- Việc Sở VHTT Hà Nội đưa ra thông báo việc “giãn tiến độ” vô thời hạn bộ phim Thái tổ Lý Công Uẩn khi vẫn chưa có cuộc bàn thảo, làm việc hay gửi văn bản chính thức cho phía đối tác đã khiến các nghệ sĩ của Hãng phim truyện VN khá bức xúc. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các nghệ sĩ Hãng phim truyện VN.
Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc: Hà Nội đối xử với chúng tôi chưa công bằng!
Là tác giả kịch bản, ông có ý kiến gì trước thông tin từ phía Hà Nội đưa ra?
Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc |
- Tôi nghĩ thông tin này chưa thật chính xác! Thông tin tạm dừng chỉ mới xuất hiện trên một bài báo của một đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội, chưa có một thông tin chính thức nào được đưa ra cả. Kịch bản của tôi đã được thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) quốc gia lựa chọn để làm phim.
Bây giờ nếu có tạm dừng hay hủy bỏ bộ phim này cũng phải do BCĐ quốc gia quyết định. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều anh em đã mất nhiều công sức. Chúng tôi luôn luôn mong muốn, dù khó khăn thế nào, chúng ta vẫn đoàn kết, thành tâm và quyết tâm làm bộ phim.
Trước thông tin dừng dự án, phản ứng của Hãng PTVN ra sao?
- Tôi không biết phản ứng của Hãng thế nào, nhưng riêng tôi thì rất buồn. Điện ảnh chỉ có phim này thôi, mà phim này chỉ là một trong rất nhiều hạng mục kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Chúng ta đã đặt lên vai nó quá nhiều trọng trách, như là không có phim này thì Lễ kỷ niệm sẽ không thành. Chính vì sự thổi phồng nó nhiều quá làm bộ phim bị vượt quá vị trí quan trọng của nó.
Tất nhiên nếu bộ phim ra đời được, nó cũng như một nén hương để tưởng nhớ Cụ Lý, mà tôi nghĩ tác dụng và sức lan tỏa của nó còn hơn cả tượng đài, hơn bảo tàng, nếu làm tốt thì bộ phim có thể đi khắp thế giới. Không chỉ riêng tôi buồn mà anh em trong Hãng PTVN cũng đều buồn. Họ cũng có nói: “Trong chừng mực nào đó, Hà Nội đối xử với chúng tôi chưa công bằng!”
Vì sao? Thứ nhất, kịch bản của chúng tôi đã như thế, cũng đã có một quá trình sửa chữa như thế, rất nhiều người đã tham gia vào. Nó là trí tuệ của các nghệ sĩ. Thứ hai, chúng tôi cũng đã có một quá trình chuẩn bị, mà thực ra quá trình này Hà Nội mới giao cho chúng tôi từ tháng 4/2007. Trong một năm đó chúng tôi đã triển khai rất nhiều việc. Điều thứ ba là, Hà Nội cứ bị rối bởi những thông tin không chính xác. Thực ra số tiền đâu phải 100 hay 200 tỷ đồng? Số tiền thực tế Hãng PTVN nhận được mới chỉ là 1,2 tỷ đồng mà thôi.
Nếu bây giờ Hà Nội muốn dừng bộ phim này phải là quyết định của BCĐ quốc gia, và chí ít Hà Nội phải gặp gỡ đơn vị đặt hàng, phải có sự thương thảo bàn bạc với Hãng. Thậm chí Hà Nội phải gặp gỡ những anh em nghệ sĩ tham gia để trao đổi.
Đúng là thời gian qua một số anh em tham gia dự án đã không đoàn kết. Điều này quả thật đáng buồn và đáng xấu hổ, làm phiền lòng nhiều người. Nhưng tôi nghĩ vẫn có thể khắc phục được mọi vấn đề. Công tác chuẩn bị vẫn đang được tiến hành. Làm tiếp hay không làm, Hà Nội cần dũng cảm. Quan điểm cá nhân của tôi thì không vì bất cứ lý do gì mà dừng bộ phim.
Nếu dừng lại thì những người có trách nhiệm, trong chừng mực nào đó, đã có sự né tránh, muốn tìm sự trú ẩn an toàn cho mình!
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Tôi đã dự đoán được điều này!
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh |
- Tôi mới nghe thông tin qua báo chí, chứ chưa nhận được thông báo chính thức nào từ phía nhà đầu tư và hãng phim. Tuy nhiên, tôi cũng đã phần nào dự đoán được động thái này và chủ động về tâm lý nên không bị bất ngờ. Hiện tôi đang bận việc tại Quảng Bình. Tôi sẽ sớm về Hà Nội để nắm tình hình.
