Nhà xe "mổ xẻ" sự cố xe khách chìm
Trước những cái chết thương tâm trong vụ chìm xe khách ở Hà Tĩnh, không ai có thể phủ nhận sự thiếu cẩn trọng, vô trách nhiệm của người lái xe. Tuy nhiên, cũng phải kể đến 1 số nguyên nhân khác...
TIN BÀI KHÁC |
|
---|---|
Búa thoát hiểm bị bỏ quên
12h30 (21/10), khi chiếc xe khách được nâng lên khỏi mặt nước chừng 1,5m, lực lượng cứu hộ đã đập vỡ kính để kéo thi thể nạn nhân ra ngoài. Nhiều người dân khi tận mắt chứng kiến cảnh này đã thốt lên: Giá như, những hành khách trên xe có thể đập vỡ vật cản mỏng manh ấy để tự cứu thoát mình thì cảnh tang thương đã không nhiều chết chóc đến như vậy!
Thông thường những chiếc xe có ghế nằm hoặc xe 2 tầng, giường nằm cao cấp đều được thiết kế kính cửa sổ liền vào kết cấu của thân xe, không có chốt cửa. Kính thường được thiết kế khá dày, hành khách không thể mở được cửa sổ theo cách thông thường, chính vì vậy, những chiếc búa thoát hiểm luôn được trang bị theo xe, gắn vào thành xe, phía trên đầu hành khách. Khách chỉ cần đứng lên, với tay lên phía trước là có thể lấy được búa để đập vỡ cửa kính.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, khẳng định: Trong tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn sản xuất xe, các xe kính liền đều có thiết bị phá kính, bao giờ cũng bố trí búa treo dọc thân xe. Về nguyên tắc, người lái xe đều phải được học về các cách cứu hộ trên xe như cứu hỏa, cứu nạn, cách sử dụng búa phá kính… Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên VTC News, không ít lái xe vẫn chưa nắm rõ điều này hoặc nắm được nhưng chỉ “để đấy”, không phổ biến cho hành khách và thường tỏ ra bối rối mỗi khi gặp nạn.
Những chiếc búa thoát hiểm trên xe bị che kín bởi lớp rèm bao phủ, nhiều người không để ý sẽ rất khó phát hiện (Ảnh: Phương Hạ) |
Tại bến xe Nước Ngầm (Hà Nội), trao đổi với phóng viên VTC News, lái xe tên H. thành thật nói: Mỗi xe cửa kính liền đều có từ 1 - 2 thanh sắt dài để dưới gầm ghế, là dụng cụ để phá kính trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, điều hành của xe mới biết vị trí của những thanh sắt này còn hầu hết hành khách đều không biết.
Lý giải về nguyên nhân dẫn tới thảm cảnh vụ chìm xe ở Hà Tĩnh, anh H. bộc bạch: “Trước khi lên xe, hành khách không được tư vấn những cách thoát hiểm khi có sự cố, thậm chí chính lái xe cũng chưa bao giờ được học cách tự cứu mình như thế nào. Tới lúc đó, ai nhanh chân người nấy thoát thôi!”.
Theo quan sát của phóng viên, tất cả các xe giường nằm, kính liền đều có trang bị búa thoát hiểm, tuy nhiên, những chiếc búa này lại thường được để khuất đằng sau những tấm rèm buông hoặc bị mất trong quá trình sử dụng và không được thay thế.
Anh Huy, thợ lái của xe Hoa hồng Open Tour đi tuyến Hà Nội - Quảng Trị cho biết: Mọi người trên xe đa số là nông dân, trẻ em, người già, dân tỉnh lẻ, nhiều hành khách không biết được rằng: những chiếc búa được trang bị để giúp hành khách kiểm soát nỗi sợ hãi, tự tin hơn, tránh hoảng loạn trong những trường hợp khẩn cấp.
“Nhiều người nhìn thấy chiếc búa nhỏ nhắn, dễ thương đã tưởng nhầm và bỏ túi đem về đập đá”, anh Huy chia sẻ những chuyện “dở khóc dở cười” xung quanh chiếc búa.
Còn trên chiếc xe chuyên chở khách sang Lào của lái xe Trần Văn Việt, 10 chiếc búa thoát hiểm được trang bị đầy đủ trên tổng số 12 ô kính, tuy vậy, nếu khách không hỏi hoặc không để ý thì những chiếc búa này khó phát hiện ra bởi chúng được che phủ bởi 1 lớp rèm kín. Trên xe còn có các đồ dùng khác như cờ-lê, các đồ nghề sửa chữa mà theo anh Việt, bất cứ tình trạng khẩn cấp nào, những dụng cụ này đều hỗ trợ đắc lực trong việc phá cửa kính.
