- Có ý kiến phê bình: "Sao Mai - điểm hẹn không rõ là một cuộc thi hay là một trò chơi (Games-show)", xin ông cho biết quan điểm của VTV khi thực hiện chương trình này?
- Tôi có đọc ý kiến đó, cũng như hầu như tất cả các ý kiến, bài báo được đăng tải. Tôi xin nói thế này:
Nếu nói về hình thức, thì tại sao không thể có cuộc thi trong một Games-show, và ngược lại, tại sao một cuộc thi không thể bao gồm vài yếu tố Games-Show?. Nhưng tôi hiểu chuyện hình thức thể hiện chưa hẳn là vấn đề. Chắc chắn sự quan tâm là ở chỗ mục đích, tiêu chí, thực chất của chương trình. Thực chất chương trình Sao Mai - điểm hẹn (SMĐH) không hẳn là cuộc thi, cũng không hẳn là Show diễn đơn thuần. Đây là sự kết hợp của ba việc: huấn luyện bổ sung, biểu diễn để cọ xát, tạo lập hình ảnh ca sỹ.
- Vậy với yếu tố "so tài cao thấp" trong một cuộc thi thì sao, thưa ông?
- Yếu tố thi chỉ là một phụ gia để chương trình sinh động hơn và cũng là yếu tố để ca sỹ tham gia cảm nhận thấy sự khó khăn trong con đường chiếm lĩnh thiện cảm của người nghe. Tất cả các ca sỹ tham gia ở các mức độ khác nhau đều có điều kiện để đến gần với khán giả hơn. Điều đó giải thích vì sao hàng tuần có bình chọn, có vòng một, vòng hai mà các ca sỹ tham gia ít căng thẳng, họ vui vẻ, hoà đồng, giúp đỡ nhau. Vì là người trong cuộc, họ hiểu đây không phải cuộc đua tranh đơn thuần, SMĐH đúng hơn là dịp học hỏi và rèn luyện thêm các phẩm chất cần thiết cho một người muốn đi trên con đường của ca sỹ chuyên nghiệp.
- Tại sao VTV lại làm các việc trên?
- Vì chúng tôi nghĩ rằng, các đài truyền hình, các đài phát thanh nếu vào cuộc thì có thể giúp các ca sỹ chuyên nghiệp sớm có khán giả của mình. Không có sự vào cuộc này, dĩ nhiên các ca sỹ vẫn có thể và đang tạo dựng sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp của mình thông qua các hoạt động biểu diễn. Việc huấn luyện cơ bản do các trường lớp đào tạo chuyên nghiệp, còn việc tạo lập hình ảnh giờ đây chủ yếu lại do các công ty độc quyền ca sỹ thực hiện. Cũng là điều bình thường, nhưng như tôi nói, sự tham gia của các đơn vị khác như truyền hình sẽ tạo nhiều thuận lợi cho ca sỹ mới.
- Có nghĩa Sao Mai - điểm hẹn là nỗ lực của VTV nhằm giúp những ca sĩ trẻ thực sự có tài năng tìm kiếm cơ hội một cách dễ dàng hơn?
- Nếu bạn đã có dịp nhìn thấy các ca sỹ, ít nhiều đều có tài năng và khát vọng vươn lên, loay hoay trong các phòng trà, hoặc cố gắng đến tuyệt vọng để tìm dịp thi thố khả năng trong khi các sân khấu ca nhạc lớn hầu như chỉ là nơi cho vài gương mặt quen thuộc: Có gương mặt là DIVA thực sự bởi tài năng nổi bật của mình, có gương mặt chẳng qua do các xảo thuật tạo dựng của các ông bầu mà thành, bạn sẽ hiểu hơn về việc tại sao chúng tôi làm việc đang làm.
- Còn có ý kiến gay gắt hơn: "Với Sao Mai - điểm hẹn, dường như Ban Tổ chức có vẻ 'phủ nhận' kết quả của chương trình Sao Mai, thông qua việc cho khán giả bình chọn, không có Ban Giám khảo"?
