(VietNamNet) - Một nền điện ảnh không thể coi là chuyên nghiệp khi diễn viên hành nghề chẳng khác gì những lính đánh thuê, không tổ chức, không người bảo vệ quyền lợi, không chế độ đãi ngộ, không bảo hiểm tính mạng, không gì hết ngoài vài đồng cát-sê ít ỏi.
Không Sao vẫn trao giải như thường
Sự kiện lễ trao giải Quả cầu vàng bị hủy bỏ vì sức ép từ cuộc đình công của nhà biên kịch và sự tẩy chay của các ngôi sao Hollywood cho thấy sức mạnh của các Hội nghề nghiệp tại quốc gia có nền điện ảnh phát triển nhất thế giới. Nhìn xa hơn, phía sau sự kiện gây chấn động ngành giải trí này là sức mạnh của sự đoàn kết của những người đang nằm trong guồng quay nghiệt ngã của Hollywood.
Lễ trao giải Quả cầu vàng bị hủy bỏ vì bị các nhà biên kịch và diễn viên Hollywood tẩy chay. Ảnh: EW
Để thể hiện sự ủng hộ với giới biên kịch Mỹ, những ngôi sao nổi tiếng Hollywood được đề cử Quả cầu vàng cũng đã tuyên bố không tham gia lễ trao giải, khiến ban tổ chức không còn cách nào khác là cuốn thảm đỏ lại và nói lời tạm biệt với lễ trao giải trị giá hàng triệu USD.
Những biến động tại Hollywood thực ra chẳng dính dáng dáng gì đến đời sống điện ảnh Việt nhất là khi LHP 14 đã kết thúc từ tháng 11 năm ngoái còn lễ trao giải Cánh diều vàng 2007 của Hội điện ảnh VN vẫn lên kế hoạch trao giải bình thường vào tháng 3 tới. Chẳng có gì biến động ngoài những ý kiến tranh cãi chẳng giải quyết được gì sau mỗi kỳ trao giải và sự vô lý về cách tổ chức cũng như cách trao giải đã được báo trước.
Thực ra tại Việt Nam cũng đã có nhiều diễn viên tẩy chay các sự kiện như LHP hay Lễ trao giải Cánh diều vàng. Không đến dự vì biết chắc chẳng có gì hấp dẫn hoặc biết trước mình sẽ không đoạt giải gì. Tuy nhiên, lâu nay, sự có mặt hay không của những nghệ sĩ nổi tiếng tại các lễ trao giải thưởng điện ảnh vốn chẳng ảnh hưởng gì đến kết quả giải thưởng, có chăng chỉ giúp cho những lễ trao giải thêm tẻ nhạt như đặc trưng vốn có của nó.
Gần nhất là tại LHP VN vừa rồi, rất nhiều diễn viên có phim tham gia tranh giải Bông Sen Vàng như: Kim Thư, Mỹ Duyên, Chi Bảo, Việt Trinh... đã không có mặt. Diễn viên Minh Thư bỏ về giữa chừng vì không chịu nổi sự buồn tẻ tại LHP. Không có họ, chẳng có lễ trao giải nào phải hủy bỏ, mọi thứ vẫn diễn ra, giải thưởng vẫn được trao như thường.
Nhiều diễn viên tẩy chay các lễ trao giải điện ảnh vì thiếu hấp dẫn, không thực chất.
Tình hình sẽ khác đi rất nhiều nếu như có những Hiệp hội dành riêng cho diễn viên, lực lượng đông đảo nhất vốn được coi là bộ mặt của mỗi bộ phim và thước đo sự hấp dẫn, uy tín của mỗi sự kiện điện ảnh. Chỉ khi đó, diễn viên mới được đặt đúng vị trí của mình và có thể lên tiếng đòi quyền lợi cho bản thân trước khi có tiếng nói có trọng lượng, tạo sức ép với những sự kiện quan trọng.
Hội Điện ảnh Việt Nam đã có từ lâu nhưng chỉ mang tính chất là một hội nghề nghiệp, thiếu sự kết nối với giới làm phim. Mỗi năm tổ chức chấm giải một lần là chấm hết, chẳng can dự gì vào chuyện diễn viên bị tai nạn ngoài trường quay hay bị ra tòa vì đánh bạc... Đơn giản, vì chức năng của Hội Điện ảnh Việt Nam chẳng phải để làm những việc đó.
