Teen đánh nhau và tự sướng… để phá cách
Chuyện học trò đánh nhau thực ra không phải là một chuyện mới mẻ. Nhưng điều đặc biệt ở chỗ, “tác giả” những vụ này lại đều là nữ, “cuộc chiến” được ghi lại và phát tán rộng rãi trong cộng đồng mạng.
TIN BÀI KHÁC
Đánh nhau chỉ vì sợ bị… bỏ rơi
Chỉ đơn giản đây là những bằng chứng xác thực về bạo lực học đường ư? Không hẳn thế! Phải cảm ơn những chiếc điện thoại nhiều chấm đã ghi lại hình ảnh đó chăng? Không chỉ có thế. Nhìn cách hàng hung của kẻ ra tay cũng khá bài bản, thành thạo. Chứng tỏ không chỉ là “giận quá mất khôn” như thông thường. Nhìn cách chịu đòn của nạn nhân và góc quay của người ghi hình cũng không chỉ là một clip đơn giản.
Người xem phải giật mình với “ngôn ngữ điện ảnh” đã khắc hoạ sự bất lực của nạn nhân, sự phán quyết của thủ phạm. Bạo lực là vậy, còn khi teen “giãi bày” cũng thật gớm. Những clip tự làm lộ mình vừa vụng về vừa mạnh bạo. Có lẽ, đằng sau những hình ảnh (tình cờ hay hữu ý) ấy còn là một thông điệp của giới trẻ muốn khẳng định uy lực và vị trí của mình một cách thái quá. Sự thái quá đó nói lên dấu hiệu đang nhạt dần một niềm tin nào đó chăng.
Nữ sinh đánh nhau. Ảnh: Internet
Nhìn từ góc độ sinh học, ở độ tuổi đang trưởng thành, học sinh thường có những hành động bột phát vượt ra ngoài sự kiềm chế của bản thân. Nếu ai đã từng làm trong ngành giáo dục sẽ thấy chuyện học trò va chạm với nhau thường không xuất phát từ sự tự giác sâu sắc. Bởi thế, lí lẽ mà người viết nêu ra ở trên có thể sẽ khiến nhiều người không đồng tình nhưng chúng ta thử suy xét thế này: Nữ sinh thường đánh nhau vì sự đắc tội của một thành viên nào đó với một “ nữ vương” trong trường/lớp. Hoặc là khi phát hiện ra mình có một tình địch tranh giành người tình. Nhưng cả hai lí do đó đều có một điểm chung là lo sợ có kẻ qua mặt về thế mạnh của mình trên phương diện tình cảm. Lo và ghen có người hơn mình và mình bị bỏ rơi.
Phải nói thêm rằng giới trẻ ngày này yêu sớm vì sự tác động của phương tiện thông tin đại chúng, vì sự dậy thì sớm hơn như nhiều nhà khoa học đã khẳng định. Nhưng một phần trong đó còn là chuyện tìm đến tình yêu như là một chỗ dựa tinh thần trước những thứ quá sốc trong đời sống. Những thứ giả vờ đến mức điệu nghệ. Nhiều em ở nhà chứng kiến cảnh bố mẹ “diễn” vở gia đình hạnh phúc. Ra đường gặp cảnh hàng quán “diễn ảo thuật” hàng giả thành hàng thật, lách luật, đánh lừa. Thậm chí, thật đáng buồn nhưng không hiếm, ở nhiều trường học, học trò còn “phải”nhận ra cái giả trong chất lượng giảng dạy và đạo đức của thầy cô. Tất cả những điều đó đều phụ thuộc vào người lớn, vào xã hội, điều chúng có thể tự làm được và chúng tin là không bị đánh lừa là tìm đến một người bạn khác giới và giải toả tất cả những gì mà chúng biết và cho là được.
Có lẽ, các em không biết và cũng không muốn nghĩ nhiều đến những thứ sâu sa hơn như tương lai và sự đánh giá của người lớn. Chưa biết và không muốn biết. Nhưng bản thân giới trẻ lại tiềm ẩn nhiều sự “giả vờ” mà không phải lo một lời thú tội. Có thể nói dối là chưa yêu, có thể “cặp” với nhiều người khác nhau. Miễn sao, người mình yêu sẽ không làm như thế. Sự ngây ngô và vô trách nhiệm đó cứ xoay vần liên tục biến nạn nhân này thành thủ phạm khác tạo ra sự hoang mang trong giới trẻ. Cảm giác bị lừa dối, bị qua mặt đáng sợ như thế đó. Bạo lực học đường thật đau và xót, lòng tin nhường chỗ cho lòng thù hận. Nhìn gương mặt những thủ phạm đang mang trên mình chiếc áo trắng học trò nào cũng lầm lạc và đáng thương.
Sexy để phá cách
Ở một bình diện khác, sự mất lòng tin lại được thể hiện bằng cái âm thầm tự sướng. Nào là khoe cơ thể khi tắm, nào là ăn mặc sexy đọc những lời văn nhạt nhẽo. Nó như một lời tuyên bố về bản thân mình: Tôi là thế, là thật, là ai đó ngưỡng mộ tôi sẽ phải ngước nhìn tôi. Một sự lố bịch, đáng xấu hổ hay trái với thuần phong mĩ tục và đạo đức học sinh, sinh viên chăng? Người viết không có ý bào chữa mà chỉ muốn nói một điều rằng: đó là một cách gây chú ý của các em để phá vỡ sự phẳng lặng hàng ngày, một “phá cách” bằng việc rập khuôn theo những gì hot nhất, nổi nhất.
Một kiểu khẳng định cái “tôi” theo mốt không chỉ mòn sáo mà còn đáng sợ khi cái mốt ấy là một điều xấu. Có lẽ chỉ khi nào vòng tròn của gia đình – nhà trường – xã hội được khép kín tạo nên một bầu không khí trong lành mới giúp các em hồi sinh được một lòng tin vào chính mình. Để có thể ấp ủ và vươn lên thành một thực thể lành mạnh. Thiết nghĩ điều cần kịp và tối quan trọng với giới trẻ là hạt mầm niềm tin ấy. Khi đó những tệ nạn như những mầm bệnh mới được loại bỏ từ gốc.
(Theo Lao động)