- Tôi có đọc cả ý kiến này. Tôi hiểu nỗi lo lắng có thiện ý đó. Trước khi thực hiện SMĐH, chúng tôi cũng đã nghĩ nhiều về vấn đề sẽ có thể có sự hiểu lầm như trên.
Ban Tổ chức giải Sao Mai của VTV hầu như cũng chính là Ban tổ chức SMĐH. Không có lý do gì mà lại tự phủ nhận cả. Chỉ có nét khác nhau thế này: Sao Mai là một hoạt động nhằm phát hiện ra các tài năng ca nhạc mới từ toàn xã hội. Vì mục đích này nên có các vòng thi chọn từ tỉnh, đến khu vực, đến toàn quốc. Từ trước đến nay giải Sao Mai không phân chia ra thành các dòng nhạc nào, đây là cuộc thi tổng hợp.
Sao Mai - Điểm hẹn là sự trợ giúp cho một số được lựa chọn các ca sỹ đã bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp nhưng cần sự giúp đỡ để nhanh chóng hơn tiếp cận với công chúng. Đó có thể là là những ca sỹ đã tham gia giải Sao Mai, hoặc cũng có thể là những ca sỹ chưa có dịp tham gia giải này.
Vấn đề khán giả bình chọn, như đã nói, đây không hẳn là cuộc thi, đây là sự lăng-xê, mặc dầu tôi không thích dùng từ này lắm, vì nó hay gợi nghĩa không tốt - nhưng không phải lăng-xê tuỳ tiện, khiên cưỡng, mà có tổ chức, có định hướng - cho nên SMĐH không có giải chính thức. Có sự thi đua, có vòng một vòng hai, nhưng đó chỉ là nói lên trong thời điểm cụ thể này, ca sỹ này có thể có thành công nhỉnh hơn so với ca sỹ khác mà thôi. Kể cả người không tham gia tiếp vòng sau cũng đã có cơ hội không nhỏ để thể hiện trước công chúng.
Việc bình chọn lần này có chặt chẽ hơn nhiều để tránh việc bầu chọn không chính xác do một người có thể bình chọn nhiều lần. Tất nhiên là không thể có sự chính xác tuyệt đối được. Không có cách bình chọn nào cho ta kết quả tuyệt đối đúng. Mặt khác vì có tính đến những sai số nhất định trong việc bình chọn, Ban Tổ chức đã dành lại một số quyền quyết định trong việc lựa chọn người vào vòng trong. Tôi không tuyệt đối hoá kết quả bình chọn rộng rãi, nhưng cũng không thấy có lý do xác đáng để nói rằng bình chọn rộng rãi là sự bỏ mặc cho "thị hiếu thị trường". Kết quả hai tuần bình chọn cho thấy không có sự khác nhau giữa đông đảo người tham gia bình chọn với nhận định của các nhà chuyên môn trong và ngoài Hội đồng nghệ thuật, dư luận đánh giá của báo chí.
- Dường như Sao Mai - điểm hẹn chỉ nghiêng về nhạc trẻ để đáp ứng thị trường ca nhạc hiện nay?
- Về vấn đề "thị trường": với SMĐH, Ban Tổ chức không chạy theo thị trường, mà là can thiệp vào thị trường ca nhạc. Sự can thiệp ấy sẽ đưa đến kết quả tích cực hơn cho sân khấu ca nhạc hiện nay. Có thể kết quả đó lần đầu này ở mức độ nhiều hay ít, như ý định hay chưa được như ý định, nhưng tôi tin sẽ có.
Về vấn đề nhạc trẻ: Như đã nói, Sao Mai giúp phát hiện ra các tài năng ở các dòng nhạc khác nhau. Sao Mai - Điểm hẹn có khác một chút: SMĐH lần này nghiêng về nhạc trẻ, nhưng các lần sau có thể là tạo sức bật cho các ca sỹ thiên về dân ca, nhạc thính phòng...
