(VietNamNet)- Miếng đất 1,2 ha đó quá chật, không đáp ứng được tính chất công trình mang tính biểu tượng, cần khoảng lùi, cần không gian bốn phía để nhân dân và du khách quốc tế có thể đi xung quanh nhìn ngắm... Cần kết hợp không gian xanh, cần quảng trường xung quanh, cần một tổng thể chung, như thế mới xứng đáng là Nhà Quốc hội - KTS Hồ Thiệu Trị.
>> Thư ngỏ của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt
>> KTS Nguyễn Trực Luyện: Nhà QH phải xứng tầm VN hội nhập
>> Bác Hồ và việc xây nhà QH - Chuyện bây giờ mới kể
>> Những toà nhà quốc hội nổi tiếng thế giới
Nhà Quốc hội - KTS Hồ Thiệu Trị
Là KTS đoạt giải A trong lần thi thiết kế Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình lần trước (2002), thi thiết kế Nhà Quốc hội lần này anh cũng tham gia, anh đã có dịp tìm hiểu không gian chung và vì thế có được những lợi thế so với những KTS thi lần đầu tiên?
- Có lợi thế hơn chút ít vì tích lũy được một số kinh nghiệm về những yêu cầu cho một tòa Nhà Quốc hội, rồi mình cũng đã biết thế đất của khu vực, nhưng còn yêu cầu cụ thể thì mỗi dự án hoàn toàn khác nhau.
Tôi cũng như những KTS khác, xem thông tin về cuộc thi qua báo chí, rồi đăng ký. Nếu hội đồng tuyển chọn xem xét khả năng, quy mô, trình độ của các đơn vị dự thi, thì giải A lần trước sẽ giúp việc xét để tham gia lần này đơn giản hơn.
- Anh có biết những ý kiến nhận xét về mẫu thiết kế của nhóm anh là giản dị quá, chưa gắn với cảnh quan và đặc tính của khu vực, cách ly với quảng trường không?
- Mọi người đều có quyền nhận xét. Trong thiết kế Nhà QH của tôi, có hai yếu tố để gắn kết bản thân tòa nhà với không gian xung quanh là Quảng trường Ba Đình sẵn có và tạo thêm quảng trường Bắc Sơn mà tôi đặt tên là quảng trường Diên Hồng. Để gợi lại nét kiến trúc của Hội trường Ba Đình và Lăng Bác đều là những nét đứng đơn giản, tôi cho lặp lại những nét đứng đó nhưng để khít hơn nữa để tạo ấn tượng, cảm giác cao cho công trình. Đó là sự gắn kết về hình thức và không gian với bên ngoài.
Tôi quyết định chọn lối vào ở quảng trường Bắc Sơn để tạo sự gắn kết giữa Nhà Quốc hội và nơi làm việc của Quốc hội trong tương lai (là tòa nhà của Bộ Ngoại giao bây giờ). Hơn nữa, phía quảng trường Ba Đình cần sự nhấn mạnh không gian thì đã có Lăng Bác. Nếu để mặt tiền ở Ba Đình thì sẽ không có khoảng lùi, trông không trang trọng. Chọn mặt tiền ở quảng trường Bắc Sơn thì sẽ có cả quảng trường Bắc Sơn phía trước.
Về phía sân vườn, để gắn với khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, có sự liên tục về nhịp điệu trong bố cục, tôi dùng lại nhịp điệu vuông của quảng trường Ba Đình để tổ chức quảng trường Bắc Sơn và phần sân vườn phía sau.
Riêng quảng trường Bắc Sơn thì tôi chọn làm quảng trường nước, vì không gian ở đây không nhiều cây xanh, nên để tạo cảm giác mát, tạo trục mạnh hơn, đúng với công năng của một quảng trường, tôi chọn làm quảng trường nước.
Tôi đã suy nghĩ và cân nhắc rất kỹ để chọn những giải pháp như thế, dù biết sẽ phải trả giá nếu hội đồng không "hiểu" mình.
