- Ngày 30/10, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hải Phòng tiến hành tiêu hủy hơn một tấn mực khô xé “không phải là mực tự nhiên”. Mặc dù chưa thể khẳng định đó có phải là "mực cao su, mực xenlulo" hay không, nhưng dựa vào kết quả giám định chứng tỏ nghi vấn trên là hoàn toàn có cơ sở.
Vụ việc này xảy ra từ tháng 4/2010, khi các đối tượng đang vận chuyển số hàng hơn 1 tấn mực khô vào gầm xe khách BKS 37S-3961, do Nguyễn Trung Thành (ở TP Vinh, Nghệ An) điều khiển, thì bất ngờ bị Chi cục QLTT Hải Phòng ập đến và thu giữ.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có 13 bao mực khô xé (80 kg/bao) tương đương 1.040 kg. Loại mực này khi đem đốt thử thì gần như cháy thành than khói có mùi rất khét, hệt như khi đốt vải may quần áo.
Nghi vấn "mực cao su" là có cơ sở. Ảnh: Vnmedia |
Trả lời trên Vnmedia, Bà Nguyễn Thị Sắn, Phó trưởng Chi cục QLTT Hải Phòng, cho biết: “Chúng tôi được cơ quan chuyên môn trả lời mẫu giám định mực khô xé mà chúng tôi thu giữ không phải là mực khô tự nhiên. Chúng tôi cũng chưa biết loại mực xé đó được làm từ chất gì, bởi lẽ cơ quan giám định giải thích muốn biết điều này phải cần kinh phí lớn và có thêm nhiều thời gian”.
Theo bà Sắn, loại mực mà cơ quan bà thu giữ để tới 6 tháng nhưng không bị mốc, chứng tỏ nó phải có loại chất bảo quản hoặc được làm từ một loại chất đặc biệt nào đó, bà Sắn cho biết thêm.
Trước đó, trao đổi về vấn đề này trên ĐS&PL (số ra ngày 3/4/2010), ông Đinh Văn Tường, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật hoá (Viện Khoa học Việt Nam), khẳng định: "100% loại mực này không phải được khai thác từ biển, nhiều khả năng nó được tạo thành từ hợp chất của xenlulo, tẩm ướp hương vị mực kết hợp với công nghệ cán, ép để sản xuất hàng loạt. Công nghệ này chắc là có nguồn gốc từ TQ".
Tuy nhiên, theo báo ANTĐ, khi có thông tin xuất hiện mực giả trên thị trường, thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành lấy 3 mẫu mực gồm: một mẫu mực nguyên con và 2 mẫu mực khô xé ăn liền gửi đến Viện Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia xét nghiệm.
Kết quả công bố trên trang web của Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm cho thấy, chỉ tiêu protein kiểm nghiệm bằng 88,4% hàm lượng protein của cá mực theo bảng thành phần thực phẩm tại Việt Nam. Chỉ tiêu kiểm nghiệm các thành phần hóa học, phẩm màu, tổng số vi khuẩn hiếu khí, vi sinh vật ở tất cả các mẫu mẫu đều đạt tiêu chuẩn so với quy định.
Trả lời trên báo SK&ĐS, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) khẳng định, Cục ATVSTP cũng đã tìm kiếm nhưng chưa thấy mẫu mực lạ kỳ này trên thị trường.
Trong thời điểm Chi cục CLTT Hải Phòng bắt được lô hàng "mực khô" được xác định không phải từ biển thì trên thị trường cũng rộ lên tin đồn xuất hiện mực khô được làm bằng cao su, giống y như thật. Loại mực này được bày bán công khai tại nhiều nơi, từ các khu danh lam thắng cảnh, khu nghỉ mát đến các chợ có bán đồ hải sản. Khi đốt lên chỉ thoang thoảng có mùi đặc trưng của mực, cho vào miệng nhai thì dai như cao su.
-
V.L (tổng hợp)