- Vậy còn nhận xét của ông về danh mục các bài hát đã được trình bày trong Sao Mai - điểm hẹn lần này thì sao, thưa ông?
- Nhìn chung, đó là các ca khúc lành mạnh, trong sáng. Dĩ nhiên, chúng ta muốn được nghe nhiều hơn các ca khúc tiêu biểu của nhạc nhẹ Việt Nam, bao gồm cả các ca khúc truyền thống. Cá nhân tôi nhiều lần đề nghị nhóm thực hiện chương trình hướng ca sỹ vào việc chọn các bài đó. Tôi được biết, các ca sỹ trẻ cũng muốn làm điều này, nhưng họ chưa đủ tự tin, bởi đó thường là các ca khúc đã được các ca sỹ đàn anh thực hiện rất thành công. Có những lúc chúng ta cũng phải biết chờ đợi, để đến thời điểm được nghe các ca sỹ mới thể hiện lại các ca khúc kinh điển của nhạc nhẹ Việt Nam với một sắc thái mới, với một cái "tôi" mới. Tôi hy vọng họ sẽ tiến bộ nhanh chóng để làm được điều này.
- Trở lại chủ đề đã đề cập: Phải chăng với Sao Mai - điểm hẹn, Đài THVN muốn thực hiện vai trò "ông bầu"?
- Tôi đồng ý với nhận xét đó, nhưng cần phải nói rõ thêm như thế này: Đó là ông bầu, chứ không phải "bầu sô". Và ông bầu này không biết cách và cũng không muốn biết cách dùng vài xảo thuật lăng-xê khiên cưỡng để tạo ra các "sao" giả. Ông bầu này chỉ tạo ra một cơ hội để các ca sỹ lao động, học hỏi, cọ xát - để nếu trong trường hợp họ trụ được trong lòng khán giả - thì đó là thành quả thực sự từ nỗ lực lao động nghệ thuật của chính họ. Công việc này mới, lạ, khó khăn. Sẽ có vấp váp, và vấp váp sẽ hiện ra ngay trong mắt đông đảo mọi người. Bởi vậy những người thực hiện cần hết sức cố gắng và thận trọng. Nếu chúng ta có ý định đúng đắn, mà thực hiện thận trọng thì mới có thể hy vọng có kết quả tốt.
- Câu hỏi cuối cùng: Xin ông cho biết, vai trò và yếu tố nước ngoài trong việc thực hiện chương trình Sao Mai - điểm hẹn là gì, thưa ông?
- Có hai yếu tố được đề cập: Về hình thức, chương trình có theo mẫu chương trình thi ca nhạc ở các nước hay không và về công việc của nhóm chuyên gia Thái Lan.
Thứ nhất: SMĐH không rập theo mẫu chương trình ca nhạc nước ngoài. Về đối tượng tham gia, mục đích, tính chất, quy định đều khác. Còn những yếu tố như bình chọn, chọn lọc ca sỹ, góp ý của các nhà chuyên môn... không phải là đặc quyền của chương trình ca nhạc nào.
Thứ hai: SMĐH có một số nhóm: chỉ đạo nghệ thuật, dàn dựng biểu diễn, huấn luyện, thể hiện truyền hình. Nhóm chuyên gia Thái chỉ tham gia một số việc trong Ban huấn luyện như rèn luyện vũ đạo, tư vấn trang phục và trang điểm, trên cơ sở các mẫu trang phục có ở Việt Nam do các nhà tạo mẫu Việt Nam thực hiện, tư vấn rèn luyện về tâm lý và phong cách biểu diễn,... Bên cạnh đó, các công việc huấn luyện khác như tư vấn chọn bài, huấn luyện thanh nhạc đều do các chuyên gia Việt Nam đảm nhiệm.
- Xin cảm ơn ông!
-
PV