Với những cuộc thi lớn, theo tôi rất cần thời gian cho mỗi nhóm tác giả trình bày thuyết minh, dù chỉ trong 15 phút, rồi có những câu hỏi đặt ra. Như thế, hội đồng tuyển chọn sẽ tập trung hơn với mỗi phương án để hiểu rõ hơn, có cảm nhận đúng về tiến trình nghiên cứu của mỗi nhóm tác giả, tại sao tác giả lại chọn phương án này, bố trí như thế này? Còn nếu chỉ có tài liệu thuyết minh gửi kèm thì không phải sự tương tác hai chiều.
Được biết nhóm của anh tham gia cả hai cuộc thi thiết kế Nhà Quốc hội và Bảo tàng lịch sử. Hai cuộc thi diễn ra gần như cùng thời điểm, có căng thẳng quá không?
KTS Hồ Thiệu Trị
- Đúng là rất căng thẳng, nhưng lại do một nguyên nhân không nằm trong dự tính. Đó là việc tìm không ra người làm mô hình, bao nhiêu chỗ quen biết từ đó đến giờ họ từ chối hết vì bị đặt hàng rồi. Giải pháp cuối cùng là chúng tôi phải tự làm, trong một ngày tôi quyết định đầu tư mua luôn một máy làm mô hình. Nộp xong đề tài Nhà Quốc hội tôi lại bay vào TPHCM để làm tiếp mô hình bảo tàng, nhưng do không thể kịp mang máy vào, lại không thể thiết kế trong TPHCM mà làm mô hình ngoài này, bởi phải là nhóm thiết kế mới chỉ đạo được, nên phải nhờ một nhóm sinh viên làm mô hình, kết quả là không chuyên nghiệp, sau cả tuần thức trắng căng thẳng mà đến khi nộp vẫn thấy không hài lòng.
Sau khi nộp xong hai "bài thi", tôi có nói chuyện với Ban quản lý dự án, rằng họ có dự trù việc tổ chức hai cuộc thi lớn gần nhau quá như thế không? Tôi có đề xuất những cuộc thi lớn tới đây, thời hạn nộp mô hình nên sau thời hạn nộp thiết kế khoảng 10 ngày, bởi nhóm nào thì cũng hoàn chỉnh thiết kế đến ngày cuối, mà làm mô hình rất cần sự tỉ mỉ, chi tiết.
Nhà Quốc hội và Bảo tàng lịch sử đều là công trình tầm cỡ quốc gia, nhưng lại rất khác nhau về ý nghĩa, về biểu tượng. Bản thân anh xác định yêu cầu và trọng tâm thiết kế cho hai công trình này như thế nào?
- Đã là công trình tầm cỡ của quốc gia thì công trình nào cũng phải mang tính biểu tượng. Đó là hình thức và đường nét kiến trúc bên ngoài. Còn công năng và tổ chức công năng bên trong thì theo nhiệm vụ thiết kế. Nội dung có tốt, hình thức có thuyết phục thì mới là phương án hoàn hảo.
Đúng là tôi định hướng khác nhau với hai công trình này, do sự khác nhau về tính chất. Với Nhà Quốc hội, hình thức biểu tượng là rất quan trọng, còn công năng bên trong thì có thể đầu tư công sức nhiều hơn nữa - sau khi được chọn - để chỉnh sửa. Vì thế khi làm Nhà QH tôi tập trung vào hình thức bên ngoài cho hiện đại, đơn giản, sang trọng, phảng phất gì đó của Việt Nam, chứ đòi hỏi định hình kiến trúc dân tộc thì có lẽ rất khó.