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: Sẽ gặp nhau tại Tòa án dân sự?
Là một trong những người tham gia dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn từ đầu, ông nghĩ thế nào về việc TP Hà Nội quyết định dừng dự án?
- Tôi không tin là TP Hà Nội quyết định dừng dự án này vì những lý do mà ông Phạm Quang Long đã đưa ra trên báo. Hiện nay tôi đang rất bận để kịp hoàn thành 35 tập phim TH Mùa cưới nộp cho HTV đầu tháng 9 nên chưa có thời gian viết bài hay trả lời phỏng vấn trên các báo một cách thấu đáo về vấn đề này.
Vấn đề này phải viết một cuốn sách mới phân tích hết trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức liên quan trong sự đối chiếu với Luật hành chính, Luật Dân sự, Luật sở hữu trí tuệ và các nguyên tắc mang tính định hướng của xã hội ta cũng như thực tế sinh động phức tạp liên quan đến cơ chế điều hành các chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội... Trước khi viết sách có thể đưa một số vấn đề ra tòa dân sự.
Nếu nói vắn tắt thì dự án làm phim Thái tổ Lý Công Uẩn giống như một đoàn tàu hỏa đang chạy, gặp một kẻ khùng nằm khểnh trên đường ray phải dừng lại để chờ, dẫn đến ách tắc, mất thời gian của nhiều người. Và những người có quyền thay vì khênh kẻ khùng đó ra khỏi đường ray lại ra lệnh hủy chuyến tàu, đuổi khách xuống tàu và quỵt luôn tiền vé.
Có ý kiến cho rằng ông phải chịu phần trách nhiệm lớn nếu dự án bị dừng, vì chính ông là người đã tích cực đưa các vấn đề phức tạp của dự án lên báo chí gây khó khăn cho các nhà quản lý ?
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. |
Chỉ có viết sách mới phân tích được những quan hệ hết sức phức tạp và tế nhị thể hiện mối xung đột giữa cuộc chơi trong bóng tối với những nguyên tắc lạ lùng của nó và cuộc chơi minh bạch trên báo chí với những hiện tượng dị thường chẳng hạn như bịa đặt, dối trá công khai trên báo chí mà không bị ai phản ứng, kẻ cả tôi là người biết rõ đó là dối trá.
Thứ trưởng Lê Tiến Thọ trong thư riêng gửi tôi có khuyên giống như ông đã trả lời trên báo VietNamNet rằng không nên đưa các vấn đề lên công luận gây khó thêm cho dự án. Tôi đã nghe theo ông một thời gian. Nhưng khi thấy có nguy cơ những người kiên định sắp dao động, các văn bản giả bôi nhọ mình và công việc của mình sắp được chế tạo để làm tiền đề cho những cuộc họp kín ra những quyết định mình không kịp trở tay, tôi buộc lòng phải đưa vấn đề ra công luận.
Cho đến nay, chỉ có kịch bản 180 trang của tôi là kịch bản phân cảnh có thể chỉnh sửa về văn học rồi đưa vào sản xuất ngay. Các kịch bản khác do Hãng nộp lên chỉ là kịch bản đạo diễn, phải mất một hai tháng phân cảnh mới có thể đưa vào sản xuất. Tôi không quen thân với những người có trách nhiệm để có thể chơi cuộc chơi bóng tối, tôi chỉ có thể dựa vào khả năng sáng tạo của bản thân, dựa vào các nguyên tắc công khai và dựa vào công luận.
Thế nhưng công luận cũng nhiều khi không chính xác và trung thực. Thậm chí, có tờ báo còn nói việc các đạo diễn lên báo tranh cãi nhau về dự án là một vết nhơ. Tại sao công luận vốn có sứ mệnh thiêng liêng là đưa mọi vấn đề ra ánh sáng, tìm kiếm sự thật, chân lý và đạo lý lại bị chính những nhà báo coi thường, tự đánh giá mình thấp như kẻ ném bùn nhơ?
Tại sao ông Obama và bà Clinton vừa tranh cãi thì mắt tròn mắt dẹt thán phục về dân chủ, còn người Việt ta tranh cãi thì dè bỉu và bôi bẩn?
Những bài viết, những thông tin thiếu khách quan, thiếu thiện chí của một số tờ báo quả cũng góp phần làm rối thêm dự án. Nên tôi cũng tự thấy việc đưa mọi vấn đề lên công luận từ nay cần cân nhắc kỹ hơn và chọn mặt gửi vàng cẩn thận hơn.
-
Hoàng Hường (Thực hiện)
Ý kiến của bạn: