221
5081
Tin tức
tintuc
/vanhoa/tintuc/
616724
Sài Gòn có hơn 100 bài hát mới
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
Sài Gòn có hơn 100 bài hát mới
,

(VietNamNet) - Viết nhạc về Sài Gòn rất khó, nhưng cả Sài Gòn đã chuẩn bị cho mình hơn 100 bài hát mới nhân dịp kỷ niệm 30 năm hoàn toàn giải phóng.

Sài Gòn sẽ có hơn 100 bài hát mới

Qua 3 đợt vận động sáng tác Sài Gòn Tình Ca - chương trình ca nhạc giới thiệu những bài hát mới về Sài Gòn của Đài truyền hình TPHCM - đã nhận được 90 bài do 90 nhạc sĩ sáng tác. Từ nhạc sĩ trẻ, đến  những nhạc sĩ  rất ít viết ca khúc như GS - NS Ca Lê Thuần, NS Phạm Thế Mỹ... và những nhạc sĩ ở các địa phương khác như Tô Hải, Phạm Tuyên, Hồ Bắc, Huy Du, Duy Thái... đều tham gia. Hiện nay chương trình Sài Gòn Tình Ca đã thu hình được hơn 80 bài và lần lượt phát sóng mỗi đêm một bài sau chương trình thời sự. Ngoài ra, vào tối thứ hai tuần đầu tiên của tháng và chiều chủ nhật hàng tuần đều phát riêng một chương trình.

Soạn: AM 355647 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy và ca sĩ Cẩm Ly tập luyện bài hát Bên em chiều Sài Gòn.

Nổi lên qua nhiều lần phát sóng có các bài được chú ý như Phố quen (Mạnh Trinh), Nhớ mùa hoa phượng (Phạm Tuyên), Sài Gòn tình yêu của tôi (Mạnh Toàn), Bên em chiều Sài Gòn (Nguyễn Nhất Huy)... Những bài hát này, chủ yếu ca ngợi truyền thống của thành phố, những con người Nam Bộ Sài Gòn và đều mang những nét đặc trưng của miền đất, khí hậu, mưa nắng, con người.... Mỗi bài hát đều được đầu tư công sức để quay hình ngoại cảnh chứ không thực hiện tại trường quay.

Theo ông Nguyễn Nam - Trưởng ban Văn Nghệ ĐTH TP.HCM cho biết: "Cuộc sáng tác Sài Gòn Tình Ca cần một thời gian dài và bài hát cần có thời gian đến với công chúng. Bước đầu, những bài hát mới về Sài Gòn của chương trình Sài Gòn Tình Ca đã bổ sung nguồn bài hát mới cho các cuộc thi và hội diễn văn nghệ trong thành phố".

Dự tính, chương trình Sài Gòn Tình Ca còn một lần vận động sáng tác nữa và con số các bài hát về Sài Gòn của riêng chương trình Sài Gòn Tình Ca sẽ khoảng 120 bài. Sau đó, ĐTH sẽ mời một hội đồng thẩm định và chọn lọc từ 20 - 30 bài hát tiêu biểu để phát hành băng đĩa rộng rãi hơn.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng, các nhạc sĩ đã giới thiệu nhiều bài hát mới và phát hành album. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp giới thiệu album Cảm xúc tháng tư gồm 12 ca khúc phổ thơ Phạm Minh Châu, Dương Thị Thu Vân, Dương Toàn Thiên, Võ Kim Cương... Những cảm xúc về chiến thắng lịch sử 30/4 sau 30 năm giải phóng, tình đời tình người, niềm tự hào về thành phố... ngập tràn trong nhưng ca khúc Đi trong nỗi nhớ, Sài Gòn sau mưa, Điểm hẹn, Sài Gòn đêm, Phố Sài Gòn, Bình Minh thành phố....

