(VietNamNet) - Từ nay, Khu di tích Thành cổ Hà Nội và Di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu sẽ thành một thể thống nhất, thuận lợi cho việc làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Ngày 28/12/2007, Bộ VH - TT - DL đã ký quyết định xếp hạng di tích quốc gia, công nhận Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật với Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Sau nhiều chờ đợi, đây là tin vui trong những ngày cuối năm của các chuyên gia văn hóa cũng như những người yêu văn hóa nước nhà.
VietNamNet đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội nhân sự kiện này:
Các chuyên gia văn hóa đều thống nhất đề nghị Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội phải được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, vì sao giờ chỉ là Di tích quốc gia?
- Trong Luật Di sản, Nghị định 92 quy định rõ: Di tích quốc gia thì phân làm hai loại, loại đặc biệt quan trọng cần Bộ VH - TT - DL phải trình, Chính phủ trực tiếp ra quyết định, nhưng đến nay Bộ VH - TT - DL vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, quy định về mặt thủ tục hành chính của di tích cấp đặc biệt.
Theo thông lệ quốc tế, di tích quốc gia đã là cực kỳ quan trọng, là điều kiện cần và đủ để làm hồ sơ đề nghị công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Dấu tích kiến trúc thời Lý - Trần ở hố D4 - D6 (khu D). Ảnh chụp lại từ cuốn Hoàng Thành Thăng Long, quà tặng cho các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị APEC 2006..
Không ai phản đối giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu, có thể nói là độc nhất vô nhị của khu trung tâm HTTL - Hà Nội, tại sao việc đề nghị công nhận di tích lại mất quá nhiều thời gian như thế?
- Ở đây có sự phức tạp của việc khoanh vùng bảo vệ, cần sự thống nhất cao giữa các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước. Đến giờ đã thống nhất được diện tích bảo vệ là toàn bộ khu di tích 18 Hoàng Diệu và khu di tích thành cổ Hà Nội bao bọc bởi 4 phố: Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ. Với phạm vi ấy, khi làm việc với chuyên gia UNESCO thì cũng đủ để làm hồ sơ trình công nhận di sản văn hóa thế giới.
Đây là một bước tiến quan trọng, dù trước đây cũng đã có xếp hạng một vài di tích đơn lẻ trong phạm vi thành cổ. Bây giờ công nhận di tích cả khu vực với tên gọi là Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Ở đây có trục chính, trục Ngự đạo của khu Cấm thành, khu vực quan trọng nhất của Hoàng thành Thăng Long qua suốt chiều dài nghìn năm lịch sử.
Trong phạm vi thành cổ có nhiều ngôi nhà tạm, không có ý nghĩa văn hóa - lịch sử, nhất định cần phải dỡ bỏ. Bao giờ việc này sẽ được tiến hành?
- Trong năm 2008, khi phê duyệt dự án tháo dỡ đợt một thì sẽ tháo dỡ 58 ngôi nhà không có ý nghĩa: Cục nhà trường, nhà ở của doanh trại quân đội, công trình phụ. Những di tích quan trọng của thời kỳ cách mạng sẽ được bảo tồn như một phần di sản, thể hiện sự tiếp nối.
Đã có mốc thời gian bên Bộ Quốc phòng trao trả những phần diện tích còn lại trong phạm vi thành cổ?
- Gần đây, Hà Nội đã làm việc với Bộ Quốc phòng, có tiến triển, hai bên đã xem xét những địa điểm di chuyển. Bộ Quốc phòng cũng như Hà Nội sẽ cố gắng để bàn giao sớm nhất, phục vụ công tác chuẩn bị cho 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là giai đoạn cả hai bên đều thấy có trách nhiệm.
Việc làm hồ sơ để công nhận di sản văn hóa thế giới là cả một quá trình, nhưng có hạn định gì không?
- Có quy định ngặt nghèo về thời gian là chậm nhất 2/2009 phải nộp hồ sơ lên Đại hội đồng. Chúng ta có lợi thế vì UNESCO hỗ trợ, tư vấn về chuyên môn. Đợt 1 vừa kết thúc với kết quả tốt, những chuyên gia hàng đầu đánh giá cao di tích. Trung tâm đang làm việc với nhiều chuyên gia trong nước để dựng sườn cơ bản để chuyên gia UNESCO tới đây (vào ngày 20/1/2008) sẽ vào góp ý cho ta. Từ đó sẽ viết nội dung hồ sơ, với quyết tâm sẽ làm hết sức mình để có bộ hồ sơ hoàn chỉnh, theo đúng tiêu chí, yêu cầu, đúng thời gian.
Với tư cách là Giám đốc của khu di tích đặc biệt này, anh thấy có những trở ngại gì?
- Có vấn đề về vùng bảo vệ. Với UNESCO thì đó là vùng đệm tiếp giáp di tích, chịu sự quản lý theo quy chế thống nhất để không phá hỏng di tích chứ không cấm xây dựng, còn ta lại quan niệm đó là vùng cấm biến dạng. Phải có sự thảo luận giữa các nhà khoa học trong nước, các nhà quản lý và chuyên gia UNESCO để có sự thống nhất về vấn đề này.
-
Khánh Linh
Theo bạn, tại sao Hoàng thành Thăng Long đến bây giờ mới công nhận là Di tích quốc gia? Bạn có kỳ vọng Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới? Để điều này thành hiện thực thì chúng ta phải làm những gì?