Còn Bảo tàng lịch sử cũng là biểu tượng, là công trình quan trọng, nhưng lại mang ý nghĩa biểu tượng cho chiều dài lịch sử nhiều hơn, phải chuyển tải nhiều ý nghĩa hơn. Bảo tàng là nơi trưng bày nên công năng rất quan trọng, phải tổ chức để khách đến thăm có thể đi một vòng hết bảo tàng cho thuận tiện. Hệ thống trưng bày bảo tàng hiện đại thường tránh cầu thang mà để khách đi lên từ từ theo dốc thoai thoải từ tầng này qua tầng kia, vừa đi vừa chiêm ngưỡng các hiện vật.
Có thể thấy hai cuộc thi với hai nhiệm vụ thiết kế rất khác nhau về tính chủ động. Nếu Bảo tàng lịch sử có yêu cầu rất thoáng, thiết kế trên cả khu đất rộng 30 ha, thì vị trí thiết kế Nhà QH lại gần như cố định. Anh có thấy khó khăn khi sáng tạo không?
Bản vẽ phối cảnh Nhà Quốc hội của KTS Hồ Thiệu Trị
- Mảnh đất xây dựng Nhà Quốc hội so với nhiệm vụ thiết kế thì rất nhỏ, chỉ có 1.2 ha, trong đó riêng thiết kế nhà đã hơn 800 m2 rồi. Đi kèm với nó lại có khu khảo cổ cần phải tính đến để có sự hài hòa chung? Rồi còn sự giới hạn về chiều cao do nằm gần Lăng Bác. Tất nhiên, nếu chỉ tính diện tích thuần túy thì "nhét" vào cũng tạm đủ, nhưng để tạo hình về ý tưởng thì rất khó bay bổng vì bị gò bó rất nhiều, không có sự phóng tay mà gom trong khuôn khổ.
Nhưng mong muốn, ước mơ duy nhất của tôi là được làm tòa Nhà Quốc hội, nên tôi đầu tư rất nhiều, theo dõi rất sát sao tiến trình để chuẩn bị. Cuộc thi lần trước trên một diện tích rộng hơn nhiều, nhưng nhiệm vụ thiết kế cũng lớn hơn vì còn cả khu làm việc của Quốc hội nên vẫn là không đủ. Lần này diện tích thiết kế còn nhỏ hơn rất nhiều, nên cũng khó khăn.
Có lẽ do hiện tại không có vị trí nào tốt hơn cho Nhà Quốc hội, vì chưa có quy hoạch nào cho Nhà Quốc hội ra khỏi quảng trường Ba Đình cả. Trong khi nhu cầu cấp thiết là phải có một nơi làm việc khang trang, một tòa nhà biểu tượng cho quyền lực của dân trong thời đại mới.
Tôi biết có rất nhiều ý kiến mong muốn, đề nghị giữ lại Hội trường Ba Đình. Có lẽ sẽ phải chờ Chính phủ và Quốc hội có ý kiến, và có thể đợi một quy hoạch nào khác để có một diện tích rộng hơn, khoáng đạt hơn cho thiết kế Nhà Quốc hội chăng?
Anh đánh giá thế nào về những ý kiến đề nghị nên đưa Nhà Quốc hội ra khỏi khu Ba Đình?
- Tôi hoàn toàn nhất trí. Miếng đất 1.2 ha đó quá chật, không đáp ứng được tính chất công trình mang tính biểu tượng, cần khoảng lùi, cần không gian bốn phía để nhân dân và du khách quốc tế có thể đi xung quanh nhìn ngắm, cần kết hợp không gian xanh, cần quảng trường xung quanh, cần một tổng thể chung, như thế mới xứng đáng là Nhà Quốc hội. Những điều đó đã rất thiếu thốn trong cuộc thi vừa rồi.
Riêng sự chọn lựa miếng đất là vấn đề nan giải cho tình hình hiện tại. Nếu Ban quản lý dự án đủ mạnh mẽ để đề xuất việc đưa Nhà QH ra khỏi khu Ba Đình cho có một quy mô xứng đáng thì sẽ tốt hơn.
-
Khánh Linh (thực hiện)
Ý kiến của bạn: