221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1026710
Sốt sắng vì 1000 năm Thăng Long có làm ai phật lòng?
1
Article
null
Sốt sắng vì 1000 năm Thăng Long có làm ai phật lòng?
,

(VietNamNet) - Trong câu chuyện bức xúc đếm từng ngày trôi qua, tôi mạo muội tiết lộ một vài nội dung “hiến kế” của giới trí sĩ Hà thành. Liệu sự sốt sắng này có phật lòng ai và có đến tai những người cần nghe hay không? Tôi không biết!

 

>> Nhà nước có nên "đẩy cờ" cho dân?
>> GS.Lê Văn Lan khẩn khoản đề nghị "cáo lỗi với mai sau"

>> 1000 ngày đếm ngược về Thăng Long nghìn năm  

Đồng hồ đếm ngược 1000 ngày bắt đầu đếm lúc 21h06 tối 13/1. Ảnh: Phạm Hải.

Đồng hồ đếm ngược 1000 ngày bắt đầu đếm lúc 22h06 tối 13/1. Ảnh: Phạm Hải.

 Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã từng phàn nàn rằng, đã đến thời kỳ nước rút rồi mà những công trình văn hóa tiêu biểu cần hoàn thành để kịp Đại lễ kỷ niệm Thăng Long một ngàn năm tuổi vẫn còn ngổn ngang. Trong đó có những công trình vốn đã có giá trị văn hóa, đang bị công cuộc trùng tu tôn tạo một cách vội vàng, ồ ạt và vô ý thức phá hỏng, như sự vi phạm chỉ giới “vùng đỏ” ở Thành Cổ Loa mà những năm trước đây đã có nhiều người cảnh báo.

 

Giáo sư Lê Văn Lan cũng tỏ ra rất lo ngại là thời gian gấp gáp như thế, khó khăn nhiều như thế, nhưng Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long vẫn phải làm thêm nhiều việc nữa. Liệu rồi, đến ngày Đại lễ 10/10/2010 có thông đồng bén giọt để khỏi xảy ra tai tiếng như vụ Tượng đài Điện Biên Phủ hay không?


Tôi rất tâm đắc với ý kiến của Giáo sư Sử học Lê Văn Lan và tôi cũng bức xúc không kém giáo sư. Ở góc độ chuyên môn nghề nghiệp và một chút kinh nghiệm thực tế của riêng mình, tôi muốn chia sẻ đôi điều.


Thứ nhất: Làm ở đâu?


Tôi muốn khẳng định lại rằng: Trên thành phố ngàn năm tuổi của chúng ta, nơi đâu cũng mang ý nghĩa sâu đậm trong lịch sử của dân tộc, nhưng mỗi nơi lại có một mối “duyên nợ” riêng, ta không nên vì quá yêu quý nơi này hoặc vì quá thờ ơ với nơi kia mà dẫn đến những quyết đáp sai lầm.


Ví như, Hồ Hoàn Kiếm là của Đông Đô và Hà Nội, còn Hồ Tây và sông Hồng mới là của Thăng Long. Vậy tại sao mới trước đây không lâu, có người định đặt ở bên Hồ Hoàn Kiếm một Tòa nhà Trung tâm Thương mại Tài chính EVN đồ sộ cao tới 54m, thì hôm nay lại có người định xây trên Vườn hoa Chí Linh ở cách đó không xa, một ngôi đền để thờ vua Lý Thái Tổ?

 

Xin hỏi, ngôi đền đó sẽ quay mặt vào Quảng trường Ngân hàng Trung ương hay quay vào lưng tượng vua Lý Thái Tổ? Và xin hỏi bức tượng đã có đang ở trên một bệ cao hoành tráng như thế, thì ngôi đền thờ Người cần ở độ cao bao nhiêu? Các vị có ý tưởng này có hiểu rằng tòa nhà đồ sộ EVN chiếm 14.000m2 và ngôi đền nhỏ xíu chỉ chiếm chừng 200m2 đều phá hỏng Hồ Hoàn Kiếm, trái tim của Thủ đô hay không?


Xin hỏi tiếp: Tại sao ở bãi đất ven sông thuộc quận Tây Hồ, ngay cạnh các làng hoa Tứ Liên, Quảng Bá, Nhật Tân, có mấy trăm hecta đất đang trồng màu, trồng đào và trồng quất. Bản quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ đã được duyệt năm 2001 hoạch định đó là khu công viên cây xanh. Đầu năm 2006, đã có đề xuất trình lên các cấp, xây dựng nơi đó thành công viên Đại Việt với 400 năm lịch sử của hai triều đại Lý - Trần, trong đó có vườn nghề truyền thống, có khu tưởng niệm chiến thắng quân Nguyên Mông, có tượng Trần Hưng Đạo và chợ Hoa Xuân.


Đề xuất này đã được Hòa thượng Thích Thanh Tứ và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Quy hoạch Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Hội Xây dựng Hà Nội đồng tình, nguyện cùng bắt tay thực hiện. Thế nhưng, gần hai năm trôi qua rồi, các cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa có phúc đáp? Cuối năm 2007 vừa rồi, các chuyên gia có tâm huyết, các nhà văn, nhà báo và đại diện của những hội chuyên ngành nói trên lại ngồi với nhau trong Hội trường Nhà khách Chính phủ, để trao đổi mọi nhẽ và một lần nữa đã khẳng định ý chí.

 

Những vị có trách nhiệm có hiểu rằng họ không có mục đích riêng tư gì cả, xuất phát từ lòng yêu Thủ đô hết mực, họ chỉ muốn các công trình có tầm lịch sử xứng đáng thì được đặt ở nơi xứng đáng mà thôi?


Thứ hai: Làm gì và làm như thế nào?


Đồng hồ ngược đã chạy lùi 7 ngày rồi. Trong thời gian 993 ngày nữa, ta sẽ làm được việc gì? Đó là một câu hỏi rất khó trả lời.


Khi chuyện trò với các nhà báo, Giáo sư Lê Văn Lan có nhắc tới Thông báo số 234-TB/TU ngày 13/8/2007 của Thành ủy Hà Nội về những việc phải làm xong trước năm 2010. Những người có tâm huyết với Đại lễ 1000 năm cũng nhận được thông báo đó, sau đó họ đã đưa ra những “hiến kế”, để giúp các cơ quan có trách nhiệm giải tỏa bức xúc bằng một số việc làm cụ thể.


Ví dụ như Đền thờ vua Lý Thái Tổ chỉ nên là một chiếc thuyền rồng (bằng đá và bê tông cách điệu) đặt ở chính nơi 1000 năm trước Người đã cắm sào dừng lại bên Hồ Tây để ra quyết định lịch sử: Viết Thiên Đô Chiếu. Vì thế, khi bước lên “Đền thờ” độc nhất vô nhị này, người đi lễ sẽ thấy một đỉnh đồng thật to, hương trầm thơm ngát, không hoành phi câu đối, trên bàn thờ có rất nhiều hoa và chỉ có một chiếc nghiên đá, một chiếc bút lông, đặt dưới bức Thiên Đô Chiếu.


Hiện nay, đã có một nhà thư pháp viết xong nguyên văn Thiên Đô Chiếu bằng chữ Hán, chữ bằng nhũ vàng viết trên nền bìa màu mận chín rồi. Bao giờ thì bức thư pháp đó được sử dụng đúng chỗ?


Hoặc ví dụ như Khu tưởng niệm chiến thắng quân Nguyên Mông và tượng Trần Hưng Đạo trong Công viên Đại Việt, thì không nhất thiết, hoặc chưa nhất thiết dựng một bức tượng người thật bằng đồng. Hơn 700 năm trước, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương đã lập Đại bản doanh chỉ huy chống quân Nguyên Mông trên khúc sông này. Tháng 8/1284, Người tổ chức Lễ duyệt binh và đọc "Hịch tướng sĩ" tại đây, ra lệnh xuất quân tại đây, thu quân về mừng chiến thắng tại đây. Sau chiến thắng lẫy lừng thế giới đó, Người đã được Nhà Vua ban chức danh: Thái sư Thượng phụ, Thượng Quốc Công - Bắc bình Đại Nguyên Súy, Hưng Đạo Đại Vương.

Hơn 700 năm qua, dân các làng nơi đây vẫn tổ chức Lễ rước nước và Tiệc khao quân ở bên sông Hồng với lá cờ thêu: Uy Đô - Trần Linh Lang Đại Vương.


