221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
997446
Những tấn trò bên ngoài màn ảnh
1
Article
null
Những tấn trò bên ngoài màn ảnh
,

(VietNamNet) - Thay vì phải tự thương lấy mình còn đang dẫm chân dưới cái vũng thấp thuộc hàng bét trong làng phim ảnh thế giới, họ lại xâu xé nhau bằng những chuyện chỉ có một hướng duy nhất: Kéo phim ảnh nước nhà theo chiều đi xuống.

Chẳng mấy ai nhớ những chuyện lùm xùm quanh bộ phim Tôi là ngôi sao bắt đầu từ đâu. Có lẽ bắt đầu từ chuyện tranh cãi giữa đạo diễn với diễn viên nữ chính trong đoàn phim này. Sau đó lại đến chuyện đạo diễn vác đơn đi kiện chính đơn vị mời mình làm phim này. Chưa hết, mới đây, đạo diễn này quyết định... thôi không kiện nữa!

Làm phim chưa đủ khổ, nên người ta làm khổ nhau thêm? (V.T)

Dù làng phim nước nhà còn chưa được chuyên nghiệp, nhưng sao lại có một đoàn làm phim nào mà lại nghiệp dư và bát nháo đến như thế này? Phim ảnh Việt Nam có đầy những kiểu nghiệp dư cố hữu, nhưng nó chỉ thường lộ ra trên màn ảnh khi phim được công chiếu. Còn đây, chưa thấy mặt mũi bộ phim ra làm sao, diễn viên diễn xuất thế nào, đạo diễn tay nghề tới đâu... mà cái mặt trái đã ê hề bày khắp!

Đâu có thấy người ngoài cuộc lật tẩy? Những người lẽ ra phải chung lưng đấu cật mà làm phim cho thật tốt ấy, đã tự lật cái mặt trái của nhau ra. Họ, một nhà sản xuất mới toanh, một diễn viên tay ngang cùng một đạo diễn lận lưng vài phim truyền hình ngắn tập.

Mà chẳng phải dư luận quan tâm ráo riết đòi phải có câu trả lời thỏa đáng, hay báo giới săn đuổi quyết liệt gì. Nhất cử nhất động của mình, họ đều tự bêu nhau ra trước công luận dù vẫn chua thêm rằng "đây là phát biểu cuối cùng".

Một trò PR lắt léo có tổ chức? Nếu quả thực có, thì đây đúng là một kiểu PR siêu đẳng. Song cũng chẳng ai dám tin rằng đó là chiêu PR bởi nếu có, thì đồng thời nó cũng thể hiện một lối đánh bóng thương hiệu bất chấp nhiều thứ. Bóng nhưng bẩn.

Họ rõ ràng đang muốn tác phẩm của mình tốt hơn đấy chứ. Đạo diễn nói diễn viên nữ chính không hợp vai nên cắt bớt nhiều phân đoạn để đẩy diễn viên khác hợp vai hơn lên. Nhà sản xuất nói muốn phim đi theo đúng kịch bản và mong muốn ban đầu nên cần thay đạo diễn khác làm khâu hậu kỳ. Chỉ có điều, những động thái kỳ lạ của các nhà làm phim của chúng ta thì lại đang đi ngược cái mong muốn ấy.

Đằng sau những phút phim đẹp đẽ, hay ho mà khán giả vẫn thưởng thức, có đầy những tranh chấp, cãi vã lớn nhỏ với nhau ở hậu trường các đoàn phim.

Thay vì phải tự kiểm mình kém chuyên nghiệp ở những khâu ký kết hợp đồng làm việc, giao kèo trách nhiệm của từng bên, họ lại đấu khẩu với nhau. Thay vì phải tự thương lấy mình còn đang dẫm chân dưới cái vũng thấp thuộc hàng bét trong làng phim ảnh thế giới, họ lại xâu xé nhau bằng những chuyện chỉ có một hướng duy nhất: kéo phim ảnh nước nhà theo chiều đi xuống.

Đến kết cuộc của câu chuyện om sòm này, đạo diễn cầm tiền thù lao mà nhà sản xuất đã chịu trả đủ và thôi, không cắp ô ra tòa nữa, tức để mọi chuyện êm xuôi, thì vẫn chẳng ai tin nổi cái tác phẩm mà họ hợp tác để làm và để cãi nhau ấy sẽ là một tác phẩm đẹp. Bởi họ còn mải lo đi tranh chấp với nhau. Bởi chuyện có thể êm xuôi chứ không hề êm đẹp.

Công luận có thể so sánh câu chuyện lùm xùm của đoàn phim nói trên với cách xử lý của chính những đồng nghiệp của họ ở một đoàn phim khác. Cùng trong thời điểm này, một đoàn phim khác cũng vướng chuyện phải thay diễn viên giữa chừng, đạo diễn chỉ phát biểu ngắn gọn rằng các diễn viên có đủ tư cách để phát ngôn về tình huống của họ, không việc gì phải lôi cả đạo diễn dây vào. Thế là những ai có tư cách đều không muốn dính vào. Mọi chuyện kết thúc gọn gàng.

Nhiều người tin đoàn phim có vị đạo diễn khẳng khái kia sẽ thành công, chí ít là cũng ở chuyện ứng xử chuyên nghiệp. Những ai còn đang tin mấy bộ phim lấy chuyện ồn ào rẻ tiền làm mồi nhử trước ngày công chiếu, sẽ thành công, thì quả là họ có lòng tin mãnh liệt đối với nền phim ảnh nước nhà, đặc biệt là dòng phim truyền hình giờ vàng bốn - năm con số chín gì đó.

Dẫu sao thì cũng phải cảm ơn những khán giả đầy niềm tin này. Có họ thì những tấn trò bên ngoài khung máy quay, những chiêu thức này nọ đằng sau hậu trường, mới còn đất, còn người xem để diễn.

  • Võ Tiến

    Ý kiến của bạn!

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,