn là chuyện giao tiếp, ứng xử, ngoại ngữ, tri thức, tinh thần kỷ luật và ý thức bảo vệ hình ảnh Việt Nam... Nhưng trước khi "đổ lỗi" cho các khâu, người đẹp Việt Nam cũng nên thẳng thắn nhìn lại những nỗ lực, những kiến thức của mình thực chất đến đâu?!
Có lẽ một trong những rào cản lớn nhất đối với các người đẹp Việt Nam từng dự Hoa hậu Thế giới nói riêng và ở các cuộc thi sắc đẹp quốc tế nói chung là sự tự ti và khả năng ngoại ngữ chưa tốt Họ chưa ý thức được việc xây dựng thương hiệu cho riêng mình, nói gì đến chuyện xây dựng "thương hiệu Việt" khi "đem chuông đi đánh xứ người"?
Ra quân rầm rộ, trở về... khiêm tốn
Dayana Mendoza (Venezuela) - HHHV 2008 và Á hậu 1 Taliana Vargas (Colombia). |
Mỗi người đẹp đi so tài ở những cuộc thi nhan sắc thế giới là một đại sứ văn hóa để bạn bè thế giới biết đến Việt Nam. Chúng ta dù đã nhận thức được vấn đề này nhưng vẫn chưa biết cách làm gì để hình ảnh đó tốt hơn. Ở những nước có truyền thống trong các cuộc thi sắc đẹp như Venezuela, Nhật Bản, Mỹ, Puerto Rico, Colombia... họ có cả một ’’lò đào tạo hoa hậu’’ để thương hiệu dân tộc được nâng lên, không quá lo ngại khi phó thác trọng trách cho một ai đó. Còn chúng ta đã làm được gì cho các người đẹp của mình trước khi đưa họ ra đấu trường thế giới cũng như khu vực để thi thố?!...
Công ty có bản quyền đưa người đẹp đi thi hằng năm mỗi dịp gần đến diễn ra cuộc thi Hoa hậu Thế giới cũng chỉ việc đi tìm những gương mặt được vinh danh trong các cuộc thi sắc đẹp lớn trong nước là chủ yếu, đề rồi làm hồ sơ danh sách đề cử và gửi lên các cơ quan có chức năng. Họ không thể lo đủ kinh phí đưa người đi thi (phần lớn từ trước đến nay đều dựa vào nhà tài trợ), cũng như thời gian đào tạo người đẹp cho các cuộc thi thế giới thường quá eo hẹp, cập rập. Họ là cầu nối cho nhan sắc Việt ra ngoài. Nhưng dù gì họ cũng có công là ’’cầu nối’’ cho nhan sắc Việt ra với bên ngoài, và chúng ta không thể chỉ trông chờ vào họ...
Còn các cơ quan chức năng thì dường như vẫn ’’phó mặc’’ mọi chuyện và không có "trách nhiệm" trong vấn đề này. Lâu nay, họ chỉ đóng vai trò cấp phép cho các thí sinh đi thi mà thôi. Lỡ khi phía đơn vị có bản quyền lúng túng trong việc tìm người đi thi hoa hậu thế giới và tha thiết cần sự hỗ trợ từ từ phía cơ quan chức năng để lọc ra cuộc thi sắc đẹp nào mang tính quốc gia thì sự ’’kết nối’’ vẫn chưa được nhanh chóng thực hiện.
Trong bảng điểm dựa trên kết quả các cuộc thi sắc đẹp lớn nhất thế giới (Grand Slam Ranking), Việt Nam - sau thành công tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 đã lần đầu tiên leo tới vị trí thứ 46 trong bảng xếp hạng này. Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Hoa hậu Hoàn vũ 2008 và tiếp tục là nước chủ nhà của Hoa hậu Thế giới 2010. Xem ra, Việt Nam đang hướng đến triển vọng là đất nước của Hoa hậu. Tuy nhiên, các cuộc ra quân sắc đẹp quốc tế dù rất rầm rộ, nhưng các thí sinh trở về chỉ với những giải thưởng khiêm tốn, là điều chúng ta nên suy nghĩ.
-
Sơn Hà