Cát-sê không đủ ăn, đòi quyền lợi kiểu gì?
Điện ảnh VN có lịch sử khá dài, lực lượng diễn viên cũng đông đảo nhất, ngày càng có nhiều dân ngoại đạo gia nhập đội ngũ diễn viên Việt Nam nhưng lại chẳng có bất cứ một hội hay tổ chức nào đứng ra để bảo vệ quyền lợi cho họ.
Đã có rất nhiều cuộc tranh chấp xảy ra giữa diễn viên và đạo diễn (phim Tôi là ngôi sao), diễn viên bị tung ảnh cảnh tắm suối lên mạng (Hà Kiều Anh, Mỹ Uyên trong Lục Vân Tiên) hay vụ Lê Quang khởi kiện hãng phim Chánh Phương vì bị thương trong quá trình quay Dòng máu anh hùng.... đều vô cùng ầm ĩ. Nhưng cuối cùng chẳng có bất cứ hiệp hội hay nghiệp đoàn nào đứng ra can thiệp, mặc kệ sự việc diễn biến đến khi diễn viên tìm được giải pháp phù hợp với lợi ích của mình. Thật cay đắng!
Không ai bảo vệ quyền lợi cho Mỹ Uyên, 1 trong 2 diễn viên bị tung ảnh đang đóng cảnh tắm suối trong phim "Lục Vân Tiên" lên mạng.
Cũng chẳng có ở đâu diễn viên lại bị coi rẻ như ở Việt Nam! Tại một sự kiện hoành tráng như LHP VN, nơi các nghệ sĩ được tôn vinh, thì chính họ lại bị coi như những người thừa. Trong lễ bế mạc LHP VN 14 tại Nam Định, phải rất khó khăn mới "lôi" được diễn viên Mỹ Uyên và Hạnh Thúy khỏi chỗ ngồi vì hai chị sợ diễn trước máy ảnh xong về sẽ "không còn chỗ mà ngồi"! Sự an ủi duy nhất với họ là việc được cánh phóng viên "chăm sóc" trên thảm đỏ, khoảnh khắc duy nhất họ thấy mình là ngôi sao.
"Tôi luôn muốn làm một cuộc cách mạng về bảo vệ quyền lợi cho những người làm điện ảnh như lập một Hiệp hội bảo vệ quyền lợi cho diễn viên. Tôi thấy chế độ cho diễn viên bây giờ quá kém, kém hơn cả những người lao động bình thường về tất cả mọi mặt. Diễn viên là hồn của tác phẩm nhưng chưa bao giờ có cuộc đầu tư nào cho họ, những người thức đêm thức hôm, dầm mưa dãi nắng nhưng không có đồng tiền bảo vệ nhan sắc...", Diễn viên Quyền Linh bức xúc nói.
Thiếu sự gắn kết thực sự có lẽ là vấn đề cần quan tâm nhất của điện ảnh Việt lúc này. Việc thành lâp một nghiệp đoàn diễn viên là điều cần thiết để gắn kết và bảo vệ quyền lợi cho chính họ. Vấn đề còn lại là: "Nghiệp đoàn diễn viên phải có sự đoàn kết. Người đầu tầu phải hiểu về nghệ sĩ, biết anh em thiệt thòi ở chỗ nào để đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ. Diễn viên nào đòi quyền lợi quá đáng, làm việc sai trái thì nghiệp đoàn đứng ra can thiệp, uốn nắn", NSX Phước Sang đề xuất.
Những cơ hội được tôn vinh thế này rất hiếm hoi. Ảnh: H.P
Điều này có làm được hay không thì còn phải đợi! Một nền điện ảnh không thể coi là chuyên nghiệp khi diễn viên hành nghề chẳng khác gì những lính đánh thuê, không tổ chức, không người bảo vệ quyền lợi, không chế độ đãi ngộ, không bảo hiểm tính mạng, không gì hết ngoài vài đồng cát-sê ít ỏi.
-
Bích Hạnh