- "Đôi khi người ta bảo lời nói dối hay hơn là nói toạc ra... và tôi tin mỗi người đều có đôi lần làm như vậy. Có những "khoảng" riêng tôi không nói được với anh Tấn Minh" - NSƯT Thu Huyền bày tỏ.
NSƯT Thu Huyền. Ảnh: Needjum |
Nghệ sĩ muốn làm cái mới thì phải có sự thăng hoa
’’Nàng Sita’’ đã là hiện tượng trong lòng công chúng những năm cuối thập kỷ 80 của Nhà hát chèo Hà Nội, cũng là vở đầu tiên theo phong cách ’’cách tân’’ để kéo khán giả đến với chèo, khi cải lương đang tràn ngập phía Bắc. Giờ chị được giao vai nữ chính khi vở đó được dựng lại, chị có sợ sẽ bị điểm trừ nếu không làm tới?
- Ngay từ đầu, Lãnh đạo nhà hát đã muốn tôi vào vai nàng Sita, nhưng do tôi bị tai nạn phải nghỉ mất hai tháng nên thời điểm tập vở phải giao cho diễn viên khác trẻ hơn vào vai. Hai tháng sau, lúc đó đoàn đã tập được hòm hòm thì ban lãnh đạo lại muốn tôi đóng, bởi sợ nếu toàn dàn diễn viên trẻ thì không kham nổi sức nặng của vở diễn. Do đó, tôi phải lao vào tập gấp rút, từ lúc cầm kịch bản đến khi tổng duyệt chỉ có 10 ngày.
So với những vai diễn đào lệch sở trường của tôi trước đó như Thị Màu, Hoạn Thư,... thì nàng Sita mang phong cách hiện đại hơn. Ngày xưa, cách bố trí, trang phục cho vở diễn vẫn còn thô sơ nhưng ở thời điểm đó khán giả xem đã thấy hay lắm rồi. Còn khán giả bây giờ xem phim Mỹ suốt ngày, cộng với đủ các hoạt động giải trí khác nữa thì chèo cũng phải làm mới hơn, để người xem thấy hấp dẫn.
NSƯT Thu Huyền (phải) trong vai Nàng Sita. Ảnh: B.Lục. |
Các diễn viên trong vở ’’Nàng Sita’’ đa số đều còn trẻ, bạn diễn chính của chị (vai Pơ Liêm) thậm chí kém chị những 10 tuổi. chị có gặp khó khăn khi diễn với một đội ngũ trẻ như thế?
- Lúc tập, đôi khi tôi cũng cố ’’cưa sừng làm nghé’’, diễn cho khác đi để trẻ, nhưng thầy Doãn Hoàng Giang (đạo diễn vở Nàng Sita - PV) và các đồng nghiệp xem cứ cười và nói: "Như vậy không phải là Huyền". Cuối cùng tôi chọn cách, cảm nhận thế nào thì diễn như vậy. Đến khi tổng duyệt, lên sân khấu hoá trang, mừng là mọi người bảo so với Quang Dương (đóng vai Pơ Liêm) tôi không già mấy. Thú thực, tôi không bị áp lực phải làm hay hơn nghệ sĩ Lâm Bằng đi trước, mà chỉ nhìn nhận và diễn với hết khả năng, suy nghĩ của một nghệ sĩ của năm 2008.
Chị đang là Trưởng đoàn chèo 2 của Nhà hát, làm ’’sếp’’ có khó không chị?
- Tôi làm sếp của hơn 30 người, nhiều người hơn tuổi tôi. Tôi nghĩ quan trọng là làm gì cũng phải có lý có tình, với nghệ thuật không nên quá nghiêm khắc. Nghệ sĩ muốn làm cái mới thì phải có sự thăng hoa. Nếu người ta đang thăng hoa thì phải để cho ’’hết cơn’’ thì tự nhiên sẽ hết. Chứ họ đang thăng hoa mà mình bảo "hết giờ rồi, cắt!" thì sẽ không ra được những sản phẩm hay.
Anh Tấn Minh toàn khen tôi với báo chí thôi
Chồng chị - ca sĩ Tấn Minh thường có mặt dưới hàng ghế khán giả của mỗi vở diễn mà chị góp mặt. Đó là sự ’’tự nguyện’’ vì yêu thích chèo hay bởi có một ’’quy ước’’ chung nào đó trong gia đình?
- Có lẽ do sự tự nguyện nên dần dần nó thành quy ước. Thường những chương trình lần đầu tiên tôi làm hoặc diễn ra mắt, chồng tôi phải là người thẩm định đầu tiên. Ngược lại, các chương trình ca nhạc anh Minh hát cũng vậy. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đều có làm nghệ thuật, khi đứng ở góc độ khán giả thì sẽ tự tìm ra được những khiếm khuyết mà góp ý cho nhau.
Ngay như vở Nàng Sita, anh Minh góp ý rất nhiều. Ngày xưa khán giả xem vở, ấn tượng quá lớn, thậm chí các anh chị cùng đoàn của tôi bây giờ khá chững tuổi cũng xem, nên giờ tôi làm khác một tí thì một số người không thích. Nhưng những nhận xét của chồng tôi vẫn đáng tin nhất. Anh chưa xem vở này bao giờ nên cảm nhận ra sao, cần chỉnh thế nào cho hợp là điều tôi muốn nghe. Thực tình, tôi quan tâm nhiều hơn đến phản ứng của những đối tượng khán giả hiện tại chưa xem vở này bao giờ.