Như vậy, tức là 700 năm qua, Người vẫn ở đây, các lễ hội hàng năm Người vẫn cùng nhân dân vui mừng để cám ơn trời đất đã dành cho Người huyệt đạo này để Người đứng gác non sông mãi mãi. Nếu ta có một lư hương đồng thật to đặt đúng chỗ thì cần gì phải có bức tượng Người có hình hài cụ thể? Cần gì phải tranh cãi tượng thánh nên cao bao nhiêu? Mặt quay ra hướng nào? Mắt nhìn về đâu? Trông có giống Người hay không? (Xin mách nhỏ, việc làm lư hương này đã có người tình nguyện công đức, chỉ cần có mẫu thiết kế và ấn định thời gian, sẽ dựng khuôn tại chỗ, đun đồng tại chỗ, đổ khuôn tại chỗ, sẽ nhờ các nghệ nhân đúc đồng làng Ngũ Xã thi công, chi phí hết bao nhiêu tiền, có thể đến bạc tỷ, đương sự cũng chấp nhận).

Nhà điêu khắc nổi tiếng Lê Công Thành đưa ra một thí dụ: “Nếu trong gia đình có một người đã mất từ lâu, hình ảnh nhận dạng không còn, nay có một người cho ta tấm ảnh chụp mới toanh, bảo là bố mẹ ta đó. Liệu ta có mang tấm ảnh đó đặt lên ban thờ hay không?”.


Sau đó nhà điêu khắc còn nói tiếp: “Là những bậc vĩ nhân chân chính, những công thần khai quốc, chẳng mấy ai muốn mình được dựng tượng đồng bia đá… Hơn nữa, khi dựng lên tượng về một con người đã khuất, giữa đất trời, giữa chốn đông người, lúc vui vầy lễ lạc thì chẳng làm sao, nhưng đến lúc vắng vẻ, con người tượng sẽ trở thành ông phỗng chơ vơ đứng giơ chân, giơ tay, trơ trọi một mình, rồi những đêm dài vắng vẻ, những ngày mưa nắng bất thường, con cháu nhìn vào không thể không thấy buồn tủi, ngượng ngùng…”.


Cuối cùng, nhà điêu khắc khuyên: “Nghệ thuật tượng đài không chỉ là ở chỗ mô tả hình ảnh con người ra sao? Giống hay không giống. Cũng không phải chỉ là mối liên quan tới kiến trúc, kích thước cao thấp, ngắn dài, bằng đồng hay bằng đá, cũng không nằm trong những lý luận của kinh viện học đường. Phải tìm hiểu ở những bậc chân nhân hiểu biết về phong thủy đất trời. Đôi khi chỉ là một trụ đồng, một cột đá đặt đúng nơi đúng chỗ, đúng lúc, đúng thời, có thể trở thành một hình tượng hòa đồng cùng thiên nhiên vạn vật trong trường tồn, bất diệt”.


Hôm nay, trong câu chuyện bức xúc đếm từng ngày trôi qua, tôi mạo muội tiết lộ một vài nội dung “hiến kế” của giới trí sĩ Hà thành. Liệu sự sốt sắng này có phật lòng ai và có đến tai những người cần nghe hay không? Tôi không biết.


Xưa kia có những vị vua anh minh, đêm đêm phải mặc thường phục, đi vi hành trong dân, để tìm hiểu nỗi khổ của dân và để phát hiện ra hiền tài. Ngày nay, hiền tài vẫn không thiếu, nhưng hiền tài chỉ có thể ngồi trong ngõ hẻm hoặc bên cửa sổ của căn gác xép, để nghiền ngẫm các câu sấm Trạng Trình và để chiêm nghiệm chuyện thế sự mà thôi. Cái phận của “Trí sĩ Bắc Kỳ” vốn là thế. Thông minh, nhạy cảm, đầy khí phách và khổ không kêu, sướng không màng.

 
Xin hỏi, VietNamNet có thể bằng cách nào đó, gõ được các cánh cửa cần thiết để những điều hay, lẽ phải, từ các ngõ hẻm đó đi ra đến đại lộ hay không?


Tôi nhớ một câu châm ngôn của người Đức mà tôi đã thuộc lòng: 
“Hãy hỏi đi, thì sẽ nhận được câu trả lời”.

  • Trần Thanh Vân (Kiến trúc sư cảnh quan)

     

    Ý kiến của bạn?
     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,