Tuy nhiên, cũng phải kể đến nhiều trường hợp: Những tài xế trên xe trình độ học thức còn thấp, nhiều người chỉ kiểm tra xe với những lỗi kỹ thuật, chứ không hề để ý đến những cái búa mà bản thân họ cho rằng: “Gắn vào cho có chứ cũng chẳng quan trọng gì!”.
Các nhà xe "mổ xẻ" sự cố xe khách bị lũ nhấn chìm
Đứng trước những cái chết thương tâm trong vụ chìm xe khách ở Hà Tĩnh, nhiều nhà xe đã cùng “mổ xẻ” các nguyên nhân, trong đó không ai có thể phủ nhận sự thiếu cẩn trọng, vô trách nhiệm của người lái xe. Tuy nhiên, theo các chủ nhà xe, nếu rơi vào hoàn cảnh đó, rất khó có thể thoát nạn.
Ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc Xí nghiệp quản lý bến xe phía Bắc, cho rằng: Tình huống đó xảy ra bất ngờ, đột ngột bị cuốn trôi nhanh như thế, hành khách cũng cuống lên, tranh nhau xô đẩy khi có 1, 2 ô cửa kính được phá vỡ nên việc thoát thân là vô cùng khó khăn.
Cũng theo ông Trúc: Các doanh nghiệp vận tải đều hướng dẫn cho lái xe các quy tắc để thoát hiểm khi gặp nạn nhưng cũng phải tìm hiểu xem việc đào tạo này có hiệu quả hay không. Bởi phá cửa chỉ có tác dụng khi nước chưa ngập tới cửa kính, khi xe đang trụ vững ở trên đường, còn khi nước đã dâng cao, vượt quá mức cửa kính thì đập vỡ kính, đồng nghĩa với việc nước bên ngoài sẽ ùa vào, đẩy hành khách lật ngược trở lại, xe sẽ chìm dần trong biển nước, “như thế chết có khi còn nhanh hơn”, ông Trúc khẳng định.
Chủ lái của xe Dũng Hồng đi tuyến Quảng Bình – Hà Nội cũng xót xa cho xe khách mang biển kiểm soát 48K-5868 trong chuyến đi tử thần vừa qua: Xe của anh cũng là xe có cửa kính liền, các dụng cụ thoát hiểm đều sẵn nhưng nhiều trường hợp xảy ra bất ngờ quá, không biết xử lý thế nào. “Khẩn cấp như thế, nhiều hành khách hoảng loạn, người níu áo, người kéo tay, người quàng cổ, cấu, kéo, chắc tôi cũng không thể làm gì được”, lái xe này chia sẻ.
Anh Huy, chủ lái của xe đi tuyến Hà Nội - Quảng Trị, cũng thừa nhận: “Phải rơi vào tình huống đó mới cảm thấy thế nào. Hành khách trên xe lúc đó đang ngủ, không phải ai cũng thức, khi gặp nạn, có người hô hào thì chắc chắn, ai nấy đều sẽ hoảng loạn, việc bình tĩnh để xử lý theo nguyên tắc thoát hiểm là rất khó”.
Thêm nữa, theo anh Huy, thời gian đó là vào buổi đêm, khi nước ngập mênh mông, đèn chiếu rọi trước xe lấp lóa, lái xe sẽ không thấy gì cả, chẳng khác nào người đui mắt đang mò mẫm tìm đường, rất nguy hiểm. Với những trường hợp như thế, khi mực nước ngập quá nửa bánh xe, lái xe không đủ tự tin để kiểm soát đường xá, anh Huy khuyên hành khách nên yêu cầu dừng xe, nghỉ ngơi đợi nước rút: “Cái gì chậm thì đều có thể làm lại được chứ rơi vào đường chết thì không có cách nào cứu thoát”, anh Huy kết luận.