NSƯT Thu Huyền với những sắc thái biểu cảm khác nhau. Ảnh: Needjum |
Nếu người phụ nữ tháo vát thì các ’’đức ông chồng’’ được nhờ, nhưng như vậy họ lại ’’tự làm khổ mình’’. Chị nghĩ thế nào về điều này?
- Nhiều người cũng bảo tôi sẽ vất vả khi công việc chuyên môn chỉn chu, nhiệt tình, gia đình quán xuyến, chăm sóc quá nhưng cũng chẳng biết thế nào là vất vả cả, đôi khi đó lại là niềm vui cho tôi. Thời gian giao du bạn bè, với thiên hạ thì tôi đi đón con, chở bé đi mua đồ hay cho nó ăn một món ưa thích có khi lại thấy hứng thú hơn. Tôi nghĩ điều quan trọng nằm ở tư tưởng, mình cảm thấy như thế nào là vui thì sẽ tự làm theo trái tim mách bảo....
Qua báo chí, chồng chị - ca sĩ Tấn Minh rất hay khen vợ. Có khi nào lời khen ngợi của chồng khiến chị giật mình?
- Chẳng bao giờ thấy anh ấy khen trước mặt tôi mà toàn thấy khen với báo chí thôi. Tất nhiên, khi đọc những bài báo như vậy tôi cũng xúc động và thích chứ, phụ nữ yêu bằng tai mà. Thi thoảng tôi vẫn đùa anh Minh: "May mà anh là người của công chúng nên nhờ báo chí nói mà biết. Chứ không là nghệ sĩ, em không biết lúc nào khen, lúc nào chê, im im thì cũng... buồn!"
Vợ chồng chúng tôi coi nhau như hai người bạn
Chị đánh giá cao điều gì ở chồng? Hai người có chia sẻ nhiều chuyện không? Những câu chuyện gì chị không bao giờ nói với chồng?
- Cuộc sống vợ chồng chúng tôi khá thoải mái. Sở dĩ có đựơc điều đó là vì coi nhau như hai người bạn. Tính tôi thẳng thắn, có gì khúc mắc, bực bội chuyện nọ chuyện kia là phải giải quyết ngay. Anh Minh là người biết chia sẻ. Còn những chuyện không bao giờ nói với chồng á? Nhiều đấy! Đôi khi người ta bảo lời nói dối hay hơn là nói toạc ra... và tôi tin mỗi người ai đều có đôi lần làm như vậy. Có những "khoảng" riêng tôi không nói được với chồng nhưng đảm bảo nó không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.
Cuộc sống của hai nghệ sĩ trong một ngôi nhà hẳn là phải rất... ’’nghệ sĩ’’?
- Hai chúng tôi đều làm nghệ thuật nên nhiều cái cũng phóng khoáng hơn, như không quá câu nệ chuyện mỗi ngày ăn cơm phải 2 bữa ở nhà nấu. Sáng cũng không phải dậy đúng mấy giờ. Có việc thì dậy, nếu không ngủ đến tận trưa cũng được. Nhưng với con thì không nên nghệ sĩ. Bởi áp dụng như bố mẹ thì cô giáo cho cháu đứng ngoài lớp. Chúng tôi phân công rõ ràng, buổi sáng vợ đánh răng rửa mặt, cho con ăn sáng, chồng đưa con đi học. Cũng may nhà tôi gần nhà mẹ đẻ nên hôm nào có sô diễn về muộn thì nhờ bà, dì chăm sóc và sáng hôm sau đưa đi học.
Phụ nữ đa phần là những người lãng mạn và ướt át, mà tâm hồn nghệ sĩ lại rất bay bổng, nên dễ vào cõi phiêu diêu, bồng bềnh, để rồi lạc lối... Và chị, có khi nào...?
Gia đình NSƯT Thu Huyền và ca sĩ Tấn Minh. Ảnh: Saa.
- Câu hỏi này ẩn ý và khó trả lời đấy nhé! Ai cũng biết người nghệ sĩ vốn được sự quan tâm của công chúng nhưng sống có bản lĩnh thì không phải ai cũng làm được. Vợ chồng tôi mười mấy năm trong nghề, hiểu được những khó khăn, đi lên dần dần trong sự nghiệp chứ không phải đột nhiên đoạt một giải nào đó rồi vụt sáng thành ’’sao’’. Bởi vậy cả hai đều cố gắng giữ thăng bằng.
Nghệ sĩ cũng nhạy cảm hơn người bình thường, và đôi khi có những người bị lệ thuộc vào tiếng tăm. Hiện tượng một số nghệ sĩ Hàn Quốc thời gian gần đây liên tục tự tử có lẽ là bởi một trong những lý là họ sống hơi cách biệt với công chúng và không lấy được thăng bằng khi những điều thị phi chợt đến.
Vợ chồng chúng tôi đều tâm niệm rằng sau ánh đèn sân khấu phải trở về là những con người bình thường. Tôi vẫn thường đưa con trai sang nhà hàng xóm chơi, rồi rủ cả lũ trẻ về nhà mình, nhiều người lạ, nhưng tôi muốn con tôi phải phát triển, suy nghĩ bình thường để sau này nó còn phấn đấu. Chứ nếu chúng tôi tạo ra một khoảng cách là con của một cặp nghệ sĩ thì lớn lên bé dễ bị ’’ảo tưởng’’ về bản thân, như vậy sẽ làm lười biếng đi - điều ấy tôi sợ nhất!
- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
-
Sơn Hà (thực hiện)