CD tuyển chọn những ca khúc hợp xướng đặc sắc mang tên Bài ca Việt Nam được các nhạc sĩ tên tuổi tuyển chọn. Những ca khúc Sài Gòn ta từ một sớm ba mươi, Sài Gòn trong tôi, Sài Gòn thành phố tôi yêu, Sài Gòn trong tim tôi, Bài ca Việt Nam, Tiếng hát Chăm bên dòng kênh Sài Gòn... là những sáng tác tâm đắc của GS - NS Ca Lê Thuần, nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Nguyễn Ngọc Thiện, Phạm Đăng Khương...

NS Nhất Huy "nặng nợ" với mảnh đất Sài Gòn:

Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy, từng đoạt giải A chương trình Sài Gòn Tình Ca với bài hát Bên em chiều Sài Gòn đã dành cho VietNamNet cuộc trao đổi ngắn về đề tài này.

Viết bài hát về Sài Gòn, theo anh có khó không? Vì sao?

Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy: - Không chỉ Sài Gòn mà với tất các địa danh khác cũng đều khó viết vì người nhạc sĩ phải có nhiều kỉ niệm và cảm xúc đủ để bật lên thành những giai điệu thật tự nhiên về nơi đó chứ không thể viết gượng gạo hay “chung chung” như những bài tình ca đôi lứa được. Sài Gòn rất đẹp nhưng cũng rất “công nghiệp” nên muốn viết được một ca khúc hay về Sài Gòn không phải là chuyện dễ.

Bài hát Bên em chiều Sài Gòn từng đoạt giải A cuộc thi Sài Gòn tình ca đã được thực hiện như thế nào? Theo đơn đặt hàng hay cảm xúc trước đó?

Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy: - Thật ra, đã từ lâu, tôi luôn ấp ủ một ca khúc về Sài Gòn vì tôi đã sống ở đây với một thời sinh viên nhiều kỉ niệm. Chính vì vậy khi được HTV “đặt hàng” sáng tác cho “Sài Gòn tình ca” là tôi tham gia liền.

Theo anh, Sài Gòn có ưu thế gì nên ca ngợi, ngoài những chuyện yêu thương một hình bóng nào đó như các bài nhạc trẻ vẫn hay thực hiện?

Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy: - Tôi viết ca khúc “Bên em chiều Sài Gòn” trong cảm xúc của một chàng trai… đang yêu và “đèo” người yêu của mình đi qua tất cả các ngõ ngách, góc phố Sài Gòn để thấy Sài Gòn đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Từ Bến Nhà Rồng lịch sử đến những tiếng còi tàu, bước chân người thợ tan ca… đều xuất hiện trong ca khúc này. Có một điểm tôi rất tâm đắc trong ca khúc này là câu kết: “Sài Gòn, lòng sông rất sâu. Kênh xanh dòng nước, bóng đôi mình bên nhau”. Thật sự thì các dòng kênh hiện nay, nước vẫn còn đen thui, nhưng tôi vẫn viết là “kênh xanh dòng nước” với mong muốn là tình hình môi trường sẽ sớm được cải thiện hơn để những đôi tình nhân có thể cùng soi mình bên dòng kênh xanh thì lãng mạn biết mấy!

Nhân dịp Sài Gòn 30 năm, anh có sáng tác nào viết riêng cho Sài Gòn nữa không?

Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy: - Trước đây, đạo diễn Đinh Anh Dũng và tôi đã từng có một “idea” là sẽ thực hiện một “live show” các bài hát về Sài Gòn, nhưng hiện nay thì mỗi người theo đuổi một hướng riêng trong nghệ thuật rồi. Tôi sinh đúng vào năm 1975 nên dịp kỉ niệm 30 giải phóng Sài Gòn cũng là lúc tôi tròn 30 tuổi. Tôi cũng muốn làm một điều gì đó để “trả nợ” mảnh đất mình đang sống, và một ca khúc đã ra đời nhân sự kiện này. Đó là ca khúc Bài Tình Ca Màu Xanh được ghi âm qua tiếng hát ca sĩ Mỹ Tâm. Xin gởi tặng độc giả VietNamNet audio của ca khúc này. Còn riêng về Sài Gòn thì hiện nay tôi chỉ biết… vác máy chụp hình ra chụp các cảnh đẹp ở Sài Gòn thôi.

  • Thanh Chung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,