Để thoát ra khỏi xe và trở về sống sót trong tình huống bị lũ cuốn trôi là điều rất khó, theo ghi nhận của các thợ lái xe (Ảnh: Hồng Thắng) |
Hãy tự cứu mình trước khi để người khác cứu
Chiếc xe khách bị lũ cuốn kéo theo cái chết thương tâm của 20 con người đã khiến tất cả bàng hoàng đau xót. Nhiều người đã tự đặt ra câu hỏi: Phải làm gì trong hoàn cảnh đó, để rồi lại lắc đầu xót xa: Phải chăng cũng bởi chúng ta chưa tự biết cách cứu mình?
“Trong trường hợp như thế, hành khách phải tự tìm lối thoát hiểm cho mình”, đó là lời khuyên duy nhất mà ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - có thể đưa ra cho hành khách trong những tình huống như trên.
Ông Hùng cho biết: Theo lý thuyết, không có một văn bản nào qui định mực nước cao bao nhiêu thì xe không được phép đi mà người lái xe phải biết quan sát và dự đoán. Ngoài ra, trên xe ô tô ở Việt Nam chỉ trang bị bình cứu hỏa, chứ không có phao cứu sinh, áo bơi như ở tàu, thuyền. Lũ lụt là bất khả kháng, các nhà xe nên nghe dự báo thời tiết để chuẩn bị những trang thiết bị cần thiết để đảm bảo an toàn cho hành khách, ngược lại, hành khách cũng nên chủ động đối phó với những tình huống bất ngờ xảy ra, ngoài dự tính.
Theo lời kể của ông Lực - người đã sống sót trong vụ chìm xe kinh hoàng: Khi tài xế yêu cầu mọi người đập vỡ cửa kính, ngay lập tức hàng chục cánh tay cứ đấm thình thịch vào cửa nhưng không có kết quả. Tuy nhiên, theo các chủ xe, cửa kính xe giường nằm tuy dày nhưng vì là một khối liền nên chỉ cần một lực tác động đủ mạnh là sẽ tung ra ngay. Anh Trần Văn Việt, một thợ lái của xe giường nằm cao cấp nói: “Chỉ cần khách đưa chân ra đạp là kính vỡ, hoặc nếu như hành khách đang nằm, trong tư thế đó, dùng lực chân táng vào kính thì có khi cả người lao ngoài luôn”.
Bạn Hồng Ngát, một hành khách thường xuyên đi xe khách Đại Phát vào Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm: Nếu không tìm thấy búa thoát hiểm thì người ngồi trên xe cũng có thể thay bằng khóa kim loại của thắt lưng. “Ta gập đôi thắt lưng rồi cầm cách khóa khoảng 10cm vụt liên tiếp thật mạnh vào kính, chắc là hiệu quả hơn tay không, khi kính nứt dùng gót chân đạp thật mạnh sẽ thoát được ra ngoài”.
Trong mục phản hồi của độc giả, chị Trần Thị Cẩm Lệ cũng đưa ra sáng kiến: “Theo tôi, chiếc xe có giường nằm đều được làm bằng mút hoặc một chất liệu nhẹ, có thể nổi. Trong trường hợp này, có thể xé những chiếc giường đó để làm phao cứu sinh. Giá như, trong lúc nguy cấp, những người gặp nạn trong chiếc xe định mệnh kia nghĩ ra điều này thì chỉ cần vài chiếc đệm nằm thôi đã cứu được những mạng người vô tội kia rồi”.
“Dường như các chủ phương tiện đi lại và ngành quản lý giao thông chưa ý thức được tầm quan trong của các dụng cụ sơ cứu, cứu hộ trên phương tiện”, “Mạng sống con người sao lại được coi rẻ đến như vậy”, đó là trăn trở của không ít người dân Việt Nam khi chứng kiến cái chết thương tâm của 20 con người trên chuyến xe khách vừa qua.
Để rồi, nhiều người phải tự an ủi: “Hãy học cho mình những kĩ năng sống, đó có thể là cách mà bạn tránh được một con chó khi nó muốn nhảy vào cắn bạn, tránh một con rắn mà bạn vô tình gặp trên đường, tự cứu mình khỏi đám cháy, khỏi động đất, khỏi một cơn lốc bất chợt đi qua hay bị lật thuyền….”
“Mỗi người dân hãy ý thức tự cứu mình trước khi chờ người khác đến cứu bởi ở phương Tây, cha mẹ không ra mặt bảo vệ con, mà họ dạy cho con biết bảo vệ chính mình”, một bạn trẻ ở Quảng Bình – nơi từng ngày đang hứng chịu cảnh thiên tai, lũ lụt nhắn nhủ.
(Theo VTC)